Ai là người hạnh phúc
Con người khát vọng hạnh phúc và bằng
mọi cách đạt tới hạnh phúc. Nhưng thế
nào là hạnh phúc? Hạnh phúc tuỳ thuộc những
yếu tố nào? Mọi người không đồng ý
kiến với nhau. Trong một cuộc thăm dò ở
Pháp, 90% người được hỏi ý kiến cho
rằng yếu tố cấu tạo nên hạnh phúc là:
sức khoẻ, 80% cho là tình yêu, 75% cho là tự do, 60% cho là
công lý, 63% cho là việc làm và 52% cho là tiền của. Vì
thế, con người tự hỏi: đâu là hạnh phúc
thật và đâu là con đường chắc chắn
nhất, ngắn nhất để đạt tới
hạnh phúc?
Là Kitô hữu, chúng ta tìm kiếm thứ hạnh phúc nào? Và
phải làm gì để đạt tới hạnh phúc
thật? Câu trả lời tìm thấy trong phụng vụ Chúa
Nhật hôm nay là: “Phúc thay người đặt niềm
tin vào Đức Kitô Phục Sinh” (Bđ. 1), dù sống hay
chết vẫn một niềm tin vào Đức Kitô
Phục Sinh (Bđ. 2) thì chắc chắn “Nước
Trời sẽ là của họ” (Bài Tin Mừng).
Theo quan niệm của Cựu Ước
được diễn tả qua bài đọc 1 (Gr 17,5-8)
thì người biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa là
người hạnh phúc. Ngôn sứ Giêrêmia đã quả
quyết: Hạnh phúc thật chỉ có thể phát xuất
từ niềm tín thác vào Chúa mà thôi. Giêrêmia đã dùng
những hình ảnh cây trái để quảng diễn ý tưởng
ấy: Ai dựa vào mình thì tự khép lại trong sự mong
manh của mình, và sẽ khô héo như bụi cây trong sa
mạc; còn ai trung thành hướng về Chúa, sẽ đâm
rễ tận nguồn mạch sự sống và trở
thành cây xanh tốt, đầy hoa trái.
Hoặc theo quan niệm của Thánh Phaolô ở bài
đọc 2 (1Cr 15,12.16-20) thì ai sống gắn bó
đời mình với Chúa Kitô chết và sống lại là
người hạnh phúc. Vì dù sống, dù chết,
người ấy vẫn thuộc về Chúa và nhờ
đó luôn được hạnh phúc trong mọi hoàn
cảnh.
Còn đối với Chúa Giêsu, qua Tin Mừng theo thánh Luca
hôm nay, Ngài công bố bốn mối phúc là: nghèo khó, đói
khát, khóc lóc và bị ngược đãi. Đối lại
với bốn mối phúc là bốn mối hoạ: giàu có,
no nê, vui cười và được ca tụng. Đói và khóc
là hậu quả và biểu hiện cụ thể nhất
của cái nghèo. Bụng đói vì không có gì ăn. Tâm hồn
đau khổ vì không có ai để an ủi, chỉ còn
biết lấy tiếng khóc để làm vơi nỗi
khổ của mình. Còn người giàu thì bụng no. họ
khổ thì họ lại có trăm ngàn thứ để
đánh đổi, để lấp đầy. Hai hình
ảnh tương phản: người nghèo đói và khóc
lóc, người giàu có no và vui cười.
Hình ảnh người phú hộ và ông Lagiarô nghèo đói
đã minh hoạ điều này: người phú hộ
mặc lụa là gấm vóc, ngày nào cũng yến tiệc
linh đình. Còn Lagiarô nghèo đói, ngồi chờ bố thí
ngoài cổng, không ai ngó ngàng, không ai bênh vực, những con
chó đến liếm vết mụn nhọt trên
người Lagiarô là tột đỉnh nỗi khổ
của ông. Cuối cùng, lúc chết, chúng ta mới thấy
hạnh phúc thật ở đâu và ai là người
hạnh phúc, ai là người vô phúc?
Người đời thường đặt hạnh
phúc vào trong những cái có: có tiền của, có vợ
đẹp, có con khôn, có địa vị, có nhà cửa, có bạn
bè sang trọng phú quý… Nhưng để có được
những cái đó, nhiều khi chúng ta làm cho nhiều
người khác mất đi cái họ đang có, hay là
bớt cái có của người khác đi, và do đó, gây
tranh chấp, hận thù, và kết quả là mình khổ và
người khác càng khổ hơn. Ai cũng khao khát
hạnh phúc cho mình và vì hạnh phúc của mình, nên nhiều
khi cố ý hay vô tình gây đau khổ, làm mất hạnh
phúc của kẻ khác. Điều đó cũng giống
như khi chúng ta tìm cách kéo hết phần chăn
đắp về mình, thì chỉ mình ta được ấm,
nhưng người bên cạnh tất nhiên sẽ bị
lạnh. Trong một bàn ăn mà ta chỉ nghĩ
đến mình, thì thế nào cũng có người bị
thiệt, bởi đó mà cha ông ta dạy: “Ăn trông
nồi ngồi trông hướng”. Trong một cơ quan, xí
nghiệp, nếu những người lãnh đạo
chỉ lo cho lợi lộc cá nhân, thì tất nhiên những
người khác phải chịu thiệt thòi. Trong một
nước, nếu những người cầm quyền
chỉ lo vun quén cho bản thân, cho gia đình và bạn bè
mình, thì toàn thể nhân dân khó có thể được
ấm no hạnh phúc.
