Vào Tuần Thánh năm 2010 này, quyền lực bóng tối đã khai hỏa cuộc tổng
tấn công đánh thẳng vào Vatican, vào vị lãnh đạo giáo hội Công giáo là ĐGH Biển
Đức XVI, sau cả chục năm các mặt trận truyền thông bùa phép bủa vây đánh vòng
quanh ở nhiều nơi và nhiều phía. Và sau đó là các cơ quan từ tầm cỡ lớn đến các
tờ báo ở mỗi địa phương đều đồng loạt tiền pháo hậu xung liên tiếp trong nhiều
ngày, có bài bản, theo đúng chiến thuật và chiến lược trong một chiến dịch tổ
chức qui mô như nhận định của giáo sư Elizabeth Lev.
(Mời đọc bài viết của Gs. Elizabeth Lev: Những
kẻ thua đau trong Tuần Thánh Năm 2010)
Tự nhiên nhiều người nhắc tới lời tiên tri của thánh Malachy
được ghi lại vào năm 1139 khi viếng Roma, về 112 vị giáo hoàng, mà ĐGH Biển Đức
là vị áp cuối cùng.
Đức Giáo Hoàng áp cuối cùng, tức thứ 111, biệt hiệu trong
lời tiên tri Thánh Malachy là "Vinh Quang của Cành Ô-liu"
(Gloria Olivæ, the Glory of the Olive). Vị Giáo
hoàng này chăn dắt Giáo Hội trong thời kỳ khởi đầu cuộc bách hại.
Điều kỳ diệu là Chúa Giêsu nói lời tiên tri về thời tận cùng
cũng trên núi Ô-liu. Vị Giáo hoàng này chăn dắt Giáo hội trong thời kỳ khởi đầu
sự bách hại mà Chúa Giêsu đã nói đến trong Kinh thánh. Vị Giáo hoàng này sẽ có
liên quan tới cây/cành Ô-liu vẫn được xem là dấu chỉ của hòa bình, hay cũng có
thể liên quan tới cây, trái ô-liu. Dòng thánh Benedict nói rằng vị Giáo hoàng
này đến từ nhà dòng của họ, vì dòng còn được biết như là "những người của hòa
bình". Thánh Benedictô đã nói tiên tri rằng trước ngày tận cùng của thế giới,
người của nhà dòng ngài sẽ chiến thắng dẫn dắt Giáo hội chống lại sự dữ.
Đức Giáo Hoàng thứ 112 cuối cùng, biệt hiệu trong lời tiên
tri Thánh Malachy là "Phêrô thành Rôma". Lời tiên tri viết về vị Giáo hoàng thứ
112 này: "Trong thời kỳ bách hại sau cùng của Giáo hội La mã, Phêrô thành Rôma
sẽ lên ngôi, người sẽ chăn dắt đoàn chiên giữa những cơn bách hại; sau khi một
thành phố 7 đồi (tức Rôma) bị phá huỷ và một vị Quan Án kinh hoàng sẽ xét sử
muôn dân."
LẤY TÊN LÀ
BÊNÊĐICTÔ
Những ngày sửa soạn bầu giáo hoàng kế vị Đức Gioan Phaolô II
vào tháng 4 năm 2005, tôi tự nhiên nhớ lại hình như đâu đây có lời tiên tri về
các vị giáo hoàng. Thế là tôi đã tìm trong mạng lưới và thấy ngay. Những lời
tiên tri này là của thánh Malachy vào năm 1139. Ngài là giám mục giáo phận
Armagh bên Ái nhĩ lan. Năm đó ngài có dịp về Roma bái kiến ĐGH Innocentê II.
Trong thời gian ở đó, ngài đã thấy một thị kiến về 112 vị giáo hoàng sau đó,
liền viết ra và trao cho ĐGH Innocentê II.
Mỗi vị giáo hoàng đều được nói tới qua một câu bằng tiếng
La-tinh diễn tả đặc điểm. Những lời tiên tri về các vị giáo hoàng trước đây khá
đúng cách này hoặc các khác. Lời tiên tri về ĐGH Gioan Phaolô II là "De Labore
Solis" nghĩa là Mặt Trời Lam Lũ hay Nhật Thực. Quả thực cuộc đời của ngài ra đi
không ngừng nghỉ cho đến những ngày già cả bệnh tật cuối cùng.
