THẦN
HỌC VỀ THẬP GIÁ
Trải qua lịch sử Kitô giáo đã có
nhiều thứ thần học về Thập giá, bắt
nguồn từ những đường lối suy tư và
chiêm ngắm khác nhau khi người tín hữu đứng
trước Thập giá. Không ai chối
cãi được sự quan trọng của Thập giá
đối với Kitô giáo. Không những các Kitô hữu
đeo ảnh Thập giá trên người để tỏ
lòng mộ mến hay để tỏ ra căn cước
của mình, mà thậm chí người ngoại đạo
cũng coi Thập giá như là biểu tượng của
Kitô giáo.
Chính vì thế mà tổ chức từ thiện “Hội Chữ
Thập đỏ” đã bị các nước Hồi giáo bắt
sửa lại phù hiệu thành “vầng trăng đỏ”
để tránh lẫn lộn công tác nhân đạo với
Kitô giáo. Mặt khác, nhiều người Kitô
hữu đã gắn liền Thập giá với hy sinh
đau khổ, và họ có cảm tưởng rằng không
còn gì khác để nói ngoài đề tài đó. Cảm
tưởng đó chỉ đúng một phần, theo nghĩa là từ hai mươi thế kỷ
nay, mỗi lần nói tới Thập giá thì không thể nào
tránh được vấn đề đau khổ.
Tuy nhiên, ngoài đề tài đau khổ ra
còn có những khía cạnh khác nữa. Một điểm
đáng ghi nhận khác nữa là tuy rằng đã có nhiều
suy tư về ý nghĩa của Thập giá trải qua suốt
lịch sử Kitô giáo, nhưng mãi tới thập niên 70 của
thế kỷ này, mới nảy ra một ngành thần học
mang tựa đề là “Thần học về Thập giá”
(staurologia), theo nghĩa là Thập giá trở thành trung tâm của
thần học: chính nhờ Thập giá mà chúng ta biết
được khuôn mặt đích thực của Thiên
Chúa.
A.THẦN HỌC KINH THÁNH VỀ
THẬP GIÁ
Trong phần này, xin đề cập đến 3 vấn
đề:
1. Thập giá trong khung cảnh lịch sử của
nó.
2. Bốn tác giả Phúc âm đã nghĩ gì về việc
Đức Giêsu phải chịu chết trên Thập giá.
3. Thần học của Thánh Phaolô về Thập
giá.
I. Nhục hình Thập giá
Vào thời của Đức Giêsu, Thập
giá tiên vàn là một nhục hình. Trong
đế quốc Rôma, Thập giá là một hình phạt dành
cho các tội trọng. Tội nhân thường
bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới
pháp trường. Có hai hình thức Thập
giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang
được chồng lên chóp của cây gỗ đứng);
một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang. Thêm vào đó,
cũng có nhiều kiểu để treo tử tội:
thường là bị lột hết áo xống, và bị cột
hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị
dốc ngược xuống đất. Nói chung, đây là một
hình phạt chỉ dành cho lớp bần đinh hoặc nô
lệ, các tên đại tặc hay là phiến loạn; các
công dân Rôma không phải chịu hình phạt này trừ khi nào
họ đã bị tước đoạt quyền công dân.
Ngoài sự đau đớn do cuộc hành hình gây ra, hình
phạt Thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội
không được an táng, nhưng phải
phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì
tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh
hùng bằng cái chết trên Thập giá. Cũng vì lý do đó
mà việc tôn kính Đức Kitô trên thập tự là cả
một chuyện điên rồ hèn hạ, không những thánh
Phaolô đã viết như vậy trong thư thứ nhất
gửi tín hữu Côrintô vào khoảng 20 năm sau biến cố
xảy ra, mà rồi một thế kỷ sau đó (khoảng
150-153) trong quyển sách “Hộ giáo” (Apologia I, 13,4), thánh
Giustinô còn ghi nhận rằng: dân ngoại coi chúng tôi là bọn
khùng bởi vì đã tôn tên tử tội trên Thập giá là
Đấng Tạo dựng đất trời. II.
Từ tường thuật hình khổ Thập giá tới
suy niệm về ý nghĩa Thập giá dựa theo bốn tác giả Phúc âm.
Việc Đức Giêsu chết trên Thập giá là một
biến cố lịch sử, được tất cả
bốn tác giả Phúc âm thuật lại; biến cố
đó cũng được ghi chép nơi các sử gia Rôma
(như Tacitus, Annales XV, 44-45) và Do Thái (Josephus Flavius,
Antiquitates Judaicae XVIII, 64). Những người hoài nghi về
sử tính của Phúc âm thì chỉ nêu nghi vấn chung quanh những đoạn viết về
lời giảng hay về phép lạ của Đức
Giêsu, chứ không hề đụng tới câu chuyện chết
trên Thập giá. Các Kitô hữu cũng không hổ thẹn gì
để chấp nhận sự kiện thầy mình đã
bị xử án giống như các tên trộm
cướp. Thậm chí M. Kaeler cho rằng lúc đầu
Phúc âm là bản tường thuật về cuộc tử
nạn của Đức Giêsu trên Thập giá, rồi về
sau người ta mới thêm một phần dẫn nhập
để giải nghĩa lý do gì đã đưa tới sự
cố đó. Dù những giả thuyết về tiến
trình sự hình thành của bốn Phúc âm thế nào đi nữa,
một điều rõ ràng mà chúng ta nhận thấy là tất
cả bốn thánh sử đều khá đồng nhất
khi thuật lại cuộc tử nạn của Đức
Giêsu, với ba hồi chính: * Ngài bị bắt; * Bị
xét xử; * Bị đóng đinh.
1. Trong hồi thứ nhất (xức dầu
ở Betania, tiệc ly, hấp hối
trong vườn cây dầu), chúng ta thấy rằng Đức
Giêsu đã biết và đã báo trước điều sắp
xảy ra cho mình, và giải thích lý do và ý nghĩa của nó:
điều đó cần phải xảy ra để hoàn tất
sứ mạng. Tuy bề ngoài Ngài bị bắt nhưng kỳ
thực là Ngài đã được trao nộp theo chương trình của Chúa Cha.
2. Hồi diễn thứ hai diễn ra ở
hai tòa: Do thái và Rôma, kết thúc với án
tử hình được thi hành ngay tức khắc. Các
thánh sử đều quả quyết rằng bản án đó bất công vì Đức Giêsu không có tội
tình gì hết.
3. Hồi thứ ba gồm có việc đóng
đinh vào Thập giá, chết và an táng. Giọng văn kín đáo, gọn gàng, không có những
chi tiết lâm ly bi đát. Nên biết
thêm là ngoài những chương thuật lại cuộc Tử
nạn, Phúc âm ít khi nói tới Thập giá. Xem ra các Kitô hữu đầu tiên chấp nhận
việc Đức Giêsu chịu đóng đinh vào Thập
giá như một sự kiện đã xảy ra, nhưng họ
ngượng ngùng khi nhắc tới chuyện kinh hoàng ô nhục
đó. Họ tìm cách lục lọi các bản văn
Kinh Thánh (mà ta gọi là Cựu ước) để tìm hiểu
lý do và ý nghĩa của nó trong chương trình của Thiên
Chúa: tại sao Thiên Chúa lại để cho Đức Giêsu
bị trao nộp và chết cách thảm thương như
vậy?
Vì thế, dần dần các tín hữu ít
nghĩ tới chính cây Thập giá cho bằng suy gẫm nhiều
hơn về việc Đức Kitô chết trên Thập
giá. Nói khác đi, các thánh sử không chú trọng
tới cây Thập giá xét trong toàn thể sứ mạng của
Ngài. Việc đóng đinh trên Thập
giá chỉ là một hồi trong tấn kịch dài hơn.
Thánh Matthêu và Marcô trình bày Đức Giêsu
như một người hoàn toàn công chính đã bị bắt
bớ và bị hãm hại vì sứ mạng của mình.
