Thứ sáu sau Lễ Tro - Mt 9,14-15
TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN TIỆC CƯỚI
NƯỚC TRỜI
Ăn chay là một trong ba
việc làm chính để tỏ lòng sám hối ăn năn. Thế nhưng, trong bài Tin mừng mà
chúng ta sắp nghe sau đây, ăn chay
lại là một đề tài tranh luận giữa các môn đệ
của ông Gioan và Chúa Giêsu. Bài Tin mừng theo thánh Matthêu 9,14-15 thuật lại việc này như sau:
"Bấy giờ, các môn
đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu
rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu
ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn
chay?" Đức Giêsu trả lời: "Chẳng
lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than
khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi
tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy
giờ họ mới ăn chay."
|||
Để có thể
hiểu cuộc tranh luận này một cách rõ ràng hơn, chúng
ta cùng nhau tìm hiểu sơ qua về việc ăn chay
của thời bấy giờ: theo sách Lêvi 16,19-31
thì luật cũ chỉ buộc người Do Thái ăn
chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội.
Đến thời Chúa Giêsu, ngoài việc giữ chay mỗi
năm một lần này, người ta còn tự nguyện
giữ những ngày chay chung vì những
lý do khác. Ngoài ra, một số người
đạo đức còn giữ thêm những ngày chay riêng,
như nhóm Pharisêu ăn chay một tuần hai lần.
Như vậy, việc ăn chay mà các môn đệ ông Gioan thắc
mắc ở đoạn Tin mừng trên đây là việc
giữ chay riêng vì lòng đạo đức, chứ không
phải vì luật buộc. Đức Giêsu và các môn
đệ của Người không phủ nhận giá
trị của việc ăn chay theo truyền
thống, bởi chính Người cũng đã vào hoang
địa ăn chay bốn mươi đêm ngày
trước khi ra đi rao giảng. Tuy nhiên, trong bối
cảnh mới của thời Đấng Thiên Sai,
Đức Giêsu muốn nhắc lại rằng mục
đích chính của việc ăn chay trong thời Cựu
ước là để chờ đón Đấng Mêsia.
Hiện nay, việc họ tự nguyện ăn
chay là tốt, nhưng có một việc còn tốt hơn: đó
là nhận biết Đức Giêsu Na-da-rét chính là
Đấng Mêsia mà Chúa Cha sai đến để cứu
độ trần gian.
Để giúp các môn
đệ ông Gioan có thể mở lòng ra mà nhận biết
Người, Đức Giêsu trả lời họ bằng
một câu hỏi gợi ý: "Chẳng lẽ khách dự
tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể
còn ở với họ?" Nếu những người
môn đệ này của ông Gioan đã có mặt khi xảy ra
cuộc tranh luận trước đây giữa các bạn
đồng môn và một người Do Thái về việc
thanh tẩy, hẳn họ sẽ nhớ ngay lại lời
thầy mình đã nói về Đức Giêsu như sau:
"Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn chú rể, đứng
đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được
nghe tiếng nói của chàng. Đó là
niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ
đã trọn vẹn". Phải,
Đức Giêsu chính là chú rể trong tiệc cưới
Nước Trời. Bao lâu có Đức
Giêsu ở cạnh, thì bấy lâu họ không phải âu
sầu phiền não. Chỉ khi nào mất Chúa họ
mới phải ăn năn khóc lóc thôi!
|||
Chúa Giêsu đã rất sát
với đời thường khi đưa ra hình ảnh
tiệc cưới và chú rể để nói về
Nước Trời và bản thân Người. Vâng, tiệc cưới là một hình ảnh quá
quen thuộc với chúng ta. Ở bất
cứ nơi nào thời nào, ngày cưới luôn luôn là
một ngày trọng đại, một ngày vui vẻ cho gia
đình. Và các nhân vật chính luôn là chú
rể và cô dâu. Phải, Nước
Trời là một bữa tiệc cưới, trong đó
Đức Giêsu chính là chàng rể, và Giáo Hội chính là cô
dâu. Sự kết hợp giữa
Đức Giêsu và Giáo Hội mang lại hạnh phúc và hoan
lạc đời đời cho những ai tham dự
tiệc cưới đó, tức là cho những ai gia
nhập vào gia đình Giáo Hội. Khi
một gia đình có tiệc cưới, mọi thành viên trong
gia đình đều vui mừng phấn khởi. Ai
cũng muốn bắt tay vào việc,
mỗi người tuỳ sức mình mà đóng góp cho
niềm vui chung. Trong ngày đó, ai cũng trở nên dễ mến
dễ thương, ai cũng trở nên ân
cần tử tế. Nhờ sự hiện
diện của chú rể, không khí trong nhà đượm nét
đầm ấm và vui tươi. Tất
cả mọi ưu tư phiền muộn đều
tạm gác lại. Mọi người
tập trung tận hưởng niềm vui của ngày hôn
lễ. Đâu cũng nghe tiếng cười.