Buổi tối ngày 18 tháng 4 năm 2005, ngày đầu tiên bầu giáo
hoàng mà chưa có kết quả, tôi ngồi đọc những lời tiên tri trong danh sách 112 vị
giáo hoàng, thì ĐGH Gioan Phaolô II là thứ 110. Và đức giáo hoàng kế vị sẽ là
thứ 111, áp cuối cùng trong danh sách.
Đây là vị giáo hoàng áp cuối vào thời sau hết? Câu nói trong
lời tiên tri thánh Malachy về vị giáo hoàng này là "Vinh Quang Ngành
Ô-liu" (Gloria Olivae, the Glory of the Olive). Vị Giáo hoàng này chăn dắt Giáo
hội trong thời kỳ khởi đầu sự bách hại mà Chúa Giêsu đã nói đến trong Kinh
thánh. Vị Giáo hoàng này sẽ có liên quan tới cây/cành Ô-liu vẫn được xem là dấu
chỉ của hòa bình. Dòng thánh Benedictô nói rằng vị Giáo hoàng này đến từ nhà
dòng của họ, vì dòng còn được biết như là "những người của cành ô-liu". (The
Benedictine order traditionally said this Pope would come from their order).
Thánh Benedictô (Biền Đức) đã nói tiên tri rằng trước ngày tận cùng của trật tự
thế giới, nhà dòng của ngài sẽ chiến thắng dẫn dắt Giáo hội chống lại sự dữ.
Đọc xong tôi tự hỏi liệu những lời trên đây sẽ nghiệm tới cỡ
nào. Vì trong các hồng y kỳ này có ai là từ dòng Bênêdictô đâu!
Vậy là ngày hôm sau, 19 tháng 4, vào lúc 5:45 chiều giờ Roma
(tức lúc 10:45 sáng giờ New Orleans), tôi mở TV thì thấy khói trắng đang bốc ra
từ ống khói trên nóc nhà nguyện Sistine. Mọi người đang tuốn vào công trường
thánh Phêrô để chứng kiến giây phút lịch sử. Đúng 6:05 thì chuông nhà thờ thánh
Phêrô vang lên reo vui. Và giây phút quan trọng đã đến: đúng 6:40 chiều (giờ
Roma) thì đức hồng y Jorge Medina Estivez tiến ra bao lơn đền thờ thánh Phêrô
tuyên bố: "Habemus Papam" nghĩa là "Chúng Ta Đã Có Giáo Hoàng." Nhiều người hồi
hộp chờ đợi, nghĩ rằng vị giáo hoàng mới chắc thế nào cũng lấy tên là Gioan
Phaolô III để theo bước chân vị mục tử đang quá nổi tiếng.
Lời tuyên bố tiếp: vị giáo hoàng mới là đức hồng y Josef
Ratzinger, lấy tên là Benedictô XVI.
Nghe vậy tôi bèn giật bắn người lên. Sao lần này lời tiên
tri lại có thể đúng quá như thế. Chỉ khác là đức hồng y Josef Ratzinger không
phải là người thuộc dòng Benedictô, nhưng lại lấy tên là Benedictô để nói lên
cái tinh thần của thánh Benedictô chăng?
Thế là biết bao nhiêu suy diễn đầy tràn trên các mạng lưới.
Rằng sắp đến ngày tận thế! Vì chỉ còn một vị nữa là hết danh sách! Câu nói
tiên tri về vị giáo hoàng cuối cùng, tức thứ 112 là "Phêrô thành Rôma." "Trong
thời kỳ bách hại sau cùng của Giáo hội Rôma, Phêrô thành Rôma sẽ lên ngôi, người
sẽ chăn dắt đoàn chiên giữa những cơn bách hại; sau khi một thành phố 7 đồi (tức
Rôma) bị phá huỷ và một vị Quan Án kinh hoàng sẽ xét sử muôn dân."