Việc thiết lập bí tích Thánh thể
(được đặt ở hồi thứ nhất của
cuộc tử nạn) đã trình bày ý nghĩa cái chết của
Đức Giêsu như là sự trao hiến mạng sống
của mình cho người anh chị em. Kế
đó, người công chính đã lần lượt bị
các bạn hữu của mình bỏ rơi, bị những
người đồng đạo Do thái xét xử và nộp
cho quân Rôma để bị giết. Hơn thế nữa,
(Mt 27,46) và (Mc 15,34) còn nhấn mạnh tới
việc Đức Giêsu bị bỏ rơi trên thập tự:
“Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Chúa bỏ con?”.
Đã có nhiều giải thích khác nhau về ý nghĩa của
lời than ấy, chẳng hạn như: đó là tiếng
kêu tuyệt vọng, tiếng kêu phản kháng, hoặc chỉ
bộc lộ tình trạng tối tăm trong tâm hồn vì
không thể hiểu được đường lối
của Thiên Chúa. Dù sao thì Thiên Chúa vẫn thinh lặng; hay nói
đúng hơn, Thiên Chúa đã trả lời qua sự thinh lặng.
Thực vậy, vào lúc mà tối tăm bao trùm khắp mặt
đất, ra như vùi lấp hết những công trình của
Thiên Chúa, thì này viên đội trưởng đã thốt lên:
“Ông này quả thực là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Chính lúc xem ra tuyệt vọng hơn cả, lúc mà xem
như Đức Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi, thì viên
đội trưởng lại nhận ra được
ánh sáng mặc khải để khám phá ý nghĩa hoàn toàn
trái ngược: không phải là Đức Giêsu bị Thiên
Chúa bỏ rơi, nhưng mà chính Đức Giêsu đã phó mặc
mạng sống mình cho Thiên Chúa, và Chúa Cha đã trao ban mình
cho Con. Luca đánh dấu thêm một bứơc
tiến nữa trong việc suy niệm về ý nghĩa Thập
giá. Không những viên đội trưởng đã
tuyên xưng rằng Đức Giêsu hoàn toàn vô tội,
nhưng nhờ cái chết của Ngài mà bao nhiêu người
được ơn trở lại: Simon Phêrô đã
khóc lóc sau khi chối bỏ thầy, Simon Cirênê đã hoán cải
từ chỗ bị cưỡng bách phải tháp tùng Đức
Giêsu tới chỗ vác Thập giá như một môn đệ
theo thầy; một số phụ nữ đã đấm
ngực than khóc thống hối; một tên tử tội
cũng ăn năn. Nhất là những giây phút chót của
Đức Giêsu trên Thập giá đã trở thành cao điểm
của ơn cứu chuộc: Đức Giêsu đã xin Chúa
Cha tha tội cho những lý hình; và ơn cứu chuộc
được thể hiện cách cụ thể khi mà tên trộm
lành được hứa vào nước trời ngay hôm ấy.
Sau cùng, lời cuối cùng của Đức Giêsu trước
khi tắt thở biểu lộ lòng tín thác vô biên nơi Chúa
Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha” (Lc 23,46). Như vậy, đối với
Luca, việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá
không còn phải là chuyện hành hình của một tử tội
nữa, nhưng là một biến cố cứu rỗi.
Gioan thì nhìn Thập giá như sự bộc lộ của
vinh quang Thiên Chúa: Đức Kitô bị treo trên Thập giá là
biểu trưng của việc Ngài được nhấc
lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự
về với mình (Ga 12,32).
Trong Phúc âm thứ bốn, cuộc tử nạn bắt
đầu với việc rửa chân cho các môn đệ và
di chúc về tình yêu: Đức Giêsu giải thích ý nghĩa
cái chết của mình như một cử chỉ tình nguyện
để bộc lộ tình yêu dành cho các bằng hữu. Chính Ngài đi ra đón những kẻ lùng bắt
mình. Cuộc tra tấn dã man biến thành lễ nghi phụng
vụ, khi Đức Giêsu khoác tấm áo đỏ với
vòng gai, và bản án là Vua (Ga 19,14.19). Thánh
Gioan lặng lẽ theo dõi những giây phút chót của Đức
Giêsu trên Thập giá, ghi chú những cử chỉ nhằm
hoàn tất Kinh Thánh: từ việc ký thác bà mẹ cho môn
đệ, việc nhắp những giọt giấm cho tới
việc bị ngọn giáo đâm thủng sườn; nhất
là Gioan nhận định về những hậu quả của
cái chết: máu, nước, Thánh Thần, biểu hiệu của
mạch sống mới. Thập giá trở thành nơi bộc
lộ của vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của
tình yêu khi ban Con Một mình cho nhân loại; nơi Đức
Giêsu, Thập giá không phải là một nhục hình nhưng
là ngai toà mà Ngài hành xử vương quyền, không phải
vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là
vương quyền của tình yêu.
Như vậy, ta thấy nơi bốn cuốn
Phúc âm đã có một diễn trình từ chỗ tường
thuật một biến cố kết liễu cuộc
đời của Đức Giêsu cho đến chỗ khám
phá ra ý nghĩa của biến cố trong kế hoạch của
Thiên Chúa. III. Thần học của Thánh Phaolô
về Thập giá
Các tác giả Phúc âm không chỉ tường thuật lại
cảnh Đức Giêsu bị xử án và bị chết
trên Thập giá, nhưng còn tìm cách giải thích ý nghĩa của
Thập giá trong chương trình của Thiên Chúa. Hơn nữa,
các suy tư của Phaolô và của các tông đồ về
Thập giá của Đức Kitô lại là một lời
tuyên xưng hùng hồn về tình yêu cứu độ của
Thiên Chúa. Từ đó, những ai muốn làm
môn đệ Đức Kitô phải có thái độ nào
đối với Thập giá.
1. Thánh Phaolô với Thập giá
Nơi các tác phẩm của thánh Phaolô và của
các thánh tông đồ, ta thấy Thập giá được
trình bày dưới khía cạnh của một việc tuyên
xưng, hoặc trong lời giảng hoặc trong phụng
vụ. Trong những bài giảng đầu tiên của
Phêrô (được ghi lại trong sách Tông đồ công vụ),
việc Đức Giêsu bị người Do thái nộp cho
Philatô xử trên Thập giá đã trở thành một biến
cố cứu độ: Thiên Chúa đã suy tôn Đức
Giêsu làm Đức Chúa và vị Cứu tinh (Cv 2,36; 4,10; 10,39;
13,29).
Lời tuyên xưng trong lời giảng của các thánh
tông đồ cũng trở thành lời tuyên xưng đức
tin của các tín hữu, đặc biệt là khi cử hành
phụng vụ: “Đức Kitô đã chết vì tội
chúng ta, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3); “Đức Giêsu Kitô
đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng
lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8);
nhưng cái chết đó đã trở thành nguyên cớ
(chính vì thế) cho sự siêu tôn: Đức Giêsu Kitô là Chúa.
Trong thư gửi Côlôsê 1,19 ta cũng gặp
thấy lời tuyên xưng dưới hình thức của
thánh ca: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự
viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng
như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật
được hòa giải với mình. Nhờ máu Người
đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại
bình an cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời”. Dĩ nhiên, khi nghe các tông
đồ và các tín hữu tuyên dương một tội phạm
bị xử tử trên Thập giá, nhiều người
đã chói tai và không khỏi đặt
câu hỏi: phải chăng các Kitô hữu là bọn người
cuồng tín?
Thế nhưng, thay vì tránh né nói tới Thập giá để
khỏi gây hiểu lầm, thánh Phaolô đã dám đi thẳng
vào vấn đề trong thư thứ
nhất gửi tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô tuyên bố rằng
lời giảng về Thập giá mang tính chất nghịch
lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng
trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời
coi là điên rồ: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp
thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một
Đức Kitô trên Thập giá, một điều vấp phạm
cho dân Do Thái và điều dại dột đối với
dân Hy lạp. Thế nhưng, đối với ai
được gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, thì đó là
một vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan
của Thiên Chúa; bởi lẽ sự dại dột của
Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn con người gấp bội, và
sự yếu ớt của Thiên Chúa thì mạnh mẽ
hơn của con người trăm
lần” (1Cr 1,18-25).
