MỖI
NGÀY CHỌN MỘT NIỀM VUI
(Lc
3:10-18)
Nhìn thẳng vào sự thật cuộc sống, Ðức Phật
nói : “Ðời là bể khổ.” Chúa Giêsu cũng đồng ý khi thấy cuộc đời ngổn ngang
những gánh nặng nề[1] và cây thập
giá.[2] Ai cũng
đồng ý bể khổ và thập giá đều là những hình ảnh cực tả về sự thật cuộc
sống. Thế nhưng, giữa thực tại đau thương đó, tại sao thánh Phaolô lại kêu
lên : “Vui lên anh em !”[3] Phải chăng đó
là một tiếng kêu lạc lõng của một con người hoang tưởng ?
Thực tế, tiếng kêu
đó phát xuất từ một con người đang sống giữa vùng cay đắng nhất của bể
khổ. Suốt đời thánh Phaolô đã trải qua cảnh “ba chìm, bảy nổi, chín lênh
đênh.” Cuối cùng ông đã phải máu đổ đầu rơi. Ông đã viết lời kêu gọi
đầy lạc quan đó lúc ngồi tù ở Êphêsô giữa bao xiềng xích, gông cùm, đòn
vọt. Vậy tại sao ông có thể có cái nhìn tích cực như thế về cuộc đời
?
Giữa bể khổ cuộc
đời, niềm vui vẫn là một điều hiếm hoi và kỳ diệu. Nhưng đối với những
người tin tưởng nơi Chúa, cuộc đời là một Tin Mừng. Dù cả cuộc đời đầy đau
thương và khổ giá, Chúa Giêsu đã luôn sống và hoạt động để đem lại niềm vui và
hy vọng cho người nghèo khổ, bệnh tật và chết chóc. Bởi thế, thánh Phaolô
thấy không có lý do gì phải buồn nản khi được chia sẻ thân phận và sứ mệnh với
Chúa Kitô.
Sứ mệnh đó nhằm xây dựng Nước Thiên Chúa,
tức là “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.”[4] Người
môn đệ Chúa Kitô hy sinh cả đời xây dựng Nước Thiên Chúa. Khổ đau trở
thành phương tiện cần thiết cho nhân loại ngày càng sống công chính, bình an,
vui tươi và hạnh phúc hơn. Có khi phải hy sinh cả tính mạng cũng chưa đạt
kết quả. Nhưng người môn đệ vẫn tin vào cuộc chiến thắng cuối cùng của
Triều Ðại Thiên Chúa nơi trần gian. Nước Chúa sẽ đến mang theo hòa bình,
ân sủng, sự sống cho toàn thể nhân loại. Vì thế, chỉ những ai tin
Chúa sẽ đến, mới có thể hưởng được tất cả niềm vui cứu độ trong Nước Chúa, vì họ
đã quan tâm tới Thiên Chúa và tha nhân đúng mức. Triều Ðại Thiên Chúa đã,
đang và sẽ đến với nhân loại.
Ngày xưa, Ítraen đã vui mừng biết bao khi
nghiệm thấy Thiên Chúa hiện diện giữa dân tộc.[5] Sự hiện
diện đầy ắp sức mạnh và tình thương sẽ là một bảo đảm vững chắc cho toàn dân
sống an bình và hạnh phúc. Khi hiện diện giữa dân tộc, “Chúa sẽ vui mừng
hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới”[6] họ nên công chính.
Niềm vui quá lớn đến nỗi “Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ
hội.”[7] Niềm vui của
Chúa trở thành sức mạnh cho dân Người.[8] Ðó là
cách diễn tả niềm “hoan lạc trong Thánh Thần.” Ðó cũng là dấu chỉ những ai
thuộc về Nước Thiên Chúa. Nắm vững động lực đó, thánh Phaolô mạnh
dạn nói : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.”[9]
Trong lịch sử dân
Chúa, những nhân vật nổi tiếng về sự công chính đều tràn ngập niềm vui, mặc dù
sống giữa trăm ngàn thử thách. Họ hết tâm tuân giữ Luật Thiên Chúa để trở
nên công chính. Sống công chính là sống đúng ý Thiên Chúa, nghĩa là sống
trong Giao ước của Người. Giao ước mở ra những mối liên hệ thâm sâu với
Thiên Chúa và tha nhân. Những cuộc gặp gỡ hàng ngày phơi bày đủ thứ, từ
những cái rất tầm thường đến những điều quan trọng, từ những điều êm xuôi đến
những trắc trở. Mỗi lần gặp gỡ như thế, chúng ta đều phải nhận ra tha nhân
và quyền lợi của họ. Ðúng hơn, chúng ta nhìn nhận nhau là anh chị em, vì
tất cả đều được Chúa sinh ra theo hình ảnh và họa ảnh Người. Có như thế,
chúng ta mới có thể lựa chọn niềm vui đích thực cho chính mình và tha
nhân.
Giữa bao nhiêu cám dỗ thời đại, họ phải
luôn lựa chọn giữa cái tốt và xấu, giữa công bình và bất công, giữa niềm vui và
nỗi buồn. Nhiều người đã có những lựa chọn sai lầm vì đã không sống theo
những đòi hỏi của sự sống và tình yêu đích thực. Sự sống và tình yêu là
những giá trị vượt trên quyền lực, khoái lạc, tiền của. Chỉ những giá trị
đích thực đó mới đem lại niềm vui cho con người. Sống trong một xã hôi ồn ào
hôm nay, con người vẫn có thể nghe thấy tiếng mời gọi lựa chọn niềm vui
đích thực.[10] Nhưng muốn nghe rõ tiếng mời gọi đó, con người phải
hồi tâm và khiêm tốn thú nhận mình yếu đuối. Chỉ trong thinh lặng, con
người mới có thấy rõ nguồn gốc phát xuất niềm vui đích thật là chính Thiên
Chúa. Nhờ đó, tương quan với tha nhân mới có giá trị và ý nghĩa. Nếu
không, chỉ còn những quay cuồng vô nghĩa.
