Đức Hồng Y tiên khởi của Việt Nam: G.M Trịnh Như Khuê1-Trưởng thành từ đất “ Hàm Rồng”
Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê sinh ngày 11-12-1899 và được truyền chức linh mục ngày 1-4-1933. Ngài trở thành linh giám đầu tiên của Legio Mariae tại Việt Nam. Khi Đức cha F. Chaize ( tức Thịnh)- Giám mục đại diện Tông toà Hà Nội đột ngột qua đời ngày 22-2-1949, Toà thánh đã bổ nhiệm Ngài khi đó đang là linh mục chính xứ Hàm Long thay thế. Xứ Hàm Long ( Hàm Rồng) đúng là nơi “phát” các chức sắc cao cấp của giáo hội Việt Nam. Cho đến nay, xứ này đã cung cấp cho giáo hội 3 Hồng y ( GM. Trịnh Như Khuê; GM. Trịnh Văn Căn; PG. Phạm Đình Tụng) và 2 Giám mục ( GM. Nguyễn Tùng Cương và FX. Nguyễn Văn Sang). Ngày lễ Đức Mẹ lên trời 15-8-1950, Ngài được tấn phong giám mục do Đức cha Lê Hữu Từ chủ phong và hai Đức cha Phạm Ngọc Chi, Gomez là phụ phong. Khẩu hiệu Giám mục của Ngài là: “ H•y theo Thày”.
2-Vị Giám mục “nô lệ” của Đức MẹMột tháng sau ngày thụ phong, Ngài lên đường qua Roma để cảm tạ Toà thánh và cũng là dự lễ tuyên tín Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời 1-11-1950. Ngài tranh thủ đến những thánh địa nổi tiếng về Đức Mẹ là Lộ Đức, Fatima để cầu nguyện với Đức Mẹ cũng như ghé thăm Dublin ở Irlande- nơi sáng lập phong trào đạo đức Legio Mariae để học tập, áp dụng ở Việt Nam. Có thể nói rằng, Ngài chính là vị Giám mục yêu mến Đức Mẹ. Ngài coi sóc giáo phận trong một thời điểm đầy xáo trộn, sóng gió do chiến tranh, biến động chính trị. Ngay Thư chung số 1 ban hành ngày 22-7-1950, Ngài viết: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đau thương, những mong bình an mà chẳng thấy bình an, đau khổ đủ thứ, đau khổ cả hồn, đau khổ cả xác. Trông cậy vào ai? Nương tựa vào ai? Thiết tưởng đang đêm tối tăm, sự soi sáng cho nhân – vật đỡ tối chỉ là mặt trăng êm ái dịu dàng. Tôi muốn nói với anh chị em về Đức Mẹ…Muốn cho địa phận ta cũng được chung phần phúc ấy, tôi đãquyết định sau dịp tôi thụ phong, sẽ dâng địa phận cho trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ”. Nếu ai đãsống trong giai đoạn đó thì sẽ hiểu lá thư trên phải viết ra bởi một con người đầy dũng khí bởi có thể bị suy diễn, quy chụp là “ nói xấu chế độ”. Ngài để lại ít bút tích và ngay cả những bút tích ít ỏi đó cũng rất kiệm lời. Một cuốn sổ tay ghi chép của Ngài mà nhà nghiên cứu Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên gọi là “Nhật ký vô đề” (1) chỉ là những gạch đầu dòng “ nhắc việc” rất khô khan. Ví dụ: “3 Dec.54: hồi 18 giờ yết kiến Hồ Chủ tịch ở biệt điện”. Không rõ nội dung cuộc gặp gỡ hôm 3-12-1954 đó nói gì? Có thể do hoàn cảnh, Ngài không muốn nói nhiều, cũng có thể Ngài ghi chỉ để cho mình nhớ nhưng người đọc có thể khám phá ra nhiều điều thú vị theo phương cách “ ý tại ngôn ngoại”. Trước hết, chúng ta thấy trong hoàn cảnh khó khăn mà Ngài đi kinh lý khắp các xứ họ của giáo phận Hà Nội rộng lớn kể cả các xứ Mường như Mường Riệc, Mường Cắt, Lạc Thổ…Có chuyến đi, mấy xe đi trước xe Ngài mấy bước bị vướng mìn. Có những chuyến đi không thành. Chẳng hạn, “ngày 10-11-1956 định đi Mạc Thượng, không vào được; Ngày 29-11-1956; không đi thăm Khoan Vỹ, Công Xá, Phú Đa như đãđịnh trước”…Không biết sự cản trở đó là do chủ quan hay khách quan? Nhưng nhật ký ngày 16-4-1957 ghi: “hồi 14 giờ trở về Hà Nội, qua Phủ Lý; đến Ngô Tư Vọng bị khám giấy và bị tước giấy”. Vậy là rõ, lý do khách quan. Từ đấy, nhật ký mục vụ chấm dứt. Ngài không được đi đâu được nữa mà chỉ loanh quanh Toà Giám mục. Tôi được nghe Đức cha Nguyễn Văn Sang nói rằng cả hai vị Hồng y họ Trịnh đều lấy sân thượng Toà Giám mục là nơi đi dạo để rèn luyện thân thể và suy tư đến nỗi có hẳn một vòng bầu dục vết chân trên sân thượng và gọi đó là vòng chân Đức Hồng y.
