CẢM NGHIỆM
TRÊN ĐỈNH ĐỒI
Chủ đề: "Mùa vọng là thời gian
tự chấn chỉnh lấy mình để chờ Chúa đến bằng cuộc sống tín trung hiện
tại đồng thời vẫn hướng vọng về cuộc sống tương lai."
Lm. Mark Link, S.J.
William James, nhà tâm lý học lừng danh
thế giới, có kể lại câu chuyện có thực sau
đây trong tác phẩm nhan đề "Varieties of
Religious Experience" (những cảm nghiệm tôn giáo). Một
đêm nọ có người đàn ông đứng một
mình trên đỉnh đồi heo hút. Đó là một đêm
tuyệt đẹp, bầu trời đầy sao, tình yêu
chan hoà muôn trái tim và bình an phủ xuống mọi tâm
hồn. Đang khi đứng đó, bỗng ông thấy
lòng tràn ngập niềm vui giống như ông đang
lắng nghe bản hoà tấu tuyệt vời trong đó
mọi nốt nhạc đan quyện vào nhau khiến tâm
hồn ông đột nhiên bị xúc động. Thế
rồi ông có cảm giác một người nào đó
đang cùng hiện diện trên đỉnh đồi
với ông. Sự hiện diện của vị này càng lúc
càng mãnh liệt đến nỗi ông cảm thấy sự
hiện diện ấy còn rõ rệt hơn chính sự
hiện diện của ông nữa. Về sau, ông thổ
lộ "chính trên đỉnh đồi vào đêm hôm
ấy, tôi bắt đầu tin vào Chúa".
Các nhà tâm lý học thường gọi
cảm nghiệm trên là "khoảng khắc cao
điểm". Đó chính là lúc mà chỉ trong phút
chốc chúng ta chợt nhận ra một thế giới vô
cùng vĩ đại hơn, xinh đẹp hơn và còn
thực hơn thế giới chúng ta hiện sống. Kinh
nghiệm trên đỉnh đồi của người
đàn ông nọ giúp ta hiểu rõ hơn câu chuyện trong
Phúc Âm hôm nay, đặc bịêt giúp ta thấy rõ hơn
lời bà Elizabeth nói với Đức Maria "Vừa nghe
em chào là con trong bụng chị liền nhảy mừng
lên!" Một đứa bé quậy trong bụng mẹ là
điều rất bình thường, vì thế khi Luca
kể lại câu chuyện này, chắc chắn ông muốn
nhấn mạnh đến điều gì khác lạ hơn.
Ông muốn ám chỉ cử động kia như là lời
chào đón Chúa Giêsu đang hiện diện nơi cung lòng
Đức Maria nghĩa là thai nhi trong bụng bà Elizabeth
cảm nghiệm được sự hiện diện
của Chúa Giêsu nên đã mừng rỡ nhảy lên. Điều
này báo trước những điều sẽ xảy ra
thường xuyên về sau trong cuộc đời Chúa
Giêsu, tức là quyền năng của Ngài sẽ tác
động mãnh liệt trên dân chúng. Hai ví dụ sau đây
sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn.
Trước mắt là câu chuyện xảy
ra trên biển Galilê lúc Chúa Giêsu bắt đầu sứ
vụ của Ngài. Simon Phêrô và Anrê sau một đêm đánh
cá trở về thì gặp Chúa Giêsu bước đến
thuyền họ và truyền cho thuyền ra khơi thả
lưới. Simon liền đáp: "Thưa Thầy, chúng
ta đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt
được gì nhưng vâng lời Thầy con sẽ
thả lưới"… Thế rồi sau khi thả
lưới xong, họ đã bắt được vô
số cá đến nỗi lưới muốn rách…Thấy
thế, Simon Phêrô vội quỳ sụp xuống thưa
với Đức Giêsu: "Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con vì
con là một kẻ tội lỗi" (Lc 5: 5-6,8). Nói cách
khác, ngay phút giây ngắn ngủi ấy, lần đầu
tiên Phêrô cảm nhận được sự thánh thiện
của Chúa Giêsu.
