Ai yêu thương đều là Kitô hữu (Trích trong ‘Niềm
Vui Chia Sẻ’)
Một buổi tối nọ,
Mẹ Têrêsa thành Calcutta tiến lại gần một
người, người ta vừa mang vào căn nhà dành cho
những người hấp hối. Đó là
một bà lão. Mình phủ đầy những
mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những
vết thương hôi thối. Mẹ
Têrêsa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc
để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người
đàn bà đáng thương nầy đang hấp hối…
có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm
cách an ủi lần cuối cùng bằng
một chén xúp nóng và tràn đầy tình thương yêu. Người
đàn bàn đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi
Mẹ Têrêsa bằng một giọng thều thào: “Tại
sao bà lại làm như thế?”
Mẹ Têrêsa trả lời:
-
“Bởi vì tôi rất yêu mến bà…”.
Một tia
sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất
tận đáy lòng đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của
người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần
đã bắt đầu xuất hiện.
-
Ôi, bà hãy nhắc lại một lần
nữa đi!
-
Tôi rất yêu mến bà,
Mẹ Têrêsa lập lại
bằng một giọng điệu rất dịu dàng.
-
Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi
bà!
Người đàn bà
đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ
Têrêsa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ
hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những
lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời nầy…Bằng
chính tình yêu của mình, Mẹ Têrêsa đã làm chứng cho tình
yêu của Thiên Chúa đối với loài người chúng
ta – “Yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương
chúng ta” – Và đó cũng là điều răn mới của
Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, trong nỗi bồi hồi xúc động
của giây phút chia ly, đã dốc hết lòng mình với
các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều
răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Lời di chúc
của người sắp ra đi thật là trang trọng
và thâm sâu! Trước đó, Thầy đã khẳng định
đây là mệnh lệnh, là giới răn của Thầy!
Vì là giới răn, là mệnh
lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ
của người môn đệ phải mang chiều kích của
Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã
yêu thương anh em”. Vì là giới răn của Thầy,
nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng
chứng, là danh hiệu của người môn đệ: mọi
người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy
khi anh em yêu thương nhau.
Nhưng, thưa anh chị
em, yêu thương nhau, đâu phải chỉ có kitô giáo mới
giảng dạy. Văn hoá Á Đông đã từng nêu châm ngôi: “Tứ hải
giai huynh đệ”: bốn biển là anh em. Đạo lý
cha ông ta cũng đã răn dạy: thương người
như thể thương thân, để nói lên tấm lòng
thương yêu rộng mở của người đối
với người trong một xã hội.
Vậy thì giới răn
yêu thương của Kitô giáo có đem đến cái gì mới
mẻ hơn chăng?
Chỉ dựa vào lời di
chúc của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, chúng
ta đã tìm ra được nét độc đáo và đặc
thù của tình yêu Kitô giáo. Đó là yêu thương anh em
như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em
là dấu chứng thuộc về Chúa Giêsu.
Nét mới mẻ của
tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước
đo tình yêu đối với tha nhân không còn là “tình anh em
máu mủ”, cũng không còn là “bản thân mình” nữa. Mẫu
mực, thước đo của tình yêu Kitô giáo là chính tình
yêu của Chúa Giêsu Kitô. Cả cuộc đời của
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là tình yêu
trao ban, là tình yêu dâng hiến. Chúa Giêsu khi nói về tình yêu của
Thiên Chúa và cũng là tình yêu của chính mình, Ngài đã khéo so
sánh: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng
sống cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Đó là bản đúc kết,
là bản tóm tắt nội dung cuộc sống và cái chết
của Đấng bị đóng đinh thập giá để
nói lên tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người. Một Thiên
Chúa đầy lòng nhân ái, đầy tình thứ tha đối
với hết mọi người không trừ ai. Tình
yêu thương vô bờ bến đó phải là mẫu mực
để chúng ta noi theo.
