THAY LỜI KẾT
Cô Phương Hằng đã kể lại câu truyện thật My Brrother nguyên tác Anh Ngữ trong báo “Tình Mẹ” số tháng 7.19995, bằng một giọng văn vô cùng xúc động của một gia đình trong tiến trình trải qua những kinh nghiệm quí báu của thân phận làm người: Từ vui mừng dẫn đến lo sợ, chối bỏ sự thật, rồi thất vọng chìm sâu thành tuyệt vọng, khi nguôi ngoai chấp nhận thực tại, lúc can đạm vươn lên sống còn, cuối cùng, hy vọng vực sáng tương lai. Tôi xin phép được chuyển dịch câu truyện này sang Việt ngữ với niềm cảm thông sâu xa thàh thật để thay lời kết và để tất cả chúng ta, những người đau khổ, cùng suy nghiệm một lần cuối những ý nghĩa giá trị của khổ đau và niềm tin trong cuộc đời:
Đời sống gia đình toi vụt thay đổi đột ngột khi em được sinh ra. Em chính là nguyên nhân của niềm tuyệt vọng sâu thẳm trong lòng mọi người. Bà tôi thở dài bất lực, mẹ tôi thường xuyên âm thầm rơi lệ. Không phải lỗi tại em, cũng không phải tại ai khác ngoại trừ chính Người đã tác tạo nên em. Dù Thiên Chúa đã ban cho em đầy đủ tứ chi: đầu, mình, chân, tay, nhưng Ngài đã tàn nhẫn cất đi một phần thân xác tối quan trọng, để em có thể được nhìn nhận là bình thường như mọi đứa trẻ khác: Em vào đời với một trí óc rất chậm trưởng thành, rất ít mở miệng và chỉ thích rút lui lẩn trốn sống trong thế giới của riêng em, không cần giao tiếp với xã hội bên ngoài. Chúa đã dựng nên em với một bộ óc tự kỷ (autistic mind).
Chúng tôi không thể nào quên được ngày hôm ấy, vào một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, tháng 7 năm 1985, mẹ tôi chuyển bụng, dấu hiệu chắc chắn của thai nhi sắp chào đời. Chị em tôi đã hồi hộp, nôn nóng hơn sáu tiếng đồng hồ trong phòng đợi của nhà thương Royal Womens mà vẫn chưa thấy tin tức gì. Mãi đến trưa, ba tôi ra khỏi phòng sinh với nụ cười rạng rỡ báo tin: Mọi sự đều tốt đẹp, mẹ đã sinh em, bình an, khoẻ mạnh và rất đẹp trai. Niềm vui vỡ oà tuôn đổ chan chứa trong lòng chúng tôi, một hạnh phúc tuyệt vời không thể diễn tả bằng ngôn từ và cũng không có gì sánh nổi, một vui mừmg chưa từng được cảm nghiệm bao giờ. Chúng tôi tíu tít hân hoan chia sẻ hạnh phúc tươi nở như hoa lá mùa xuân, và không ai có thể ngờ rằng trong những ngày tháng sắp tới, hạnh phúc vụt biến thành nỗi buồn tủi cay đắng như cơn gió lạnh lùng mùa đông, bất chợt ùa về cuốn hút phận số mong manh yếu ớt của đời lá khô phù du héo úa.
Nhưng ngay lúc đó ba mẹ tôi sung sướng lắm, vì cuối cùng Thiên Chúa đã nghe lời cầu khẩn mà ban cho gia đình tôi một người con trai để nối dõi tông đường cũng như để chăm sóc báo hiếu cho ông bà khi tuổi già xế bóng. Sự ra đời, hiện diện của em tôi chẳng khác nào như một trận mưa rào tháng sáu ở quê nhà, xối xả đổ xuống mảnh đất khô cằn hạn hán đã nhiều năm. Mưa cho cây cỏ hạnh phúc đơm bông kết trái, mưa cho cơn khát chờ đợi thiêu đốt nóng bỏng qua đi, mưa cho mây mù thất vọng tan nhanh để ánh sáng tin yêu tràn về rực rỡ châu thân.