Thánh Phaolô còn thêm: “Khi ở với anh em, tôi không biết
chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô
trên Thập giá” (1Cr 2,2). Chúng ta đừng
nên coi lời lẽ của Phaolô như là một thứ thuật
ngữ hùng biện! Việc Đức Giêsu chịu chết
trên Thập giá thực sự là chuyện ô nhục tồi
tệ thực trước mặt người Do thái và
người Hy lạp! Với Do thái, tử thi đã là vật
ô uế rồi, lại còn phơi bày giữa trời nữa
thì quả là đồ bị Chúa rủa bỏ (x. Gal 3,13). Thánh Phaolô chấp nhận cái phản ứng
hợp lý đó, và dùng nó làm lập luận nghịch lý
để trình bày kế hoạch cứu rỗi của
Thiên Chúa… chính qua Thập giá của Đức Kitô và chúng ta
nhận thức được khuôn mặt đích thực
của Thiên Chúa: sự hèn yếu của Ngài thì mạnh mẽ
hơn quyền lực của con người trăm ngàn lần
(x. 2Cr 13,4).
Tiếp tục đào sâu ý nghĩa cứu độ từ
Thập giá, thánh Phaolô kể ra những hồng ân trọng đại mà Thiên Chúa ban cho nhân loại
từ cái hình khổ của Đức Kitô, đó là: sự
toàn thắng trên các lực lượng của sự dữ
và ơn tha thứ tội lỗi. Cái chết
của Đức Kitô được coi như một hy lễ;
ngoài yếu tố Thập giá. Tác giả của
thư gửi Do thái phân tích thêm yếu tố “máu”, biểu
hiệu của việc hiến mạng sống vì tình yêu
(Dt 9,11-12).
Thư gửi Ephêsô tuyên dương Thập giá như dụng
cụ mang lại ơn hòa giải cho nhân loại: từ một
đối tượng đáng khinh bỉ trước mặt
dân Do thái lẫn dân Hy lạp, Thập giá đã được
Đức Kitô biến thành nơi hòa giải, phá đổ
bức tường ngăn cách giữa dân Do thái với dân
ngoại cũng như sự thù nghịch giữa nhân loại
với Thiên Chúa (Ep 2,15-16).
Như vậy, từ chỗ là biểu tượng của
oán thù, nhờ Đức Kitô mà Thập giá trở nên nơi
thi thố tình yêu và sự hòa giải giữa Thiên Chúa với
loài người, và hòa giải giữa loài người với
nhau. Thập giá không phải chỉ là một biến cố
kết liễu cuộc đời Đức Giêsu, nhưng
nó mang một giá trị vĩnh cửu: tác giả của
sách Khải Huyền và của thư thứ
nhất Phêrô trình bày thần học của chiên sát tế và
vinh hiển trên ngai.
2. Thập giá của môn đệ
Tân ước không những chỉ nói tới Thập giá
của Đức Kitô mà còn nói tới Thập giá của môn
đệ muốn đi theo Ngài. Phúc âm
để lại hai lời mời gọi môn đệ vác
Thập giá để theo thầy. “Ai muốn
theo Tôi thì hãy từ bỏ mình đi, vác
Thập giá của mình và đi theo Tôi. Quả thực,
ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn
ai mất mạng sống vì danh nghĩa Tin mừng thì sẽ
cứu được nó” (Mc 8,34 – 9,1; xc.
Mt 10,38-39; Lc 9,23-27). – “Ai không vác lấy Thập
giá của mình mà theo tôi thì không xứng đáng với Tôi”
(Mt 10,38; xc. 16,24).
Thực ra, tuy là hai lời mời gọi nhưng kỳ
thực chỉ có một lời kêu gọi, diễn đạt
một đàng là dưới hình thức tích cực (“hãy vác
Thập giá đi theo Tôi”) và một
đàng là dưới hình thức tiêu cực (“Ai không vác Thập
giá đi theo Tôi”). Lời kêu gọi đó hướng tới
hết mọi người (công thức tích cực theo Matthêu được dành cho các môn đệ,
Marcô đi nhằm tới đám đông có mặt với
các môn đệ, còn Luca thì nói cho tất cả). Việc vác
Thập giá là điều kiện cần thiết để
“đi theo Đức Giêsu”; nó đòi hỏi phải từ
bỏ mình, từ bỏ những mỗi liên hệ gia
đình (Mt 10,37), và đưa tới sự
mất mạng sống.
Trong những lời vừa nói, Thập giá không còn
được hiểu theo nghĩa
đen của một khổ hình nữa, nhưng đã
được đồng hóa với chính bản thân Đức
Giêsu, kẻ bị chết trên Thập giá như biểu hiệu
của sự hiến thân phục vụ tha nhân. Thánh
Phaolô đã hiểu điều kiện làm môn đệ của
Đức Kitô như là thông dự và Thập giá của
Ngài: “tôi đã được đóng tinh vào Thập giá cùng
với Đức Kitô: không còn phải tôi sống nữa
song là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19).
Dĩ nhiên, ở đây Phaolô không hiểu theo nghĩa là
mình cũng phải lãnh chịu khổ hình bị đóng
đinh vào Thập giá giống như Đức Giêsu trước
đây, nhưng Phaolô đã mở rộng tất cả các
chiều kích thần học của Thập giá. Tiên vàn là
Phaolô muốn đến lãnh nhận tất cả những
hồng ân cứu chuộc phát sinh từ cái chết và sự
phục sinh của Đức Kitô; ơn cứu chuộc ấy
được thông qua cho ta qua Bí tích Thánh tẩy (x. Rm 6,1-11). Kế đó, hồng ân đã lãnh nhận
cần phải phát sinh một sinh lực mới nơi
người tín hữu: người tín hữu phải
đóng đinh tiêu diệt nơi thân xác mình tất cả
những đam mê tội lỗi (xc. Gl 5,24). Hơn thế nữa, người tín hữu
cần phải tìm cách diễn tả sự thông dự vào
những đau khổ của Đức Kitô (xc. 2Cr 4,10) trong cuộc đời của mình, đặc
biệt qua những cuộc bách hại gặp phải trên
đường truyền giáo. Trong bối cảnh ấy
Phaolô nói tới “những người bị bách hại vì
Thập giá của Đức Kitô” (GL 6,12),
và tuyên bố rằng mình đang mang trên thân thể những
dấu thương (stigmata) của Đức Kitô (Gl 6,17).
Thậm chí Phaolô còn đi tới chỗ quả quyết rằng:
“Tôi bổ túc trong thân xác hay chết của tôi những chi
còn thiếu nơi những gian nan của Đức Kitô, nhằm
sinh ích cho thân thể của Ngài là Hội thánh” (Cl 1,24). Phaolô lấy làm hãnh diện vì Thập giá
của Chúa Giêsu Kitô: “nhờ đó thế gian đã bị
đóng vào Thập giá đối với tôi và tôi đối
với thế gian” (Gl 6,14).
3. Việc tôn kính Thập giá
Từ những dòng suy niệm trên đây, chúng ta thấy
rằng Thập giá mang một ý nghĩa sâu đậm đối
với Kitô giáo: nói được là nó trở thành biểu
tượng của chính Đức Kitô. Tuy nhiên, lòng tôn sùng
hình ảnh Thập giá xuất hiện khá muộn. Một
lý do có lẽ là tại vì nó gợi lên cảnh tượng
của nhục hình ghê tởm. Vì thế mà
trước khi hoàng đế Constantinô ra lệnh bãi bỏ
khổ hình Thập giá trong đế quốc Rôma, người
ta ít thấy các biểu tượng tôn kính Thập giá.
Trong các hang toại đạo, chúng ta thấy có một
biểu tượng na ná với hình thức
chiếc neo tàu. Trái lại, trong khu vực Palatinô ở Rôma,
người ta thấy một bức họa châm biếm vẽ
một người bị treo trên Thập giá với đầu
con lừa đang khi có một người khác đang tỏ
dấu tôn kính, với những dòng chữ như sau:
“Alexanênô đang thờ lạy chúa nó”.
Từ sau khi Constantinô thắng trận nhờ
dấu Thập giá, thì Thập giá thay đổi ý nghĩa.
Như đã nói, hình phạt Thập giá bị
loại khỏi hình luật. Đối
lại, các Kitô hữu đang dùng tài nghệ của mình
để trang hoàng Thập giá dưới những dạng
thức khác nhau. Họ không chỉ giới hạn vào
việc họa lại Thập giá lịch sử trên núi
Calvê, nhưng hoặc được trang hoàng với những
viên ngọc bích, hoặc diễn tả như cây sum suê hoa
trái.
