PHẦN II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
Những Cách Thế Cha Gioan Đã Dùng
Thiên Chúa Chữa Bệnh Cho
Cha Gioan
Cha Gioan ăn chay hãm mình, thức
suốt đêm và làm việc nặng nhọc luôn mà không
nhuốm bệnh và chết, đó là một sự lạ
lùng. Ai cũng tin là Chúa ban sức riêng nên cha mới sống
và làm việc như thế được. Trong hai
mươi lăm năm đầu coi xứ Ars, cha
chẳng bị bệnh nặng đến nỗi phải
nằm liệt giường bao giờ nhưng
thường hay nhức đầu, buốt óc, đau
bụng, khó chịu trong mình luôn. Vì cha không uống
thuốc, không nghỉ ngơi, luôn cố gắng làm hết
mọi việc, chẳng bỏ việc nào nên phải
chịu các chứng ấy cả đời cho đến
chết.
Vì cha làm việc nặng nhọc
suốt ngày nên cha kiệt sức đến nỗi cha nói
rất nhỏ, nói không ra tiếng. Khi từ nhà thờ
trở về phòng thì phải bám theo tường cho khỏi
ngã, nhưng qua một đêm Chúa lại bổ sức cho
cha, đến sáng thì khoẻ lại nên vẫn làm hết
các việc.
Đến năm 1842, tối ngày 3
tháng 5, cha chuẩn bị giảng như mọi khi, vừa
giảng được vài câu, cha thấy đau
đớn khó chịu trong mình, không giảng được
nữa, phải về nhà nằm. Cha bắt đầu ho,
đau mình nhức xương và nóng sốt. Hôm sau bệnh
trở nặng, ba bác sĩ khám bệnh xong thì cho biết
bệnh nguy tử, không chữa được.
Khi những người làng Ars
biết cha xứ mình bệnh rất nặng không chữa
được, họ bỏ hết mọi việc mà
chạy vào nhà thờ kêu van cầu xin đêm ngày. Kẻ
khấn Thánh Gioan Baotixita, người khấn Thánh Philômêna,
họ đốt nến sáng rực các bàn thờ, đêm
ngày trong nhà thờ râm ran tiếng đọc kinh và tiếng
khóc, van xin Chúa thương đến cha xứ.
Có nhiều linh mục quen biết
với cha Gioan kể lại: "Khi nghe tin cha Gioan đau
nặng gần chết, tôi đến thăm. Đến
làng Ars, tôi thấy mọi người buồn bã khóc lóc.
Người nào người nấy mặt mũi âu sầu
như khi nhà có tang. Kẻ vào nhà xứ thăm cha,
người vào nhà thờ cầu nguyện, kêu van. Tôi
cũng thấy hai ba trăm người ở tứ
phương thiên hạ kéo đến để xưng
tội với cha Gioan, có người đi
đường mất một tuần, có người
mất cả tháng mới đến được đây
mà bây giờ cha Gioan bệnh nặng chưa xưng tội
được, họ cũng đi quanh quẩn chung quanh
nhà thờ, nhà xứ buồn bã âu sầu.
Dân làng Ars và người tứ
xứ biết cha Gioan đang dọn mình chết, không
sống được nên họ ước ao xem thấy
mặt cha và xin cha giải tội cho mình một lần sau
hết. Nhưng các bác sĩ sợ nhiều người vào
nhà xứ đến vào phòng cha năn nỉ khóc lóc sẽ
làm bệnh cha nặng hơn và mau chết, nên họ ra
lệnh cấm vào thăm và cắt cử người canh
giữ cẩn mật không cho ai vào. Tôi vào phòng thấy cha
yếu lắm không biết ngài có sống nổi không, nên
thưa:
- Thưa cha, cha bỏ chúng con sao?
Cha đáp:
- Tôi bỏ xác dưới đất còn linh hồn lên trên
kia.
Vừa nói vừa lấy tay chỉ
lên trời. Thấy cha bệnh nặng quá tôi thương
lắm, nước mắt cứ trào ra không nói
được lời nào nữa."
