MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Nên Thánh.
Chủ Nhật, Ngày 27 tháng 12-2009
NÊN THÁNH.

Khi chúng ta có dịp ra ngoài Đất Thánh hay Nghĩa Trang, chúng ta có thể quan sát thấy trên các bia mộ, người ta ghi năm sinh, tháng tử của các người quá cố. Cuộc đời dài vắn chỉ là một gạch nối. Gạch nối bằng nhau cho tất cả mọi người không phân biệt già trẻ. Thí dụ: con số năm sinh 1920- 2009 tạ thế hay sinh 1970- 2009 tạ thế. Gạch nối bằng nhau nhưng ý nghĩa rất khác nhau khi con người đã mãn cuộc đời dương thế. Sau khi đã chết, người ta không còn chú ý đến bao nhiêu tiền, nhà cửa hay của cải đã để lại. Nhưng người ta sẽ hỏi quý vị linh mục, quý ông bà, anh chị đã sống thế nào và đã làm được gì cho con người, xã hội và giáo hội. Cuộc đời là một gạch nối giữa hai con số. Cuộc sống có giá trị nhiều hay ít, không tùy thuộc vào sự sống lâu dài hay vắn gọn. Có những người sống lâu nhưng không mang lại hoa trái cho đồng loại. Có những người với cuộc sống ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho hậu thế gia sản qúi báu. Thí dụ: Gương sáng của Thánh Maria Goretti,12 tuổi, Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, 25 tuổi và Thánh Phanxicô  Xavier, 46 tuổi đã để lại những mẫu gương sáng ngời trong đời sống đạo. Các Ngài chính là những vị thánh của thời đại.

1.    Sự Thánh

Linh mục được lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh. Mỗi ngày trên gian cung thánh trước bàn thánh, linh mục dâng Thánh Lễ. Qua nghi thức cúi đầu chào Thánh Giá, hôn bàn Thánh và khởi đầu Thánh Lễ bằng dấu Thánh giá. Linh mục đọc Lời Chúa và hôn sách Thánh. Linh mục dâng của lễ trong đĩa thánh, chén thánh đặt trên khăn thánh. Qua lời truyền phép, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Tất cả mọi thứ được thánh hiến để dùng vào việc thờ phượng thánh nhưng chỉ có một thứ chưa thánh, đó là con người linh mục. Có khác một điều là linh mục có chức thánh. Con người không thánh mà lại được cắt đặt để cử hành việc thánh. Càng suy nghĩ con càng cảm thấy bất xứng và tội lỗi. Chỉ vì tình thương Chúa đã gọi và chọn con làm nhân chứng cho Chúa.

Tuy dù trước mỗi thánh lễ, chúng ta ăn năn sám hối và đọc Kinh Cáo Mình thú tội: Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót tha tôi. Chúng ta vẫn còn dấu vết tội lỗi, đâu xứng đáng đến trước mặt Chúa. Nhưng Chúa vẫn thương chấp nhận thân phận hèn yếu và tội lỗi của chúng ta. Trong đời mục vụ, con cử hành biết bao nhiêu các Bí Tích Thánh. Hàng tuần hàng tháng con cử hành Bí tích Hòa Giải, Xức Dầu Bệnh Nhân, Bí tích Rửa Tội, chứng kiến Bí Tích Hôn Phối và dâng Thánh Lễ rồi trao Mình Máu Thánh Chúa cho giáo dân mỗi ngày và chính con rước Mình Máu Thánh Chúa trong mỗi thánh lễ. Có nhiều Chúa Nhật, con dâng hai hoặc ba thánh lễ, vậy mà tâm hồn con cũng vẫn cứ nguội lạnh thờ ơ. Con đâu có thiếu ơn Chúa mà chỉ vì con không sống ân sủng Chúa ban. Con cử hành Phụng Vụ như là một công việc. Tâm hồn con nhiều khi cảm thấy thật lạnh nhạt và trống rỗng Chúa ơi.