AI LÀ
MALACHY?
Thánh Malachy sinh năm 1094 với tên gọi O'Margair trong một
gia đình quý phái ở thành phố Armagh, Bắc Ái Nhĩ Lan. Ngài được rửa tội lấy tên
La-tinh là Maelmhaedhoc, nhưng ngài được biết đến với tên gọi là Malachy. Sau
một thời gian dài học hành, ngài quyết định thay vì sẽ làm công việc giống như
cha ngài đang làm, ngài có ước muốn trở thành một linh mục Công giáo, thụ phong
linh mục vào năm 1119 ở tuổi 25. Ngài tiếp tục theo học thần học ở Lismore. Năm
1127, ngài trở thành cha giải tội cho Cormac MacCarthy, hoàng tử của Desmond,
người sau này trở thành Vua của Ái Nhĩ Lan. Ngài được phong làm Tổng Giám mục
Armagh vào năm 1132. Thánh Malachy qua đời trong lúc hành hương Rôma lần thứ hai
vào năm 1148. Ngài được Đức Thánh Cha Clemente III phong thánh vào ngày
6/7/1199. Điều kỳ diệu trong những lời tiên tri của Thánh Malachy là việc tiên
đoán về ngày và giờ chết của chính ngài, và đã xảy ra đúng như thế.
Thánh Malachy có ơn chữa lành giúp người bệnh tật. Ngoài ra,
ngài còn có ơn bay bổng và ơn tiên tri thấu thị. Nhiều phép lạ đã xảy ra liên
quan tới những mục vụ của Ngài. Ngài còn được ban cho ơn tiên tri, mà một trong
nhưng lời tiên tri quan trọng nhất ngài nhận được trong một thị kiến ở Rôma vào
năm 1139 liên quan đến những Vị Giáo Hoàng sau này - từ Đức Giáo Hoàng Innocent
II cho tới thời kỳ tận cùng của thế giới. Ngài đã làm thơ để mô tả mỗi một Đức
Giáo Hoàng, và đã trao bản viết tay cho Đức Giáo Hoàng Innocent II, và kể từ đó
lời tiên tri của Ngài không được nhắc tới cho mãi đến năm 1590, thì được in ra
sách, và đã trở thành điểm tranh luận nóng bỏng về tính chất nguyên thuỷ và
chính xác của lời tiên tri. Theo như lời tiên tri của Thánh Malachy, thì chỉ còn
2 Đức Giáo Hoàng nữa sau Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì tới tận cùng thời
gian, mà Đức Giáo Hoàng cuối cùng sẽ mang danh hiệu "Thánh Phêrô thành
Rôma."
Thánh Malachy viết những lời tiên tri về các Đức Giáo Hoàng
với những danh hiệu liên quan tới tên gọi nơi gia đình, nơi sinh, huy hiệu hay
văn phòng đang nắm giữ trước khi được bầu lên Giáo hoàng. Một số đoạn viết là
những lời tiên tri đa dạng được viết rất tài tình bởi lối dùng chữ. Thí dụ như,
Đức Giáo hoàng Piô II làm Giáo Hoàng trong vòng 26 ngày vào năm 1503, được Thánh
Malachy mô tả là "từ một người đàn ông nhỏ". Tên gia đình của ngài là
Piccolomini, tiếng Ý nghĩa là "người đàn ông nhỏ". Thỉnh thoảng, quá khứ cá nhân
của Đức Giáo Hoàng là một phần của biệt hiệu được viết bởi Thánh Malachy. Đức
Giáo Hoàng Clement XIII (1758-1769) là người có những liên hệ với chính quyền Ý
của bang Umbria và có huy hiệu là một bông hoa hồng, đã được Thánh Malachy mô tả
với biệt hiệu là "Hoa hồng của Umbria."
Thời gian qua đi đã chứng tỏ cho những người nghi ngờ về lời
tiên tri của thánh Malachy, vì những lời tiên tri của ngài đã thực sự chính xác
đến độ làm ngạc nhiên người ta.