Câu chuyện thứ hai xảy ra vào một
ngày Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Ngài dẫn theo Phêrô,
Giacôbê và Gioan. Bỗng nhiên khuôn mặt Ngài sáng chói như
mặt trời và một cụm mây phủ rợp trên Ngài. Thánh
sử Matthêu mô tả sự kiện xảy ra tiếp sau
đó. "Từ trong đám mây có tiếng phán ra: Đây là
Con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, hãy
nghe lời Ngài". Khi các môn đệ nghe thế họ
liền sấp mình xuống đất, lòng vô cùng sợ hãi
(Mt 17: 5-6). Trong phút chốc ngắn ngủi ấy Phêrô,
Giacôbê và Gioan cảm nghiệm được lần
đầu tên chiều kích thâm sâu của Chúa Giêsu. Họ
sẽ không bao giờ quên được phút giây đó.
Nhiều năm về sau, thánh Phêrô nhắc
lại Kinh nghiệm này như sau: "Chúng tôi đã
chứng kiến tận mắt vẻ oai nghi của Ngài,
đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra khi chúng tôi
được ở cùng Ngài trên núi thánh" (2 Pr 1: 16,18). Ngày
nay vẫn có nhiều người cảm nhận
được Kinh nghiệm của Gioan Tẩy giả khi
còn trong bụng bà Elizabeth, Kinh nghiệm của thánh Phêrô trên
bãi biển và Kinh nghiệm của ba thánh tông đồ trên
núi. Trong quyển tự thuật nhan đề "The
Seven Storey Mountain" (Ngọn núi bảy tầng) Thomas
Merton, một tác gỉa vĩ đại từng là
người trở lại đạo Công giáo, đã mô
tả kinh nghiệm của ông về Chúa Giêsu vào những
năm cuối thời niên thiếu của mình.
Sau khi tốt nghiệp Trung học, Thomas
một mình đi du lịch quanh Âu Châu. Trong những
chuyến đi này, chàng trai khám phá ra những ngôi giáo
đường hùng vĩ của Âu Châu với những pho
tượng gây cảm hứng và những cửa sổ
muôn màu. Thomas ghi lại: "khám phá này thật diệu
kỳ… tôi bắt đầu lui tới các nhà thờ …
lần đầu tiên trong đời tôi khám phá ra đôi
điều về Đấng mà mọi người
gọi là Đức Kitô, và quan trọng hơn nữa, tôi
bắt đầu cảm nghiệm được chính
Đức Kitô đang hiện diện trong các ngôi nhà
thờ ấy".
Cảm nghiệm về Đức Kitô
hiện diện không máy móc nào có thể chế tạo
được, không một máy tính nào có thể lập
chương trình được, và cũng không thể
cứ ước muốn là được, chẳng ai có
thể tạo ra cảm nghiệm này được ngoài
Đức Kitô. Vì đây chính là quà Ngài ban tặng. Chúng ta
chỉ việc mở rộng lòng ra lãnh nhận và Mùa
vọng nhằm giúp chúng ta làm việc này. Đây là lúc chính
chúng ta phải tự chấn chỉnh lấy mình
để đón chào Chúa Giêsu đến trong đời sống
chúng ta. Có lẽ chúng ta chưa bao giờ có được
cảm nghiệm mãnh liệt giống như thánh Gioan
tẩy giả khi còn trong bụng mẹ, hay cảm
nghiệm giống như thánh Phêrô trên bờ biển, hay
cảm nghiệm của ba tông đồ trên ngọn núi,
hoặc cảm nghiệm của Merton trong các giáo
đường Châu âu. Nhưng chúng ta cũng biết
chắc rằng nếu chúng ta tự chấn nhỉnh mình
để chờ đón Chúa Giêsu, nếu chúng ta biết
tiếp tục mở rộng tâm hồn ra cho Ngài, thì ngày
diễm phúc ấy sẽ đến, lúc đó chúng ta sẽ
thực sự cảm nghiệm được sự
hiện diện của Ngài. Đó chẳng phải là
một cảm nghiệm mơ hồ, chóng qua mà là một
cảm nghiệm gặp gỡ tận mặt trên cõi
trời. Và khi cảm nghiệm gặp tận mặt này
xảy ra, chúng ta cũng sẽ thấu hiểu
được chân lý sống động từng
được thánh Phaolô ghi nhận "Thiên Chúa đã
chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài những
điều mắt chưa hề thấy, tai chừa
hề nghe, tâm hồn chưa hề cảm nhận. Đó
chính là những điều Ngài đã mặc khải cho
chúng ta qua Thánh Linh của Ngài" (Lc 2: 9-10)
Lm. Mark Link, S.J.