CHIA SẺ
NIỀM VUI
Lc 1,39-95
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng
OP.
Chúng ta
đang sống trong Mùa Vọng, mùa chuẩn bị mừng
lễ Chúa Giêsu giáng sinh. Trong Mùa Vọng, có ba nhân vật
nổi bật luôn được nhắc đến,
đó là ngôn sứ I-sai-a loan báo Đấng Thiên sai sẽ
đến. Đó là thánh Gio-an Tiền Hô, người
mở đường và dọn đường cho
Đấng Thiên Sai đến. Nhân Vật quan trọng
thứ ba là Đức Maria, qua Mẹ, Đấng Thiên sai
đã đến trần gian, và nhờ Mẹ, ơn
cứu rỗi bắt đầu được thực
hiện. Vì thế, trong suốt Mùa Vọng, chúng ta
được nghe đọc những lời loan báo
của I-sai-a, được nhận biết cuộc
đời và sứ mạng của Gio-an Tiền Hô, và hôm
nay, bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta chân dung Đức Mẹ
qua việc Mẹ đi thăm viếng bà chị họ
Ê-li-sa-bét, chúng ta quen gọi theo ảnh hưởng của
các cố Tây Ban Nha là bà I-sa-ve.
Khi sứ thần Gáp-ri-en đến báo tin cho Đức
Mẹ biết : Đức Mẹ rất có phúc vì đã
được Thiên Chúa chọn làm mẹ Con Thiên Chúa. Và
để bảo đảm cho lời truyền tin này,
sứ thần đã đưa ra một bằng chứng
về quyền năng của Thiên Chúa : “Kìa bà Ê-li-sa-bét,
người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng
đang cưu mang một người con trai : bà ấy
vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai
được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không
có gì là không thể làm được”. Khi được
sứ thần cho biết như thế, sau đó ít ngày,
Đức Mẹ đã đi thăm bà Ê-li-sa-bét và ở
lại giúp đỡ ba tháng. Những lý do nào đã thúc
đẩy Mẹ Maria đi thăm bà Ê-li-sa-bét ?
Lý do đơn giản trước nhất là Đức
Mẹ đã coi những lời sứ thần báo tin về
bà chị họ là một lời mời thăm viếng,
hỏi thăm. Thứ hai, có thể Đức Mẹ
đi để kiểm điểm, xem xét dấu chứng
mà sứ thần đã đưa ra, đó là việc bà
Ê-li-sa-bét có thai có đúng không ? Tuy nhiên, làm thế không có
nghĩa là Đức Mẹ hồ nghi lời sứ
thần truyền tin cho mình. Bởi vì Đức Mẹ
đã thưa : “Xin vâng”, tức là Đức Mẹ đã
tin rồi. Thứ ba, có thể Đức Mẹ ra đi
để chia sẻ niềm vui và có dịp cùng bà chị
họ chúc tụng Thiên Chúa, vì cả hai đều
được hưởng đặc ân Thiên Chúa. Lý do
thứ tư, lý do chính, là lòng bác ái, yêu thương của
Đức Mẹ. Lòng tốt, bác ái, giúp đỡ, chia
sẻ… đã thúc bách Đức Mẹ lên đường. Bởi
vì gia đình bà Ê-li-sa-bét neo đơn, cả hai ông bà đã
già yếu, cần sự giúp đỡ trong những tháng
cuối cùng thai nghén và trong thời gian sinh hạ.
Mẹ Maria đi thăm gia đình Da-ca-ri-a là để chia
sẻ một niềm vui trong gia tộc, Mẹ đã quên
mình ra đi đem niềm vui cho người khác. Vì
thế, có thể nói Mẹ ra đi truyền giáo. Đức
Mẹ đã là một nhà truyền giáo đầu tiên, là
đem Đấng Cứu thế đến cho bà chị
họ và riêng cho Gio-an Tiền Hô. Vì thế, thai nhi Gio-an
nhảy mừng trong lòng mẹ. Tóm lại, Mẹ đã
đem lại niềm vui cho gia đình bà chị họ và
cũng tạo thêm cho Mẹ niềm vui. Đức Mẹ
đã quên mình ra đi, đem niềm vui cho người
khác. Đó cũng là bổn phận của chúng ta. Chúng ta
sống với nhau, chúng ta hãy là một ánh bình minh gieo vui
nắng ấm tình thương, đức tin, hy vọng
cho những người chung quanh, nhất là những
người đang gặp u buồn tăm tối. Phải
biết vui với người vui, khóc với người
khóc. Xin Chúa cho chúng ta, bất cứ đi đâu,
đến đâu, gặp ai, họ đều nhận
được nơi chúng ta niềm vui.