Trong một lá thư cám ơn và tâm tình đầu xuân,
Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
đã nói đến hiện trạng đời sống xã
hội của đất nước chúng ta: “Nhờ công
cuộc đổi mới, nền kinh tế của
nước nhà đang trên đà phát triển mạnh:
nhiều người ăn nên làm ra, thậm chí trở thành
triệu phú, tỷ phú; hàng tiêu dùng có chất lượng
cao tràn ngập thị trường… lúa gạo chẳng
những đủ ăn mà còn thừa để xuất
cảng vào hàng thứ ba thế giới. Nhưng những
thành tựu đáng phấn khởi đó không che mắt
được chúng ta trước những mặt trái
phũ phàng của nền kinh tế thị trường:
đồng tiền trở thành thước đo của
mọi giá trị, hưởng thụ vật chất
trở thành lý tưởng của cuộc sống, và
kết quả là khoảng cách giữa một thiểu
số giàu có và đại bộ phận nghèo túng ngày càng
lớn…”.
Thưa anh chị em, tinh thần nghèo khó mà Chúa Giêsu công bố
hôm nay trong bản Hiến Chương Nước Trời
phải được hiểu theo nghĩa một sự
nghèo khó vì Nước Trời, một sự quên mình vì
lợi ích chung, vì hạnh phúc của mọi người. Chúa
Giêsu không chủ trương nghèo khó để mà nghèo khó, nghĩa
là Ngài không coi nghèo khó là một giá trị, một lý
tưởng. Ngài không bao giờ tán đồng cuộc
sống khốn khổ trong những căn nhà tồi tàn
ở các khu nhà ổ chuột nơi các thành phố ngày nay
cũng như nơi các đô thị thời đại
của ngài. Tinh thần nghèo khó mà Chúa Giêsu muốn nói là tinh
thần không cậy dựa vào tiền của, quyền
lực, mà chỉ biết đặt trọn niềm tin
cậy vào Chúa. Phúc cho anh em là những người nhận
thức rằng không thể tìm hạnh phúc bằng cách
cậy dựa vào của cải vật chất, mà bằng
cách đặt trọn niềm tín thác vào Chúa. Đó chính là
tinh thần nghèo khó ấy, chúng ta mới cân lường
được sự chóng qua của tiền của
vật chất. Có tinh thần nghèo khó ấy, chúng ta mới
thấy cảnh nghèo khổ của anh em. Có tinh thần
nghèo khó ấy, chúng ta mới dễ cảm thông và chia
sẻ cho tha nhân.
Chân lý của Lời Chúa và thực tế cũng dạy
chúng ta rằng hạnh phúc chỉ đến với chúng ta
khi mỗi người đừng sống vì mình và cho mình,
mà phải sống vì tha nhân và cho tha nhân. Phải biết hy
sinh những lợi ích riêng nhỏ bé để mưu
cầu lợi ích chung cho toàn thể: gia đình có hoà
thuận an vui thì mỗi người trong gia đình mới
được hạnh phúc; xã hội có an ninh trật
tự và thịnh vượng thì mỗi gia đình mới
thực sự được bảo đảm về công
ăn việc làm và được ấm no hạnh phúc. Cũng
vậy, thế giới có hoà bình thì các dân tộc mới có
thể phát triển và đạt tới sự thịnh
vượng bền lâu.
Mỗi người hãy quên mình đi, quên lợi ích riêng
tư, không tìm cách để có thêm, có nhiều, bằng cách
bóc lột kẻ khác hay bớt phần kẻ khác. Hãy
sống hiền hoà với mọi người, sẵn sàng
chịu đau khổ vì tha nhân, luôn luôn biết xót
thương người, luôn luôn có lòng trong sạch và ngay
thẳng, sống hoà thuận với mọi người và
làm cho mọi người được hoà thuận
với nhau, sẵn sàng chịu hy sinh vì chính đạo, vì
Nước Trời. Mỗi người phải là niềm
vui, là hạnh phúc cho kẻ khác, bởi vì hạnh phúc
thực sự của chúng ta là chính con người, cũng
như đau khổ của chúng ta cũng chính là con
người. Hạnh phúc hệ tại ở một
cuộc sống hoà hợp giữa ta và người khác, và
sự hoà hợp đó đòi hỏi ta phải tôn trọng
nhân vị và quyền lợi của người khác,
chấp nhận và yêu thương người khác như
chính bản thân.
Chúng ta hãy thiết tha cầu xin cho mọi Kitô hữu
biết noi gương Chúa Kitô sống hoà mình với
mọi người, biết lấy hạnh phúc của
mọi người làm hạnh phúc của chính mình
để tạo nên hạnh phúc đích thực cho bản
thân và cho mọi người.