Lễ
Giáng Sinh: Lễ Ban Ngày (Ga
1,1-18)
“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng
đã đến thế gian và chiếu soi mọi
người”
Chữ “rực sáng” xuất
hiện trong Phúc Âm Gioan không dưới 21 lần. Theo Gioan Chúa
Giêsu là ánh sáng của loài người. Hai lần Chúa Giêsu
tự xưng là ánh sáng thế gian, lần thứ nhất
sau vụ nhóm Biệt phái và Kinh sư dẫn người
phụ nữ phạm tội ngoại tình để gài
bẫy Chúa (Ga 8,12). Lần thứ hai sau
khi Chúa chữa lành người mù bẩm sinh (Ga 9,5). Ánh sáng ấy đến giữa loài
người để họ trở thành con cái của ánh
sáng: “Ánh sáng còn ở giữa các ông ít lâu nữa thôi, bao lâu
các ông còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng để trở nên con
cái ánh sáng” (Ga 12,35-36).
Về Chúa Giêsu là ánh sáng, tác giả Gioan đã dùng
một chữ đầy ý nghĩa để mô tả. Ông
bảo rằng Chúa Giêsu là ánh sáng thật. Trong
tiếng Hy lạp có hai từ rất giống nhau. Chữ thứ nhất Alethes có nghĩa là thật,
đối lập với chữ giả. Chữ kia là Alethinos nghĩa là có thật, hay đích
thật, đối lập với không thật.
Theo tông đồ Gioan, Chúa Giêsu là ánh sáng đích
thực, soi sáng cho loài người, trước khi Chúa Giêsu
đến, đã có những ánh sáng khác cho loài người
noi theo, một số là những tia sáng chớp loé của
chân lý, một số là những cái nhìn thoáng mờ về
thực tại, một số khác nữa giống như
những đốm lửa rơm dẫn loài người
vào trong đêm tối rồi bỏ mặc.
Ngày nay điều này vẫn còn xảy ra, vẫn có
những tia sáng mù mờ, vẫn còn
những tia sáng giả tạo, và loài người vẫn bước
theo chúng. Chúa Giêsu chính là ánh sáng đích thực duy nhất,
là ánh sáng có thật để dẫn đường cho
nhân loại.
Chúa Giêsu đã đem ánh sáng thật đến cho loài
người. Sự giáng thế của Chúa Giêsu giống
như một vùng ánh sáng chói chang, bắt đầu
buổi bình minh. Một nhà du lịch kể lại, có
lần ông đến nước Ý, đứng trên ngọn
đồi nhìn xuống vịnh Naples, lúc ấy trời
tối đen khiến ông chẳng thấy gì cả, nhưng
thình lình, một tia chớp loé lên, và mọi sự bỗng
được soi dọi rõ ràng đến từng chi
tiết. Khi Chúa Giêsu đến thế gian, Ngài như
vầng sáng chiếu dọi trong đêm tối.
1. Sự giáng thế của Chúa Giêsu
xua tan bóng tối nghi ngờ.
Khi Ngài chưa đến, thế
gian chỉ suy đoán về Thiên Chúa. Theo
người Hy lạp: “Thật khó biết về Thiên Chúa,
mà nếu bạn có tìm biết Ngài, thì cũng không thể
nói cho ai biết về Ngài”. Với người ngoại
đạo, thì Thiên Chúa đang ở trong bóng tối dày
đặc không ai thâm nhập được, hoặc Ngài
đang ở trong một thứ ánh sáng chói loà không ai
tới gần được. Nhưng khi Chúa Giêsu giáng
thế, loài người được thấy Thiên Chúa
phơi bày cách rõ ràng. Bóng tối, sương mù tan biến, những
ngày đoán mò đã qua, người ta không cần phải
mơ ước trong sự tối tăm ngu
dốt nữa, ánh sáng đã đến.
2. Sự giáng thế của Chúa Giêsu
xua tan bóng tối tuyệt vọng.
Chúa Giêsu đã đến với
một thế gian đang tuyệt vọng. Triết gia
Seneca nói: “Loài người ý thức mình bất lực
trước những điều cần thiết”. Họ
đang trông chờ một bàn tay
đưa xuống để nâng đỡ họ lên. “Họ ghét tội nhưng không lìa bỏ nó được”.
Loài người bất lực, không thể
làm cho mình và thế giới tốt hơn. Nhưng khi Chúa đến không chỉ đem
kiến thức mà đem cả quyền năng nữa.
Ngài đến không phải chỉ vạch ra
con đường đúng cho nhân loại, mà còn giúp họ
đi trên con đường đó. Chẳng
những Ngài dạy bảo họ, mà còn có mặt trong
mọi việc họ không làm nổi để giúp họ
thực hiện. Bóng tối của bi quan và tuyệt
vọng đã tan biến vĩnh viễn.
3. Sự giáng thế của Chúa Giêsu
xua tan bóng tối sự chết.
Thế giới thời cổ
rất sợ sự chết. Loài người
luôn bị trói buộc trong xiềng xích của sự
sợ chết. Cách suy nghĩ tốt
nhất cho rằng chết là hết, nhưng linh hồn
người ta rùng mình trước ý nghĩ đó. Tệ hại nhất khi suy nghĩ chết sẽ
bị quỷ thần hành tội, tra tấn nên
người ta càng sợ hãi hơn. Nhưng
bởi sự nhập thế, đời sống, sự
chết và sống lại của Chúa Giêsu, sự chết
chỉ là con đường dẫn loài người
đến sự sống bao la hơn. Bóng tối
của sự chết chỉ là con đường dẫn đến
sự sống rộng lớn hơn. Bóng tối của
sự chết đã tan biến. Trong
truyện của Stevenson, ông mô tả một thanh niên thoát
chết một cách lạ lùng trong cuộc đấu
kiếm mà chàng nghĩ mình chắc chắn sẽ bị
giết, lúc ra về lòng chàng vang lên bài ca “nỗi cay
đắng của sự chết đã qua rồi”.
Nhờ Chúa Giêsu, nỗi cay đắng của cái chết
đã qua đi với mọi người.
Hơn nữa, Chúa Giêsu là ánh sáng đã soi sáng cho
mọi người được sinh ra trên đời
này. Thế giới thời cổ là một
thế giới khép kín, hẹp hòi. Dân Do Thái ghét
người ngoài bang và chủ truơng người
ngoại bang được dựng nên chỉ để
làm nhiên liệu cho lửa hoả ngục. Đúng, một
tiên tri cô đơn đã thấy định mệnh
của dân Israel sẽ là ánh sáng cho dân ngoại (Is 42,6.49,6)
nhưng đó là định mệnh mà dân Israel đã
dứt khoát khước từ. Thế
giới Hy lạp chẳng bao giờ mơ ước tri
thức được dành cho tất cả mọi
người. Thế giới La mã khinh
dể các dân sắc tộc, xem họ như những loài
hạ đẳng, không có pháp luật. Nhưng Chúa
Cứu Thế Giêsu đã đến để làm ánh sáng cho
mọi người. Chỉ một mình Thiên
Chúa là Cha của Chúa Cứu Thế Giêsu mới có tấm
lòng lớn đã để chứa toàn thể thế gian.