Cũng nên biết là vào thời ấy, các
Kitô hữu chỉ tôn kính cây Thập giá chứ không có hình
tượng của Đức Giêsu. Tại
sao vậy? Có lẽ vì họ không muốn trở lại
cảnh Ngài đang chết nhục nhã đang khi mà họ
thâm tín rằng Ngài đã sống lại vinh hiển: bởi
thế họ muốn trình bày Thập giá như là nguồn
sống, như là biểu hiệu của sự chiến thắng
nói chung bên Đông phương, mỗi khi phải trưng
bày Đức Kitô trên Thập giá thì người ta dùng hai mẫu
tự Hy lạp bắt đầu danh xưng giống
như chữ X và P), hoặc là dùng hình con chiên (chiên sát tế
nói trong sách Khải huyền) và kể cả Đức Kitô
Phục sinh.
Còn bên Tây phương, từ thế kỷ XII dần dần
các nghệ sĩ muốn trở về với cảnh
tượng lịch sử và tâm lý, họa lại Đức
Kitô hấp hối, đầu đội mão gai và mình mang
đầy thương tích. Trong những
thế kỷ đầu, việc tôn kính Thập giá Đức
Kitô đưa tới linh đạo muốn thông dự vào
khổ nạn của Ngài nhất là qua sự tử đạo.
Nhưng từ thế kỷ thứ IV, nhất là kể từ
khi tục truyền kể là tìm lại được chính
Thập giá thực của Đức Kitô (năm 326), thì việc
tôn kính Thập giá được phát triển trong phụng
vụ, đặc biệt vào ngày thứ 6 Tuần Thánh. Thập giá được ca ngợi như là cây gỗ
đã mang lại ơn cứu rỗi cho thế giới.
Từ thế kỷ 11, bên Tây phương
phát triển lòng tôn kính các sự khổ nạn của Chúa,
với việc suy gẫm những chặng đường
mà Chúa đã đi qua cũng như những lần đã té
ngã. Lúc đầu mỗi địa
phương bày một hình thức suy niệm (thí dụ 7 lần
Chúa ngã) hoặc những chặng dừng chân (có khi lên tới
47 chặng). Hình thức 14 chặng hiện
nay đã được ấn định vào đầu thế
kỷ 17 tại Tây Ban Nha.
Cạnh việc suy gẫm con đường Thập giá
của Đức Kitô cũng không thể thiếu hình ảnh
của Đức Maria cùng chia sẻ những đau khổ
với Con mình (bài ca Stabat mater dolorosa). Lòng tôn sùng Thập
giá cũng còn được biểu lộ qua dấu Thánh
giá mà tín hữu vạch ra trên mình đang khi kêu cầu danh
Chúa Ba Ngôi. Tục lệ này đã xuất hiện
ít là từ thế kỷ thứ 2. Vào khoảng năm
211, Tertullianô đã kể lại như một thói quen
đã thịnh hành: “Chúng tôi làm dấu Thập giá trên trán vào
mỗi bứơc đi và cử động, khi khởi sự
và kết thúc việc làm; khi mặc áo, khi chỗi dậy, khi
tắm rửa, khi ăn uống, khi thắp đèn vào buổi
chiều tối, khi ngồi xuống và trong bất cứ
công chuyện gì” (De corona militum 3,4).
Cũng nên biết là trong lịch sử có
nhiều hình thức làm dấu thánh giá.
Từ thế kỷ thứ 2, người tín hữu
đã có thói quen vạch dấu thánh giá trên trán bằng ngón tay cái hay ngón tay trỏ. Đến
thế kỷ thứ 4, thì làm dấu thánh giá trên ngực nữa.
Còn dấu thánh giá trên môi thì mãi tới thế
kỷ thứ 8 mới thấy nói tới. Đó là cái mà chúng ta quen gọi là dấu thánh giá
kép. Còn dấu thánh giá đơn vạch từ trán xuống
ngực và qua hai vai thì xuất hiện riêng tư từ thế
kỷ thứ 5, nhưng chỉ được phổ biến
từ thế kỷ thứ 10 trong các đan viện. Hồi
thế kỷ thứ 13, Đức Giáo Hoàng Innocente III khuyên
nên làm dấu thánh giá như vậy với 3 ngón tay, từ trán xuống ngực, rồi từ
vai phải sang vai trái. Thế nhưng, qua thế kỷ sau,
thì người ta làm dấu với 5 ngón tay,
và đổi ngược thứ thự hai vai, nghĩa là từ
trái sang phải.
Trong khi bên Tây phương thì khi làm dấu thánh giá như
vậy, người ta quen đọc: Nhân danh Cha và Con và
Thánh Thần; bên Đông phương thì người ta dùng
nhiều công thức khác nhau, tỉ như: “Lạy Chúa chí
thánh! Lạy Chúa chí thánh và Hùng mạnh! Lạy Chúa chí thánh,
hùng mạnh và Bất tử, xin thương xót chúng con!”.
Các tác giả đã vạch ra ba ý nghĩa chính của cử
chỉ làm dấu, đó là: tuyên xưng, kêu cầu và hiến
dâng. a. Tuyên xưng rằng chúng ta là Kitô hữu; chúng ta
đã để cho Đức Kitô ghi ấn trên bản thân
chúng ta, cũng như tuyên xưng việc Ngài đã cứu
rỗi chúng ta nhờ Thập giá. b.
Dấu Thập giá cũng là lời kêu van, xin Chúa đến
giúp chúng ta nhờ sức mạnh cứu rỗi từ Thập
giá. c. Dấu Thập giá có ý nghĩa
hiến dâng, bởi vì chúng ta dâng cho Chúa công việc sắp
khởi sự, trong tinh thần vâng lời và phục vụ
giống như Đức Kitô, ngõ hầu làm vinh danh cho Thiên
Chúa Ba Ngôi. 4. Biểu tượng Thập giá qua các
thời đại trong Kitô giáo.
Xuôi dòng lịch sử có một số biểu
tượng của thập giá qua các thời đại và
đã được du nhập chính thức vào Kitô giáo.
Dấu chỉ chữ thập, được hiểu là một
cam kết khẳng định trong một giao ước,
đã trở thành dấu của Phép Rửa khi ta chịu bí
tích Thánh Tẩy, biểu hiện giao ước của Thiên
Chúa với con người: Thiên Chúa chính thức là Cha của
người nhận Phép Rửa, và người đó là con
của Thiên Chúa. Ta có thể hiểu mối liên kết giữa
Phép Rửa và Thập Giá mà thánh Phaolô đề cập (Rm 6:
5-6). Việc cầu nguyện giang tay
cũng gợi lên hình ảnh của thập giá. Và cầu
nguyện cũng đem lại cho chúng ta sự sáng và sự
sống từ nguồn sống vĩnh cửu của Chúa
Giêsu.
1. Thập
giá hình tròn thường dùng trong ma thuật.
2. Thập giá chìa khóa, tên la-tinh là crux ansata, biểu tượng
cho sự sống và sinh lực của người Ai cập;
được Kitô hoá vào trước năm 391.
3. Thập giá Hy lạp, còn gọi crux quadrata.
4. Thập giá của Thánh An-rê (cũng như thập giá Hy lạp
để nghiêng), còn gọi crux decussata, thấy xuất hiện
trong nghệ thuật của Do thái.
5. Thập giá La-tinh, gọi là crux immissa; vào cuối thế
kỷ thứ IV, được vẽ thêm các trang trí hình vỏ
sò ở các đầu cạnh (xem hình 11)
6. Hình chữ thập, hoặc còn gọi (tuy
không chính xác) là crux monogrammatica, có lẽ là biểu tượng
Kitô giáo cổ xưa nhất. Gồm hai chữ cái Hy lạp
rho và tau chồng lên nhau, thoạt tiên được coi là
viết tắt của người ngoại đạo,
nhưng sau đó được đưa vào các thủ bản
Tin Mừng tiếng Hy lạp vào khoảng năm 200. Được coi là một dấu thánh, nomen
sacrum.
