LỜI KÊU CẦU
CỦA CON CHIÊN
Một
con chiên nhỏ ham vui, lạc đàn. Nó muốn quay về nhưng bí lối, quên
đường. Bản tính loài chiên Tạo Hóa cho hiền lành, nhưng chậm chạp, khù
khờ. Nó không có sự khôn ngoan của loài chó biết vẫy đuôi vui mừng khi chủ
gọi, vỗ đầu. Nó không biết để dấu trên đường đi nên khi lạc lối không nhớ
nẻo về. Bởi đó, chiên cần người
chăn. Giữa
núi đồi bao la, con chiên nhỏ không biết làm gì khác hơn là lớn tiếng kêu vang,
hy vọng người chăn chiên nghe thấy, rồi tìm đến, mang nó về đàn. Nhưng đáp
lại chỉ là sự im lặng của cỏ cây, đồi núi. Nó mệt lả, ngất đi. Bỗng
nó nghe tiếng chó sủa, tiếng gậy roi đập vào các lùm bụi từ xa. Người chăn chiên
đang tìm nó! Nó vốn sợ chó, sợ đòn gậy. Nó cũng không còn sức để
lớân tiếng kêu cầu. Nó khiếp sợ, thiếp đi. Người chăn chiên đi qua,
vô tình không hay biết. Khi tỉnh lại, nó nghe tiếng chó và gậy roi đã đi
xa. Trước mặt nó là hố sâu, thung lũng. Sau lưng là vách đá trơ
trơ. Ngày mai, người chăn chiên sẽ trở lại kiếm nó? Hay nó đã được
ghi là mất tích? Ngày mai biết nó còn sống không? Trời cao có
thấu? Tuyệt vọng... Phó mặc! Nó lầm lũi bước đi... Về
đâu?
Chó và gậy là hai vật không thể thiếu đối với người chăn chiên, hai dụng
cụ hành nghề tất yếu, hai phụ tá đắc lực. Đối với người mục tử nhân lành,
gậy dùng để chỉ đường dẫn chiên đến những đồng cỏ xanh, suối nước mát; và khi
cần, gậy trở thành khí cụ dùng để bảo vệ đàn chiên chống lại loài lang sói đang
rình rập chờ vồ mồi. Nhưng đối với người chăn thuê, gậy tượng trưng cho
quyền hành chỉ huy, ra lịnh, chủ yếu là phương tiện trừng phạt những con chiên
lạc đàn. Chó giúp kiềm giữ chiên đi theo hàng ngũ. Khi thấy con
chiên nào muốn rời đàn đi riêng, chó sủa lên để báo hiệu cho người chăn và đồng
thời cũng để làm chiên lạc hoảng sợ quay về, nhất là những con chiên thích chạy
nhảy tung tăng, hoặc mải mê ngắm nhìn trời cao, hoặc đang khao khát muốn tìm một
dòng nước mát trong lành hơn.
Thời xưa, đối với dân Do
Thái, con chiên là một tài sản đáng kể, được chủ tận tình chăm sóc sớm
hôm. Khi một con chiên đi lạc, người chăn chiên không quản công khó nhọc
đi tìm kiếm khắp nơi suốt ngày, tìm mãi cho đến khi gặp lại mới thôi. Liên
hệ giữa người và vật là liên hệ yêu thương gắn bó. "Ta biết con chiên Ta và con
chiên Ta biết Ta" (Yn 10:14). Người chăn chiên biết rõ đặc tính từng con
một và chiên cũng dễ dàng nhận ra tiếng chủ chăn của mình. Ngày nay, cuộc
sống đã đổi thay, người chủ chăn có bao nhiêu việc phải lo liệu, tính toán, bao
nhiêu thứ ưu tiên hàng đầu, ngổn ngang trăm mối... Con chiên lạc không còn là
đối tượng đáng để ý quan tâm. Liên hệ giữa người với người là liên hệ khế
ước, hợp đồng, liên hệ kinh tế, tài chánh, liên hệ bổn phận và quyền lợi, nói
khác đi, liên hệ theo lối tiền trao cháo múc! Con chiên thường không còn
nhận ra tiếng người chăn, và chủ chăn cũng không biết con chiên mình, trừ những
con chiên béo mập, ngoan ngoãn, vâng lời, biết làm bùa làm phép...
********************************
Vậy, “Lạy Chúa Yê-su, xin hãy đến, hãy tìm
kiếm tôi tớ Chúa, tìm kiếm chiên lạc của
Chúa. Hỡi
Mục Tử, xin tìm kiếm, như Yu-se đã tìm kiếm những con chiên của
ông...
Chiên của Chúa còn lạc đường, bao lâu Chúa còn trì hoãn, còn dừng chân lại trên
núi non. Xin Chúa hãy để lại 99 con chiên và lên đường tìm một con đang
lạc lối.
Xin hãy đến và đừng mang theo chó. Hãy đến và đừng đem theo những người
làm thuê thô lỗ. Hãy đến, và đừng dẫn theo người chăn thuê không biết đi
qua cửa chính. Hãy đến, không mang theo người trợ giúp, không người trung
gian, vì từ lâu con vẫn đang chờ đợi Chúa
đến. Con
biết rằng Chúa sắp đến, nếu thực là con đã không quên giới lệnh của Ngài.
Hãy đến mà đừng mang gậy gộc, trái lại, với tình yêu thương và thái độ từ nhân
khoan thứ." (Lời kinh của thánh Ambrôsiô,
trích Chứng Nhân Hy Vọng, FX. Nguyễn Văn Thuận, Regina 2000, tr.
50).
Xin
Chúa Thánh Thần xuống, không phải chỉ bây giờ và sau này, nhưng mãi mãi và luôn
luôn, để canh tân Giáo Hội Chúa từng ngày, từng giờ, từng mỗi phút
giây. Xin
Chúa Thánh Thần xuống để thêm sức mạnh cho các mục tử của Chúa sống trung thành
với lời khấn hứa khó nghèo, thanh sạch, và thấu hiểu "điều răn mới" để đàn chiên
luôn nhìn thấy hình ảnh của Chúa yêu thương nơi vị chủ chăn của
mình. Xin
Chúa Thánh Thần xuống để hoán cải và đổi mới mỗi người chúng con, để chúng con
luôn xứng đáng với tình yêu của Chúa Yê-su Cứu Thế.
Chúa
ơi, xin hãy đến! Bao nhiêu con chiên đang mong chờ
Ngài!
Nguyễn Bửu Đồng
|