Người
anh cả
Dụ ngôn người con
hoang đàng hay còn được gọi là dụ ngôn người
cha nhân hậu là một trong những trang Phúc âm lôi cuốn
nhất được thánh sử Luca ghi lại cách sinh
động. Mặc dù dụ ngôn nêu bật lòng nhân từ
thương xót của Thiên Chúa đối với tội
nhân biết sám hối trở về. Nhưng có một nhân
vật làm cho chúng ta lưu ý, đó là người anh
cả. Người anh cả trong dụ ngôn Chúa Giêsu ám
chỉ đến ai đây? Đồng thời, cũng qua
người anh cả, phải chăng Chúa Giêsu muốn cảnh
tỉnh thái độ sống của người Kitô
hữu chúng ta hôm nay?
Khi được
biết người em trở về và cha anh đã giết
bê béo ăn mừng anh liền nổi giận và không vào nhà.
Người cha đã mời anh vào chung vui với ông thì anh
ta kêu trách và lên án người em: “Cha coi, đã bao năm con
hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một
điều nào mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê
nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn
thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản
của cha với bọn đàng điếm nay trở
về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”.
Trước hết,
người anh cả nói về bản thân mình, anh chứng
tỏ lòng trung thành đối với cha: siêng năng,
cần mẫn, chăm chỉ làm việc. Anh tự cho mình
là người hiếu thảo, vâng phục cha không hề
trái lệnh, không ăn chơi, không bỏ nhà đi hoang.
Nhưng những lời anh dùng kể công với cha là những
lời đầy ghen tức biện hộ cho chính mình. Anh
tức giận vì thấy quyền lợi của mình
bị xâm phạm. Người cha bao dung đến
độ bất công đối với anh khi đón
nhận và vui mừng khi người em trở về.
Những lời than phiền đó làm lộ rõ khoảng
cách giữa anh đối với cha và người em. Anh
đã sống gần cha mà tâm hồn lại khác hẳn
người cha. Anh thiếu tâm tình của một
người con và một người anh: từ chối em
mình và không muốn chia sẻ niềm vui của cha. Vì
đâu mà anh sống thiếu tình thương coi vật
chất trọng hơn tình nghĩa? Thưa, chỉ vì anh
không hiểu được tình cha, không biết sống
như một người con. Anh chỉ biết những
bổn phận lạnh lùng nên anh so đo tính toán. Anh tự
biến mình thành một kẻ làm thuê, nghĩ mình phải
được trả công, biến mình thành nô lệ
đối với ông chủ – không còn tình nghĩa cha con, không
còn tương quan huynh đệ. Từ đó, anh nhìn
cả hai người như xa lạ với mình. Một
cái nhìn khinh bỉ người em tội lỗi và nhìn
người cha như một ông chủ bất công. Anh
trở thành người xa lạ chính căn nhà của mình.
Sự hiệp thông trong gia đình đã biến mất.
Đã đành người
con thứ khước từ tổ ấm gia đình ra
đi tìm hạnh phúc nơi vùng đất lạ bị
hư hỏng. Nhưng ngược lại, người anh
cả ở nhà cũng ra hư hỏng luôn. Vì bên ngoài thì anh
làm mọi chuyện mà một người con tốt
phải làm, nhưng bên trong anh thật sự xa cách
người cha. Tuy nhiên việc hư hỏng của
người anh cả khó nhận ra hơn. Dù sao anh luôn trung
thành vâng phục, làm việc khổ nhọc, mọi
người xem anh như là người con gương
mẫu không lỗi lầm. Nhưng khi đối diện
với niềm vui của cha, thấy người em
trở về và được cha vui mừng đón
tiếp thì con người thật của anh đã
để lộ chân tướng của một
người kiêu ngạo, ích kỷ, ganh ghét… Những
điều mà lâu nay được che đậy.
Chúa Giêsu kể dụ ngôn
người con hoang đàng trở về nhưng điểm
nhắm của Ngài là người con cả, hiện thân
của những người Biệt phái và Luật sĩ.
Những người kêu trách Chúa Giêsu về thái độ
của Ngài đối với những người thu
thuế và tội lỗi. Ngài chẳng những đón
tiếp mà còn cùng ngồi ăn uống với họ.
Điều này đã làm cho những người Biệt
phái tỏ vẻ bất mãn khó chịu. Một vị tiên
tri như Ngài mà lại tiếp đón những hạng
người thu thuế tội lỗi như vậy là
điều không thể chấp nhận được.