7. Thập giá của thánh An-tôn, còn được gọi là
thập giá tau hay crux commissa, lấy chữ Hy lạp tau, và
được cho là có dạng của thập giá ở
Golgotha (sách giáo phụ Justin Martyr 91.2)
8. Thập tự xoắn thường thấy
trong các văn bản.
9. Thập giá của người Malta,
biểu tượng của trật tự.
10. Thập giá có hình chiếc nĩa, còn gọi thập giá
mang bệnh dịch, phổ thông vào cuối thời Trung Cổ.
Nó nhấn mạnh đến vẻ đau khổ của
thập giá, còn khi vẽ có các nhành lá, thì mang biểu tượng
của Cây Sự Sống.
11. Thập giá hình giọt nước mắt, như mở
rộng cánh tay, biểu tượng tính
chiến thắng của thập tự.
12. Thập giá Giêrusalem, mang 5 dấu thương tích của
Chúa Giêsu.
13. Thập giá kép, còn gọi là crux gemina, sau này trở thành
thập giá của các thượng phụ, trên thanh ngang có thêm
gạch đầu; nếu có ba thanh ngang là thập giá của
giáo hoàng.
14. Thập giá bên nước Nga, có thêm gạch dưới
để chân.
15. Thập giá ánh sáng, còn gọi crux radiata, có màu vàng, hay 4 tia sáng chiếu ra.
16. Thập giá có hoa văn, còn gọi crux florida, hay thập giá cây
mang sự sống, gợi ý về thiên đàng (Khải Huyền
22: 2)
17. Thập giá kết hợp hai chủ đề của
Tân Ước là ánh sáng (ΦωC / phōs) và sự sống
(ΖωH / zōē; xem Tin Mừng
Gioan 8:12), kết hợp được hai thập giá 15 và
16.
18. Thập giá kết hợp hai chữ Hy lạp chi (X) và
rho (P) viết chồng lên nhau. Thật ra không phải là thập
giá theo đúng nghĩa, vì đó là dấu
chỉ tên của Chúa Giêsu, chứ không mang nghĩa phải
thập giá.
B. NHỮNG SUY TƯ CỦA CÁC GIÁO PHỤ VÀ CÁC
NHÀ THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ
I.Thập giá trong thần học Cổ điển Kinh Thánh gắn liền Thập giá với
ơn cứu rỗi của nhân loại. Có những
lời tuyên xưng đức tin về ý nghĩa của
cái chết của Đức Kitô: tuy không mắc tội
tình gì nhưng Ngài đã phải chết trên Thập giá; thế
nhưng, đó không phải là cái chết oan uổng, bởi
vì theo 1Cr 15,3: Đức Kitô đã chết
vì tội chúng ta, theo như lời sách thánh. Công thức còn
được thánh Phaolô lặp lại ở nhiều
nơi khác nữa, thí dụ như: 1Tx 5,9;
2Cr 5,14-21; Rm 4,25. Những lời tuyên bố khi thiết lập
Bí tích Thánh thể cũng cho thấy rằng máu của Đức
Kitô được đổ ra “để mang lại
ơn tha thứ tội lỗi cho muôn người” (Mt 26,28; xc. Mc 14,24; Lc 22,20). Ngoài
ơn tha thứ tội lỗi, thánh Phaolô cũng còn nêu bật
rất nhiều những hồng ân khác như hiệu quả
của Thập giá, thí dụ như: ơn trở thành công
chính, ơn cứu chuộc, sự bình an hòa giải (Rm 3,24; Cl 1,20).
Các giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ
đã đặt câu hỏi về ý nghĩa cái chết của
Đức Giêsu đối với chúng ta: tại sao Tân
ước lại quả quyết Đức Kitô chết
vì chúng ta? Làm thế nào mà cái chết của
Đức Kitô trên Thập giá có sức mang lại ơn cứu
độ cho chúng ta? Đây là vấn
đề mà trong quá khứ quen được bàn trong thiên
về công hiệu cứu chuộc của Thập giá,
nhưng gần đây đã bị xét lại vì muốn tìm
lối giải thích hợp với tư tưởng Kinh
Thánh hơn. Để trả lời cho câu hỏi
về mối liên hệ giữa cái chết của Đức
Giêsu trên Thập giá với ơn cứu chuộc ban cho nhân
loại, các giáo phụ và các thần học đưa ra nhiều
lời giải thích khác nhau, tóm lược vào 3 khuynh hướng
chính: mẫu gương, giá chuộc, hy lễ.
1/ Dựa trên đoạn văn Phúc âm thánh Gioan 19,37 (Họ sẽ nhìn thấy kẻ họ
đâm thâu), các giáo phụ tiên khởi cho rằng Thập
giá là mặc khải của Thiên Chúa, giống như ánh sáng
chiếu tỏa ra giữa đêm tối. Vài giáo phụ
khác, khi chú giải đoạn văn 1Pr 2,21
(Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để
lại một mẫu gương cho anh em dõi bước
theo Ngài), đã nêu bật giá trị của Thập giá ở
chỗ nó là bài học, tấm gương và chứng tá. Dù
sao chúng ta cũng đừng nên quên rằng từ thánh
Irênê, các giáo phụ đã coi sự cứu độ
được ban cho nhân loại không phải chỉ nguyên
từ Thập giá nhưng mà ngay từ lúc Đức Kitô nhập
thể, khi Thiên Chúa kết hợp với nhân tính để
chữa trị và thánh hóa nó.
Nói khác đi, toàn thể cuộc đời
Đức Kitô (từ khi nhập thể, giáng trần, trong
thời ẩn dật ở Nadarét lẫn những lời
nói việc làm trong khi hoạt động công khai) đều
trở nên mầu nhiệm cứu độ.
2/ Một số giáo phụ giải thích ơn cứu
độ do Thập giá mang lại theo
chiều hướng chuộc lại, nghĩa là giải
thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi.
Thập giá là nơi diễn ra cuộc giao
tranh giữa Đức Giêsu với các lực lượng
của sự dữ và sự chết. Trước
đây, trong vường địa đàng, vì một cây mà
con người bị làm nô lệ cho ma quỷ; giờ
đây, nhờ cây Thập giá, Thiên Chúa qua Đức Giêsu
đã đến trợ giúp con người trong cuộc
giao tranh và chiến thắng. Thực ra, tư tưởng
chuộc lại đã gặp thấy trong Tân ước,
thí dụ như thánh Phaolô ví Thiên Chúa như một ân nhân đã bỏ một số tiền ra
để chuộc một nô lệ. Tân ước dùng hình ảnh
đó để mô tả việc con người được
giải thoát khỏi cảnh nô lệ của lề luật
cũ, của cái chết và tội lỗi nhờ cái chết
của Đức Giêsu (Gl 3,13; 4,4; 2Cr 5,21; Cl 2,14; một cách
tương tự như vậy: Tt 2,14; 1Pr 1,18). Tuy nhiên, đó chỉ là một hình ảnh loại
suy, khi mà sự dữ và cái chết được nhân cách
hóa như những ông chủ đang xiềng xích con người.
Tư tưởng chính mà Phaolô muốn nói là: con người
được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết
và được trở về sống trong ơn nghĩa
Chúa. Phaolô không đề cập tới cái giá
phải trả để chuộc lại. Thế
nhưng về sau, các giáo phụ và các nhà thần học lại
giải thích theo từ ngữ pháp lý: vì tội
lỗi mà con người phải làm nô lệ của ma quỷ:
cho nên Đức Kitô phải nộp mình chết thay cho con
người để chuộc nó lại. Cái
chết của Đức Kitô trở nên giá chuộc tội.
Tuy cùng dùng một từ ngữ “chuộc lại”,
nhưng ý nghĩa của nó nơi thần học kinh viện
không hoàn toàn trung thực với ý nghĩa của Tân ước
nữa.
3/ Một chiều hướng khác thì dựa vào tư
tưởng hy lễ (hiến tế) đã được
Kinh Thánh nói tới, nhất là “hy lễ xá tội” ở
trong thư gửi Hy bá chương 9 và 10. Hy lễ
được giải thích như là một hồng ân mà
Thiên Chúa ban cho con người qua Con của mình để nhờ
đó con người có thể hiến dâng cho Thiên Chúa hy lễ
thiêng liêng. Việc con người hiến dâng mạng sống
mình cho tha nhân thì cũng giống như việc Đức
Giêsu đã hiến mình làm hy lễ vâng phục và yêu mến
lên Chúa Cha vậy (Ep 5,2).