Đâu cũûng thấy đèn hoa.
Là con cái của Giáo
Hội, chúng ta đang được tham dự tiệc cưới
của Đức Kitô và Giáo Hội. Đức
Kitô đã phục sinh vinh hiển, đã được Chúa
Cha trao ban danh dự và vinh quang. Còn Giáo Hội, vì
đang lữ hành dưới trần gian, nên vẫn còn mang
nơi mình những tì tích và khuyết điểm của con
cái. Giáo Hội đang cố gắng thanh
tẩy và canh tân để ngày càng trở nên hiền thê
xứng đáng của Đức Kitô. Trong
nỗ lực này, Giáo Hội luôn kêu gọi chúng ta sám
hối và canh tân. Vào những năm cuối thế
kỷ 20, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã liên tục
đưa ra những sáng kiến táo bạo để thúc
đẩy Giáo Hội tiến sâu và tiến nhanh hơn trong
công cuộc sám hối và canh tân này. Chính trong Năm Thánh 2000,
Ngài đã cùng Giáo Hội thực hiện rất nhiều
việc cụ thể, đáng lưu ý là việc tổ chức
những ngày thánh cho các ngành giới. Trong những ngày
ấy, tất cả mọi con cái Giáo Hội đều được
mời gọi tham gia tích cực vào việc thanh tẩy
bản thân để trở nên con người mới. Qua
các phương tiện thông tin, chúng ta đã cùng hiệp
thông với nhau, đã chia sẻ cho nhau những hồng ân mà mình nhận được trong những
ngày trọng đại ấy.
Hình ảnh Giáo Hội
lữ hành chen vai sát cánh trên hành trình về
quê trời là một hình ảnh tuyệt đẹp. Trong đoàn lữ hành này, mỗi người
nương tựa vào Chúa Kitô và vào nhau để tiến
bước. Chúng ta cũng có thể liên tưởng
đến hình ảnh một gia đình đang nắm tay nhau đi dự tiệc cưới
Nước Trời. Con đường đến nơi
dự tiệc còn xa. Những gian nan
trắc trở còn nhiều. Trên con đường lữ
hành này, chúng ta cần nhiều trạm dừng chân
để bồi bổ dưỡng sức. Những
ai đau yếu cần được thuốc thang
chữa trị. Những ai yếu
mệt cần được nghỉ ngơi tĩnh
dưỡng. Mùa Chay năm nay là một
trong những trạm dừng chân đó. Các việc
bố thí, cầu nguyện và ăn chay
là những phương thế để chúng ta chữa
trị và bồi bổ cho linh hồn mình thêm mạnh
khoẻ. Ước mong sao mỗi
người chúng ta vận dụng được những
phương thế này một cách hữu hiệu,
để sau chặng nghỉ chân, chúng ta tiếp tục
hành trình một cách vững vàng hơn.
Lạy Chúa Giêsu, ngôn
sứ Êlia kiên cường biết bao mà cũng đã có lúc
mệt lả đuối sức trên đường lên núi
Khô-rếp, huống chi con là những kẻ yếu hèn. Xin
Chúa giúp con sống mùa Chay năm nay một cách nghiêm túc,
để nhờ được chữa trị và bồi
bổ bằng các việc bố thí, cầu nguyện và
ăn chay, con hân hoan tiến bước theo Chúa trên hành trình
đến dự tiệc vui Nước Trời. Amen