2.                        Sống Thánh

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận viết rằng nhiều chấm kết hợp làm thành một đường dài và nhiều phút giây nối kết làm thành cuộc đời. Sống mỗi phút giây cho tốt, đời sẽ tốt. Sống mỗi phút giây cho thánh, đời sẽ thánh. Chúng ta sống cùng và sống với tha nhân. Tha nhân chính là môi trường để giúp chúng ta nên thánh. Mỗi người chúng ta đều được mời gọi nên thánh. Đôi khi chúng ta nghĩ nên thánh đó là bổn phận của các tu sĩ, các cha hay ai khác chứ không phải tôi. Chúng ta nghĩ rằng người khác có nhiều ơn thiêng hơn, hay hoàn cảnh của họ khá hơn chúng ta. Đúng vậy, hoàn cảnh mỗi người rất khác biệt nhau nhưng không ai bị loại trừ nên thánh. Chúng ta cần có những mẫu gương đời sống thánh thiện gần bên. Cụ thể  nhất là những người cạnh bên chúng ta. Các anh em linh mục phải là người đi tiên phong trong sự nên thánh. Một linh mục gương mẫu, đạo đức và thánh thiện sẽ kéo lôi được nhiều người sống thánh. Như đời sống của Thánh Gioan Maria Vianney, một cha xứ nhân từ, đôn hậu và đạo đức đã lôi kéo không biết bao nhiêu người trở về cùng Chúa.

Con nghĩ rằng những lời hay ý đẹp thì không thiếu trong kho tàng văn hóa đức tin. Chúng ta có thể tìm đọc những sách vở đạo đức, tài liệu bài giảng, các bài suy niệm và hướng dẫn về đời sống thánh thiện đầy dẫy trong các sách vở và trên các trang mạng. Hằng ngày con đọc Kinh Thánh, những Giáo Huấn của Giáo Hội, những suy tư của các Thánh Hiền và các gương sống đạo hạnh của tiền nhân vẫn như mời gọi và hối thúc con nên trọn lành. Nay con muốn góp phần chia sẻ những kinh nghiệm sống đạo cụ thể, mà riêng con đang đối diện. Lắng nghe lời Chúa Giêsu mời gọi: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành”. Dựa vào lời Chúa, đôi khi con ỷ lại và thoái thác sống trọn lành. Trọn lành như Cha trên trời thì cao xa quá, nên con cứ tàn tàn giữ trung bình. Không phạm tội nhiều và cũng không thiết tha nhiều để nên trọn lành. Hình như cũng có nhiều người thích kiểu giữ đạo: Nằm giữa không sợ mất phần chăn. Con giữ lề luật vừa vừa, phải phải và có khi chỉ cứ dậm chân tại chỗ. Con cố gắng chu toàn các luật buộc tối thiểu. Thế rồi năm này qua năm khác cuộc sống đạo cứ thế và chứng nào vẫn tật đó. Tội xưa đã phạm nay cũng cứ phạm lại. Xưng tội rồi chừa, chừa được ít lâu, rồi lại tái phạm. Nhưng con biết Chúa vẫn luôn mở rộng đôi tay và trái tim yêu thương đón con trở về. Con nay trở về với Chúa, Chúa ơi.

3.                        Chữ Tâm

Trở về với Chúa là trở về từ bên trong tâm hồn của mình, chứ không phải chỉ là chu toàn một số luật lệ đòi buộc. Người ta nói: Suy bụng ta, ra bụng người. Suy diễn thì có khi đúng, khi sai. Là con người, chúng ta cũng có những mẫu số chung trong một số sinh hoạt của thể xác và vật chất nhưng về lãnh vực tinh thần có nhiều khác biệt. Con người khác nhau ở ý chí và lý trí. Có những linh mục sống đời tận hiến trổi vượt, rất đạo đức và thánh thiện. Các ngài đã sống điều độ trong cách ăn nết ở, trung thành tốt với các bổn phận hằng ngày. Có nhiều người đã tự phấn đấu cách kiên trì và dũng cảm để thắng vượt các cơn cám dỗ. Chúng ta không nên phê bình người khác vì chúng ta không thể hiểu thấu được những điều ẩn kín sâu thẳm trong lòng mỗi con người.