CHAO ĐẢO HAY ĐỊNH
HƯỚNG?
Hình như thiên hạ thích suy diễn về ngày tận thế. Ngay thời
trước 1975 ở Việt Nam, lâu lâu dân chúng lại đổ đi mua nến vì sẽ có tối trời ba
ngày! Rồi tới thời điểm chuyển sang thiên niên kỷ mới năm 2000, thiên hạ lại
càng nhiều xôn xao.
Danh sách chỉ có 112 không có nghĩa là không còn vị nào nữa.
Thánh Malachy chỉ nhìn thấy tới đó thì sao? Mà thời tận cùng là thời kỳ gì? Tận
cùng các vị giáo hoàng từ Âu châu? Tận cùng thời giáo hội bị điêu đứng, bị chao
đảo, bị tấn công từ nhiều phía? Cứ nhìn vào những "bàn tay lông lá" của những
"bạo chúa" truyền thông những năm qua và những ngày vừa qua thì rõ. Muốn dán
nhãn hiệu xấu hay tốt, bảo thủ hay cấp tiến là cứ tự tiện khuynh đảo hành
xử.
Tại sao đức tân giáo hoàng không lấy tên là Gioan Phaolô III
mà lại chọn là Bênêđictô XVI? Điều này có liên hệ gì tới cành ô-liu hay tinh
thần thánh Biển Đức và dòng Biển Đức?
Nhiều người đã tiết lộ là đức hồng y Josef Ratzinger mỗi lần
tĩnh tâm thường tới nhà dòng Monte Cassino ở gần Roma, là nơi thánh Biển Đức đã
lập dòng vào thế kỷ thứ 6. Thánh Biển Đức đã khơi lên trong giáo hội một trào
lưu nội tâm là đường hướng tốt nhất để vượt qua những chao đảo và bảo toàn được
Giáo Hội vào thế kỷ thứ 6.
Thế là mọi người đều tìm đọc bài giảng của đức hồng y Josef
Ratzinger trưởng hồng y đoàn trong ngày khai mạc cơ mật hội. Và vỡ lẽ ra rằng
đây không ngờ mà lại là một bài giảng mang tính chất tiên tri và viễn kiến mở
hướng đi cho giáo hội đầy tin tưởng lạc quan trong những ngày sắp
tới.
"Chúng ta không thể cứ mãi là những trẻ thơ trong đức tin,
trong trạng thái vị thành niên. Cứ mãi là những trẻ thơ trong đức tin nghĩa là
gì? Thánh Phaolô trả lời: nghĩa là “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió
đạo lý.” (Eph 4:14). Một diễn tả rất thời sự!
Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến
trong những thập niên cuối cùng… Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã
thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực
khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ
nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy
huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân.
Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về
sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (x
Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán
cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình
“bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức
hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ
nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý
muốn của mình là mẫu mực duy nhất."
TIN VUI CHIẾN THẮNG VINH QUANG CỦA
CÀNH Ô-LIU (Chúa nhật 4c Mùa Phục
sinh)
Vậy là câu trả lời đã khá rõ. Trong những tù mù xáo trộn bị
sóng đánh trôi dạt, hãy tìm vào đời sống nội tâm và bầu khí phụng vụ thánh
thiêng như tinh thần của thánh Biển Đức. Đây là lời quả quyết của chính đức hồng
y Ratzinger trong bài giảng trên:
"Trái lại chúng ta có một mẫu mực khác, đó là Con Thiên
Chúa, là người thật. Ngài là thước đo của chủ nghĩa nhân bản đích thật. Đức tin
“trưởng thành” không phải là một đức tin trôi theo những làn sóng thời thượng
hay mốt mới. Đức tin với vóc dáng đầy đủ và trưởng thành là một đức tin ăn rễ
sâu xa nơi tình bằng hữu với Chúa Kitô."
