CHAY TỊNH
(Lc 9,28-36)
Mùa chay, chẳng những ta cần gia tăng nhiều việc đạo đức mà phải lưu ý làm những việc đó với tâm tình sốt sắng hơn. Nghĩa là giữ chay trong tâm hồn, chứ đừng giữ theo bề ngoài: khi giúp đỡ người khác, đừng đánh trống thổi kèn; khi cầu nguyện thì đừng giả hình; khi chay tịnh thì đừng rầu rĩ ủ dột.
Những ta đừng lầm rằng, thôi sống mùa chay trong tâm hồn là được, không cần gì bề ngoài. Thánh Phaolô tông đồ cho biết: “Ai tin Chúa là Thiên Chúa thật trong lòng thì được nên công chính, ai có xưng niềm tin ra ngoài miệng thì mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Như vậy là phải có đủ lượng lẫn đủ chất, có hình thức và nội dung.
Mùa chay là nói đến ăn chay. Nói về ăn chay, xưa chủ yếu là nhịn ăn, nhịn uống một hai hoặc hiều ngày hơn là để hãm mình ép xác. Ăn chay thật sự là dám tự nguyện khước từ các nhu cầu về : địa vị, quyền bính, danh vọng, lạc thú và nhất là chia sẻ ít là vật chất cho những người túng thiếu.
Chay tức là không, hay đừng hoặc bớt, hoặc nhịn. Vậy phải chay phải nhịn cái gì ?
Chay tịnh đôi mắt
Ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn. Con mắt là cửa cho những hình ảnh từ bên ngoài đi vào trong tâm trí con người. Ánh sáng đôi con mắt phản chiếu hình ảnh của mỗi con người. Nó tựa như mặt trời của con người. Con mắt không chỉ thu nhận hình ảnh từ bên ngoài vào trong thâm tâm mình. Nhưng nó còn chiếu tỏa ra bên ngoài những gì sâu kín nội tâm của con người nữa. Nó như tấm gương phản chiếu của linh hồn, tâm trí và của thân xác con người. Con mắt là cửa số của linh hồn!
Mắt chứ không phải là máy quay phim, là ra đa, quay rà hết mọi thứ, quét hết mọi nhà mọi người, mọi chỗ, nói chung là cái gì cũng nhìn, nhìan chằm chằm không chớp mắt.
Nên tiết độ chừng mực trong việc nhìn, trong việc quan sát, giúp ích rất nhiều cho tâm hồn được bình an. Hãy nhìn những gì lành mạnh tốt đẹp, những gì đưa niềm vui hạnh phúc cho mình cho người khác.
Chay tịnh miệng lưỡi
Âm thanh từ miệng phát ra để diễn tả tư tưởng, quan điểm, và tâm hồn mình. Nhưng âm thanh cũng có thể là la hét, chửi rủa, chỉ trích, chống đối, cướp quyền Thiên Chúa để lên án, xét đoán. Hãy bảo vệ răng miệng.
Báo tuổi trẻ cười châm biếm như sau: Hãy đánh răng ngày nhiều lần. Đi khám nha khoa 1-2 lần một năm. Đừng xen vào chuyện người khác để khỏi bị người ta đánh gẫy răng.
Hãy coi chừng miệng lưỡi. Vì miệng lưỡi có thể đưa ta tới trời cao, thì cũng có thể đẩy ta vào nhà tù, đưa đến địa ngục. Hãy suy nghĩ và đặt câu hỏi trước khi nói:
- Tôi là ai, chỗ đứng, vị trí của tôi là gì để khỏi vượt qua ranh giới, giới hạn của mình.
- Tôi có là thành viên trong câu chuyện này không ?
- Nếu tôi là thành viên thì có được phép nói không ?
- Nếu được tôi được phép thì có nên nói hay không ?
- Điều tôi sắp nói có đúng sự thật không?
- Điều tôi nói có ích lợi gì không?
“Có thì nói có, không thì nói không, biết thì nói biết, không biết thì nói không, thêm điều đặt chuyện đều do ma quỷ” (Mt 5, 37). “Mỗi người hãy mau nghe, đừng vội nói và khoan giận” (Gc 1,19).
Hãy cẩn thận với miệng lưỡi vì miệng lưỡi là cửa của phúc hoạ.
Có người suốt đời chỉ mới học được bài nói mà thôi chứ chưa học được bài lắng nghe.
Chay tịnh đôi tai
Đôi tai là cổng, là micrô thu nhận âm thanh to nhỏ từ bên ngoài đi vào trong tâm trí con người. Đôi tai là hình ảnh của sự cởi mở và sẵn sàng thâu nhận, cho lắng nghe.
Hãy học bài học lắng nghe trước đã rồi hãy nói sau.
Thế nhưng, có những âm thanh làm đảo lộn tâm trí đời sống, tạo ra sự căng thẳng, bất an cho người khác. Vì thế tiết độ chừng mực đôi tai, không phải là chối từ lắng nghe. Nhưng chỉ sẵn sàng nghe đón nhận những âm thanh mang lại niềm vui cho tâm hồn, để cùng gợi những suy nghĩ hữu ích, tốt lành thánh thiện cho đời sống.
Hãy coi đó như là món quà người khác tặng. Tốt thì đón nhận, xấu thì trả về cho chủ. Đừng bận tâm với những âm thanh không ra gì, kẻo chính mình cũng bị lây nhiễm những âm thanh xấu ấy.
Chay tịnh đôi tay
Đôi tay không chỉ là phần thân thể tứ chi của con người, nhưng nó là dụng cụ có nhiều công dụng cho cuộc sống con người. Đôi tay là hình ảnh sức mạnh con người, đồng thời nó cũng diễn tả ra bên ngoài sức sống suy nghĩ từ bên trong tâm trí tâm trí.
