Làm Vua là làm chứng –
ĐGM.
Vũ Duy Thống
(Trích
trong ‘VỚI CẢ TÂM TÌNH’)
Không còn nữa hình ảnh của những vì
vua oai phong lẫm liệt như trong chế độ quân
chủ ngày nào, nhưng thay vào đó là một lớp
những nhà vua mới lên ngôi thần tượng, không ngai
vàng mà nhiều khi cũng đầy uy lực: vua dầu
hoả, vua xe hơi, vua trò chơi, vua bóng đá. Mỗi thời có những kiểu đăng quang
riêng, và mỗi lĩnh vực cũng có những nhà vua riêng
của mình.
Thuật ngữ “Vua” xem ra
đã có nhiều biến thể. Phổ
cập hơn nhưng cũng mong manh hơn, thời sự
hơn và cũng đời thường hơn. Trong
bối cảnh đó, lễ Chúa Kitô Vua lại trở
về, vừa khép lại năm Phụng Vụ cũ
vừa mở sang năm Phụng Vụ mới. Phải chăng đây cũng chỉ là một
lễ đăng quang tương tự như các nhà vua
trần thế? Hay là một lễ của niềm tin
yêu hy vọng vào Chúa Kitô – Đấng làm Vua bằng cách làm chứng,
hiến thân đến cùng trong tình yêu để mở ra
triều đại cứu độ?
1) Chúa Kitô không làm
Vua như những vua trần thế.
Có lẽ khi tự ý cho treo tấm bảng
“Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái” lên đầu Thập giá, Philatô
đã không nghĩ đến điều gì khác ngoài lợi
thế chính trị cho ông, bất kể phải chơi khăm
những người Do thái, nhưng có một điều
ông không bao giờ nghĩ tới, mà điều đó
lại thật quan trọng trong lợi thế đức
tin của người Công giáo, đó là tấm bảng kia
trong ý định của Thiên Chúa lại là một tuyên
xưng không thể xoá nhoà.
Chúa Kitô không chỉ làm Vua
một thời, mà là Vua vĩnh cửu. Dù trong đời sống
công khai, có lần Người đã nặng lời quở
trách Phêrô khi ông này chỉ muốn thấy nơi
Người hình ảnh của một Đấng Messia
dễ dãi đồng nghĩa với vị vua phàm trần,
và Người cũng đã từng trốn chạy
khỏi đám đông cuồng nhiệt khi họ muốn
bắt Người làm vua sau phép lạ hoá bánh nhiều.
Nhưng, trước mặt Philatô, Người đã công
khai tuyên bố mình là Vua, để rồi trên Thập giá,
chính lúc tưởng rằng chết đi, Người cho
thấy mình còn sống mãi, và chính khi tưởng rằng
bị huỷ diệt, Người cho thấy mình vẫn muôn
thuở tồn tại. Thời gian là
đại lượng dành cho những vị vua trần
thế, còn Người vượt trên thời gian
để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu.
Chúa Kitô không chỉ làm Vua
dân Do thái mà là Vua phổ quát. Với cái chết của
Người trên Thập giá trong tư cách Đấng Cứu
Thế, một dân mới đã được khai sinh không
phải giới hạn trong một vùng lãnh thổ
địa lý mà đã mang lấy tầm vóc của cả
thế giới vũ hoàn. Trong máu của
Người, giao ước mới phổ quát đã hình
thành vượt trên giao ước cũ vốn giới hạn
nơi dân Do thái. Và trong công cuộc
Vượt Qua của Chúa Kitô, những gì cũ phải qua
đi để nhường chỗ cho một triều đại
mới vượt trên tất cả.
Người là Vua phổ
quát vì Nước Người chẳng thuộc trật
tự trần thế. Người là Vua vũ trụ bởi chính
Người là Thủ Lãnh sẽ quy tụ mọi sự
về một mối: “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo
mọi sự lên cùng Ta”.
Và nếu theo nhãn giới của bài
đọc thứ nhất và thứ hai với hình ảnh
của “Đấng đến giữa mây trời” thì
vương quyền của Chúa Kitô đã khác xa một
trời một vực so với các vương quyền
trần thế khác. Vương quyền trần thế
dẫu có lan tràn khắp mặt
đất cũng vẫn có thể đo lường
được, còn vương quyền của Chúa Kitô vì
vượt trên tất cả nên cũng vô phương dò
thấu. Người là Vua muôn Vua.
