CÙNG MẸ CON
ĐI
Lm.
Giuse Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Ngay sau khi được
sứ thần truyền tin, Đức Maria vội vã lên
đường thăm người chị họ là bà
Elisabét. Chúng ta đang ở trong nhà
của Dacaria và chứng kiến những gì sẽ xảy
ra nơi ngôi nhà dân dã này. Bước chân vội vã lên
đường của Đức Maria đến miền
sơn cước Giêrusalem – có lẽ là miền Ain Carim
hiện nay, cách Giêrusalem khoảng 6 km về phía tây- thăm
người chị họ không chỉ nhằm loan báo
mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa hay
chỉ hát lên bài ca cảm tạ tri ân Thiên Chúa -bài ca
Magnificat, nhưng đó còn là hình ảnh gợi nhớ
điều mà Ngôn sứ Isaia loan báo ngày xưa về
Đấng Thiên Sai sẽ đến. Thật vậy, trong
bối cảnh thời đại Isaia, lúc Batư tiến
đánh Babylon, Ngôn sứ Isaia cũng như nhiều
người Dothái lưu đày khác đang ở Babylon. Chính trong hoàn cảnh ấy, ông ước mơ
làm sao có thể chạy về Giêrusalem để báo tin
rằng Thiên Chúa sắp giải phóng dân Người.
Ông đã nhảy lên vui sướng và reo vang:
“Đẹp thay trên đồi núi, bước chân
người loan báo Tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu
độ” (Is 52,7). Như thế, hình
ảnh Đức Maria với sự hiện diện
của Ngôi Hai Thiên Chúa mà Mẹ đang cưu mang, băng
ngàn để loan báo tin vui cũng chính là hình ảnh mà khi xưa
Isaia đã loan báo. Hơn thế nữa, đó
còn là hình ảnh của Giáo hội “ra khơi” (Duc in altum)
mang Chúa đến cho muôn dân.
Nhìn từ bên ngoài, chúng ta chỉ thấy
được sự kiện hai bà mẹ gặp nhau, vui
vẻ hàn huyên; thế nhưng, thực chất lại là
sự gặp gỡ của hai hài nhi.
Bằng chứng là với lời chào thăm của
Đức Maria, hài nhi Gioan – mà đúng
theo nguyên ngữ Hylạp- là đã “nhảy cẫng lên”,
“nhảy tung lên” vui sướng. Như thế, hài nhi Gioan ngay từ khi còn trong lòng mẹ đã
tiên báo về Đấng Cứu thế – Đấng mà mình
sẽ là tiền hô sau này. Có điều chúng
ta thấy, điều tiên báo đó không thực hiện
bằng lời nói mà bằng ngôn ngữ của thân xác.
Bà Êlisabét – qua Thánh Thần- đọc được ý
nghĩa mà người con trong lòng bà “nhảy cẫng” lên
cũng như ý nghĩa của cuộc gặp gỡ
với Mẹ Thiên Chúa, bà đã thốt lên lời tụng
ca ca ngợi Mẹ Maria như là người phụ nữ
có phúc hơn hết mọi phụ nữ. Chúng
ta thấy, lời tụng ca của bà Êlisabét trước
hết chịu ảnh hưởng của ca vịnh Debora
trong Cựu ước. Đây là ca
vịnh dùng để tụng ca bà Giaên, vợ ông Kheve
người Kêni. Chúng ta biết, khi
thủ lãnh Canaan là Xixơra chạy trốn vì thua trận, ông
chạy vào lều bà Giaên. Bà đã dùng cọc
để đóng vào tai Xixơra giết
chết kẻ thù. Nhờ đó, bà
được ca ngợi là người phụ nữ
trổi vượt hơn muôn ngàn phụ nữ (x. Tl 5, 24).
Mười thế kỷ sau, dân Thiên Chúa
cũng hát bài ca đó để ca ngợi bà Giuđitha.
