Vạn tuế Vua Giêsu
Cách đây hai ngàn năm, nước Do Thái,
một tiểu quốc bên bờ Địa Trung Hải,
đã ngậm đắng nuốt cay, sống dưới
chế độ hà khắc của đế quốc Rôma.
Tại Galilê, miền bắc Do Thái, những người
đế quốc đã đặt Hêrôđê, một con
người vô lương tâm làm vua, để tận
diệt vương tộc Đavid, còn ở Giuđê,
miền nam Do Thái, Rôma trực tiếp đô hộ,
dưới sự thống trị của tổng trấn
Philatô và quân đội của ông. Cũng
như trong các nước bị chiếm đóng, đô
hộ, người Do Thái thời bấy giờ chia ra
nhiều phe đảng chống đối nhau và kình
địch nhau, cụ thể là hai đảng
Sađốc và Pharisêu. Đảng Sađốc thì
cộng tác với quân đội chiếm đóng,
ngược lại, đảng Pharisêu tha thiết với
nền độc lập quốc gia, họ sẵn sàng hy
sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc
và đẩy lui đế quốc, họ luôn nhắc
nhở cho dân chúng niềm hy vọng ngày giải phóng mà Thiên
Chúa đã hứa.
Trong khi đất
nước đang bị phân hóa như vậy thì Chúa Giêsu xuất
hiện với những quyền lực vô song, Ngài đã
làm những việc mà không ai có thể làm được. Trước
những sự kiện đó, người Do Thái hồ
hởi phấn khởi tin chắc Ngài là vị cứu tinh
Thiên Chúa gửi đến và ngày giải phóng đã gần.
Vì thế, ngày lễ lá, dân chúng rầm rộ
đón rước Chúa vào thành đô như một vị
đại tướng thắng trận trở về lên
ngôi. Họ lũ lượt kéo nhau
đi như biểu tình, miệng ca hát: “Vạn tuế con
vua Đavid”. Như vậy, dân chúng đã nhận ra Ngài là
vị vua Thiên Sai khiêm tốn, ngồi trên lưng lừa,
đúng như ngôn sứ Dacaria đã loan báo năm thế
kỷ trước. Họ reo vang hô lớn: “Chúc tụng
Đấng nhân danh Chúa mà đến, Người chính là
vua”. Hôm ấy Chúa Giêsu không cải chính, cứ để
họ tiếp tục tung hô như
vậy.
Nhưng dân Do Thái đã
thất vọng, vì Chúa Giêsu từ chối vương
quyền họ trao cho Ngài, từ chối việc giải
phóng dân Do Thái khỏi ách đô hộ của Rôma. Ngài tuyên
bố Ngài là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa, là vị
cứu tinh, là Vua Do Thái, nhưng không như người Do
Thái quan niệm. Thời giờ đã điểm, Ngài
không còn giấu diếm như trước nữa, Ngài công khai
chấp nhận và tuyên bố Ngài là Đấng Cứu
Thế. Thế là việc gì phải đến đã
đến: ngày thứ Năm, cũng trong tuần lễ
đó, chính những người đã reo mừng tung hô Ngài
trước đây, bây giờ lại xuống
đường biểu tình, điệu Ngài đến nhà
cầm quyền để tố cáo giết Ngài. Họ điệu Ngài đến tổng trấn Philatô,
Philatô ra gặp họ, Chúa Giêsu và Philatô đối diện nhau.
Philatô quay về phía đám đông đang gào thét và hỏi họ:
“Các ngươi tố cáo người này về tội gì?”. Nếu họ tố cáo Chúa là đã nói xúc
phạm vì tự xưng là Thiên Chúa, thì Philatô chỉ mỉm
cười bỏ qua, nhưng lời tố cáo của
họ là “Chúa đã xúi giục dân nổi loạn, cấm
nộp thuế cho Xêda, và tự xưng mình là vua”. Nghe
vậy, Philatô hỏi Chúa: “Ông là vua à?”.
Chúa trả lời: “Ông nói đúng, tôi là vua”. Nhưng Ngài nói
thêm ngay: “Vương quyền của tôi không đến
từ thế gian này”, vương quyền ấy chủ
yếu hệ tại ở việc “làm chứng cho sự
thật”. Đây là điều Philatô không
thể nào hiểu được.
