CHÚA CHẾT: TẠI SAO VÀ VÌ AI?!
Suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh
Trần Mỹ Duyệt
Hôm nay là Thứ Sáu Tuần Thánh. Tôi muốn một mình thinh lặng trong một góc giáo đường để suy niệm về cái chết của một người, mà cái chết ấy có liên quan trực tiếp đến tôi và cũng do tôi gây ra.
Ðăm chiêu nhìn lên cây thập tự mà tôi gọi là “thánh giá”, và để hồn mình trong lặng tĩnh, chìm vào những suy tư đang làm tôi thao thức. Chúa chết thảm quá. Chết một cách tức tưởi. Chết nhục nhã trần truồng không có lấy một tấm vải che thân. Mấy ai nếu lắng đọng tâm hồn nhìn lên thánh giá mà không thấy xót thương cho người đang bị treo trên đó. Xác thân tan nát vết roi đòn, mặt mũi loang lổ những đờm rãi của lý hình. Ðầu bị bao quanh bởi mão gai nhọc sắc xuyên thấu vào sọ. Tay chân bị ghim chặt bằng những chiếc đinh oan nghiệt. Tại
sao Chúa chết? Và chết cho ai?
Tại sao chết? Ðể trả lời câu hỏi này đã có những câu trả lời thuộc lòng mà tôi vẫn thường được nghe nói bởi người này người khác, hoặc đọc trong các sách vở, là “Chúa chết vì yêu thương và vì phần rỗi của nhân loại”.
Chúa chết vì yêu thương và vì phần rỗi nhân loại mà trong nhân loại thì có tôi. Như vậy cũng có thể nói rằng Ngài chết về yêu thương và vì phần rỗi của tôi. Nghe vậy, đọc vậy, thấy vậy, thế nhưng tôi vẫn chưa cảm được đó là tình yêu hy hiến Chúa dành cho nhân loại và cho tôi. Cái đau của Ngài vẫn chưa thấm nhập vào được thân xác tôi. Tâm hồn tôi vẫn vô cảm trước những nhục hình và cực hình mà Ngài đã gánh chịu trong cuộc khổ nạn, và do cái chết của Ngài. Tôi vẫn chưa nhận ra được điều mà Ngài đã từng tuyên bốợ: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gioan
15:13).
Nhưng có một chi tiết trong trình thuật của Mátthêu đã thật sự tác động lòng tôi, khi Ông ghi lại những lời chế riễu của các thượng tế, kinh sư, kỳ mục và dân chúng trong lúc Chúa còn bị treo trên thập giá: “Nếu mi là con Thiên Chúa thì xuống khỏi thập giá xem nào? Bây giờ nếu hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền! “ Mat 27: 40, 42.
Vâng, trước những điều mà Chúa có dư khả năng làm để bịt miệng những kẻ thách thức Ngài ấy đã chinh phục được trái tim tôi. Chính sự âm thầm chấp nhận của Ngài đã khiến tôi thương Ngài nhiều hơn. Ðối với tôi, có lẽ Chúa cũng chẳng cần phải hy sinh đến như thế. Nhưng với Chúa thì Ngài vẫn làm, vẫn chấp nhận, và vẫn âm thầm chứng minh cho tôi rằng Ngài yêu tôi, dù phải hy sinh đến chết trên thập tự giá. Thái độ chấp nhận ấy của Chúa đã nói lên tính tự nguyện và sự chọn lựa tự do để Chúa minh chứng với tôi rằng Ngài yêu tôi dù phải chết. Yêu đến chết dù tôi biết hay không biết. Dù tôi đón nhận tình yêu ấy
hay từ chối không chấp nhận nó.
Tóm lại, đối với tôi lúc này, việc Chúa ở lại trên thập giá là một chiến thắng, là một minh chứng hùng hồn “Ngài là Con Thiên Chúa”, và Ngài là Ðấng đáng tôi phải tin nhận.
“Ta khát” (Gioan 19:28). Và cũng trong thinh lặng nhắm nhìn lên thánh giá, tôi như nghe rõ từng hơi thở, và lời thổn thức mà Gioan đã ghi lại. Trước khi trút hơi thở trên thập giá, Chúa thều thào, thổn thức kêu lên: “Ta khát”.
Ðây cũng là câu trả lời cho biết Chúa chết vì tôi. Ngài đang khao khát, đang thổn thức nhìn tôi từ trên thập giá. Cơn khát tâm linh đang đem Ngài gần đến hơi thở cuối, và có lẽ Ngài sẽ không nhắm mắt nổi nếu không thấy tôi trong cơn khát thiêu đốt ấy.
“Ta khát”. Câu nói này cũng chính là lời lập lại cơn khát năm xưa khi Ngài ngồi bên cạnh giếng Giacóp trên hành trình truyền giáo. Hôm đó, Ngài cũng nói với thiếu phụ Samaritanô một câu tương tự: “Cho tôi xin miếng nước” (Gioan 4:7). Nước bên giếng Giacóp cũng chính là nước mà Chúa đang tìm để giải khát hôm nay trên thập giá. Cơn khát bên giếng Giacóp và cơn khát trên thập giá ở đồi Calvê cũng là một. Cơn khát các linh hồn. Cơn khát phần rỗi và ơn cứu độ cho nhân loại. Một cơn khát đã đưa đến cái chết cho Ngài.
Hơn 2000 năm qua Chúa vẫn không xuống khỏi thập giá. Và cũng hơn 2000 năm qua, nhân loại nếu để tâm suy nghĩ, lắng đọng tâm hồn vẫn nghe rõ tiếng rên rỉ của Ngài trên thập giá: “Ta khát!” Nhưng rồi vẫn người qua kẻ lại, vẫn những thượng tế, kinh sư, kỳ mục cứ tiếp tục trêu ghẹo, chế riễu đòi phải nhìn thấy Ngài xuống khỏi thập giá để tin. Và cũng chính vì thế, cơn khát lại càng cào cấu, càng thiêu đốt Chúa.
Hôm nay, lậy Chúa! Khi nhìn lên Chúa đang quằn quại chiến đấu với cái chết đang mỗi phút gần kề. Con nghe tiếng Ngài: “Ta khát”. Và lậy Chúa. Xin cho con trở thành giọt nước nhỏ thấm vào đầu lưỡi đang nóng rát của Ngài. Xin cứ an tâm tắt thở. Con không dám đòi hỏi Chúa phải xuống khỏi thập giá nữa. Vì con biết rằng Chúa chết vì con và cho con. Lậy Chúa con yêu mến Chúa. Yêu thay cho những năm tháng qua con đã xa tình Chúa.
|