GẶP
GỠ: THÀNH SỰ TẠI NHÂN
Lm.
Giuse Nguyễn Văn Nghiã
Gặp gỡ là cùng có mặt tại
một không gian, là sự giáp mặt, tiếp xúc giữa
những người thân quen hay cùng có một mối liên
hệ nào đó. Vào Chúa Nhật IV Mùa Vọng C này giáo
hội khi dọn cho chúng ta bàn tiệc Lời Chúa,
đặc biệt qua bài Tin mừng, muốn giới
thiệu hai cuộc gặp gỡ. Một là giữa hai
chị em Isave và Maria và hai là giữa Thai Nhi Giêsu với bà
Isave và Thai nhi Gioan Tẩy giả. Đã nói đến
sự gặp gỡ thì hàm ý có những hiệu quả
tốt đẹp phát sinh. Qua cuộc gặp gỡ
giữa hai bà mẹ cũng như hai thai nhi trên, hiệu
quả tốt đẹp đã xảy ra. Bà Isave
đầy ân sủng Thánh Thần, xác nhận sự
diễm phúc của cô em Maria cũng như nói lên hồng ân
mà trẻ bé Gioan Baotixita trong dạ của bà đang
hưởng nhận. Chúng ta đừng quên cuộc gặp
gỡ ấy cũng đem niềm vui cho cả nhà Giacaria,
vì nay đã có người góp sức cho việc hạ sinh
trẻ Gioan. Điều này được hé lộ khi Tin
mừng tường thuật rằng Maria ở lại
với gia đình Giacaria – Isave độ ba tháng mới
trở về nhà mình ( Lc 1,56 ).
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên
đối diện bất tương phùng”. Câu đối
của người xưa nhấn mạnh đến cái
duyên, tức là phần số đã được trời
sắp đặt, chuẩn bị, an bài từ
trước, như là nguyên nhân chính làm nên sự gặp
gỡ hay không gặp gỡ. Theo viễn kiến này, thì
người ta cũng có thể nói như người
xưa: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”
hoặc như tác giả Thánh Vịnh: “Ví như Chúa
chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là
uổng công” ( Tv 126,1). Thế nhưng dưới cái nhìn
của mạc khải thời Tân Ước, thì phải
chăng chúng ta cũng có thể nói ngược lại:
Mưu sự tại thiên. Thành sự tại nhân.
Mưu sự tại thiên: Thiên Chúa đã yêu thương,
chọn gọi loài người từ ngàn xưa để
ban cho con người hạnh phúc vĩnh cửu là thông
phần sự sống với Người trong Con Một
của Người là Đức Kitô. Thánh Phaolô đã trình
bày ý định nhệm mầu này bằng bản thánh ca: “
…Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta trước
khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh
nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn
và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền
định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu
Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng
ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh
Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử
đổ ra, chúng ta được cứu chuộc,
được thứ tha tội lỗi, theo lượng
ân sủng rất phong phú của Người… (Eph 1,3-14).
Thánh ý của Thiên Chúa là ban cho thế gian chính Con Một
dấu yêu, trong một thân xác cụ thể, làm dấu
chỉ và làm phương thế cho sự gặp gỡ
giữa Thiên Chúa với con người. Tác giả thư
gửi tín hữu Do Thái đã nói: “Khi vào trần gian,
Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến
tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa
cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.
Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này
đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách
Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).
Khi ban Người Con Một vào trần gian, Thiên Chúa
muốn mạc khải cho biết nguồn gốc đích
thực của mọi loài, cách riêng loài người chúng ta
chính là Người, vị Thiên Chúa duy nhất đầy
quyền năng đáng tôn thờ và cũng là người
Cha đầy lòng thương xót đáng mến yêu trên
hết mọi sự, đồng thời qua đó, mạc
khải cho chúng ta biết mình là anh chị em với nhau,
bất phân màu da, sắc tộc, ngôn ngữ…( x.Mt 5,9; 43-48 ).
Nói một cách không sợ sai lầm rằng chúng ta đã
biết một trong những nội hàm của “mưu
sự tại thiên”: Đó là Thiên Chúa muốn mọi
người gặp gỡ Người để
được hạnh phúc và gặp gỡ nhau để
sống tình huynh đệ.