Tôi xin kể câu truyện hai nhà sư đồng hành trên đường đi về tu viện. Hai nhà sư đã gặp một cô gái rất xinh đẹp bên bờ sông. Giống như hai nhà sư, cô gái muốn qua sông nhưng nước hơi lớn. Do dự một chút rồi một trong hai nhà sư đã cõng cô gái trên lưng và đưa cô sang bờ bên kia. Nhà sư bạn khó chịu quá sức vì nghĩ đây là gương mù cả thể. Trong hai tiếng đồng hồ, nhà sư kia càu nhàu khó chịu vì người bạn vi phạm lề luật. Than rằng:  Bạn đã quên bạn là nhà sư sao? Tại sao bạn dám đụng vào người đàn bà? Và tệ hơn nữa, đã cõng nàng qua sông? Người ta sẽ nói thế nào? Bạn đã không làm cho đạo thánh bị ố danh sao? Và nhà sư đó cứ miên man suy tưởng và tiếp tục phàn nàn. Nhà sư nọ kiên nhẫn lắng nghe lời giảng giải hầu như không dứt. Cuối cùng, nhà sư bèn lên tiếng: Thưa anh bạn, tôi đã để cô gái lại bên bờ sông. Sao anh bạn vẫn còn mang cô ta? Khó thật!

Cái Tâm mới là cốt lõi. Thắng được mình mới là quan trọng. Người ta nói: Thắng mình khó hơn thắng vạn quân. Con người chỉ có thể xét đoán nhau qua sự thể hiện bên ngoài, còn bên trong tâm hồn, không ai có thể dò. Chúng ta biết ý chí là sức mạnh. Nhìn vào chân dung các Đấng Tử Đạo Việt Nam , đây là mẫu gương của những ý chí kiên cường. Không một sức mạnh nào, dù gông cùm, đòn vọt, tù đầy, gươm giáo, khổ nhục cũng không có thể làm lung lạc đức tin của các Ngài. Một con người bề ngoài xem ra yếu đuối và nhỏ bé nhưng sức mạnh tinh thần thì vô song trên cả sự chết. Chúng ta biết rằng sức mạnh của các thánh tử đạo và các thánh là luôn luôn sống gắn bó với Chúa và múc tận nguồn ơn Chúa phù trợ qua việc cầu nguyện liên lỉ.

4.                        Cầu Nguyện

Chúa Giêsu đã nêu gương cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu cầu nguyện và kết hợp với Chúa Cha mọi nơi và mọi lúc. Có khi Chúa cầu nguyện thâu đêm. Chúa còn dậy các môn đệ cầu nguyện. Chúa cũng khuyên dậy chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng và đừng nản lòng. Anh em linh mục chúng ta phải là con người của cầu nguyện. Cầu nguyện là như hơi thở. Không có hơi thở, đời sống thiêng liêng sẽ lụi tàn. Trong nhà xứ nơi con ở, có những mẫu gương linh mục thật đáng khâm phục. Đôi khi con có việc đi vào nhà nguyện thật trễ hoặc rất sớm, chỉ leo lắt bóng đèn chầu nhưng con giật mình vì có một linh mục đang ngồi lặng yên cầu nguyện dưới hàng ghế cuối.

Cầu nguyện là chiếc cầu nối giữa Chúa và chúng ta. Chiếc cầu nối bằng những lời nguyện của chúng ta. Cầu nguyện chính là chất dầu của đèn. Đèn muốn cháy sáng phải có dầu. Đời sống muốn chiếu sáng, phải có cầu nguyện. Cầu nguyện là sự liên kết với Chúa Kitô. Chúa Kitô là nguồn mọi ơn phúc lành và là máng chuyển ơn xuống cho mọi người. Linh mục cầu nguyện nhiều lần mỗi ngày qua Kinh Nhật Tụng. Linh mục cầu nguyện cho mình và cầu thay cho giáo dân. Rất nhiều khi anh em linh mục chúng ta chỉ đọc kinh cho xong bài. Riêng con vẫn trung thành đọc Kinh Nhật Tụng nhưng thường không được sốt sáng hay lo ra và chia trí. Con tự cảm thấy yên lòng khi làm xong bổn phận đọc kinh. Đôi khi con không có tâm tình sốt mến khi cầu nguyện. Con không thể cầu nguyện lâu giờ một mình trước Thánh Thể, vì lúc nào con cũng nghĩ rằng có việc khác phải làm. Con chỉ ngồi một chút trước Thánh Thể đã cảm thấy chán. Đây chính là dấu hiệu của sự khô khan nguội lạnh trong tâm hồn. Con sẽ cố gắng mỗi ngày tìm về nguồn sinh lực mới, đặc biệt trong Năm Thánh Linh Mục này.

