CHƯƠNG CHÍN
“Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng?”
Sự ra đi của những người thân trong gia đình đã khiến tôi nhận thức rằng cuộc đời không thể êm xuôi như một giòng sông lững lờ trôi về biển cả. Đời mưa lũ đau khổ mà mưa bụi hạnh phúc. Nhiều khi, hạnh phúc còn hạn hán triền miên dai dẳng. Chẳng ai né tránh được những tai kiếp rủi ra muộn phiền. May mắn thay! Không ai phải đương đầu với nó một mình, bởi vì, chúng ta còn có nhau, còn có Mẹ Maria và Thiên Chúa.
Tôi đã trở thành một người nhạy cảm hơn, biết cảm thông hơn với những dằn vặt suy tư của mọi người trong trách nhiệm mục vụ. Thiên Chúa trong tôi bây giờ khác xa với hình ảnh “quan toà – hình phạt - thẩm phán” ngày còn thơ dại. Tôi hiểu được rằng vì Ngài phải tôn trong định luật thiên - tự - nhiên và tự do chọn lựa của con người, nên Ngài không thể can thiệp vào những khuôn khổ nhất định của nó để cản ngăn những đau khổ xảy đến cho nhân loại. Tôi dễ dàng tin tưởng và tôn vinh một Thiên Chúa, Người chịu đựng khổ đau với tôi, Người luôn ở cùng tôi, để vỗ về ủi an khi tôi nức nở tuyệt vọng, hơn là thờ phượng một Thiên Chúa quá công minh xuống tay trừng trị lỗi tội yếu hèn, hoặc đang tâm giết chết những thơ nhi vô tội để răn dạy hay thử thách loài người. Thiên Chúa của tôi không chết, không tàn nhẫn tâm, không phải là nguyên nhân gây nên đau khổ. Tôi rất ân hận nếu hình ảnh Thiên Chúa trong bạn thiếu chữ “không” vô cùng quan trọng đó.
Chúng ta có thể chịu đựng được nhiều đau khổ, nếu trong nỗi đau khổ đều tiềm ẩn một ý nghĩa nào đó. Người mẹ dám hy sinh cả mạng sống để cứu con mình khỏi chết đói, khi cho con bú máu tuôn tràn từ vết cắt tự gây thương tích. Những người nghiện rượu, nghiện xì ke phải vất vả chống trả khi lên cơn thèm muốn vì họ muốn cai, muốn dứt khoát từ bỏ kiếp nô lệ rượu chè hút sách. Rất nhiều khi, những tai hoạ xảy ra chẳng mang lại một ý nghĩa nào cả, nhưng chúng ta có thể lợi dụng để gắn lên mình nó những bài học, ý nghĩa và kinh nghiệm. Đau khổ là một vị giáo sư thu tiền học phí quá cao, nhưng vẫn có vô số học trò dùi mài kinh sử cần mẫn, và họ đã thành tài, thành danh khi ra trường. Tiếc thay! cũng có nhiều người gậm nhấm thất bại, khi “đệ nhất buồn là cái hỏng thi” – môn đau khổ.
Chúng ta không thể cầu nguyện để ép Thiên Chúa ban lại sự sống cho những người thân đã qua đời. Nhưng chúng ta có thể làm được một việc vô cùng quan trọng: Hãy để họ trở nên những nhân chứng của Thiên Chúa, của những nối kết yêu thương trong gia đình và họ hàng mỗi khi nhớ về những kỷ niệm, di ngôn của người đã khuất, hơn là của sự ra đi của họ trở thành niềm tuyệt vọng, u sầu và mất mát đức tin nơi chúng ta.
Câu truyện về một người đàn bà ngoan đạo, có lòng từ tâm nhưng cũng thích than phiền gắt gỏng. Bà đi dạo mát ngoài công viên, trước mắt là từng đoàn ăn mày lũ lượt bu quanh; bên gốc cây nọ một em bé gầy gò ốm yếu thảm thương khóc lóc; đứng cạnh bờ hồ là một là một ông lão mù loà đang quờ quạng từng bước; đối diện với công việc là một bệnh viện, tiếng xe cứu thương rú lên inh ỏi, vội vã đưa vào khu cấp cứu những bệnh nhân gặp tai nạn hiểm nguy đến tính mạng. Từng mảnh đời đau khổ hiện lên nguyên vẹn trong thân phận làm người. Bà tức giận về nhà, cầu nguyện trách móc Thiên Chúa: “Tại sao Chúa nhân từ dường ấy mà lại để con người gánh chịu đau khổ quá nhiều như vậy? Chẳng lẽ Ngài không có tai, không có mắt? Chẳng lẽ Ngài khong thể làm gì để giúp họ hay sao?”. Tiếng Chúa từ sâu thẳm vọng lại: “Có chứ! Ta đã tạo dựng nên con!”
Phải! Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, để chúng ta cí thể góp tay với Ngài xoa dịu những khổ đau của mọi người và sẵn lòng khoan dung rộng lượng, tha thứ cũng như an ủi những kẻ cô thế yếu hèn tội lỗi. Cứ mở miệng trách móc Ngài im lặng, trong khi chúng ta cũng lặng im bất động trước những bất hạnh của người khác là một than phiền vô tâm và vô lý.
Một cậu bé nghèo hèn, rách rưới thảm thương, mùa đông mà cậu cũng không có giày để đi. Chúng bạn chê cười, tụi nó mỉa mai cậu: “mày đạo Công Giáo mà! Nếu Thiên Chúa thương mày, tại sao Ngài không chăm sóc cho mày? Tại sao không bảo một người nào đó cho mày đôi giày?” Cậu bé ngẫm nghĩ rồi trả lời: “Chúa có bảo mà người ta không chịu nghe!”