Mặt khác, tác giả của thư gửi Hy bá cũng
nhấn mạnh rằng Hy lễ của Đức Kitô hoàn
toàn khác với các hy lễ trước đó, bởi vì giá
trị của nó không phải là máu me sát tế đổ
ra, nhưng là tinh thần vâng phục (Dt 5,8; 10,1). Các giáo phụ cũng không ngừng lặp đi lặp
lại rằng Thiên Chúa không cần tới hy lễ; nếu
Chúa muốn hy lễ thì chỉ vì loài người mà thôi.
Đó là đạo lý của các giáo phụ
được thánh Augustinô diễn ra trong De Civitate Dei X,
5-20. Tiếc rằng kể từ thánh Anselmô, hy lễ
xá tội được giải thích hoàn toàn theo
phạm trù triết học và pháp lý, hơn là dựa trên
đạo lý của toàn bộ Kinh Thánh.
Theo lập luận này, Thiên Chúa nhân hậu
muốn tha tội cho con người, nhưng đồng
thời cũng cần phải tôn trọng sự công bằng
nữa. Tội lỗi đã gây ra xáo trộn trật
tự, làm xúc phạm đến Thiên Chúa công thẳng vô
cùng; vì thế mà cần phải có Con Thiên Chúa mới có khả
năng dâng lên hy lễ chính mạng sống mình (có giá trị
vô cùng) thì mới có thể khôi phục lại trật tự.
Từ đó, Thập giá được giải thích theo chiều hướng là hy lễ sát tế
đền bồi, công thẳng của Chúa (Đức Kitô
đền tội thay cho chúng ta, hứng lấy tất cả
những hình phạt chúng ta đáng phải chịu:
substitutio, expiatio); còn chiều kích tình yêu trao hiến, vâng phục
không được nêu bật. Có lẽ khuyết
điểm lớn của thần học trong quá khứ là
khi sử dụng các từ ngữ của Kinh Thánh, họ
đã giải thích các từ ngữ ấy theo
triết lý hay pháp luật mà bỏ qua toàn thể bối cảnh
của mặc khải.
Thực vậy, Kinh Thánh nói tới sự “công bằng” của
Thiên Chúa, hạch sách cho tới đồng xu cuối cùng. Ngay từ Cựu ước, sự “công bằng”
của Thiên Chúa ám chỉ việc Ngài giữ lời hứa,
lòng trung tín đối với giao ước. Tuy rằng Israel
có thất trung, nhưng Thiên Chúa không rút lời. Tư
tưởng đó được nối dài qua Tân ước,
nơi mà Thiên Chúa bày tỏ sự công bằng qua việc duy
trì lời hứa: chính Ngài không ngừng yêu thương nhân
loại cho dù tội lỗi của loài người gây ra
bao nhiêu rối loạn. Ngài đứng ra khởi
xướng cuộc giao hoà với nhân loại nhờ Đức
Kitô.
Như thế, chúng ta đừng hiểu sự “công bằng”
của Thiên Chúa như là “công thẳng”, nhưng phải nói
là sự “trung tín” thì mới đúng. Một cách
tương tự như vậy, các từ ngữ đọc
thấy trong Kinh Thánh như là “công trạng”, “chuộc lại”,
“hy lễ”, “làm nguôi lòng” cần phải hiểu theo nghĩa
loại suy (như thánh Tôma Aquinô đã nhắc nhở nhiều
lần: ST III, q.47,3; q.48,1-5), và nhất là cần được
đi kèm theo với những từ ngữ khác biểu lộ
ơn cứu độ: “trao ban, hoà giải, bình an, ban
sự sống”,.v.v… Như thế, để trả lời
thoả đáng cho câu hỏi: “tại sao ơn cứu độ
thế gian được thông ban qua cái chết của
Đức Giêsu?”, chúng ta cần phải xây dựng theo lời
giảng đầu tiên của thánh Phêrô để nói rằng:
“tại vì tội lỗi và vũ lực của con người
đã khai trừ Đức Giêsu, người công chính tuyệt
đối”.
Cái chết của Đức Giêsu là do con người
đã gây ra; còn sự sống thì xuất phát từ Thiên Chúa
khi cho Đức Kitô sống lại (x. Cv 2,23-24).
Thiên Chúa luôn luôn trung tín với lời hứa ban ơn cứu
độ bất chấp sự phá hoại của con
người. Nói khác đi, xem ra trước đây, thần
học nhìn từ đất lên trời chú ý tới giá trị
công nghiệp đền tội của Đức Giêsu dâng
lên Thiên Chúa; còn ngày nay, người ta muốn nhìn từ trời
xuống đất để ý tới tình thương của
Chúa Cha tỏ ra cho nhân loại khi ban chính con của mình cho
nhân loại. Một cách tương tự
như thế, Thập giá được nhìn như biểu
hiệu tình yêu của Đức Kitô trao ban mình cho các bằng
hữu. Dù sao, thiết tưởng cả hai chiều
hướng đi lên hoặc đi xuống (hoặc nói theo kiểu thánh Tôma: đi ra đi về,
exitus-reditus, con người từ Chúa đi ra và lại trở
về với Chúa) cũng cần được bổ túc
cho nhau.
Dù nói thế nào đi nữa, chúng ta phải khiêm tốn
nhìn nhận giới hạn của trí óc chúng ta khi đứng
trước thập giá: mãi mãi Thập giá vẫn là một
mầu nhiệm, đồng thời cũng là sự
điên rồ phi lý theo kiểu tính toán của
con người. II. Thần học cận đại
về Thập giá Từ thời các giáo phụ, vấn
đề chính của thần học về Thập giá là
tìm hiểu mối liên hệ giữa cái chết trên Thập
giá của Đức Kitô với hồng ân cứu độ
ban cho loài người. Nói khác đi, Thập
giá được bàn tới trong nhãn giới của mầu
nhiệm cứu chuộc. Thần học
cận đại có một nhãn giới khác về vấn
đề này. Bắt nguồn từ vấn nạn của
Luther về mặc khải của Thiên Chúa nơi Thập
giá, các nhà thần học Tin lành cận đại nói tới
sự đau khổ của Thiên Chúa trên Thập giá, và từ
đó xét lại vấn đề ý nghĩa sự đau khổ
của con người. Sau cùng cũng cần nói thêm đôi
chút về thần học Thập giá theo
Thượng Hội đồng Giám mục thế giới
họp năm 1985.
1. Sự đau khổ của Thiên Chúa
Trong khi thần học Công giáo cổ điển bàn tới
Thập giá trong nhãn giới của ơn cứu chuộc,
thì Luther nói tới Thập giá dưới khía cạnh mặc
khải: làm sao con người có thể biết được
Thiên Chúa? Luther phân biệt giữa 2 cách biết Thiên Chúa: một
đàng là biết nhờ suy luận các hữu thể thụ
tạo, được mệnh danh là theologia gloriae, Thiên
Chúa được quan niệm như Đấng chủ tế
trọn tốt trọn lành. Thế nhưng, Luther cho rằng
đó không phải là khuôn mặt thực của Thiên Chúa mà
chỉ là một hình tượng do con người đã tạo
ra. Luther chủ trương rằng cách thức để
nhận khuôn mặt thật của Thiên Chúa là con đường
Thập giá (theologia crucis), nơi mà Thiên Chúa tỏ ra ý định
của Ngài đối với nhân loại. Ngài không phải
là một hữu thể toàn hảo bất biến,
nhưng là một Đấng rất xa với tội lỗi
và đau khổ của con người, đã bày tỏ tình
yêu với con người cách hùng hồn nơi Thập giá
của Đức Giêsu.