5.    Phục Vụ

Linh mục cầu nguyện trong đời sống mục vụ và phục vụ tha nhân. Sự cầu nguyện được tỏ bày qua việc phục vụ cụ thể hằng ngày như chiếc thuyền được chèo bằng hai mái chèo. Một bên là cầu nguyện và bên kia là phục vụ. Cầu nguyện và phục vụ là hành động song đôi. Mỗi người đều được mời gọi đến để phục vụ anh em mình trong cộng đoàn. Truyện kể: một Cha sở nọ kêu gọi giáo dân tình nguyện ra phục vụ Cộng Đoàn. Khi cha gọi đến một thanh niên nọ, mời anh ta tình nguyện ra giúp việc cộng đoàn. Bà mẹ nghe thế đã nói với cha rằng: Xin cha thương tha cho cháu. Cháu nó bận lắm. Bà làm như cha đi bắt quân dịch, phải xin tha. Mỗi người đều có ơn gọi riêng để phục vụ. Ơn gọi nào cũng là hồng ân cao qúy. Có người sống độc thân và có kẻ lập gia đình. Có người phục vụ giáo hội trong chức linh mục hay tu sĩ nam nữ. Có người phục vụ gia đình qua chức bậc làm cha mẹ hay thầy dậy. Có người phục vụ nơi công cộng giúp an ninh xã hội.

Anh em linh mục là người được mời gọi đến để phục vụ giáo đoàn. Linh mục đồng hành với mọi người trong môi trường sống. Trong hành trình có mọi tầng lớp, có người già, người trẻ, có thanh thiếu niên, có thiếu nhi và ấu nhi. Người đi trước, kẻ theo sau, người đi bên cạnh và cứ thế hệ này tiếp nối thế hệ kia. Linh mục đã được lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không. Linh mục đã cử hành các Bí Tích, mở cửa ngõ cho nhiều người đón nhận ân sủng làm con Chúa và con của giáo hội. Linh mục có mặt đó từ những lúc khởi đầu để đón nhận người tín hữu vào đạo Thánh Chúa qua Bí Tích Rửa Tội, rồi dưỡng nuôi linh hồn họ qua Bí Tích Thánh Thể, chữa lành qua Bí Tích Hòa Giải và chứng giám Bí Tích Hôn phối và suốt dọc hành trình, linh mục hiện diện đó để tư vấn, khuyên dạy và chia sẻ cùng nâng đỡ cuộc sống.  Những giây phút cuối của cuộc đời, linh mục cũng có mặt đó nơi gia đình, nơi bệnh viện để trao của ăn đàng và ban Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân như ân sủng thiêng liêng đỡ nâng họ đi đến cuối hành trình. Có biết bao nhiêu linh mục đã tiến bước và đã hoàn thành sứ mệnh làm người, làm con Chúa và làm thừa tác viên qua sự mục vụ và phục vụ.

6.                        Nên Thánh

Anh em linh mục phải là người tiên phong trong việc nên thánh. Đây là trách nhiệm của chính mình và làm gương sáng cho tha nhân. Đôi khi chúng ta hỏi: Tại sao phải là linh mục nên thánh mà không là người khác? Chúng ta ghen tị với những người khác để chối từ nên thánh thiện. Nên thánh đó chính là lời mời gọi của Thiên Chúa. Trong mọi hoàn cảnh chúng ta đều có thể nên thánh qua việc phục vu. Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận có vài gợi ý giúp nên thánh trong cuộc sống hằng ngày, nơi chúng ta sinh hoạt: “Người thợ nên thánh ở công xưởng. Người lính nên thánh trong quân đội. Bệnh nhân nên thánh ở bệnh viện. Học sinh nên thánh ở học đường. Nông phu nên thánh ở ruộng rẫy. Công chức nên thánh trong công sở. Cha mẹ nên thánh trong gia đình.  Linh mục nên thánh trong mục vụ”.  Nếu chúng ta không gắn bó với Chúa từng giây phút, chúng ta sẽ bỏ dở niềm hy vọng nên thánh.