Trong việc đi thăm và ở lại ba tháng giúp
đỡ gia đình bà Ê-li-sa-bét, chúng ta thấy có năm
đặc tính trong đức bác ái của Đức
Mẹ : Thứ nhất, Mẹ để ý đến nhu
cầu của người bà con, để ý đến
hoàn cảnh gia đình bà Ê-li-sa-bét cần sự thăm
hỏi, giúp đỡ. Thứ hai, dù là chỗ họ hàng, mà
chỉ là họ hàng xa, không bó buộc theo phong tục
thăm viếng, giúp đỡ, nhưng Mẹ đã
nhận trách nhiệm ấy cho mình. Bởi vì bác ái thì không phân
biệt xa hay gần, thân hay sơ. Thứ ba, Mẹ không
quản ngại đường sá xa xôi, nguy hiểm và
vất vả. “Đường đi khó không khó vì ngăn
sống cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e
sông”. Đường đi có thể khó khăn, nguy
hiểm, nhưng nếu vì bác ái, vì lòng người đã
quyết thì khó khăn đến đâu cũng không
quản ngại. Đức Mẹ là người đã có
tấm lòng như thế. Thứ tư, Mẹ kiên tâm giúp
đỡ suốt ba tháng trời. Đó là bác ái cụ
thể nhất. Bởi vì yêu thương bằng lời
nói thì có thể bị coi là đầu môi chót lưỡi. Bác
ái yêu thương trong lòng thì thiêng liêng vô hình, không cảm
nhận được. Nên giúp đỡ, chia sẻ cụ
thể là bằng chứng lòng yêu thương rõ ràng
nhất. Đức Mẹ đã làm như thế. Thứ
năm, Mẹ mang Chúa đến cho gia đình bà Ê-li-sa-bét. Mẹ
đã đem Đấng Cứu Thế đến cho bà
chị họ, nhất là cho Gio-an Tiền Hô, nên Gio-an đã
nhảy mừng trong lòng mẹ. Mẹ đã đem ơn
Chúa đến cho người khác.
Đây
cũng là bài học Đức Mẹ dạy chúng ta. Vì
thế, khi suy niệm mầu nhiệm thăm viếng này,
Giáo Hội bảo chúng ta hãy học gương yêu
người của Đức Mẹ. Chung quanh chúng ta hay
gia đình họ hàng chúng ta có rất nhiều dịp
đòi chúng ta phải thăm viếng, giúp đỡ. Chúng
ta đừng bao giờ giả điếc làm ngơ hay
giả mù không thấy để rồi khép kín lòng chúng ta
lại trước những người đang cần
chúng ta thăm viếng, an ủi, giúp đỡ. Tóm lại,
chúng ta hãy sống với nhau bằng tình người
chứ đừng vì lý lẽ này hay lý do nọ, vì bác ái yêu
thương thì không có giới hạn hay bất cứ
một phân biệt nào.
Thiên Chúa
rất hài lòng khi thấy chúng ta sống tình liên đới
với nhau. Biết chia sẻ những hồng ân Ngài ban cho
chúng ta. Ngài muốn chúng ta biết chia sẻ và thông cảm
với nhau một cách tươi vui, với tâm hồn
biết ơn, với ý định thành thật ngay chính,
không hậu ý lợi dụng. Ngài không muốn chúng ta chia
sẻ vì những hậu ý đen tối, chẳng hạn
như để thỏa mãn cái tôi tự tôn hay tính khoe
khoang, phô trương, kiêu ngạo của chúng ta. Thánh Phao-lô
đã dạy : “Mỗi người trong anh em hãy cho đi,
hãy chia sẻ với nhau tùy theo ý định tốt lành
của lòng mình. Không cau có, không tính toán, không miễn
cưỡng, vì khi chúng ta vui mừng trao ban thì Thiên Chúa
mới nhận lời”.
Chúng ta không có đủ khả năng hay điều
kiện để đáp ứng mọi nhu cầu của
anh chị em chung quanh. Nhưng gần bên chúng ta lúc nào
cũng có những người cần đến những
trợ giúp nho nhỏ của chúng ta : Những nụ
cười cảm thông, những lời nói khuyến khích,
những lời hỏi thăm chân tình…đó là những
điều ở trong tầm tay của chúng ta. Có những
người không cần chúng ta chia sẻ giúp đỡ
về tiền bạc vật chất, chỉ cần chúng
ta chia sẻ những niềm vui nho nhỏ trên đây.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng
OP.