Dấn thân
Trong triết học
hiện sinh, có một động từ thường hay
được xử dụng, đó là dấn thân. Nhìn theo khía cạnh này, thì Đức Kitô quả
là một người đi tiên phong cho chủ thuyết hiện
sinh.
Thực vậy, Giáng sinh, hay nói đúng hơn theo ngôn ngữ thần học, nhập
thể là gì nếu không phải là việc Con Thiên Chúa
dấn thân và sống cuộc đời con người
chúng ta.
Đức Kitô đã không xuống thăm trái
đất này như là một ông đại sứ của
Chúa Cha, đến để công bố những giới
luật, những nguyên tắc của cuộc chơi trong
kiếp sống làm người. Đến để
loan báo phần thưởng cho những người tuân
giữ, và hình phạt cho những kẻ chối từ.
Một ông đại sứ luôn đứng
bên lề cuộc phiêu lưu của nhân loại. Con
Thiên Chúa không đến để chỉ cho chúng ta biết
phải chơi như thế nào, nhưng Ngài đã nhập
cuộc, đã tham dự trò chơi. Ngài đã dấn thân,
đã làm người. Và theo ngôn ngữ
của thánh Gioan thì Ngài đã hóa thành nhục thể.
Vào thời bấy giờ, người ta không
thể nào tin nhận một chân lý như vậy. Đối với họ, thể xác là nguyên nhân
sinh ra tội lỗi. Họ chủ trương:
Đức Kitô chỉ có cái vóc dáng bên ngoài của con
người, chỉ đeo một cái mặt nạ của
thể xác. Trong khi đó, thánh Gioan mạnh mẽ chống
lại quan niệm này khi công bố: Ngôi Lời đã hóa
thành nhục thể, Ngài đã chấp nhận cuộc
chơi như lời thánh Phaolô: Chúa đã không nhận của
lễ toàn thiêu, đã không ưng chiên bò hy tế, thì nay con
đến để làm theo ý Cha. Bốn
chữ:thì nay con đến” mang một ý
nghĩa sâu xa, muốn nói lên rằng: Ngài đã bước
vào cuộc chơi.
Đức Kitô không
phải chỉ là một Thiên Chúa, nhưng Ngài còn là một
con người, đã sống một cuộc đời
như chúng ta. Thánh Phaolô đã viết:
Bởi vì con cái có chung máu thịt với
nhau, thì phần Ngài, Ngài cũng giống như vậy. Ngài đến không phải để giúp đỡ
các thiên thần, nhưng đến để giúp
đỡ dòng dõi Abraham. Do đó, trong mọi sự,
Ngài đã nên giống anh em mình. Để nên
giống chúng ta, Ngài đã mặc lấy những yếu
hèn, ngoại trừ tội lỗi. Phận
Ngài là phận của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài
đã không nghĩ phải dành cho được chức
vụ đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy
mình đi, mặc lấy thân phận tôi đòi, trở nên
giống hẳn người ta, đem thân đội
lốt người phàm…
Thực vậy,
Đức Kitô đã bước vào đời sống
thể xác. Thánh Gioan đã nhấn mạnh: Gioan Tiền
hô đến không ăn không uống,
nhưng Đức Kitô đến, Ngài đã ăn và đã
uống. Ngài đã mệt mỏi vì
đường xa, vì ánh nắng gay gắt, nên đã
ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacob. Trên thập
giá Ngài đã cảm thấy một cơn khát như xé
cổ họng và đã chịu đựng những
đớn đau ghê sợ nhất.
Tiếp đến, Ngài
đã bước vào đời sống tâm lý. Ngài
đã say mê vẻ đẹp thiên nhiên, đã yêu thích sự
đơn sơ trong trắng của
trẻ thơ. Ngài đã tỏ dấu yêu thương
đối với Gioan và Lagiarô, Martha và Mađalêna… Ngài đã buồn, đã khóc. Ngài
đã tức giận xua đuổi phường buôn bán ra
khỏi đền thờ.
Sau cùng, Ngài đã
bước vào đời sống xã hội. Ngài đã nói với người nghèo hèn cũng
như kẻ quyền thế, kẻ tội lỗi cũng
như người thiếu phụ ngoại tình, bọn
Biệt phái giả hình cũng như con cáo già Hêrôđê.
Ngài đã sống trong một gia đình cũng
như đã sống giữa các môn đệ, Đức
Kitô đã muốn là một người như chúng ta.