Giữa những tưng bừng hớn hở lúc em tôi chào đời, không ai có thể tưởng tượng được rằng cũng chính ngày ấy đã khắc ghi một niềm đau nối tiếp triền miên dai dẳng trong trái tim mỗi người. Bây giời, khi nhìn lại dĩ vãng, chúng tôi mới cảm nhận được sự mỉa mai cay độc của một ước vọng mù loà, với ý tưởng cho rằng ngày đó đã đánh dấu một hạnh phúc miên viễn vĩnh cửu trong gia đình tôi.
Ba năm đầu tiên đẹp như đoạn kết của một truyện cổ tích thần thoại. Lúc nào gia đình tôi cũng tràn ngập tiếng cười rộn rã niềm vui. Chị em tôi dành nhau để được cái vinh dự bế em khi mẹ tôi bận rộn. Là cậu bé duy nhất trong nhà, với một vẻ mặt ngây thơ thanh tú, với những cử chỉ thái độ hồn nhiên bé bỏng, em vô tình trở thành tâm điểm hạnh phúc thu hút mọi người. Rời em một phút đã thấy khó, xa em một ngày nhớ thương khắc khoải chất chồng. Chị em tôi tha hồ quan sát, nụng nịu âu yếm em để thoả trí tò mò cố tật. Ba mẹ tôi thường hãnh diện bồng em ra khoe với bạn bè cục cưng quí giá như một kho tàng mà mình được sở hữu. Tất cả đều nghĩ rằng em sẽ lớn lên mạnh khoẻ và bình thường. Chúng tôi đã lầm, một lầm lẫn hãi hùng. Có lẽ niềm đau sẽ đỡ kinh khủng hơn nếu mọi người đều nhận thức được rằng Thượng Đế khong bao giờ trao tặng cho ai tất cả mọi sự. Ngài không hề có dự định tạo dựng một đời người chỉ để thảnh thơi thụ hưởng hạnh phúc, niềm vui và tiếng cười. Chúng tôi cũng không thể thoát ra ngoài quy luật hiển nhiên đó. Đời sống con người, hình như, chỉ là một vực thẳm của những gánh nặng, những đau khổ và những giằng xé, dày vò tuyệt vọng nát tan của một trái tim rất dễ bị tổn thương. Chúng tôi là con người, bởi vậy chúng tôi phải tiếp tục sống cho trọn vẹn tất cả ý nghĩa tiền định nhọc nhằn của một kiếp người.
Những giọt mưa hạnh phúc cuối cùng trong gia đình chẳng bao lâu sau đã bị cạn khô, khi những triệu chứng bất thường của em tôi bắt đầu xuất hiện tỏ tường. Lúc mọi người khám phá ra rằng em không nói được thì sự lo sợ, như một cơn lũ cuồng nộ, đập tan con đê thân thể yếu ớt của chúng tôi, ngập ngụa cơn đau quặn thắt ruột gan, xé nát traí tim trong lồng ngực phập phồng hơi thở hụt hẫng. Niềm vui của ba mẹ tôi càng lớn lao ngày em vào đời bao nhiêu thì nỗi đau khổ bây giờ càng khủng khiếp bấy nhiêu, khi biết rằng em đang mang trong người chứng bệnh tự kỷ. Tất cả những kế hoạch, những nguyện ước đều vỡ tan tành như bong bóng trời mưa ngập ngùi. Ánh sáng hy vọng vào em dần dần lịm tắt, bóng tối tuyệt vọng bỗng nhẫn tâm phủ trùm thân phận tật nguyền. Tương lai của em trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên trong tâm trí mọi người. Chúng tôi đều băn khoăn trăn trở tự hỏi: Rồi đời em sẽ ra sao?
Em đẹp trai một cách lạ lùng, như một tuyệt tác nghệ thuật của tạo hoá. Chính điều này đã khiến cho mẹ tôi khó lòng chấp nhận nổi chứng bệnh của em. Cũng chính cái ý niệm về con người em chỉ là một pho tượng điêu khắc tài tình tuyệt đẹp bên ngoài mà trống rỗng bên trong đã hành hạ và nghiền nát trái tim nhỏ máu của tình mẹ đại dương thái bình. Chúng tôi đều cảm nhận được nỗi tái tê đau đớn của một mũi dao nhọn đâm thấu cạnh sườn ngọt lịm, mỗi khi nghe được lời nói của một người: “…..Bệnh tự kỷ à? …. Tội nghiệp quá!....” Chúng tôi khao khát một người em, một người con bình thường. Mẹ tôi vẫn rưng rưng giòng lệ mỗi lần bồng ẵm con cái người hàng xóm và vẫn thường tự nhủ: “…. Phải chi….Ước gì….”