Tiếp theo Luther, Thần học về Thập giá về
phía Tin lành mang một hướng đi độc đáo:
nó không những chỉ muốn đào sâu giá trị của
ơn cứu chuộc được ban từ Thập giá,
nhưng nó cũng trình bày toàn thể thần học về
bản tính của Thiên Chúa được mặc khải
nơi Thập giá. Vào thế kỷ 20 này, vấn đề
được phát biểu một cách bạo dạn
như sau: ai chịu khổ và chịu chết trên Thập
giá? Phải chăng chỉ có Đức Kitô
chịu khổ hình chịu chết? Có thể
nói rằng Chúa Cha chịu đau khổ hay không? Có thể nói rằng Thiên Chúa chịu chết hay
không?
Nên biết rằng đây không phải là những
câu hỏi ngớ ngẩn, gợi lên để nói cho vui.
Một số câu hỏi này đã được đặt
ra từ các trại tập trung của Đức quốc
xã, khi hàng triệu người phải nếm những cảnh
tra tấn tù tội, hỏa lò: họ cảm tưởng rằng
Thiên Chúa đã chết trong sự thinh lặng, không ra tay can
thiệp, cũng giống như cảnh tưởng Đức
Giêsu bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng trong hoàn cảnh
tương tự, nhà thần học Tin lành Kazo Kitamori
người Nhật đã viết những dòng suy tư về
sự đau khổ của Thiên Chúa từ kinh nghiệm
đau khổ của dân tộc vào hồi thế chiến
thứ hai (Theology of the Pain of God, 1946, tái bản 1972).
Từ một câu hỏi đặt lên trong
giới thần học Luther, nó trở thành một đối
tượng cho một ngành của thần học gọi
là staurologia (Thập giá học). Các thần
học gia của Công giáo lẫn Tin lành đều tham gia
vào cuộc khảo cứu những đề tài về sự
mặc khải của Thiên Chúa từ Thập giá. Trước tiên, họ bàn tới sự đau khổ
và sự chết nơi Đức Kitô như một chủ
thể duy nhất gồm thiên tính và nhân tính (nơi Đức
Kitô, thiên tính đã chia sẻ sự đau khổ của
nhân tính như thế nào). Kế đó, họ
đi lên mối liên hệ giữa Chúa Cha với Đức
Kitô (xét vì Đức Kitô với Cha là một). Tác giả
dẫn đầu cho hướng đi này là Jurgen Moltmann, với
tác phẩm “Thiên Chúa bị đóng đinh trên Thập giá”
(xuất bản năm 1972), mở rộng Thập giá tới
toàn thể mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: “Vì yêu mà con đau khổ
khi bị Cha bỏ rơi; vì yêu mà Cha khổ khi con đau
đớn và chết; Thánh Thần tình yêu đã khôi phục
sự sống cho người đã chết. Nơi
Thập giá ta chứng kiến được sự tham dự
yêu thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa”.
Cũng trong chiều hướng đó mà các nhà thần học
Công giáo như Hans Urs Von Balthasar, F.X. Durwell đã trình bày toàn
bộ mầu nhiệm vượt qua như là mặc khải
mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
2. Ý nghĩa của sự đau khổ
Đang khi mà thần học Tin lành nhìn lên Thập giá để
tìm hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa, thì thần
học giải phóng nhấn mạnh tới sự đau khổ
của con người. Thật ra, như chúng
ta đã biết, việc gắn liền Thập giá với
đau khổ không còn gì mới lạ. Văn
chương tu đức đã trình bày khía cạnh này từ
lâu rồi: chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô chấp
nhận những đau khổ như Thập giá mà Chúa gởi
đến! Tuy nhiên, thần học giải phóng tố cáo rằng
một luồng tu đức như vậy sẽ tạo
ra những hạng người thụ động: đứng
trước các bất công xã hội, những cảnh lầm
than của nhân loại, người tín hữu chỉ biết
học đức kiên nhẫn chịu đựng, thay vì
tìm cách cải tạo xã hội. Hơn thế
nữa, nói rằng chấp nhận những đau khổ
như Thập giá Chúa gởi đến thì có khác nào như
nói rằng Chúa muốn cho con người phải đau khổ
hay sao? Những vấn nạn vừa nêu lên đã
bắt buộc thần học cận đại xét lại
một câu hỏi mà con người mọi nơi mọi thời
đã đặt lên cho tất cả các tôn giáo: vì đâu mà
con người phải khổ?
Giới hạn vào sự liên hệ với Thập giá, ta
nên biết rằng Kitô giáo tiên vàn không nhằm đề ra
một lý thuyết để giải thích về nguyên nhân của
sự đau khổ cho bằng trưng ra mẫu
gương của một người đã cùng chia sẻ
sự đau khổ: người ấy chính là Đức
Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã nếm thử tất
cả những mùi đau khổ của con người, cả
về thể chất lẫn tinh thần, nhất là sự
khắc khoải trước cái chết và cái chết
đã mang ô nhục. Thiên Chúa đã lãnh lấy
đau khổ không phải vì Ngài yêu thích đau khổ,
nhưng là vì yêu thương con người khổ đau.
Ngài không muốn phô trương kỷ lục
về đau khổ cho bằng muốn chia sẻ thân phận
con người ngay từ khi vào đời. Chính trong sự
liên đới của Đức Kitô với những
đau khổ của loài người mà chúng ta tìm thấy một
niềm an ủi; thực vậy, bất
cứ người nào cho dù bị chìm sâu xuống bể khổ
đến đâu, cũng đều có thể hướng
mắt nhìn lên Thập giá.
Thực ra, Đức Kitô không có thánh hóa sự đau khổ
xét như là đau khổ: sự đau khổ nguyên nó là điều xấu và có thể
gây ra bao nhiêu sự xấu khác (căm tức, oán hờn,
trách phận, ghen tương,…). Chúng ta cũng đừng
coi sự đau khổ như là giá mà Đức Kitô phải
trả cho Thiên Chúa để đền tội của loài
người; bởi vì như vậy là hạ giá Thiên Chúa,
coi Ngài như ông chủ nợ khắc nghiệt cay cú! Hình ảnh ấy không phản ánh khuôn mặt của
Thiên Chúa mà Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta.
Thiết tưởng phải nói rằng không phải số
lượng đau khổ chồng chất lên thân xác của
Đức Kitô đã mang lại ơn cứu độ cho
nhân loại, cũng chẳng phải chính cái chết có sức
đền tội thay cho chúng ta: nhưng là cách thức mà
Đức Kitô đã lãnh nhận cái chết.
Đức Kitô đã đón nhận hết tất cả
những đau khổ cho tới chết với tinh thần
tự do âu yếm và trao hiến thân mình. Đức
Kitô đã hoán cải cái chết, từ chỗ là hoa quả
của thù hận và tội lỗi để trở nên ngọn
lửa của yêu thương. Chính vì
đã xoay ngược ý nghĩa của cái chết như vậy
mà ta có thể nói rằng Đức Kitô đã giao tranh với
sự chết. Đức Kitô đã lãnh nhận cái chết
trên mình và đã vật ngã nó nhờ sự sống lại;
hay nói cách khác, Ngài đã tiêu diệt cái chết. Nhờ tình
yêu mà Ngài thông ban cho con người, chúng ta cũng có thể
chấp nhận cùng với Ngài (nghĩa là có thể hoán cải)
sự đau khổ.
Vì thế, đau khổ có thể có giá trị hay không là
tuy theo thái độ chúng ta có chấp nhận
nó cách tự do hay không, nghĩa là có biết đón nhận
nó với sức mạnh của Đức Kitô (giống
như Ngài và cùng với Ngài) hay không. Dù
sao, cần phải nhấn mạnh rằng Thập giá không
phải là một học thuyết giải thích hay biện
minh cho sự đau khổ của con người. Thập
giá cho ta thấy một sự kiện là Thiên Chúa đã
đến gặp gỡ sự đau khổ, với thái
độ tự do của Ngài. Điều đó đã vạch
ra hai bộ mặt của đau khổ: nó vừa kinh tởm
vừa xinh đẹp. Nó kinh tởm bởi vì chính một kẻ
công chính vô tội đã chịu khổ do dã tâm của đồng
loại. Nó xinh đẹp bởi vì cách thức mà Đức
Giêsu đã chấp nhận và biến đổi nó: Người
đã đón nhận nó cách âu yếm và hoán cải nó thành dụng
cụ yêu thương. Và Đức Kitô mời gọi các
môn đệ hãy vác Thập giá đi theo
Ngài với nghĩa ấy: bắt chước Chúa trong thái
độ yêu mến. Đức Gioan Phaolô II đã viết
dòng suy niệm về ý nghĩa sự đau khổ trong
tông thư Salvifici Doloris.
