Những Cuộc Thăm
Viếng Xưa Và Nay
Bà Lê Thị Mỹ (Lely Lemieux) là một Kitô
hữu Canada. Từ 8 năm nay, bà là hội trưởng
hội "Ngọn Lửa Cháy" của giáo phận thành
phố Mông-rê-an. Hội có mục đích dẫn
đường và cùng đi với các người trẻ
trong cuộc hành trình nhắm tới tương lai. Ngoài ra,
bà Mỹ còn năng thăm viếng các tù nhân, mang lại cho
họ niềm hy vọng và sự cảm thông. Vậy do
đâu mà bà Mỹ có được tinh thần nhiệt
thành đối với người trẻ và với
người tù tội? Hãy nghe lời bà Mỹ tâm sự:
Ðời sống của tôi thật giản
dị và đâm rễ sâu trong tình thương của Chúa. Giờ
đây ở tuổi trưởng thành, tôi càng thấy rõ tôi
hết lòng tin vào sự hiện diện và tác động
của Thiên Chúa trong đời tôi. Tôi vô cùng cảm tạ
Chúa về hồng ân đức tin đó. Tôi còn
hưởng một hồng ân khác nữa là được
sinh ra trong một gia đình trên thuận dưới hoà. Cha
mẹ tôi rất quan tâm săn sóc con cái. Tình thương,
sự chăm sóc tế nhị và lòng trìu mến của cha
mẹ đối với tôi, là một món quà tôi không bao
giờ quên, cũng không bao giờ giữ riêng lấy cho tôi.
Ngay ở tuổi 14, tôi đã dành giờ
rảnh ngày thứ bảy đi giúp tắm rửa các em bé
tại nhà thương Từ Bi. Kế đến tôi gia
nhập hội Hướng Ðạo. Các sinh hoạt
Hướng Ðạo đã cho tôi cơ hội sống
với người trẻ.
Từ tám năm nay, tôi được giáo
phận giao cho việc điều khiển hội đoàn
"Ngọn Lửa Cháy". Ðây là cộng đoàn dành riêng
cho người trẻ từ 18-25. Cứ vào cuối
tuần, chiều thứ 6 đến chiều Chúa Nhật,
họ họp lại để suy tư về những
đề tài xoay quanh "Bản thân, tha nhân, gia đình và
Chúa Kitô". Mỗi chiều Chúa Nhật, tôi
được an ủi rất nhiều khi thấy
những người trẻ ra về với gương
mặt vui tươi. Ðó là những người trẻ
đã từng trải qua những kinh nghiệm đau
thương, như nghiện rượu, nghiện ma tuý,
thất tình, cô đơn, không kiếm được
việc làm, thiếu tự tin. Nhờ được chung
sống và chia sẻ với nhau những ngày cuối
tuần mà họ tìm lại được hơi ấm
của tình người, nhất là có được hy
vọng và lòng tự tin.
Ngoài ra, tôi còn thường xuyên thăm
viếng các tù nhân. Những người này chiếm một
chỗ đứng quan trọng trong đời tôi và mang
lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Thật
ra việc tiếp xúc với họ không phải là
chuyện dễ dàng và đơn giản. Tôi không bao giờ
biết trước được ai là người tôi
sẽ gặp nơi nhà tù, và khi gặp họ tôi phải
nói gì. Tôi hoàn toàn phó thác nơi Chúa Thánh Linh qua mỗi
cuộc gặp gỡ. Chính Chúa Thánh Linh cho tôi biết
phải nói gì. Tôi thường ra về lòng tràn đầy
ơn bình an nhờ tham dự vào lòng thương xót của
chính Chúa Giêsu.
Tôi có một niềm tin vững chắc
nơi Chúa. Với tôi, Thiên Chúa là một người CHA
tuyệt diệu, trên hết mọi người cha. Nơi
Chúa, tôi đặt trọn niềm tin và tình cảm, nhờ
đó tôi được an tâm trước mọi thử
thách.
