Phục Sinh
Hôm nay, không riêng gì Giáo Hội
Công giáo mà tất cả những người tin Chúa Kitô trên
khắp thế giới, đều hân hoan mừng kính cuộc
chiến thắng khải hoàn của Đấng Cứu Thế
trên tội lỗi và sự chết. Chúa Giêsu đã bị giết
chết trên thập giá, được an
táng trong mộ đá, nhưng ngày thứ ba sau khi chết,
Ngài đã sống lại. Đây là một biến cố vĩ đại, một sự kiện vô tiền
khoáng hậu, độc nhất vô nhị, có một không
hai trong lịch sử.
Chúa đã sống lại thế
nào? Ai đã khám phá ra điều này? Cả bốn sách Tin Mừng đều tường
thuật về biến cố này nhưng đều không
cho biết Chúa Giêsu đã sống lại thế nào. Vì thật sự không có ai có mặt để chứng
kiến biến cố lịch sử quan trọng đó.
Nhưng có những nhân chứng đã nhìn thấy ngôi mộ
trống, họ quả quyết xác Chúa không còn trong mộ
và sau đó Chúa đã hiện ra nhiều lần với họ,
xác nhận Ngài đã sống lại, đồng thời dạy
bảo họ nhiều điều. Đó là
các tông đồ và một số phụ nữ… những
nhân chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu.
Như vậy, một
điều chắc chắn: sự kiện Chúa Giêsu Phục
sinh không thể minh chứng một cách rõ ràng như chúng ta
minh chứng một biến cố, một sự kiện tự
nhiên, nghĩa là không thể chụp hình, đo lường
hay thí nghiệm được, vì cả nhân loại chỉ
có một mình thân xác Chúa sống lại, lấy đâu mà thí
nghiệm, kinh nghiệm. Cho nên, việc Chúa sống lại,
đối với chúng ta hôm nay, vấn đề chính yếu
là tin: không thấy mà tin.
Anh chị em có bao giờ thấy,
chụp hình hay đo lường
được tình yêu không? Chỉ thấy qua
hậu quả thôi phải không? Thấy họ hay
đi với nhau, thấy họ thường ngồi nói
chuyện với nhau, thấy họ có những cử chỉ
thân mật với nhau… chúng ta biết họ yêu
thương nhau. Niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh cũng
thế, chúng ta không thấy Chúa sống lại, nhưng
chúng ta tin, vì Kinh Thánh đã nói về việc Ngài Phục
sinh, lòng tin của Giáo Hội hai mươi thế kỷ
qua: Chúng ta tôn thờ Đấng bị đóng đinh trên
thập giá, chúng ta tôn thờ Đấng đang ngự
trong nhà chầu… là chúng ta tin Chúa Giêsu đang sống, chứ
không phải tôn thờ Ngài đã chết, không còn liên hệ
gì đến chúng ta. Không, chúng ta tin Chúa đang sống, Ngài
đang điều hành vũ trụ này, Ngài có mặt khắp
nơi, Ngài đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo
đường, ngõ ngách… đâu đâu cũng có Ngài, Ngài là
Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu. Vì thế,
biến cố Phục sinh là nòng cốt của niềm tin
Công giáo. Niềm tin này kéo theo nhiều
niềm tin khác: tin Chúa Giêsu Phục sinh không chỉ là một
nhân vật lịch sử được ghi chép lại,
nhưng là một lòng tin vẫn sống động trong lịch
sử hôm nay. Chúng ta không chỉ biết về
Ngài mà thôi, nhưng chúng ta thực sự gặp gỡ chính
Ngài, như Ngài đang sống động hiện diện
giữa chúng ta.
Nói rõ hơn, vì Chúa đã sống
lại thật, nên chúng ta không chỉ nghe biết về
Chúa như nghe biết một nhân vật nào đó, chẳng
hạn như ông tổng thống Mỹ, ông chủ tịch
nhà nước Trung Quốc, ông vua này, bà hoàng nọ.
Nhưng có một khác biệt sâu xa giữa việc nghe biết
về một con người bình thường hay về những
nhân vật lịch sử, vì họ đã chết và đã
biến khỏi mặt đất. Với
Chúa Giêsu thì khác hẳn, Ngài đã sống lại và đang sống.
Chúng ta biết Ngài và gặp gỡ Ngài một
cách thực sự.
Tiếp đến, chúng ta
tin Chúa sống lại là chúng ta tin chúng ta được cứu
chuộc. Bởi vì Chúa sống lại mới
cứu chuộc được nhân loại. Nếu như Ngài chết luôn như các giáo chủ
khác, thì Ngài không có quyền gì cứu chuộc chúng ta,
nhưng Ngài đã sống lại để chứng tỏ
Ngài là Thiên Chúa và Ngài có quyền cứu chuộc tất cả
chúng ta.
Đàng khác, Chúa sống lại
còn là niềm hy vọng cho chúng ta: tất cả chúng ta
cũng sẽ sống lại. Thân xác chúng ta sẽ sống
lại, đúng như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính:
“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Bởi vì
thân xác sống lại là hiệu quả của mầu nhiệm
Phục sinh của Chúa Giêsu, như Kinh Thánh đã nói: “Đấng
đã làm cho Chúa Giêsu sống lại cũng sẽ làm cho
chúng ta sống lại với Chúa Giêsu”. Như
vậy, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và
cho hết thảy chúng ta được chung hưởng
chiến thắng đó.
Tóm lại, ngày đại lễ
Phục sinh hôm nay, chúng ta xác tín: Chúa Giêsu đã sống lại.
Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự
chết. Ngài đang sống thật sự và đang ở
với những ai tin Ngài, trong đó có chúng ta. Chúng ta hãy cảm
tạ Chúa và cố gắng sống như những người
đã được cứu chuộc: sống công bình và yêu
thương, sống vui vẻ và phấn khởi, để
cuộc đời chúng ta luôn là một lời ca “Allêluia” chứng
nhân cho Chúa.