Đúng vậy, Chúa Giêsu không phải là vua Do
Thái theo nghĩa chính trị để tranh giành quyền
thế với hoàng đế Xêda, Ngài là vua theo nghĩa Ngài
là Đấng chăn chiên dẫn người ta vào sự
thật của Thiên Chúa, Ngài đến làm chứng cho
sự thật, ai thuộc về Ngài thì nghe tiếng Ngài,
Ngài là vua thật, vì Ngài dẫn người ta đến
sự sống thật. Nói khác đi, Chúa Giêsu đến
trần gian không phải với sứ mạng giải phóng
dân Do Thái và nhân loại khỏi ách nô lệ của
đế quốc, Ngài cũng không đến để
giải thoát chúng ta khỏi đói khát và chiến tranh. Tất cả sứ mạng của Ngài là giải
phóng chúng ta khỏi tội lỗi. Vì thế, Chúa Giêsu
đã đi vào tận đáy thân phận con người
để bộc lộ vương quyền thật
của Ngài, Ngài chỉ muốn cai trị
tâm hồn người ta. Do đó, tất cả những
ai muốn được giải thoát khỏi tội
lỗi, tin theo Ngài và sống theo
những lời Ngài dạy, họ sẽ là thần dân
của Ngài và được hội nhập vào nước
của Ngài.
Trong thời đại này,
chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là vua vẫn là một
điều hợp thời, hợp tình, hợp lý. Vấn đề là chúng ta
hiểu đúng nội dung và bản chất vương
quyền của Chúa. Ngài đến trần
gian để làm chứng cho sự thật và đưa chúng
ta vào sự thật. Sự thật
đây là ơn cứu rỗi và hạnh phúc. Như
vậy, tất cả chúng ta hãy cùng nhau vung tay
lên hô lớn: “Vạn tuế Chúa Giêsu là vua” như
người đàn bà trong câu truyện sau: Đức giám
mục thành Pam-lo-ra kể lại rằng: người ta
mới mang về đây thi thể của một chiến
sĩ đã chết vì Chúa và vì tổ quốc. Một
quả lựu đạn nổ tung làm cho xác người
chiến sĩ đó nát bấy, các bạn bè nhận ra xác
đó nên đem về chôn cất tử tế,
trước khi chôn, bà mẹ của người chiến
sĩ đó xin mở quan tài ra, bà ta có một người
con đầu lòng cũng chết như vậy, khi mở
quan tài ra, bà chỉ thấy có một đống thịt
nát và một cánh tay còn nguyên, bà cầm cánh tay đó
đưa lên cao và nói: “Anh con trước khi chết đã kêu
lên: “Vạn tuế Chúa Giêsu là vua”, nếu con chết mà
chưa kịp kêu lên như vậy, thì bây giờ con hãy kêu
lên với mẹ”. Nói xong, bà giơ cánh tay
con mình lên và hô ba lần: “Vạn tuế Chúa Giêsu là vua”.
Xin Chúa cho chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào, chúng
ta vẫn luôn xác tín Chúa Kitô là vua, Ngài luôn quan tâm đến chúng
ta là những thần dân yêu quý của Ngài, Ngài sẽ
trợ giúp chúng ta luôn đi trong sự thật và sống
trong sự thật của Ngài, với điều kiện
chúng ta phải luôn tin Ngài và đặt Ngài làm vua tâm hồn
và cuộc đời chúng ta.
Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu
là vua, thì chúng ta là dân của Ngài. Chúng ta tôn xưng Chúa là vua
sự thật, thì chúng ta là dân sự thật của Ngài,
chúng ta phải làm sáng tỏ sự thật ấy. Có lẽ
chúng ta phải thú nhận: chúng ta chưa sống, chưa
rao giảng, chưa làm chứng cho sự thật cứu
độ. Bởi vì cuộc sống đầu tắt
mặt tối, đầy lo toan, vất vả, bon chen dễ đẩy chúng ta vào thái độ
ích kỷ, nhỏ nhen, thấp hèn. Chúng ta không dễ
nhường nhịn nhau, hòa thuận với nhau, mà
ngược lại, muốn lấn lướt
người, muốn được phần hơn, muốn
loại trừ nhau, nhiều khi dùng cả những thủ
đoạn độc địa, thô bỉ nữa… Chúng ta
hãy nhớ: một người sống trung thực, chân
thành, bác ái, yêu thương giữa một xã hội
đầy dẫy những lừa lọc, gian dối, ích
kỷ, ti tiện… có lẽ sẽ bị đánh giá là không
giống ai, là người lội ngược dòng
nước, nhưng chính việc lội ngược dòng,
chính việc sống trung thực, yêu thương lại là
cách làm chứng cho Chúa, làm chứng cho sự thật có ý
nghĩa và giá trị nhất.