Bất Cứ Ai Ðón Nhận Sự
Hiện Diện Ưu Ái Của Thiên Chúa?
Buổi sáng khi thức dậy, tôi dâng ngày
cho Chúa, rồi tôi khiêm tốn xin Chúa cho tôi trở nên
người phản ảnh tình thương của Chúa cho
tha nhân.
Với ai đó than phiền vì chỉ
gặp toàn khó khăn xui xẻo, tôi liền hỏi
người đó: "Ðâu là chỗ đứng trong
đời của bạn?" Quả thật, đối
với tôi, Thiên Chúa chính là gia nghiệp đời tôi. Tôi tìm
nơi Người sức mạnh, niềm hy vọng, tình
thương và ánh sáng chiếu soi bước
đường hàng ngày của tôi.
Riêng với Mẹ Maria, bà Lê Thị Mỹ
kể ra một câu chuyện nhỏ: "Trước kia,
tôi có tật hút thuốc lá mỗi ngày hai gói! Tôi đã
cố gắng bỏ tật xấu đó một số
lần nhưng lần nào cũng thất bại. Ngày kia,
một người bạn nói với tôi: "Bạn
biết không? Ðức Mẹ đã giúp mình bỏ thuốc
đó." Nghe vậy, tôi tự nhủ: "Chắc
Ðức Mẹ cũng sẵn sàng giúp tôi bỏ
thuốc." Thế là tôi mang gói thuốc đặt
dưới chân tượng Ðức Mẹ. "Xin Mẹ
giúp con bỏ thuốc từ này trở đi" và quả
thật, từ hồi đó, Ðức Mẹ đã giúp tôi
bỏ hẳn tật hút thuốc.
Lời tâm sự của bà Lê Thị Mỹ
gợi ý cho thấy biến cố Ðức Maria đi
thăm viếng bà Isave thường được lặp
đi lặp lại nhiều lần nhiều cách trong
đời người Kitô hữu. Có thể nói chính
việc lặp đi lặp lại này làm nên đời
người Kitô. Quả thật không riêng gì bà Lê Thị
Mỹ, bất cứ ai đón nhận sự hiện
diện ưu ái của Thiên Chúa đều được
mời tham dự mầu nhiệm đi viếng của
Ðức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế.
Xuất Xứ Của Mầu
Nhiệm Ði Viếng
Hãy coi xuất xứ của mầu
nhiệm đi viếng này bắt rễ từ biến
cố Truyền Tin. Một cô gái thôn quê làng Na-da-rét, mới
13-14 hoặc 15 tuổi, đã kết hôn và được
Sứ Thần của Thiên Chúa đến loan tin
động trời. Cô đã được ban cho
đầy ơn sủng và được Thiên Chúa ở
cùng (Lc 1,28), bây giờ cô còn được Thiên Chúa chọn
làm Mẹ Con Thiên Chúa làm người do quyền năng
của Chúa Thánh Thần (c.31.35) vì đối với Thiên
Chúa, không có gì là không thể làm được, nên Ðức
Trinh Nữ đã đặt mình hoàn toàn để Thiên Chúa
sử dụng khi thưa: "Xin cứ làm cho tôi như
Sứ Thần nói" (c.38). Ðó chính là xuất xứ của
mầu nhiệm của mọi việc viếng thăm có ý
nghĩa Kitô giáo, khởi sự với cuộc thăm
viếng bà Isave được kể trong bài Tin Mừng hôm
nay.
