Làm chứng
Hôm nay Giáo
Hội cho phép chúng ta mừng kính chung toàn thể các Thánh Tử
Đạo Việt Nam. Đây thực
là một ngày giỗ tổ làm cho mọi tâm hồn con dân
đất Việt phấn khởi vui mừng. Chúng ta đều
biết từ khi đạo Chúa chính thức bắt rễ
vào đất nước chúng ta cho đến cuối thế
kỷ XIX, nghĩa là từ khoảng năm 1638 đến
năm 1886, gần 300 năm, lịch sử Giáo Hội Việt
Nam là cả một cuộc tử đạo kéo dài gần
như liên tục năm này qua năm khác, không mấy khi ngừng,
mà nếu có ngừng thì chỉ tạm ngừng để
chuẩn bị tiến sang một giai đoạn chịu
bách hại khác dữ dội hơn và đẫm máu hơn.
Trong suốt ba thế kỷ bị
bách hại, tính ra có trên 130 ngàn anh hùng tử đạo, và như
thế nước Việt Nam chúng ta, tuy nhỏ hẹp và
nghèo khổ nhưng rất hào hùng. Nước
nhỏ hẹp nhưng danh tiếng vang lừng quốc tế.
Chúng ta đã đóng góp cho gia sản của Giáo Hội một
sự nghiệp đức tin to lớn. Tuy
nhiên, trong số đó mới chỉ có 117 vị được
phong chân phước. Và ngày 19.06.1988, cả
117 vị này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II suy tôn lên bậc hiển thánh. Các ngài được
suy tôn hiển thánh để cho toàn thể thế giới
tôn kính và noi gương anh dũng của các ngài. Đồng
thời để cho chúng ta, những người Công giáo
Việt Nam, là con cháu các ngài, biết nối gót cha ông, dù sống
trong hoàn cảnh nào cũng luôn trung thành với Chúa, với
Giáo Hội, với Tin Mừng giữa lòng dân tộc.
Các vị tử đạo
cũng là những con người mang thân xác giòn mỏng
như chúng ta, cũng biết rung cảm, cũng biết
ham sống sợ chết như chúng ta. Nhưng giờ phút
hy sinh đến, các ngài sẵn sàng tiến lên dâng hiến
cuộc đời cho Thiên Chúa. Do đó cái chết của
các ngài có một ý hướng nhất định: các ngài
là những nhân chứng cho đạo Chúa. Đúng
thế, danh từ “Tử đạo” có nghĩa là kẻ
làm chứng, và dùng đau khổ, tử hình để bảo
đảm cho lời chứng. Mỗi vị
tử đạo chết bằng nhiều hình khổ khác
nhau, nhưng tất cả các ngài đều hiên ngang dùng lời
nói và mạng sống mình để giảng đạo,
bênh vực chân lý và tuyên xưng đức tin. Tóm lại, tất cả các ngài đều là những
nhân chứng bằng chính đời sống của mình.
Và cái chết của các ngài là một câu trả lời hùng
hồn, quyết liệt cho những ai còn nghi ngờ tôn
giáo của các ngài.
Người ta thường nói:
“Aên quả nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước
nhớ nguồn”. Chúng ta là con cháu các vị tử đạo,
chúng ta được thừa hưởng một di sản
đức tin phong phú, được chiêm ngưỡng một
Giáo Hội phát triển tốt đẹp như ngày nay,
chúng ta không thể quên đó là kết quả của những
dòng máu cha ông đã đổ ra. Bởi vậy, chúng ta phải
tưởng niệm đến công lao to
lớn của tiền nhân mà đáp đền cho xứng
đáng và ra công phát huy di sản quí báu cha ông đã để
lại. Nhưng nếu chỉ có những cảm
tình hân hoan phấn khởi và biết ơn mà thôi thì chưa
đủ, chúng ta còn phải chú ý lắng nghe tiếng gọi
tha thiết của dòng máu tử đạo và khám phá ra những
bài học cao quí để áp dụng vào đời sống.
Vậy máu tử đạo nói gì với chúng
ta?
Trước
hết, máu tử đạo nói lên niềm tin mãnh liệt,
sâu xa và lòng trung thành sắt son của cha ông đối với
đạo thánh Chúa. Đức tin
đã thấm nhập và đâm rễ sâu vào tâm hồn các
ngài đến nỗi không một sức mạnh trần
gian nào có thể lay chuyển được. Đối với
các vị tử đạo, đức tin là một cái gì
cao quí vô cùng, phải bảo vệ bằng mọi giá. Dầu
bị đe dọa, tra tấn với muôn khổ hình dã man
ghê rợn, dầu phải đổ đến giọt máu
cuối cùng, các ngài cũng cam chịu, miễn sao bảo tồn
được đức tin nguyên vẹn.
Đàng
khác, được hấp thụ tinh thần nho giáo, các
ngài đặt chữ “trung” lên trên hết. Không những trung thành với vua chúa trần
gian, với quê hương tổ quốc, mà nhất là trung
thành với vua chúa trên các vua, chúa trên các chúa, trung thành với
quê hương tổ quốc siêu nhiên là Giáo Hội. Đó là tấm gương sán lạn cha ông để
lại cho chúng ta.
Thứ hai, máu tử đạo
cũng nói lên đức hy sinh can đảm phi thường
của tiền nhân. Người ta ai mà không sợ đau khổ,
ai mà không tham danh tranh lợi, ham sống sợ chết. Nhưng với ơn Chúa, các vị tử đạo
đã thướng vượt mọi trở lực, dầu
khó khăn đến đâu, để duy trì đức
tin. Ai kể được những khổ hình dã man
các ngài đã phải chịu: kìm kẹp, xiềng xích, voi
giày, thiêu sinh, trầm hà, trảm quyết, lăng
trì, bá đao… Nhưng các ngài can đảm chịu đựng,
các ngài đã thắng tất cả: thắng vũ lực,
thắng quyền bính vua chúa trần gian, thắng ma quỉ,
và thắng chính mình.
Các vị
tử đạo đã chết để nêu cao lòng hiếu
trung. Các ngài đã từ
bỏ tất cả, nhận lấy cái chết, không chút
oán giận những kẻ giết mình. Các ngài đã hy
sinh đời sống để theo một
tôn giáo, minh chứng cho mọi người biết tôn giáo
đó là từ trời ban xuống và đạo Chúa Kitô là
đạo thật. Các ngài chết nhưng
luôn sống trong ký ức chúng ta. Các ngài
là những hạt giống tốt đã được
gieo để đem lại hoa trái phong phú cho chúng ta. Chúng ta đang thừa hưởng gia sản của
các ngài, chúng ta hãy sống tốt đẹp, xứng
đáng với những hy sinh của các ngài.
Chúng ta hãy nhớ rằng: tử
đạo là một ân huệ đặc biệt Chúa ban cho
ai tùy ý Ngài muốn, nhưng nỗ lực làm chứng cho
Chúa thì không dành riêng cho ai cả. Là Kitô hữu là có nhiệm
vụ làm chứng: làm chứng bằng lời nói, bằng
hành động và bằng cả cuộc đời cụ
thể của mình. Nói rõ hơn, cách làm chứng
tốt nhất cho Chúa, cho đạo là sống bác ái yêu
thương. Chúng ta cần phải thuyết
phục những người chưa có đạo, những
người không hiểu về chính nghĩa của đạo
chúng ta bằng cách sống trọn vẹn, quyết liệt,
dứt khoát tinh thần bác ái yêu thương đối với
nhau và đối với những người chung quanh.