3. Thần học Thập giá trong tương quan giữa
Giáo hội với trần thế
Trong hậu bán thế kỷ 20, thần học Công giáo có
nhiều du dịch đáng kể chung
quanh thần học Thập giá. Trước
đó, Thập giá được nói nhiều trong các sách tu
đức, đề cao việc chia sẻ những đau
khổ của Chúa Giêsu qua những việc hãm mình đền
tạ. Vào thập niên 50, với cuộc
cải tổ phụng vụ, Thập giá dần dần biến
đi nhường chỗ cho mầu nhiệm Phục sinh.
Thật vậy, nếu không có sự phục
sinh thì Thập giá chẳng có ý nghĩa gì hết mà chỉ dẫn
tới tuyệt vọng. Trùng với thời kỳ
phát triển khoa học và kinh tế tại Âu châu, các
văn kiện của công đồng Vaticanô II được
soạn ra dưới ánh sáng lạc quan của mầu nhiệm
phục sinh đến nỗi quên đi mầu nhiệm Thập
giá! Thế nhưng, đến khoảng thập
niên 70, với những cuộc khủng hoảng kinh tế,
với những cảnh bất công còn tái diễn trên thế
giới, thần học lại quay lại với Thập
giá. Sự quân bình giữa Thập giá và Phục sinh
không phải lúc nào cũng dễ dàng!
Vào dịp kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng
Vaticanô II, khi nhận định về sứ mạng của
Hội thánh trong thế giới dựa theo hiến chế
“vui mừng và hy vọng” Thượng Hội đồng
Giám mục khoá bất thường năm 1985 đã tuyên bố
như sau: Chúng tôi nhận thấy rằng những dấu
chỉ của thời đại chúng ta có phần khác với
thời đại công đồng, với những vấn
đề và khắc khoải lớn hơn. Thực
vậy, ngày nay khắp nơi trên thế giới chúng ta
đang chứng kiến sự gia tăng của đói kém,
đàn áp, chiến tranh, đau khổ, khủng bố và nhiều
hình thức bạo lực khác.
Điều này đòi hỏi một sự suy tư thần
học mới và sâu xa hơn, ngõ hầu có thể giải
thích những dấu chỉ này trong ánh sáng của Tin mừng.
Chúng tôi thấy rằng trong nỗi khó khăn
hiện tại Thiên Chúa muốn dạy chúng ta cách thấm
thía hơn về giá trị, tầm quan trọng và trung tâm của
Thập giá Đức Kitô. Vì thế, sự liên hệ
giữa lịch sử nhân loại và lịch sử cứu
rỗi cần được giải thích dưới ánh
sáng của mầu nhiệm vượt qua. Dĩ
nhiên, thần học Thập giá không loại bỏ hoàn toàn
thần học về tạo dựng và nhập thể,
nhưng nó giả thiết cả hai nền tảng đó.
Khi các kitô hữu nói tới Thập giá, chúng ta
không muốn bị gán là bi quan yếm thế nhưng chúng
ta muốn đặt mình trên thực trạng của nền
hy vọng kitô giáo.
Từ viễn ảnh của mầu nhiệm vượt
qua, cùng với sự khẳng định mối liên kết
giữa Thập giá và Phục sinh, chúng ta có thể nhận
định một sự thích nghi canh tan và chính hiệu hay
giả hiệu. Một đàng chúng ta không thể nào chấp
nhận hoàn toàn đồng hóa với thế gian; đàng
khác, chúng ta cũng không thể đóng khung Giáo hội vào cộng
đồng các tín hữu: chúng ta cần phải khẳng
định sự cởi mở truyền giáo của Giáo hội
nhằm tới sự cứu rỗi toàn diện con người.
Nhờ đó, hết mọi giá trị chân chính của con
người không những được chấp nhận
mà còn được bảo vệ cách cương quyết:
phẩm giá nhân vị; những quyền lợi căn bản
của con người; hoà bình; tự do khỏi mọi áp bức,
nghèo kém và bất công.
Tuy nhiên, sự cứu rỗi toàn diện đạt
được khi mà những thực tại vừa nói của
con người được thanh luyện và nâng cao nhờ
ân sủng và sự kết hợp với Thiên Chúa, nhờ
Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần.
Cũng nên biết là văn kiện ấy
cũng lấy mầu nhiệm Thập giá làm mẫu mực
cho việc hội nhập văn hóa. Nói cách khác, tiêu
chuẩn của việc hội nhập văn hóa không thể
chỉ dựa thuần tuý trên mầu nhiệm nhập thể,
nhưng còn phải dựa cả trên mầu nhiệm Thập
giá nữa: Giáo hội cần biết thu
nhận các nền văn hóa nhưng đồng thời
cũng cần phải biết thanh tẩy luyện lọc
chúng nữa. Như thế, ta thấy một
chiều kích khác nữa của thần học Thập giá,
đặt trong mối tương quan giữa Giáo hội với
trần thế, giữa lịch sử nhân loại với
lịch sử cứu độ.
C. THÁNH GIÁ LÀ TÌNH YÊU
Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một
nằm và một đứng. Thanh nằm
tượng trưng cho sự chết và sự yếu
đuối trải rộng. Thanh đứng
tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự
tương phản giữa sự sống và sự chết,
giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc
và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn
Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên
thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một
Thập giá.
Ý muốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là
đã tạo nên một thập giá. Do đó thập
giá là biểu tượng của đau khổ. Người ta sợ thập giá. Đó là hình phạt sỉ nhục đau đớn
nhất cho tội nhân. Nếu thập
giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng
chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ.
Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hòan
toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh.
Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã
cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ
thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt
có thể gặt giữa tiếng cười, những ai
khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau
khổ có thể đồng hiển trị với Ngài. Những ai mang thập giá ngày thứ Sáu Tuần
Thánh có thể hạnh phúc ngày Chúa Nhật Phục Sinh.
Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của
sự chết và thanh đứng của sự sống
trong một xác quyết: mọi sự sống đều
ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu
đang hy sinh là đau khổ kèm theo tình
yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh
dâng hiến với niềm vui. Thiếu
tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn
chán. Đức Kitô đã đón nhận
cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân lọai.
Cái chết của Người là một hiến
lễ có giá trị chuộc tội, đền tội, gánh
tội và Người chỉ dâng hiến lễ một lần
là đủ.
Trước khi Đức Kitô bị
đóng đinh đã có thập giá rồi. Người
Rôma dùng thập giá để lên án tử
hình cho các tội nhân. Bấy giờ ở
đâu có thập giá là ở đó có sự chết. Người ta sợ hãi thập giá. Bóng thập giá là tử thần. Thập giá tới đâu là khóc than khổ đau
đến đó. Hôm nay, nơi nào có
bóng thập giá là nơi ấy có dấu chân người
Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên
chiều thứ sáu tử nạn, Đức Kitô ở giữa
hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy
chỉ có cây ở giữa là Thánh giá. Khi
Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Ngài đi
vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ
ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên Thánh.
Sự thánh ấy là tình yêu, là đau khổ,
là sự chết và là vinh quang. Không có tình
yêu thì thập giá không phải là Thánh giá. Thập giá dụng
cụ giết người nhục nhã đã trở nên Thánh
giá phương tiện ban sự sống mới qua tình yêu
Đấng Cứu Thế. Thánh giá là biểu tượng
cho Kitô giáo.
Thánh giá mang ánh sáng, nguồn chân lý đến cho các giáo huấn của Giáo hội. Thánh
giá là biểu tượng cho niềm tin Kitô hữu, cho
ơn cứu độ của Đức Giêsu. Tôn vinh Thánh giá là tôn vinh chính Đức Giêsu Kitô.
Mỗi ngày người tín hữu nhìn lên Thánh
giá, biểu tượng đức tin và ơn cứu độ,
chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa và ngợi khen Đức
Giêsu Kitô. Nhờ đó ta sẽ an
tâm vững bước trên con đường Chúa Cứu Thế
đã đi qua.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An, viết theo
Thời sự thần học số 7 tháng 3/97.