Ðiều kiện tiên quyết cho giá trị
của mọi cuộc thăm viếng Kitô giáo là Thiên Chúa
ở cùng ta. Dọc theo mọi ơn gọi trong Kinh Thánh,
như với nhà lãnh tụ Mô-sê (Xh 3,12), với ngôn sứ
Giê-rê-mi (1,8.19; 15,20), với tổ phụ Áp-ra-ham (St 26,24;
28,15) cũng như với Ðức Trinh Nữ Maria, khởi
sự phải là việc Thiên Chúa chiếu cố
đến thân phận yếu hèn (Lc1, 48) của con
người mà Người muốn ban ơn. Ơn
Người ban bao giờ cũng vậy, phải phát
xuất do lòng tốt lành của Người. Tuỳ ở
mức sẵn sàng đón nhận mà con người
được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Nơi
Ðức Maria sẽ không có rào cản đối với
ơn Chúa hiện diện và hành động, nên Mẹ
được nhìn nhận là "Ðấng đầy ân
sủng" (Lc 1,28). Loài người càng thoát ách tội
lỗi (dù chỉ là thoát khỏi một đam mê nhỏ
như thói quen hút thuốc), ơn Chúa càng tự do hoạt
động. Nhưng khởi sự bao giờ cũng là
chính Chúa hiện diện và hoạt động như
lời bà Lê Thị Mỹ nói "ngay từ nhỏ tôi
đã cảm nhận tình thương của Chúa. Giờ
đây ở tuổi trưởng thành, tôi càng thấy rõ tôi
đã hết lòng tin vào sự hiện diện và hành
động của Thiên Chúa trong đời tôi".
Thiên Chúa mặc xác phàm nơi lòng Ðức
Maria do quyền năng tác động của Chúa Thánh
Thần: đó là cội nguồn của sự hiện
diện và hành động hoàn toàn mới của Thiên Chúa
ở giữa loài người. Bài Tin Mừng hôm nay cho
thấy Ðức Maria sẵn sàng (c.39) như thế nào
để Chúa sử dụng Mẹ trong vai trò hòm bia Giao
Ước mới của Thiên Chúa. Rõ ràng cuộc gặp
gỡ của hai người mẹ là cơ hội
để hai người con gặp nhau. Có thể nói ông
Gioan Tẩy Giả bắt đầu thi hành sứ mạng
tiền hô bằng động tác nhảy lên trong bụng
mẹ (c.41) để giới thiệu vị Thiên Sai Giêsu
cũng còn trong dạ mẹ. Hẳn bà Lê Thị Mỹ có lý
khi khám phá ra nguồn suối của ơn nhiệt thành tông
đồ ngang qua cha mẹ mình khi nói: "Cha mẹ tôi
rất quan tâm săn sóc con cái. Tình thương, sự
chăm sóc tế nhị và lòng trìu mến của cha mẹ
đối với tôi, là món quà tôi không bao giờ quên,
cũng không hề giữ riêng lấy cho tôi".
Nhưng mãnh liệt nhất trong nhiệm
cục mới của ơn cứu độ là sự
hiện diện và hành động của Chúa Thánh Linh. Với
biến cố Ðức Giêsu được Mẹ
Người cưu mang do quyền năng của Chúa Thánh
Linh (c.35), Thần Khí của Thiên Chúa sẽ hành động
mạnh mẽ nơi các nhân vật khác nữa như bà
Isave (c.41), ông Da-ca-ria (c.67) cũng như cụ già Si-mê-on (Lc
2,27). Hiện tượng đó báo hiệu việc Ðức
Giêsu sau này được tôn vinh. Ðó là lúc Thiên Chúa ra tay uy
quyền nâng Người lên, trao Người Thánh Thần
đã hứa để Người đổ xuống:
"Ðó là điều anh em đang thấy đang nghe"
(Cv 2,33), đó cũng chính là hiện tượng mà bà Lê
Thị Mỹ nghiệm thấy khi thăm viếng các tù
nhân như chính bà tâm sự: "Tôi không bao giờ biết
trước được ai là người tôi sẽ
gặp. Tôi hoàn toàn phó thác cho Chúa Thánh Linh qua mỗi cuộc
gặp gỡ".
Một số câu hỏi gợi
ý
1.
Lời tâm sự của bà Lê Thị
Mỹ có điều gì đáng chú ý hoặc đánh động bạn chăng?
2.
Bạn nghĩ vì lý do gì
mà Ðức Maria đã vội vã lên đường
(c.39)?
Lm.
Augustine, SJ