Đời sống trong xã hội hiện tại không thể có được một nền hoà bình vĩnh cửu, không thể cầu xin được một tự do trọn vẹn, không thể đòi hỏi được một công lý hay một sự bình đẳng tuyệt đối. Chỉ có tình yêu luôn luôn hiện diện. Con người lệ thuộc vào Thiên Chúa ở rất nhiều khía cạnh, nhưng chính Thiên Chúa, Ngài chỉ lệ thuộc vào con người ở một điều duy nhất: Tình Yêu. Thiếu tình yêu của con người, Ngài đành phải vĩnh viễn sống trong cô đơn và sự im lặng.
Chúng ta yêu thương Thiên Chúa – có lẽ - không hẳn vì ngài toàn năng, không hẳn bởi vì Ngài có thể bảo vệ cho chúng ta khỏi mọi tai hoạ hay mọi ám hại hiểm nguy của cuộc đời; không hẳn vì chúng ta kính sợ ngài, cũng không hẳn vì Ngài sẽ phạt những yếu lỡ lầm của chúng ta. Chúng ta yêu Ngài vì Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ vạn vật với muôn loài muôn vẻ, vì Ngài là nguồn sức mạnh, là niềm hy vọng, là sức sống mạnh liệt can đảm và kiên cường của chúng ta. Tình yêu không phải là sự khâm phục tài năng, quyền lực, nhưng chính là sự chấp nhận những thân phận bất toàn. Thiên Chúa đã yêu thương con người bằng thứ tình yêu đó, vì con người chẳng có gì đáng để trao ban cho Ngài, nhưng ngài vẫn đến để kêu gọi những con người tội lỗi và để chuộc tội cho nhân loại. Yêu thương không đòi hỏi quyền lợi hay điều kiện, yêu thương chấp nhận tất cả, dù là những thiệt thòi đau khổ cho chính mình. Như vậy, yêu thương là thánh giá hiến thân.
Trong một cuộc triển lãm tranh ảnh của những hoạ sĩ nổi tiếng, khách thưởng ngoạn đặc biệt chú ý tới một bức tranh vẽ hình Chúa Giêsu đứng trước cửa nhà tồi tàn. Người ta rất thích chí khí khám phá ra rằng trên cửa lại không có nắm cửa để mở. Chẳng lẽ hoạ sĩ lại quên đi một chi tiết rất tầm thường nhưng cũng rất quan trọng như vậy hay sao? Chỉ khi mọi người xầm xì thắc mắc, tiếp tục ngắm nghiá cẩn thận và ngẫm nghĩ hồi lâu, họ mới “ngộ” được cái dụng ý tuyệt diệu của hao phẩm: Thiên Chúa luôn luôn kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài cánh cửa lòng của chúng ta, dù tuyết rơi, mưa đổ, gió bão, phong ba thi nhau ập tới, Ngài cũng không nề hà. Nhưng ngài không thể vô nhà vì nắm cửa nằm bên trong. Quyền quyết định ở trong tay chúng ta, Ngài chỉ có thể bước vào và ngự trọ trong tâm hồn chúng ta nếu chúng ta mở cửa cho Ngài.
Khi đau khổ hành hạ xác thân tâm hồn, chúng ta gào thét trách mắng Thiên Chúa: “Lạy Chúa! Tại sao Ngài im lặng?” Chúng ta quên mở cửa cho Ngài, quên nhào vào lòng Ngài để tìm kiếm nương tựa ủi an, để được xoan dịu vỗ về trong lúc tuyệt vọng cùng cực. Ngài vẫn đứng đó, chờ đợi, kiên nhẫn, chịu đựng, mong mỏi, hy vọng. Chúng ta hãy thử nhìn lại cuộc đời mình xem, đã bao lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước những khổ đau của kẻ klhác? Đã bao lần chúng ta chối từ Ngài vì theo Ngài là phải tuân giữ những giới luật khắt khe khó khăn? Đã bao lần lương tâm thú dục trở về mà chúng ta vẫn tỉnh bơ bước sâu trong vũng lầy lỗi phạm?
Một bà vợ Công Giáo nhưng lấy chồng Phật Giáo. Hạnh phúc nửa đường đứt gánh, vì người chồng mắc bệnh ung thư đã tới thời kỳ nguy hiểm. Nhờ sự chăm sóc tận tình tận lực và nhờ lời cầu nguyện không ngừng nghỉ của vợ, anh chịu rửa tội theo đạo. Trong những giây phút cuối cùng, có vợ ngồi bên cạnh, anh thều thào hỏi: “Anh sắp chết phải không?” Người vợ nắm tay anh nức nở hỏi lại: “Anh có sợ chết hay không?” Người chồng mỉm cười trả ,ời: “Nếu Thiên chúa cũng giống như Em, cũng thương anh như Em thương anh, thì anh không sợ!”
Hình ảnh, sức mạnh, lòng can đảm, sự khoan dung nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa tiềm tàng trong mỗi trong mỗi con người. Tiếng kêu bi thương của những người thánh thiện hiền lành rên xiết nài van Chúa cứu giúp vẫn đang vang vọng không ngừng. Thiên Chúa buồn lắm! Ngài không im lặng, vì ngài đã trao phó trách nhiệm rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và hành động cho tất cả chúng ta. Hỏi rằng chúng ta phải trả lời như thế nào nếu Ngài thầm thì bên tai mỗi người: “Này con! Tại sao con im lặng?”
“Này con! tại sao con im lặng?”
|