Khi chơi vơi trong sầu khổ tuyệt vọng, chúng tôi chỉ còn biết chạy đến Thiên Chúa, nguồn an ủi duy nhất còn lại. Ba mẹ tôi vẫn thường nói rằng tất cả đều do ý Chúa, Ngài đã quan phòng sự bất hạnh này và Ngài sẽ giơ tay bảo vệ cũng như chăm sóc em tôi. Những lời khuyên nhủ ấy, mặc dù có cẻ như cũng giúp nỗi buồn của chúng tôi được nguôi ngoai, vơi bớt phần nào, nhưng không thể phóng thích tâm hồn chúng tôi ra khỏi ngục tù xiềng xích của cơn đau đoạ đày với nỗi xót xa nhức buốt trong trái tim, khi tâm trí chúng tôi đã in sâu cái sự thật phũ phàng về chứng bệnh của em.
Như một con thú bị dồn cạm bẫy bất ngờ quay lại tấn công người thợ săn, dù không biết rõ lý do tại sao mình phải làm như vậy, gai đình tôi bỗng vùng lên chống trả cuộc đời để sống còn. Chúng tôi cương quyết đương đầu với, nghịch cảnh có lẽ chỉ vì muốn đè nén, vùi sâu niềm đau nhức nhối mà em tôi đã gây nên, muốn được cất khỏi cái gánh nặng mà em – dù vô tội- đã đặt trên vai mỗi người. Trên hết tất cả, chúng đổi chiến đấu mạnh mẽ với hy vọng có thể thay đổi được số mệnh mà tạo hoá đã tiền định cho em. Chúng tôi làm việc cật lực để có thể cho đi và đền bù cho những mất mát trong đời em. Chúng tôi thừa hiểu rằng em chỉ còn biết bấu víu nương tựa vào gia đình để gắng gượng sống. Đời em hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc dưỡng nuôi của mọi người, và như vậy, chúng tôi cần thương yêu lo lắng cho em nhiều hơn nữa. Với thời gian, gai đình tôi dần dần học hỏi để sống với em trong ngôn ngữ và thế giới tự kỷ, một thế giới xa lạ với những người thường nhưng lại gần gũi quen thuộc trong em. Bởi vì, chỉ có cách hoà nhập vào thế giới của riêng em chúng tôi mới có thể hiểu em và kéo em đến gần hơn với thế giới và đời sống xã hội ngày nay. Chúng tôi kiên nhẫn dạy em tập nói và từng bước hướng dẫn em cách sống hiện tại. Cho đến một ngày, cũng lại là một ngày mùa đông, em mở miệng bập bẹ chữ đầu tiên trong đời: “Má…” Chúng tôi rơi lệ cảm động, nhìn nhau hồi hộp sung sướng. Ngôn từ thứ nhất ấy, đáng lẽ ra, em đã có thể phát âm bảy năm trước đây, nhưng mãi tới bây giờ, sau bao năm tháng chờ đợi mỏi mòn, cuối cùng tiếng “Má” mới được thốt lên từ cái miệng nhỏ xíu xinh xắn của em tôi.
Đối với những đứa trẻ khác, biết nói là chuyện bình thường, không có gì lạ. Nhưng đối với đứa em tự kỷ của chúng tôi, sự kiện ấy là một tiến triển khả quan nhảy vọt không thể ngờ. Mùa đông 1985 em tôi vào đời bằng tiếng cười vui trọn vẹn của gia đình, những mùa đông kế tiếp khắc ghi tiếng thét gào uất nghẹn như thác đổ, xuôi nguồn nước mắt như giòng sông. Mùa đông năm nay lại đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho em và cho gia đình tôi. Bây giờ chúng tôi được quyền nuôi hy vọng cho tương lai của đời em và sau cùng, chúng tôi chợt hiểu rằng Thượng Đế không hề quay lưng bỏ rơi những người con đau khổ mà ngài đã thương yêu tạo dựng.
Giuse Đinh Thanh Bình sdb
Melbourne, tháng 9, năm 1995.
|