Mỗi một biến cố trong đời là một lời mời gọi trở về. John Newton đã tha thiết cầu nguyện với Chúa và ông đã giữ lời hứa trở thành tôi tớ của Chúa. Newton là tác giả bài hát nổi tiếng “Amazing Grace”. Newton sống vào thế kỷ thứ 18, là một nhà buôn bán nô lệ. Tàu thuyền của ông đi đi về về giữa Hoa Kỳ và Phi Châu. Một hôm trời nổi dông gió và bão tố đã đánh thuyền nô lệ sắp chìm. Ông qúa kinh hãi, qùy xuống nguyện cầu với Chúa: Lạy Chúa, nếu Chúa cho ngưng bão tố và thuyền của con về tới bến bình an, con hứa sẽ ngưng làm nghề buôn bán nô lệ và con sẽ trở thành nô lệ tôi tớ của Chúa. Thuyền đã cập bến an toàn và như lời ông đã hứa, ông đã trở thành thừa tác viên của Tin Mừng. Sau này ông đã sáng tác bài “Hồng Ân Tuyệt Vời”. Hồng ân Thiên Chúa bao la tuyệt vời. Người thương cứu vớt đời con. Một lần lạc lối, nay con trở về. Mù lòa nay con đã thấy lại rồi.

Thay lời kết, Chúa ban cho anh em linh mục chúng ta rất nhiều khả năng. Mỗi linh mục có những biệt tài riêng. Có linh mục thì thông minh lỗi lạc, có vị thì viết lách suy niệm, có vị thì tài khéo sinh họat, có vị chuyên tâm cầu nguyện, có vị khéo trùng tu xây dựng và có vị lợi khẩu thuyết giảng. Tất cả những khả năng thiên phú, chúng ta có bổn phận trau dồi và sinh hoa kết quả. Mọi hoa trái sinh lợi đều tốt cho tha nhân và Giáo Hội. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào, linh mục nên ưu tiên cho phần rỗi của chính mình nữa. Chúa phán rằng: Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì? Lời lãi thế gian chính là những vinh hoa, những thành quả, những lời chúc tụng ca khen và những việc chúng ta đã thực hiện. Điều quan trọng nhất là chúng ta hãy nên thánh trong Chúa mỗi giây phút. Nếu anh em linh mục chúng ta thành công trên đường đời trong mọi lãnh vực mà chính chúng ta bị loại ra khỏi Nước Trời, thì cuộc đời chúng ta trở thành số không.

Lạy Chúa, chúng con được sống gần bên Chúa và phục vụ cho dân Chúa, đây là một ân huệ tuyệt vời. Xin cho anh em linh mục chúng con luôn can đảm và vững bước theo Chúa. Biết rằng theo Chúa, chúng con phải hy sinh và từ bỏ nhiều lắm nhưng bù lại, Chúa ban gấp trăm lần ở đời này và đời sau. Xin Chúa nâng đỡ và dìu dắt chúng con nên trọn lành mỗi ngày. Sau cùng, con xin quý ông bà và anh chị em cầu nguyện nhiều cho anh em linh mục chúng con được trung thành với Chúa và Giáo Hội cho đến cùng.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Mẹ Thiên Chúa (1/1/2010) (12/29/2009)
Mặc Khải Về Thánh Thể Trong Gioan 6: Bánh Trường Sinh Bất Tử, Bài #4 (12/28/2009)
Tìm Thấy (12/28/2009)
Thưa Vâng Với Thiên Chúa Mỗi Ngày (12/28/2009)
Thánh Gia(2) (12/28/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Niềm Hy Vọng. (12/27/2009)
Tin/Bài khác
Thánh Gia (12/26/2009)
Tài Sản (12/26/2009)
Suy Niệm Tin Mừng Hôm Nay (12/26/2009)
Suy Niệm Phúc Âm Lễ Thánh Gia Thất (27/12/2009) (12/26/2009)
Gia Đình Kitô Giáo (12/26/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768