Thành sự tại nhân: Chúng ta vốn quen với câu nói
của thánh giáo phụ Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi không
cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà
không cần có tôi”. Thánh giáo phụ vừa nói lên quyền
năng cao cả của Thiên Chúa, vừa nói lên
đường lối của Người, Đấng là
Tình Yêu ( x.1Ga 4,8 ). Thiên Chúa đã thương ban cho loài
người, hình ảnh của Người, có lý trí và ý chí
tự do. Đây là hệ lụy tất yêu của tình yêu.
Tình yêu đòi hỏi có sự ý thức và tự nguyện.
Có thể dễ bị hiểu lầm là kiêu ngạo khi
đề cao vai trò của nhân loại. Thế nhưng
đó là một cách thế hành động của Thiên Chúa.
Dù rằng đầy quyền năng và không có sự gì là
không thể, nhưng Thiên Chúa lại muốn có sự
tự do cộng tác của con người trong việc thi
ân, cứu độ con người.
Để chuẩn bị một dân tuyển lựa, Thiên
Chúa không bắt ép, nhưng mời gọi Abraham, một
người chăn nuôi súc vật đã khá cao niên lên
đường ( x. St 12,1-5 ). Để cho Ngôi Lời
Nhập thể cứu đời, Thiên Chúa không ra chỉ
thị mà lại ngỏ ý, đề nghị Maria, một
thiếu nữ thôn dã cộng tác ( x. Lc 1,26-38 ). Khi công khai
rao giảng tin mừng Chúa Giêsu thường lặp đi
lặp lại câu nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” (Mt
11,15).
Điều gì cần có nơi phía loài người
để thánh ý Thiên Chúa được thành sự ? Chúng ta
có thể nhận ra đó là lòng thành và sự khiêm nhu trong
một tâm hồn đầy lửa mến, khát khao sự
thiện. Để cho thánh ý Thiên Chúa được thành
hiện thực, nghĩa là có sự gặp gỡ thực
sự giữa Thiên Chúa với con người, giữa con
người với nhau, thì phía con người không thể
thiếu:
-
Một sự
hướng thiện trong tình mến: Biết bao cuộc
họp mặt giữa người với người,
giữa vị đại diện quốc gia này với
quốc gia kia mà vẫn chưa trở thành sự gặp
gỡ, nghĩa là chưa mang lại kết quả. Trong
nhiều lý do rất có thể có lý do là một trong hai phía
chưa thực sự có tình yêu thương nhau hoặc
chưa thực sự hướng thiện, nghĩa là tìm
kiếm điều tốt trong chân lý.
-
Một tấm lòng thành
đầy sự khiêm nhu: Khi sinh thời, cách riêng trong
quảng đời rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã
tiếp xúc rất nhiều người nhưng vẫn có
đó không ít người chưa gặp gỡ Người
mà trong số đó có nhiều người biệt phái,
luật sĩ. Lý do chính yếu mà tin mừng tường
thuật, đó là vì họ thiếu lòng thành và sự khiêm
hạ. Họ là những người có tai mà không nghe,
đúng hơn là không thèm nghe; có mắt mà không thấy,
đúng hơn là không muốn thấy. Làm sao có sự
gặp gỡ khi một phía cố tình bịt tai, che
mắt ?
Trở lại với hai bà mẹ đang mang thai, một
trẻ, một già là Isave và Maria. Tình yêu của của hai bà
mẹ dành cho Thiên Chúa, cho con người đã quá rõ.
Một người tuy như là bất hạnh
trước người đời vì son sẻ mà vẫn
kiên trung trong sự công chính trước mặt Thiên Chúa và
không ai chê trách được điều gì ( x.Lc 1,6 ),
một người thì tràn trề ân sủng ( x. Lc 1,28 ), và
cả hai đều đầy ơn Thánh Thần ( x. Lc
1,35; 41 ). Lòng thành và sự khiêm hạ của Maria đã rõ
nét qua lời thưa xin vâng và lời ca Magnificat “ Chúa đã
đoái thương phận hèn tớ nữ…”( x. Lc 1,48 ). Bà
Isave đã nhìn nhận tất cả là ơn Chúa “khi Người
đã thương cất nỗi hổ nhục bà phải
chịu trước mặt người đời” ( Lc
1,25 ).
Thiên Chúa không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách để
gặp gỡ con người, đồng thời giúp con
người gặp gỡ nhau. Thế nhưng trong vấn
đề này, chúng ta có thể nói rằng “mưu sự
tại thiên mà thành sự tại nhân” vậy.
Lm.
Giuse Nguyễn Văn Nghiã