Chúa Giêsu không đòi các môn
đệ của Ngài phải thông thái như các thầy kinh
sư và ký lục. Ngài cũng không bắt họ phải sống
nhiệm nhặt, gò bó như nhóm người Biệt phái
Pharisêu trong việc tuân giữ các giới luật.
Điều Ngài đòi nơi các môn đệ, chỉ một
điều duy nhất mà thôi, là phải yêu thương anh
em, yêu thương người khác như chính Ngài đã yêu
thương mọi người đến tột cùng,
đến hết khả năng yêu thương của
Thiên Chúa.
Chính tình yêu thương vô vị
lợi, phổ quát, bao dung nầy sẽ là dấu chứng
của những người tin theo và
tuân giữ Lời Chúa. Người môn đệ
Chúa Giêsu là người biết yêu thương tha nhân và
ngược lại. Ngay từ cộng
đoàn các Kitô hữu tiên khởi, dấu chứng tình yêu
đã trở thành chứng tá của Chúa Kitô Phục Sinh.
Trong suốt lịch sử Giáo Hội, các người bên
ngoài Giáo Hội cũng vẫn nhận ra Chúa là tình yêu xuyên
qua những chứng từ sống động của một
tấm lòng vị tha, bác ái của người tín hữu.
Thưa anh chị em,
Trong cuộc sống hằng
ngày, không phải chúng ta không biết đến đòi hỏi
căn bản nhất của Tin Mừng là yêu thương
tha nhân như Chúa đã yêu thương họ. Chúng ta
cũng vẫn được giảng dạy: Tình yêu là dấu
chứng thuộc về Chúa. Thế nhưng, từ chỗ
biết đến chỗ sống, luôn luôn vẫn có một
khoảng cách: chúng ta vẫn thích lấy lòng mình làm thước
đo tình yêu dành cho tha nhân. Chúng ta vẫn muốn
giới hạn tình yêu tha nhân trong một mức độ
nào đó để khỏi phải quá thiệt thòi cho mình.
Chúng ta vẫn muốn dựa vào tấm áo hay một danh
xưng để xác định chúng ta thuộc về Chúa,
chứ chúng ta chưa dám “liều mạng” để chỉ
khẳng định chân tính Kitô hữu của mình bằng
ý nghĩa và hành động yêu thương chân thật. Vì
thế mà ngay đối với người bên cạnh, có
thể là linh mục chánh hay phó xứ, có thể là một
anh chị em trong cộng đoàn, có thể là cha, mẹ, vợ,
chồng, con cái, chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cái lý
luận trần tục: người ta đối xử với
tôi thế nào, tôi đối xử lại như thế ấy!
Quan hệ của chúng ta với tha nhân còn mang
nặng tính vụ lợi, đổi chác, mua bán. Và
cách sống thấp hèn như vậy chẳng nói được
với ai điều gì về niềm tin của chúng ta vào
Thiên Chúa Tình Yêu cả! Trái lại, cách sống ấy là một
phản chứng về Thiên Chúa, không làm cho ai tin được
Thiên Chúa của chúng ta. Bởi vì “người
ta cứ dấu nầy mà nhận ra anh em là môn đệ của
Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau”. “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em
cũng hãy yêu thương nhau”. Vậy, ai không yêu
thương nhau, người ấy không phải là Kitô hữu,
hay đúng hơn, đó là kẻ chối đạo. Thiên Chúa là tình yêu. Đạo
Thiên Chúa là đạo yêu thương nhau. Không yêu thương nhau là không biết Thiên Chúa, là
chối đạo.
Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục
làm chứng bằng cuộc sống Kitô hữu của chúng
ta rằng: Đạo Thiên Chúa là đạo yêu thương
nhau. Hãy để cho lòng mình lắng đọng để ân sủng Chúa giúp chúng ta thấy hết tầm
mức của giới răn mới và những khoảng
cách xa vời trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta
quyết tâm sống giới răn yêu thương của
Chúa như chính Chúa đã sống và truyền dạy chúng ta.