Một giáo sư xã hội học đã đọc được báo cáo của học viên, dựa vào cuộc theo dõi 200 em trong một làng ở khu ổ chuột Baltimore , trừ 20 em chết và chuyển đi nơi khác. Còn 176 trong 180 em đều đã thành đạt, thành những người nổi tiếng. Giáo sư ngạc nhiên khi biết được các em trả lời là nhờ tình thương của thầy, của cha mẹ, và những người trong xóm.
Một bà lão được hỏi, cụ mỉm cười nói : “tôi chẳng có gì ngoài đôi bàn tay, ông xem, nó gầy, gân guốc, xấu xí, bàn tay đã chai theo thời gian để cầm tay các cháu và dạy các cháu biết đều gì phải làm và điều gì không được làm”.
Ngược lại, Goya vẽ bức tranh mô tả thân phận con người với tên: Đánh nhau bằng gậy. Nội dung là 2 người cầm dùi cui đang đứng trên hố cát để đánh nhau, bầu trời vẫn còn trong xanh.
Được hỏi ý nghĩa: Các bạn sinh viên trả lời: thưa đó là sự đấu tranh sinh tồn; thưa đó là mục đích của con người là hạnh phúc, vì hạnh phúc nên phải đấu tranh; thưa bức tranh diễn tả con người là động vật có lý trí, chỉ có con vật mới đánh nhau, nếu con người đánh nhau thì cũng giống như con vật.
Giáo sư trả lời, nói cũng phải: nếu con người đánh nhau thì cũng giống như con vật. Nhưng thực sự ý nghĩa của bức tranh còn xấu hơn nữa. Các em nhìn xem, cả 2 người nông dân đều đang sắp chết vì cát đã vùi họ tới đầu gối. Lẽ ra họ phải giúp nhau để thoát khỏi cái chết, thì họ lại như thú dữ, cắn xé, đánh đập nhau.
Đôi tay tốt khi làm việc thiện, xây dựng bác ái, chúc lành, cầu nguyện. Nhưng ngày nay, cám dỗ muốn sử dụng đôi bàn tay tốt lành của Thiên Chúa ban để gây ra những việc xấu: bất chính, phá đổ, đánh đấm, sát hại lẫn nhau, làm cho lương tâm đang bị gặm nhấm đến mất cả nhân tính.
Chay tịnh đôi chân
Đôi chân dùng để đứng, để đi, để hội nhập vào thế giới. Đôi chân đứng vững trên mặt đất là dấu chỉ sự nối kết giữa con người và đất trời. Từ đất, như trong Kinh thánh diễn tả, con người được tạo thành và sau cùng cũng trở về với đất. Đầu đội trời chân đạp đất. Con người khát khao hướng lên trời nhưng chân thì đạp đất, đạp bùn. Đôi chân dính bùn xấu, làm việc xấu, đến nơi xấu, đường tội ác.
Chay tịnh đôi chân là biết đi mãi, đi không biết mệt mỏi để tìm chân lý, đường sự sống. Rồi cũng phải biết dừng lại nghỉ ngơi, để suy nghĩ những bước chân đã đi qua.
Chay tịnh đôi chân là biết đi đến với người khác, không phải chỉ đi cho riêng mình.
Chay tịnh đôi chân là không phải đi đến địa điểm có lợi ích cho phần nuôi sống thân xác. Nhưng còn cần phải đi đến địa chỉ cầu nguyện, học hành, giải trí lành mạnh để nuôi sống linh hồn và tinh thần nữa.
Chú giải Tin Mừng
Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng bằng lời cầu nguyện. Ngài cầu nguyện trước khi làm các phép lạ. Ngài dạy các tông đồ cầu nguyện. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang cầu nguyện khi Ngài biến hình. Thánh Thần sẽ được ban cho những kẻ cầu xin (Lc 11,13).
Áo trắng tượng trưng cho niềm vui và hoan lạc.
Các thiên thần hiện ra mặc áo trắng chói lòa lúc Chúa Giêsu sống lại, và lúc Ngài lên trời.
Đám mây biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa.
Nhắc đến 2 nhân vật: Môsê và Êlia. Môsê tượng trưng cho Lề Luật của Chúa. Còn Êlia thì loan truyền Lời Chúa cho dân.
Chúa Giêsu không biến hình vào tuần sau hay trước, nhưng sau khi chịu cám dỗ. Dung mạo toả sáng cho thấy nhân tính của Ngài đạt tới mức thập toàn. Và Thiên Tính của Thiên Chúa được biểu nơi nhân tính tròn đầy nơi Chúa Giêsu. Nói thế không có nghĩa rằng Ngài trước đây có tội, sau khi chiến thắng cám dỗ thì hết tội. Thế nhưng nhân đức tròn đầy của Ngài hôm nay mới được biểu lộ để ai nhìn thấy đều ngạc nhiên, thích thú, say đắm, muốn ở mãi trong hào quang của Ngài. Còn hơn thế nữa, người ta còn nhìn thấy được cả những lý trong Cựu Ước, nhìn thấy được tương lai nữa.
Người trưởng thành nhân cách tự nhiên sẽ toát lên các nhân đức: công bằng, bác ái, hiền hoà, nhân hậu, từ tâm, trung tín, tiết độ, nhẫn nại, hy vọng, chân thành, chịu đựng, yêu thương, phục vụ, bao dung, tha thứ, bình an, hạnh phúc, và mọi người sẽ tìm đến, sẽ bàn hỏi, sẽ muốn gặp gỡ. Nhân cách siêu nhiên sẽ biểu lộ tuyệt vời nơi nhân cách tự nhiên, nơi con người trưởng thành.
* Chúa nhật 2 mùa chay C
(Lc 9,28-36)
|