Các linh mục giúp các xứ lân
cận thấy bệnh tình cha ngày một nặng hơn và
các bác sĩ nói không còn sống bao lâu nữa nên muốn ban
các phép bí tích sau hết cho cha Gioan, nhưng sợ giáo dân
của cha biết, họ vào khóc lóc, van nài làm khó cho bệnh
nhân, nên các ngài không muốn đánh chuông, không muốn cho ai
biết. Cha tuy bệnh nặng nhưng tai vẫn nghe các
linh mục bàn thảo điều ấy nên cha bảo:
- Xin các cha truyền đánh chuông cho
bổn đạo biết mà cầu nguyện cho tôi, vì con
chiên phải đến cầu nguyện cho cha linh hồn
lúc dọn mình chết mới phải.
Khi nghe tiếng chuông mọi
người đến nhà thờ đông đủ, đi
theo linh mục đưa Mình Thánh cho cha Gioan lãnh nhận
như của ăn đàng, nhưng chỉ có các linh
mục được vào trong phòng, còn giáo dân phải
quỳ ngoài hè, ngoài sân, vừa đọc kinh vừa khóc.
Trước khi cho rước lễ, linh mục hỏi:
- Cha có tin các điều trong đạo buộc phải tin
không?
Cha Gioan thưa:
- Con vốn tin các điều ấy vững vàng, không
hề hồ nghi bao giờ.
Linh mục ấy hỏi tiếp:
- Cha có tha thứ cho những người giận ghét và làm
mất lòng cha không?
Cha thưa:
- Nhờ ơn Chúa, con chẳng hề buồn giận hay
ghen ghét ai bao giờ.
Cha Gioan chịu các bí tích sau hết
ngày 10 tháng 5. Đến sáng sớm ngày hôm sau, bác sĩ
đến bắt mạch liền bảo:
- Mất mạch rồi! Người bệnh chỉ
sống được mấy phút nữa thôi.
Cha Gioan nghe thấy rõ ràng lời bác
sĩ nói. Lúc ấy, cha thấy đã đến giờ mình
phải ra trước tòa Chúa Giêsu để chịu phán xét
nên khiếp sợ, kêu van Thiên Chúa cho mình sống thêm ít lâu
nữa.
Sau đó một tháng rưỡi, khi
cha khỏi bệnh về nhà quê tĩnh dưỡng và
thăm anh em vài ngày, cha có kể điều ấy với
người chị ruột:
- Khi chị giúp người hấp hối sắp lìa
đời, nếu thấy họ mê man, bất tỉnh
không còn nói năng, hay cử động được thì
cứ phải giúp mãi cho đến khi nó chết thật.
Vì nhiều khi bên ngoài, kẻ liệt xem ra mê man bất
tỉnh không biết gì nhưng tâm trí của họ vẫn
tỉnh táo, vẫn nghe thấy lời người ta nói
với mình. Cách đây hơn một tháng, em bị bệnh
nặng hầu như mê man bất tỉnh, lúc đó không
còn ai giúp em lời nào nữa vì nghĩ em không còn nghe
thấy, không còn biết gì, nhưng thật sự lúc
ấy em tỉnh và biết cả khi bác sĩ bắt
mạch em mà bảo rằng "người bệnh
chỉ còn sống được mấy phút nữa
thôi". Bấy giờ, em nghĩ: Mấy phút nữa mình
phải tới trước toà Chúa Giêsu nên sợ hãi kinh
khiếp quá sức, và nhớ rằng còn hai ba trăm
người ở xa đến xưng tội đang còn
chờ trong nhà thờ, em kêu van Đức Mẹ, Thánh
Philômena cầu bầu cho em. Lúc ấy em cầu xin rằng:
"Lạy Chúa, nếu con còn làm ích cho các linh hồn mà Chúa
đã lấy Máu Mình mà chuộc thì xin Chúa cho con sống thêm
mấy năm nữa." Em vừa xin với Chúa lời
ấy xong liền thấy bệnh thuyên giảm và sức lực
phục hồi rất mau.
Đó là cha Gioan kể với
người chị ruột của cha. Người
viết tiểu sử cha Gioan ghi lại:
"Sáng hôm sau bác sĩ bắt
mạch và bảo với những người đang
hiện diện ở đấy biết là cha Gioan đã
mất mạch và sắp chết. Lúc ấy ngài xin một
linh mục thân thiết với cha làm một lễ cầu
cho cha ở bàn thờ kính Thánh Philômena. Vị linh mục
vừa bắt đầu làm lễ thì cha Gioan hết
sốt và thiếp đi độ mười lăm phút
đồng hồ.