Tin Mừng tuần này trả lời như vậy. Đang khi quyền lực bóng
tối xem chừng tung hoành lấn lướt và nhiều người nghĩ Chúa như ngủ quên để mặc,
thì Chúa có mặt ra tay và giõng giạc tuyên bố:
27 “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng
theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải
diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.” (Gioan 10:27-28)
Trong lúc thiên hạ bàn tán về một ngày tận thế mơ hồ nào đó,
trong lúc nhân loại càng lún sâu vào xô xát giẫy giụa do những xung khắc tham
vọng quyền lực hay những bùa phép toàn cầu của "trật tự mới", khiến lòng người
chao đảo, tâm hồn tín hữu xôn xao mất hướng đi, ĐGH Biển Đức XVI đang mở
hướng đối thoại hòa giải và hóa giải. Mọi người đang chờ đợi một vị lãnh đạo,
với cành ô-liu vinh thắng, tiếp tục hô to như ĐGH Gioan Phaolô II: "Đừng Sợ!" Vì
chính Chúa là con đường và là người dẫn đường. Dù chỉ với con người dòn mỏng,
ĐGH Gioan Phaolô II đã làm thay đổi thế giới và lòng người thời đại. Dù với bàn
tay run rẩy của tuổi già bệnh tật, ĐGH Gioan Phaolô II vẫn thu hút cả mấy triệu
người trẻ trong mỗi dịp đại hội giới trẻ thế giới. Và ngay dù đã nằm xuống, xác
thân bất động, con người với ơn thánh đó đã kéo biết bao triệu người tuốn về
Roma trong ngày vỗ cánh bay lên. Đó là sức mạnh của niềm tin và của con tim nhân
ái xóa bỏ được mọi làn ranh.
"Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc
Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa." (Gioan 14:12)
TỪ MỘT THỜI BỊ NGUYỀN RỦA TỚI MỘT
THỜI ĐƯỢC CHÚC PHÚC
Sắp sửa tận thế hay sửa soạn một thời ân sủng? Bài giảng
mang chất tiên tri này đã xướng lên ngay từ đầu: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh
Thánh này" (Lc 4:21), là "công bố một năm hồng ân của Chúa."
Bênêdictô từ tiếng La-tinh có nghĩa là Được Chúc Phúc,
Được Ban Hồng Ân. Ở đây chữ "Lòng Thương Xót Chúa" (Divine Mercy) được nhắc đi
nhắc lại. Bởi chính Đức Kitô đã bằng lòng mang lấy "toàn bộ gánh nặng của sự ác,
toàn thể quyền năng hủy diệt của nó." Ngài đã trả giá cho những hồng ân đó bằng
nhận lấy "ngày báo phục của Thiên Chúa" (Is 61:2)
“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà
đưa lên cây thập giá”(1 Pet 2:24). Và Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Galát
: “Đức Ki-tô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng
ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay
mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! Như thế là để nhờ Đức Giê-su Ki-tô, các dân ngoại
cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Áp-ra-ham, và để nhờ đức tin, chúng ta
nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí.” (Gal 3:13).
Như thế, thay vì nhiều người cứ nghĩ tới ngày "bị nguyền
rủa," bằng chính những hành động tự hủy của con người như thảm cảnh Nhà Tháp Đôi
ở New York hay những vụ ôm bom tự sát để "đóng cửa trần gian," ĐGH Biển Đức mang
danh hiệu đầy chất tiên tri "Được Chúc Phúc" đang mở ra một thời hồng ân của
cuộc chiến thắng do chính Chúa Giêsu dẩn đầu. Đây lại chẳng phải là một lời tiên
tri trong một viễn kiến đầy tin tưởng, hy vọng và tươi sáng hay sao?
“Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Gioan
16:33)
Lm. Trần Cao Tường
---
Xin mời xem Những Lời Tiên Tri Liên Quan Tới 112 Vị Giáo
Hoàng,
LỜI TIÊN TRI CỦA THÁNH MALACHY VỀ CÁC
ĐGH THỜI CUỐI CÙNG
Lời ngỏ: Đây là bản dịch về lời tiên tri của thánh Malachy
về các Đức Giáo Hoàng thời cuối cùng. Bài này không có ý gây lo sợ, bởi vì những
người tin vào Chúa Kitô thì không có gì phải sợ, và chính Đức Cố Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II cũng đã nhất mạnh: "Đừng sợ!". Cần cầu nguyện để xin Thiên Chúa
soi sáng khi phân định lời tiên tri này.