Đối với họ, hành động của Chúa Giêsu
đi ngược lại luật lệ Do thái.
Những người
Biệt phái và Luật sĩ luôn tự hào về đời
sống đạo đức của mình, tuân giữ
tỉ mỉ, nghiêm ngặt lề luật của Thiên Chúa,
như vậy họ thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa xem ra
mắc nợ họ và họ nghĩ rằng mình có
quyền đòi hỏi. Dưới con mắt của
họ, những người thu thuế là những nhân viên
làm việc cho đế quốc Rôma, làm tay sai cho ngoại bang
đó là hạng người đáng ghét. Còn những
người tội lỗi là phường đáng khinh
bỉ, họ không muốn liên hệ vì sợ dơ bẩn
ô uế.
Vì mang hình thức vụ
luật nghĩa là giữ luật vì luật, với tinh thần
cứng nhắc và giả hình, họ không cảm nhận
được tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa
nên họ cũng không nhận ra được tha nhân là anh
em mình. Ngược lại với thái độ kỳ
thị phân biệt đối xử của Biệt phái,
Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông và xót thương những
người thu thuế và tội lỗi, rộng tay đón
tiếp và đồng bàn với họ. Ngài mời gọi
họ sám hối và tha thứ tội lỗi cho họ.
Quả thực, Đức Giêsu là hiện thân của Thiên
Chúa, Ngài đến trần gian để đem ơn
cứu độ cho tất cả mọi người không
trừ một ai, nhất là những người bị
kỳ thị bỏ rơi, những người bị xã
hội Do thái đương thời loại ra
khước từ.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu
muốn trả lời cho những người Biệt phái
và Luật sĩ thấy rằng: Thiên Chúa yêu thương
hết mọi người và đồng thời mời
gọi họ chung niềm vui với Thiên Chúa và hãy có
một tâm hồn quảng đại bao dung như Thiên Chúa
trong việc tiếp đón các tội nhân ăn năn
trở lại.
Quả thực, dụ
ngôn nhằm trả lời cho người Biệt phái và
Luật sĩ nhưng cũng không phải là không liên hệ
đến người Kitô hữu chúng ta. Dụ ngôn
nhắc người Kitô hữu nhớ rằng: người
ta không thể phục vụ Thiên Chúa đúng ý Ngài nếu
không yêu mến Ngài và không thông hiệp vào tình yêu của Ngài
đối với anh chị em, cho dù những người
này là tội nhân. Vì thế, làm sao chúng ta có thể xưng
mình là môn đệ Đức Kitô nếu chúng ta khinh
bỉ, xa lánh những người đang gặp cơn
hoạn nạn do tội lỗi?
Cũng như những
người Biệt phái và Luật sĩ thời Chúa Giêsu, nhiều
lúc chúng ta thường tự cho mình là những
người ngay chính nên ta dễ dàng phê bình, chỉ trích,
khinh bỉ và lên án những ai sa ngã, tội lỗi, nhất
là những người mang những lỗi lầm công khai
như: những người mắc bệnh Sida, nghiện
ngập ma tuý, rượu chè, trộm cắp, ngoại tình,
những người sa cơ lỡ bước… Vì thế
để hoá giải và sửa chữa những thành
kiến, những thái độ trên chắc hẳn chúng ta cần
có cái nhìn cảm thông, những lời nói an ủi khích
lệ, những bàn tay đỡ nâng để giúp họ
vượt lên khỏi vũng bùn tội lỗi, để
họ can đảm trỗi dậy trở về đón
nhận hồng ân tha thứ của Thiên Chúa.
Dụ ngôn người con
hoang đàng làm nổi bật trái tim của người cha:
một trái tim nhân hậu, bao dung tha thứ và tràn
đầy yêu thương. Nhưng đồng thời
cũng đưa ra lời cảnh tỉnh về thái
độ sống của những người Kitô hữu
chúng ta.
Phụng vụ lời
Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta dù là con
thứ hay con cả cũng cần trở về với cha
để nhận được ơn tha thứ,
để thực sự là con của cha. Trở về
với cha là dang rộng tay đón lấy người em
lầm lỡ. Không còn là thằng con của cha nữa mà là
em của con. Trở về với cha là chia sẻ niềm
vui với cha, nối kết tình huynh đệ, yêu
thương anh em một nhà.
Ước gì khi tham
dự bàn tiệc Thánh Thể, khi ăn cùng một tấm bánh
và uống cùng một chén, chúng ta được hiệp
nhất nên một trong yêu thương của những
người anh em một cha trên trời.