Khi thiếp đi như vậy,
một thầy ngồi canh chừng bên giường nghe cha
thì thầm gọi tên Thánh Philômena hai ba lần. Thầy này
phỏng đoán là lúc ấy Thánh Philômena hiện đến
yên ủi và chữa bệnh cho cha, vì khi vị linh mục
vừa làm lễ xong thì cha tỉnh dậy và nói:
- Bây giờ tôi thấy trong mình khác lắm, tôi đã
khỏi bệnh rồi.
Và từ lúc đó bệnh tình thuyên
giảm, sức khoẻ cha từ từ hồi phục.
Cả làng Ars và dân tứ xứ đang ở đấy
đều nói:
- Thánh Philômena bầu cử cho cha sống mười
lăm năm nữa."
Cha Gioan khỏi bệnh,
trước là nhờ ơn Chúa, sau là nhờ ơn
Đức Mẹ và Thánh Philômena cầu bầu, nhưng cha
còn yếu lắm nên chưa ra khỏi giường
được, còn phải nghỉ và uống thuốc
một thời gian mới hy vọng làm việc
được như trước. Cha giải tội
buộc cha Gioan phải vâng lời bác sĩ trong mọi
sự. Bác sĩ bắt uống thuốc nào, ăn thức
ăn gì, cha phải uống thuốc, ăn uống thứ
ấy. Cha Gioan vâng lời nhưng rất khó khăn và
phải ép mình. Có một lần cha nói đùa với ông tiên
chỉ làng Ars rằng:
- Kỳ này tôi đang đánh một trận lớn.
Ông tiên chỉ hỏi:
- Thưa cha, cha đánh trận nào vậy?
Cha Gioan đáp:
- Bốn ông bác sĩ bắt ép tôi uống thuốc nọ,
ăn của kia mãi, nếu có rước thêm một bác
sĩ nữa thì tôi e chết mất, không sống nổi.
Nhờ ơn Chúa, cha rất mau
hồi phục. Cha rất ước ao ra nhà thờ làm
lễ tạ ơn Đức Mẹ và Thánh Philômena, cha nói:
- Thân xác tôi đã khỏe mạnh no nê nhưng linh hồn
tôi thật đói khát.
Tính đến ngày 19 tháng 5 thì đã
được mười sáu ngày cha không vào nhà thờ, nên
dù còn rất yếu, cha cũng nhờ thầy coi bệnh
cõng mình ra nhà thờ. Cha sấp mình xuống trước bàn
thờ chính có đặt Mình Thánh Chúa một lúc lâu, rồi
đến cầu nguyện trước bàn thờ kính Thánh
Philômena.
Sau đó mấy ngày cha có thể làm
lễ được nhưng vì còn yếu không thể
giữ chay cho đến sáng nên phải làm lễ nửa
đêm. Quá nửa đêm một chút, cha vịn vai một
thầy ra nhà thờ làm lễ. Con chiên đang ngủ, khi
nghe tiếng chuông làm lễ, họ kêu nhau thức dậy
đi lễ như đêm Giáng Sinh. Giáo dân thấy cha xứ
mình được khỏi bệnh nay đã làm lễ
được thì mừng rỡ hân hoan, sẵn lòng mất
ngủ để dự thánh lễ của cha. Có
người thức suốt đêm đọc kinh cầu
nguyện trong nhà thờ cho đến giờ làm lễ. Có
người quyết tâm rước lễ một tuần
chín ngày để tạ ơn Chúa đã thương
nhận lời con cái cầu xin mà chữa bệnh cho cha
xứ của họ.
Cha Gioan đã làm lễ
được, nhưng còn mệt nên chưa thể
giảng. Đến ngày 10 tháng 6 thì cha bắt đầu
cắt nghĩa giáo lý cho trẻ con. Cha luôn bắt chước
Chúa Giêsu là Đấng yêu thương trẻ em cách riêng nên
cha cũng thương yêu chúng cách riêng, giảng giải
cắt nghĩa giáo lý cho trẻ con trước rồi
mới giảng cho người lớn sau.