Không phải vô tình mà phiên toà lễ
Vượt Qua đã đặt Chúa Giêsu đối diện
với Philatô, mà chính trong tư thế đối diện cộng
với những đối chất qua lại đã làm
nổi bật lên cái nghịch lý mầu nhiệm của
Giờ Tử Nạn. Vào chính lúc quyền bính thế gian xem
ra thắng thế còn quyền bính trời cao dường như
hạ bệ, thì Chúa Giêsu đã tuyên bố mình là Vua. Lời
tuyên bố như thế lẽ ra đẩy Philatô vào
thế đối thủ, nhưng – Chúa Giêsu đã nhanh chóng
khẳng định Nước Người chẳng
thuộc trật tự chính trị thế gian, nên Tổng
trấn Rôma dầu quyền uy là thế vẫn chỉ là
chiếc bóng mờ nhạt đứng đó trong vai trò
của một đối chứng hơn là một
đối thủ để làm nổi bật lên dung
mạo của Chúa Giêsu – Vua muôn Vua. Hơn nữa, bởi
Philatô là một người ngoại nên tầm vóc của lời
tuyên bố kia đã vượt xa
giới hạn đạo giáo để trở thành phổ
quát cho cả muôn người. Và hệ luỵ là quyền
bính Philatô bởi thuộc về thế gian nên cũng qua
đi với thế gian, còn vương quyền Chúa Kitô
vẫn tồn tại mãi bởi thuộc về trật
tự tâm linh để không gì có thể đặt giới
hạn cho Người. Người là Vua
vĩnh cửu.
2) Chúa Kitô làm Vua
bằng cách làm chứng.
Dẫu vào Giờ Tử Nạn, Chúa Giêsu
mới tuyên bố mình là Vua để khởi đầu
cho một triều đại mới trong “sự thật
và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công chính, yêu
thương và an bình” (Kinh Tiền Tụng), nhưng
thực ra đó chỉ là đỉnh cao của một
đời lựa chọn và là điểm đến
của một quá trình thực thi sứ mệnh làm
chứng cho sự thật: “Tôi sinh ra và đến thế
gian là để làm chứng cho sự thật”. Nếu
sự thật là chính Thiên Chúa, là thực tại thần
linh, là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con
Một mình” như một kiểu nói của thánh Gioan
hoặc là ơn cứu độ, thì trót cuộc
đời của Chúa Giêsu là một công cuộc liên lỉ
minh chứng.
Qua Nhập Thể,
Người đã mang lấy bộ mặt đớn hèn
của cả nhân loại. Qua Tử Nạn, Người
đã nhận vào mình thân phận loài người tội
lỗi. Qua Thập giá, Người đã sẵn sàng
chấp nhận cái chết để cứu độ toàn
thế giới. Và đỉnh cao Phục Sinh tôn vinh chỉ
có được khi Người đã trải qua nẻo
đường Thương Khó đến cùng trong số
phận của “Người Tôi Tớ đau khổ”.
Rõ ràng là nơi Đức Kitô, làm Vua có
nghĩa là làm chứng và làm chứng không chỉ bằng
lời mà bằng chính cuộc đời của Người,
trải dài từ Nhập Thể qua Tử Nạn cho
đến Phục Sinh. Nói cách khác, làm chứng cho sự
thật cũng là sống và chết cho sự thật
ấy, và làm chứng cho hiện thân của Thiên Chúa ở
giữa thế gian cũng chính là sống và chết
để cho hiện thân tình thương được
triển nở cách hiện thực sống động và viên
thành.
Thảo nào vương
quốc và vương quyền của Chúa Kitô thật khác
lạ.
Chẳng cần đến lực lượng để
mà thiết lập, chẳng cần đến vũ
lực để mà cai trị, cũng
chẳng cần đến quân sự để mà bảo
tồn. Như vậy, điều mà mọi vị vua
trần thế mong ước là trải dài vương quốc
trong không gian và thời gian, thì chỉ duy Chúa Kitô mới
thực hiện được, không phải bằng vũ
trang mà là bằng một tình thương không mệt
mỏi hiến thân làm chứng cho sự thật. Và đó là phương thế duy nhất
để thiết lập một Vương quốc
phổ quát và vĩnh cửu.