Thánh Malachi sinh năm 1094 với tên gọi O'Margair trong một
gia đình quý phái ở thành phố Armagh, Bắc Ái Nhĩ Lan. Ngài được rửa tội với tên
gọi Maelmhaedhoc. Tên Maelmhaedhoc được La-tinh hóa và ngài được biết đến với
tên gọi là Malachy. Sau một thời gian dài học hành, ngài quyết định thay vì sẽ
làm công việc giống như cha ngài đang làm, ngài có ước muốn trở thành một linh
mục Công giáo.
Ngài được thụ phong vào năm 1119 ở tuổi 25. Ngài tiếp tục
theo học thần học ở Lismore. Năm 1127, ngài trở thành cha giải tội cho Cormac
MacCarthy, hoàng tử của Desmond, người sau này trở thành Vua của Ái Nhĩ Lan.
Ngài được phong làm Tổng Giám mục Armagh vào năm 1132. Thánh Malachi qua đời
trong lúc hành hương Rôma lần thứ hai vào năm 1148. Ngài được Đức Thánh Cha
Clemente III phong thánh vào ngày 6/7/1199. Điều kỳ diệu trong những lời tiên
tri của Thánh Malachi là việc tiên đoán về ngày và giờ chết của chính ngài, và
đã xảy ra đúng như thế.
Thánh Malachi có ơn chữa lành giúp người bệnh tật. Ngoài ra,
ngài còn có ơn bay bổng và ơn tiên tri thấu thị. Nhiều phép lạ đã xảy ra liên
quan tới những mục vụ của Ngài. Ngài còn được ban cho ơn tiên tri, mà một trong
nhưng lời tiên tri quan trọng nhất ngài nhận được trong một thị kiến ở Rôma vào
năm 1139 liên quan đến những Vị Giáo Hoàng sau này - từ Đức Giáo Hoàng Innocent
II cho tới thời kỳ tận cùng của thế giới. Ngài đã làm thơ để mô tả mỗi một Đức
Giáo Hoàng, và đã trao bản viết tay cho Đức Giáo Hoàng Innocent II, và kể từ đó
lời tiên tri của Ngài không được nhắc tới cho mãi đến năm 1590, thì được in ra
sách, và đã trở thành điểm tranh luận nóng bỏng về tính chất nguyên thuỷ và
chính xác của lời tiên tri. Theo như lời tiên tri của Thánh Malachi, thì chỉ còn
2 Đức Giáo Hoàng nữa sau Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì tới tận cùng thời
gian, mà Đức Giáo Hoàng cuối cùng sẽ mang danh hiệu "Thánh Phêrô thành
Rôma".
Thánh Malachi viết những lời tiên tri về các Đức Giáo Hoàng
với những danh hiệu liên quan tới tên gọi nơi gia đình, nơi sinh, huy hiệu hay
văn phòng đang nắm giữ trước khi được bầu lên Giáo hoàng. Một số đoạn viết là
những lời tiên tri đa dạng được viết rất tài tình bởi lối dùng chữ. Thí dụ như,
Đức Giáo hoàng Piô II làm Giáo Hoàng trong vòng 26 ngày vào năm 1503, được Thánh
Malachi mô tả là "từ một người đàn ông nhỏ". Tên gia đình của ngài là
Piccolomini, tiếng Ý nghĩa là "người đàn ông nhỏ". Thỉnh thoảng, quá khứ cá nhân
của Đức Giáo Hoàng là một phần của biệt hiệu được viết bởi Thánh Malachi. Đức
Giáo Hoàng Clement XIII (1758-1769) là người có những liên hệ với chính quyền Ý
của bang Umbria và có huy hiệu là một bông hoa hồng, đã được Thánh Malachi mô tả
với biệt hiệu là "Hoa hồng của Umbria".