Và đó là một chân lý nền tảng
của Kitô giáo.
Thực vậy,
Đức Kitô là một con người cụ thể,
đã sống vào một thời đại nhất
định, đã thuộc về một giai cấp
nhất định. Từ đó
chúng ta đi tới một kết luận, đó là
việc thánh hóa con người không thể nào
được thực hiện bên ngoài cuộc sống
thường ngày.
Đúng thế, cuộc sống của
người Kitô hữu không hệ tại việc đứng
bên lề những thực tại trần thế như ăn uống, yêu thương, làm việc,
cầu nguyện. Trái lại, chính những
công việc tầm thường này đã dệt nên
cuộc đời chúng ta. Bởi đó
hãy bắt chước Đức Kitô làm những công
việc của đời thường này một cách siêu
nhiên, bởi vì Ngài đã đến để giúp chúng ta
thánh hóa, biến những công việc đời
thường này trở nên công nghiệp cho chúng ta.
Chúng ta phải luôn nhớ rằng: Đức
Kitô không phải chỉ cứu chuộc chúng ta với tâm
hồn của Ngài, mà còn với thân xác của Ngài nữa. Sở dĩ như vậy vì Ngài đã nối
kết thân xác Ngài với bản tính Thiên Chúa. Nhờ đó, đã trở nên dụng cụ thực
hiện chương trình yêu thương mà Ngài đã
từng ươm mơ từ muôn ngàn thuở
trước. Với những đau
khổ, Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Thân xác là như chiếc dây đàn, cho người
nghệ sĩ tâm hồn gẩy lên bản tình ca chúc
tụng Thiên Chúa.
Để thánh hóa,
để đạt tới Nước Trời, chúng ta
không cần phải chạy trốn những thực
tại trần gian. Nếu một người
nào đó hy sinh chỉ vì khinh bỉ thức ăn, vào
rừng sống ẩn dật chỉ vì khinh bỉ anh em
đồng loại, từ chối hôn nhân chỉ vì khinh
bỉ đàn bà, khắc khổ chỉ vì khinh bỉ
những niềm vui… thì người ấy đã phạm
phải một sai lầm to lớn. Người
ấy đã khinh bỉ chính những thụ tạo của
Thiên Chúa. Người ấy tưởng
mình tiến lại gần Thiên Chúa, nhưng thực sự,
người ấy đã xa lìa Ngài.
Sở dĩ các thánh hãm
mình, không phải vì khinh bỉ, nhưng vì được
thúc đẩy đừng đánh giá quá cao những
thực tại trần gian, biết chế ngự và dùng
tinh thần vượt lên trên chúng. Thánh
Phaolô đã diễn tả: Nơi Ngài, bản tính Thiên Chúa
đã ở trong thân xác. Cũng vậy, chúng ta có thể nói
về những Kitô hữu: đời sống của
họ hệ tại thân xác, bởi vì những hành
động của thân xác làm nên cuộc sống họ.
Từ đó, chúng ta khám phá ra rằng: Thiên Chúa đã
muốn sống bản tính Thiên Chúa một cách nhân loại,
để chúng ta có thể sống bản tính nhân loại
một cách Thiên Chúa. Hay như các thánh giáo phụ đã nói:
Thiên Chúa đã bước xuống phận con người,
để con người tiến lên ngôi Thiên Chúa. Ơn thánh chúng ta lãnh nhận ngày chịu phép
Rửa tội, được phát triển nhờ các bí
tích, sẽ làm cho những công việc đời thường
có một giá trị siêu nhiên. Nỗi băn khoăn
của chúng ta không phải là chạy trốn thế gian, mà
là nhập cuộc, là dấn thân, là làm tất cả
những công việc đời thường như
Đức Kitô đã làm.
Với Mầu nhiệm Giáng sinh, bản tính
Thiên Chúa đã kết hôn với bản tính nhân loại
nơi Hài nhi Giêsu, nhờ đó mà Ngài cứu chuộc chúng
ta, thì giờ đây, để đời thường
của chúng ta có một giá trị, chúng ta hãy quy
hướng mọi hành động của thân xác về
với Đức Kitô như lời thánh Phaolô: Dù ăn, dù
uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì
Đức Kitô. Đó là một cách giúp chúng ta
thánh hóa bản thân cũng như giúp chúng ta sống mầu
nhiệm Giáng sinh giữa lòng cuộc đời.