Tương quan giữa con
người không dừng lại ở những đòi hỏi công bình tối thiểu. Không đếm xỉa tới lòng
quảng đại, công bình sẽ không đạt tới mức toàn hảo. Công bình không còn
phải là công bình nữa. Công bình đòi phải có nền tảng vững chắc để phát
triển tới mức trưởng thành thực sự. Công lý chỉ đạt được tới mức trưởng thành
khi đi với tình yêu. Công lý là một bước đi cần thiết trước khi tới mức
trưởng thành trong tình yêu. Nhờ đó, công chính mới có thể dẫn tới “hoan
lạc trong Thánh Thần,” và là nền tảng vững chắc cho niềm vui.
Sống trong ân sủng và tình yêu Thiên Chúa,
thánh Phaolô vô cùng vui sướng, đến nỗi ông cảm thấy không gì có thể tách ông
khỏi tình yêu của Ðức Kitô.[11] Nếu
tình yêu con người đã tạo nên bao nhiêu niềm vui, làm sao tình yêu Thiên Chúa
thua tình yêu con người được ? Trái lại, vượt xa con người, tình yêu Thiên
Chúa vô cùng mãnh liệt, vững chắc, nồng nàn, sâu thẳm và bao la. Chỉ trong
tình yêu vô cùng sung mãn đó, con người mới có thể kiếm thấy niềm vui bất
tận. Vì thế, thánh Augustinô đã phải kêu lên : lạy Chúa, Chúa đã dựng nên
con cho Chúa. Con tim con chỉ hoàn toàn vui thỏa khi nào được nghỉ
yên trong Chúa mà thôi.” Niềm vui là bầu khí trong Nước Trời và là hơi thở
của những môn đệ Chúa Kitô. Không vui không thể có sức mạnh xây dựng Nước
Trời.
Niềm vui bắt nguồn
từ niềm tin. Có niềm tin, con người mới tìm được hứng khởi và sức mạnh
tuân giữ những đòi buộc luân lý như ông Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi để chuẩn bị đón
chào Nước Chúa. Hơn nữa, niềm tin không chỉ giới hạn trong những đòi hỏi
luân lý, nhưng quyết liệt hơn. Con người còn có thể vượt lên trên những
đòi hỏi thường tình để thực hiện những điều lớn lao hơn. Ðúng thế, Chúa
Giêsu đã mở ra một chân trời mới cho những ai muốn hy sinh tất cả vì Nước
Trời. Dầu sao, càng nghe Gioan Tẩy Giả, càng thấy rõ sự khác biệt và trổi
vượt của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu độ muôn dân.
Trên bước đường cứu
độ, Chúa đã đi sát từng người. Khi nhìn đến dân chúng, Chúa Giêsu đã cho
mọi người thấy rõ sự quan tâm đầy trìu mến của Người. Cái nhìn đó đã nâng
đỡ, đồng hành, tiếp nhận và nâng cao những ai đang vác thập giá theo
Người. Bởi vậy, Người đã trở thành người anh em của mọi người. Dân
chúng đã tuốn đến với Người để hưởng tất cả tình yêu thương và kính trọng của
Người. Người gặp gỡ và đối thoại với mọi hạng người. Chúa tha thứ và
cứu mọi người khỏi thói quen khinh thường và vô tâm trước tha nhân. Không
ai có thể hiểu nổi Thiên Chúa khi Người sai Con Chúa đến trần gian mạc khải tình
yêu vô cùng quảng đại của Người.
Ðối với những người
có quyền trong đạo hay ngoài đời, Chúa Giêsu không sợ làm chứng cho sự thật, dù
phải mất mạng. Ðối với những người yếu thế, Người không coi thường hay
tảng lờ trước những yêu cầu hay nguyện vọng của họ. Người biết trả về cho
Xêda những gì của Xêda, cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa, cho anh em những
gì của anh em. Cũng như các ngôn sứ, Người mời gọi chúng ta đi vào cuộc
hiệp thông với Thiên Chúa và anh em. Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người
chú ý tới phẩm chất của những tương quan đó, những tương quan đòi chúng ta phải
hy sinh cả một cuộc đời. Tất cả giá trị cuộc đời đều tùy thuộc vào đó
!
Tóm lại, khi ơn cứu
độ đến với muôn dân, niềm vui tràn ngập. Niềm vui đó phát xuất từ niềm
tin. Nước Trời và tình yêu Thiên Chúa nơi Ðức Kitô Giêsu là nguồn gốc và
nền tảng vững chắc bảo đảm niềm vui cứu độ đã đến với toàn thể nhân loại.
Mỗi ngày cố gắng sống công chính và yêu thương anh em hơn là chọn một niềm vui
đích thực cho mình và cho người.
Lạy Chúa, xin cho
con mỗi ngày chọn một niềm vui để đón chờ Con Chúa sắp đến viếng thăm
chúng con. Amen.
đỗ lực,
17.12.2006
|