SUY NIỆM MÙA VỌNG NĂM 2009
Phải sẵn sàng chờ ngày Chúa đến và mừng lễ Giáng Sinh thế nào cho xứng hợp?
Trong chu kỳ phụng vụ của Giáo Hội, Mùa Vọng (Advent) trước hết gợi cho ta nhớ lại thời gian dân Do Thái xưa trông đợi sự giáng thế của Ðấng Thiên Sai (Messiah) mà các Ngôn sứ đã loan báo trong thời Cựu ước.
Thật vậy, trước khi Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai, đến lần thứ nhất cách nay 2009 năm, hai Ngôn sứ Isaia và Gioan Tẩy Giả đã đặc biệt loan báo và chuẩn bị cho dân Do Thái đón mừng ngày giáng sinh của Người như sau:
Tôi là tiếng kêu trong hoang địa
Hãy sửa đường cho ngay thẳng để Đức Chúa đi qua (Ga 1, 23).
Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai, đã đến rồi, đến lần thứ nhất trong thân hình một “trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” ( Lc 2:12). Người đến để cứu chuộc cho toàn thể nhân loại đáng phải phạt vì tội lỗi, và đã hoàn tất Chương Trình Cứu Chuộc ấy qua cuộc tử nạn và phục sinh của Người như Giáo Hội tin và dạy chúng ta tin.
Ngày nay, chúng ta chỉ còn trông đợi ngày Chúa đến lần thứ hai nữa (parousia) để phán xét “kẻ sống và kẻ chết” trong ngày cánh chung. Nhưng mỗi năm, thời điểm này cũng là dịp mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón mừng kỷ niệm Ngày Sinh của Chúa Cứu Thế đã giáng trần cách nay 2009 năm. Vì thế, khắp nơi, người ta lại tưng bừng chuẩn bị đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Nào trưng bày những máng cỏ xinh đẹp, rực rỡ với ánh đèn mầu đủ kiểu, đủ loại và đặc biệt, người ta lại nô nức đi mua sắm đồ và gửi quà tặng cho nhau, khiến cho lễ Giáng Sinh trở thành mùa thương mãi lớn nhất, phát đạt nhất trong năm cho nhiều người ở khắp nơi trên thế giới.
Nhưng chuẩn bị mừng Lễ Chúa Giáng Sinh không chỉ đơn thuần với việc sửa sang nhà cửa, trưng bày máng cỏ trước nhà với đèn mầu rực rỡ, gởi quà và thiệp Giáng Sinh cho nhau. Lại càng không phải là dịp để tổ chức ăn uống linh đình, nhẩy nhót cuồng loạn thâu đêm Giáng Sinh. Mừng Giáng Sinh kiểu này thì quả thật là sỉ nhục cho ý nghĩa thiêng liêng của ngày đại lễ mà người Công giáo chúng ta phải tránh.
Ngược lại, mừng Chúa Giáng Sinh cách xứng hợp đòi hỏi mỗi người chúng ta phải chuẩn bị chu đáo hơn từ nội tâm trước hết. Có nghĩa là chúng ta hãy suy niệm sâu xa một lần nữa về Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể (Incarnation).
Thật vậy, nói đến Mầu Nhiệm này thì ít ai để ý suy niệm cho thấu đáo ý nghĩa Chúa Hài Nhi nằm trong Máng cỏ lạnh lẽo của mùa đông giá buốt năm xưa. Không phải vô tình hay ngẫu nhiên mà có sự kiện này.
Trước hết, ai cũng biết: mảng có (manger) là vật dụng người ta dùng để cho súc vật ăn. Ở đây là trâu, bò, lừa, ngựa, những con vật thích ăn cỏ. Chúng ăn những cỏ khô được bỏ vào máng đặt trong chuồng. Nhờ những đồ ăn từ máng này mà chúng được nuôi sống, có sức để phục vụ cho nhu cầu của người nuôi và sử dụng chúng.
Chúa Giêsu phải có chủ đích rất thâm thúy khi Người chọn sinh ra trong hang bò lừa và nằm trong máng cỏ. Ngài nằm trong máng cỏ như “của ăn” để nuôi sống cho nhân loại đang đói khát vì lương thực trần thế không làm no thỏa được khát vọng của tâm hồn, tức nhu cầu thiêng liêng tối thượng của con người. Mọi lương thực trần gian, kể cả manna mà dân Do Thái ăn trong sa mạc khi xưa, cũng không đem lại sự sống đời đời cho những người ăn chúng. Chỉ có “Bánh từ trời xuống và ai ăn thì sẽ được sống đời đời” (Gio 6, 58) mà thôi. Chúa Giêsu chính là Bánh trường sinh ấy. Người đã hứa “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết” (Gio 6: 54).
Khi nằm trong máng cỏ, Chúa Giêsu không những dạy ta bài học đích đáng về đức khiêm nhường, gương hy sinh và thực sự khó nghèo, mà đặc biệt, còn mời gọi chúng ta đến “ăn Ngài” để được sống đời đời, như bò lừa ăn cỏ khô từ máng để có sức sống phục vụ cho con người.
Mặt khác, trong tâm tình chờ ngày Chúa đến lần thứ hai, đồng thời cũng mừng kỷ niệm Ngày Giáng Sinh của Chúa thêm một lần nữa, chúng ta cũng được nhắc nhở phải tỉnh thức và luôn sẵn sàng vì “anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24:42; Lc 12:40). Ngày ấy sẽ bất ngờ như giờ kẻ trộm vào nhà lấy của trong lúc chủ nhà đang ngủ say, không đề phòng.
Nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng như thế nào? Thánh PhaoLô đã chỉ cho chúng ta bí quyết: “hãy mặc lấy Chúa Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13: 14). “Mặc lấy Chúa Kitô” như bộ y phục đẹp nhất để ra đón chào Chúa khi Người đến, để mừng kỷ niệm Giáng Sinh của Người và cũng xứng đáng nhất để vào dự Bàn Tiệc Nước Trời đã dọn sẵn cho những ai được mời và muốn đáp lời mời ấy.
Và trong khi chờ đợi ngày Chúa đến lần sau hết, chúng ta phải luôn “ăn Chúa Kitô” để giải trừ mọi độc tố giết hại linh hồn đến từ những thực phẩm và không khí đầy ô nhiễm của trần gian, của “văn hoá sự chết” đang lan tràn khắp nơi trên thế giới ngày nay. Ðặc biệt là trong môi trường xã hội chúng ta đang sống và làm việc giữa những người không có niềm tin hoặc có mà không sống niềm tin ấy vào Chúa Kitô để chỉ hăng say chạy theo tiền bạc, danh vọng phù phiếm và vui thú dâm ô bất chính.
Nghĩa là, nếu chúng ta dám sống niềm tin của mình để “mặc lấy Chúa Kitô, và ăn Chúa Kitô” như súc vật ăn của nuôi chúng từ máng cỏ, thì đó mới là những chuẩn bị xứng đáng nhất để chờ đón Chúa đến và đồng thời cũng để mừng kỷ niệm Giáng Sinh của Người cách xứng hợp một lần nữa.
Ước chi mỗi người tín hữu chúng ta sống Mùa Vọng, và chuẩn bị đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay với tâm tình đó.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
|