Thời gian qua đi đã chứng tỏ cho những người nghi ngờ về lời
tiên tri của Thánh Malachi, vì những lời tiên tri của ngài đã thực sự chính xác
đến độ làm ngạc nhiên người ta. Có tất cả 112 vị Giáo hoàng với những chân tính
được liệt kê kể từ Đức Giáo Hoàng Celestine II năm 1143 cho tới thời tận cùng
của thế giới.
10 GIÁO HOÀNG SAU
CÙNG
1. Đức Giáo Hoàng Piô X 1903-1914, biệt hiệu trong lời tiên
tri Thánh Malachi "Lửa Cháy", tên thật là Giuseppe Melchiarre Sarto. Trong thời
gian ngài làm Giáo hoàng, lục điạ Âu châu bùng cháy cuộc chiến tranh như đám lửa
cháy lan từ quốc gia này tới quốc gia khác cho mãi tới năm 1914, chiến tranh đã
bao phủ toàn bộ lục điạ Âu châu.
2. Đức Giáo Hoàng Benedict XV (1914-1922) biệt hiệu trong
lời tiên tri Thánh Malachi "Tôn Giáo Tiêu Tàn", tên thật là Giacomo Della
Chiesa. Đức Giáo Hoàng Benedict XV được biết đến là Đức Giáo Hoàng của chiến
tranh, vì lửa chiến tranh bất hòa làn tràn khắp ra thế giới. Ngài đã chứng kiến
chủ nghĩa cộng sản đi vào Liên Bang Sô Viết khiến đời sống tôn giáo bị tiêu huỷ,
chiến tranh thế giới thứ nhất gây thương vong cho hàng triệu người Kitô giáo như
trong cuộc tàn sát ở cánh đồng Flanders và ở nhiều nơi khác.
3. Đức Giáo Hoàng Piô XI (1922-1939), biệt hiệu trong lời
tiên tri Thánh Malachi "Đức tin sắt son", tên thật là Achilee Ratti. Là vị Giáo
hoàng chứng kiến thế giới chuẩn bị cho một hậu quả của một cuộc chiến để chấm
dứt các cuộc chiến. Ngài chứng kiến phong trào phá thai ở Âu châu ra đời, và sự
phát triển của chủ nghĩa vô thần được giảng dạy cho các giới trẻ trong các
trường đại học và đầu độc để loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đầu óc những người công
dân của một trật tự thế giới mới.
4. Đức Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958), biệt hiệu trong lời
tiên tri Thánh Malachi "Mục tử thiên thần", tên thật là Eugento Pacelli. Ngài đã
dành thời giờ trong thời gian đầu làm giáo hoàng trong lãnh vực ngoại giao
của tòa thánh Vatican. Ngài là sự chọn lựa tự nhiên theo sau Đức Giáo hoàng Piô
XI vì không có vị lãnh đạo giáo hội nào có đủ kinh nghiệm điều hành giáo hội, và
với các lãnh đạo quốc gia trong cuộc xung đột thế giới.
5. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963), biệt hiệu trong
lời tiên tri Thánh Malachi "Chủ chăn và thuỷ thủ", tên thật là Angelo Giuseppe
Roncalli. Đức Gioan 23 là tổng Giám Mục Areoplis của Palestine trong khoảng thời
gian khai sinh quốc gia Dothái, năm 1953 Đức Giáo Hoàng Piô XII phong ngài làm
Hồng Y của Venice. Ngài được xem là vị Giáo hoàng được yêu mến nhất trong các
Đức Giáo Hoàng cận đại. Những sử học gia tin rằng ngài được Thánh Malachi tiên
tri là thuỷ thủ vì thành phố Venice là một thành phố nước. Thế nhưng cũng có thể
khi ngài là tổng Giám mục của Palestine, ngài được coi là một "thuỷ thủ rao
giảng" bởi vì miền đất của dân ngoại và Hồi giáo có liên quan trong lời tiên tri
là "biển cả".
6. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978), biệt hiệu trong lời
tiên tri Thánh Malachi "Hoa của các loài Hoa" tên thật là Giovanni Battista
Montini, Ngài làm Giáo hoàng 15 năm. Danh hiệu của ngài là ba bông hoa huệ
Iris.
7. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I (1978-1978 - 33 ngày), biệt
hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachi "trăng bán nguyệt", tên thật là Albino
Buciani, là vị Giáo hoàng chăn dắt Giáo hội trong thời gian ngắn nhất là
33 ngày. Khi ngài được bầu Giáo hoàng ngày 26/8/1978, là thời gian có trăng hình
bán nguyệt. Trong thời gian ngài làm Giáo hoàng, sự nổi dậy của các nhóm Hồi
giáo quá khích chống lại thế giới dân ngoại bùng nổ. Tổ chức OPEC dầu hỏa ra
đời, và các quốc gia Ảrập dùng vũ khí dầu hỏa của họ để chống lại các quốc gia
kỹ nghệ. Dấu hiệu của Hồi giáo là hình "trăng bán nguyệt".
8. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005), biệt hiệu
trong lời tiên tri Thánh Malachi "Nhật thực" hay cũng còn có nghĩa là "Mặt trời
lam lũ". Ngài là hoàng tử người Balan của Giáo hội Công giáo. Ngài là vị Giáo
hoàng đã có công trong việc làm cho chủ nghĩa cộng sảng sụp đổ. Trong suốt 25
năm làm Giáo hoàng, ngài đã tông du nước ngoài trên 100 lần và cái chết lịch sử
của Ngài đã lôi kéo trên 3 triệu người tham dự tang lễ. Ngày ngài sinh ra ngày
18/5/11920 vào buổi sáng có hiện tượng nhật thực trên toàn cõi Âu châu, và ngày
ngài qua đời cũng có nhật thực bán phần trên vùng trời Bắc Mỹ.
9. Đức Giáo Hoàng áp cuối cùng, biệt hiệu trong lời tiên tri
Thánh Malachi là "Vinh Quang Cành Ô-liu". Điều kỳ diệu là Chúa Giêsu nói lời
tiên tri về thời tận cùng cũng trên núi Ô-liu. Vị Giáo hoàng này chăn dắt Giáo
hội trong thời kỳ khởi đầu sự bách hại mà Chúa Giêsu đã nói đến trong Kinh
thánh. Vị Giáo hoàng này sẽ có liên quan tới cây/cành Ô-liu vẫn được xem là dấu
chỉ của hòa bình, hay cũng có thể liên quan tới cây, trái ô-liu. Dòng thánh
Benedict nói rằng vị Giáo hoàng này đến từ nhà dòng của họ, vì dòng còn được
biết như là "những người của hòa bình". Thánh Benedictô đã nói tiên tri rằng
trước ngày tận cùng của thế giới, nhà dòng của ngài sẽ chiến thắng dẫn dắt Giáo
hội chống lại sự dữ.
10. Đức Giáo Hoàng thứ 112 cuối cùng, biệt hiệu trong lời
tiên tri Thánh Malachi "Phêrô thành Rôma". Lời tiên tri viết về vị Giáo hoàng
thứ 112 này: "Trong thời kỳ bách hại sau cùng của Giáo hội La mã, Phêrô thành
Rôma sẽ lên ngôi, người sẽ chăn dắt đoàn chiên giữa những cơn bách hại; sau khi
một thành phố 7 đồi (tức Rôma) bị phá huỷ và một vị Quan Án kinh hoàng sẽ xét sử
muôn dân."
Trở ngại với những lời tiên tri được liệt kê trong sách
Những Lời tiên tri của Thánh Malachi xuất bản bởi Thomas A. Nelson, một nhà sách
xuất bản Công giáo thì bản nguyên thuỷ của Thánh Malachi chỉ có 111 Đức Giáo
Hoàng, chứ không phải là 112 như trong bản màu nâu xuất bản sau này. Trong
khoảng giữa ấn bản thứ nhất và ấn bản sau này thì vị Giáo hoàng 112 là Phêrô
Thành Rôma được thêm vào trong lời tiên tri của Thánh Malachi.
Mời vào Tin Vui Thời Điểm trên
Mạng Lưới Dũng Lạc www.dunglac.org