Trong ý hướng ấy, bài đọc
thứ hai là một tiến trình mạch lạc không
thể đảo ngược: chỉ khi nào sống
trọn vai trò chứng nhân trung thành, Đức Kitô mới
nên Trưởng Tử kẻ chết và làm Vua muôn vua.
3) Ai thuộc về sự
thật thì nghe Đức Kitô.
Đức Kitô,
Người làm Vua như thế đó. Nên mục đích của Thánh
lễ hôm nay đối với mọi kẻ tin là: “tôn
vương” Chúa Kitô trong cuộc sống của mình.
Thực ra thì cử hành lễ Chúa Kitô Vua vào
Chúa Nhật cuối năm Phụng Vụ cũng nói lên
niềm tin vào vương quyền Chúa Kitô như tinh
thần của Thông điệp Quas Primas mà Đức Piô XI
đã ban hành ngày 11 tháng 12 năm 1925, nhưng niềm tin
vốn là một sự sống, nên chỉ khi thể
hiện niềm tin bằng cuộc sống, tín hữu
mới có thể an lòng là thần dân trong Vương
quốc của Đức Kitô.
Không thể nhận mình là dân của Vua Kitô
trong khi cuộc sống cá nhân và gia đình lại nghiêng theo
lối sống thế tục làm vẩn đục vũ
trụ quan Kitô giáo, dần dà xa rời Giáo Hội và có nguy
cơ chối bỏ vương quyền Chúa Kitô mà không hay biết.
Cũng không thể nhận mình ở trong
Vương Quốc của Đức Kitô mà hằng ngày
một cách nào đó mình vẫn dửng dưng với
sự hiện diện của Người trong cuộc
sống con người như coi thường nhân phẩm,
khinh rẻ người nghèo… càng không thể nhận mình
sống trong Vương Quốc Đức Kitô khi mà
cuộc sống chung riêng vẫn gây ra những oán thù, ghen
ghét, gian tham, bất công, gương xấu, tội
lỗi…
Càng không thể nhận mình
thuộc về vương quyền của Đức Kitô
khi mình chưa thực sự hiến thân một cách nào
đó để thể hiện tinh thần chứng nhân. Đức
Kitô đã lấy cái chết để làm chứng, Kitô
hữu cũng phải đi vào lối sống hy sinh
mới có thể trở thành chứng nhân cho đức tin
được. Đừng quên, chứng nhân có
nghĩa là tử đạo và sống đạo một
cách anh hùng cũng chính là chứng nhân.
Nhưng ai thuộc về
sự thật thì nghe Đức Kitô và ai thuộc về Đức
Kitô thì hãy để Người sống và lớn lên trong
cuộc đời mình và chấp nhận để
Người biến đổi toàn diện. Đồng thời, chính
mình cũng cần nỗ lực “làm chứng” sao cho
niềm tin luôn luôn vươn lên, mà cũng không quên
nhiệt tình tông đồ là làm cho những người lân
cận nhận biết và tin yêu Chúa Kitô nữa. Như
thế là tin vào vương quyền Chúa Kitô, là “tôn
vương” Chúa Kitô trong cuộc sống của mình và
cũng là cùng với mọi người tích cực
hoạt động cho công cuộc truyền giáo nhằm
“quy tụ mọi sự trong Chúa Kitô”.
Ở Bãi Sau Vũng Tàu, có một tượng
Chúa Kitô Vua thật lớn dựng trên triền núi quay
mặt ra biển, đôi tay giang rộng
như ôm lấy cả trùng dương. Ngư
dân quanh đó kể lại rằng những khi ra khơi,
họ vẫn căn cứ vào đó để mà
định hướng đi về, và nhiều lần
sóng gió họ cũng hướng về đó để mà
cầu nguyện xin ơn bình an.
Giữa trùng dương
cuộc sống, Kitô hữu biết rằng Chúa Kitô vẫn
luôn hiện diện như một chuẩn đích
để định hướng tin yêu hy vọng. Xin
Người cũng làm Vua quy tụ mọi sự trong Vương
Quốc vĩnh cửu của Người.
Lạy Chúa Kitô, cùng với Giáo Hội, hôm nay
chúng con lặp lại niềm tin của mình vào Vương
Quyền của Chúa. Xin chúc lành cho những ước
nguyện chúng con dâng lên, để khi quyết tâm xa lìa
tội lỗi và sống thánh thiện, chúng con
được trở nên chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã
hội. Chúa là Đấng hằng sống
hằng trị muôn đời. Amen.