Đứng trước tình cảnh bi đát mà dân Thiên Chúa
sắp phải chịu là trao tất cả dân chúng và thành
thánh vào tay quân Atsua, bà Giuđitha – một phụ nữ
đạo đức và kính sợ Thiên Chúa- đã sẵn
sàng ra đi vào hang ổ của kẻ thù. Với
nhan sắc tuyệt mỹ, bà đã lọt vào doanh trại
của quân Atsua và sau đó được gặp
tướng Atsua là Hôlôphécnê để rồi dùng mưu
chặt đầu tướng giặc mang vinh quang cho dân Israel.
Bởi đó, Giuđitha cũng được ngơi ca là
người phụ nữ được Thiên Chúa chúc phúc
hơn mọi người phụ nữ (x. Gđt 8-13)
Như thế, khi bà Êlisabét ca ngợi
Đức Maria là người “được chúc phúc
hơn hết mọi người phụ nữ”, thánh Luca
muốn ám chỉ việc Thiên Chúa thực hiện công trình
cứu chuộc của Người nơi Mẹ. Nơi
Mẹ, không chỉ thay thế bà Giaên, bà Giuđitha mà Mẹ
còn vượt xa họ về mọi phương diện,
đặc biệt là vì dòng dõi Mẹ sẽ là dòng dõi
“đạp nát đầu con rắn” vốn
được xem là kẻ thù của dân Thiên Chúa (x. St 3,15).
Việc bà Êlisabét được Thánh Thần soi sáng
để nhận ra Đức Maria là “thân mẫu Thiên Chúa”
không chỉ là nền tảng kinh thánh để đi
đến tín điều Mẹ Thiên Chúa (Theolokos) vốn
được công đồng Êphêxô tuyên tín vào ngày 22. 6. 431,
mà theo Luca, đó còn là mối liên hệ
giữa Đức Maria với Hòm bia Thiên Chúa. Thật
vậy, nhìn vào trình thuật Truyền tin và Thăm
viếng, chúng ta thấy có một sự tương
đồng cách nào đó giữa Mẹ với Hòm bia Giao ước thời Vua Đavít. Nếu
như trước kia,
Hòm bia Giao ước luôn được đám mây che
phủ thì nay Đức Maria được “Thánh Thần
rợp bóng” khi cưu mang Con Thiên Chúa; ngày xưa Vua Đavít
nhảy mừng khi gặp Hòm bia thì nay, chính Gioan cũng
nhảy lên vui sướng khi gặp Mẹ viếng
thăm; Hòm bia Giao ước được rước lên
Giêsusalem để muôn dân chiêm ngưỡng và thờ
lạy thì nay Đức Maria cũng băng rừng
vượt suối để lên miền núi Giêrusalem
để gia đình Dacaria tán tụng Thiên Chúa; và cuối
cùng, ngày xưa, Hòm bia Giáo ước đã ở lại nhà
của ông Ôvết Êđôm 3 tháng thì nay, Đức Maria
cũng đã ở lại nhà ông Dacaria 3 tháng để
phục vụ người chị họ Êlisabét (x. 2Sm 6,
9-11).
Đức Maria là mẫu
gương cho hết mọi người chúng ta. Khi nhận được tin vui cứu
độ, Mẹ đã không giữ lại cho riêng mình; trái
lại, Mẹ đã ra đi đem Chúa đến cho
người khác. Phải chăng đó
cũng chính là trách nhiệm của mỗi người Kytô?
Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi
– qua bí tích Thánh tẩy- ra đi mang Chúa đến cho muôn
dân. Hãy nhớ rằng, khi chúng ta lãnh nhận những
ơn lành từ nơi Thiên Chúa, đừng chôn giấu
ơn Chúa đi mà hãy hăng hái ra đi làm cho nhiều
người được biết để có thể
họ cũng được đón nhận ơn Thiên Chúa.
“Cùng Mẹ con đi trên đường
đầy bao gian nguy” để đem ơn Chúa
đến cho muôn người.
Lm.
Giuse Phạm Ngọc Ngôn, Csjb