Khó khăn là vậy nhưng lòng yêu mến Đức Mẹ nơi Ngài thì không giảm. Nhật ký của Ngài ghi rất nhiều mục vụ liên quan đến Đức Mẹ: “ 21 Aviril.51 Nam Định, giảng về Đức Mẹ Hằng Cứu giúp; 8 Dec. 52, Kẻ Sở, giảng lễ Đức Mẹ; 18 Jan.53: làm phép tượng Đức Mẹ Fatima; 24-1-53: Ngọc Thị: làng Đức Mẹ”…Không biết vì sao Ngài lại gọi làng Ngọc Thị là làng Đức Mẹ? Chắc nơi đây, giáo dân sùng mến Đức Mẹ lắm! Đặc biệt, Ngài là tác giả của ý tưởng chọn Đức Mẹ là quan thày cho thành phố Hà Nội. Ngày 24-1-1959 Ngài ra thông cáo nhận tượng Đức Mẹ ở Quảng trường Nhà thờ lớn là tượng Đức Mẹ Hà Nội và dâng nhà thờ Cửa Bắc là nhà thờ Đức Mẹ Hà Nội. Ngài soạn kinh Đức Mẹ Hà Nội, mời gọi các thành phần dân Chúa làm đơn xin nhận Đức Mẹ là quan thày thành phố và chính Ngài ký đơn thỉnh cầu Toà thánh xin nhận Đức Mẹ là quan thày thành phố Hà Nội. Ngày 18-2-1959, Ngài khai mạc Năm thánh Đức Mẹ Hà Nội. Ngày 30-6-1959 mở tuần tam nhật mừng lễ Đức Mẹ Hà Nội. Ngày 18-4-1959 khi kiệu đến tượng đức Mẹ Hà Nội, đọc kinh Đức Mẹ Hà Nội, Ngài trịnh trọng xin phép Đức Mẹ gọi thành phố Hà Nội là thành phố Đức Mẹ. Vậy là đến năm 2009 này, thành phố Đức Mẹ vừa tròn 50 tuổi.
Những ngày cải cách ruộng đất “như trời long, đất lở”, con đấu cha, vợ đấu chồng để được chia thêm cái mâm đồng thủng hay cái cối đá vỡ. Ngài ra Thư chung số 11 rất dài tới 14 trang nhan đề “ Thương yêu nhau”. Bao ẩn ý ở trong lá thư mục vụ này. Thư chung viết: “Tội là sự độc dữ xấu xa, phải thà chết chẳng thà phạm tội; phải hãm mình phạt xác để đền tội và cho khỏi phải phạm tội; đừng sợ sự đau khổ, sỉ nhục vì đau khổ sỉ nhục đời này là vinh hiển đời sau; đường lối của Chúa khác đường lối thế gian”. Những ngày làn sóng di cư bùng nổ, Ngài ra lệnh phạt “ treo chén” những linh mục bỏ đàn chiên. Vì vậy, Hà Nội dù địa điểm ra Hải Phòng thuận lợi cũng chỉ có khoảng 6 vạn giáo dân (trên 20 vạn) và 100 linh mục ( trên tổng số 168) vào Nam, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các giáo phận khác. Để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, Ngài lập Ban cứu tế và Quỹ cứu tế địa phận vào tháng 9-1951. Ngài củng cố nhiều hội đoàn Công giáo như Hội Đức Trinh nữ Mẹ Chúa Trời, Hội trợ cấp cho chủng viện, Hội Đức Bà lên trời, Đạo binh Đức Bà Maria… Ngài chia giáo phận thành 29 giáo hạt từ tháng 7-1951 để các linh mục tiện coi sóc. Ngài cũng khôn khéo để phong chức choTổng Giám mục phó GM Trịnh Văn Căn ngày 2-6-1963 theo phương thức “khẩn cấp” vì lý do “ mắt Đức Tổng hầu như mù, chữ viết trên mặt đồng hồ không còn trông thấy nữa”. Thông cáo của Toà Giám mục ngày 3-6-1963 viết như vậy. Đây là cách làm “tiền trảm hậu tấu” mà nhiều giáo phận khác cũng áp dụng kể cả truyền chức linh mục như Bùi Chu truyền chức cho 29 linh mục ngày 8-12-1963.
Giáo hội Việt Nam ghi nhận nhiều lễ phong chức Giám mục “ lạ kỳ”. Đức cha JS. Theurel ( tức Chiêu) được phong giám mục ngày 6-3-1859 kể lại rằng: “Một ngày tôi đang ở trong một chuồng trâu thì tôi được lệnh cấm phòng ngay rồi về gặp Đức Giám mục. Tôi đến chỗ hẹn gặp tại một chòi lá ở Kẻ Trụ trong hai đêm…Nghi thức tấn phong không có gì sang trọng. Tôi cầm gậy bằng một khúc tre đốn trong rừng gần đấy. áo dán giấy mạ vàng có đính dây kết bằng rơm rạ. Tôi không có tất cũng không có bao tay. Nghi lễ tấn phong diễn ra không quá hai tiếng đồng hồ trước khi mặt trời mọc”(2). Lễ tấn phong Giám mục cho linh mục Đa minh Đinh Đức Trụ ( Thái Bình) do Ngài chủ sự ngày 25-3-1960 cũng lạ kỳ không kém. Vị tiến chức giả làm ông đạp xích lô từ Thái Bình lên Hà Nội gặp chủ phong trong buồng áo. Nghi lễ diễn ra chỉ có hai người. Rồi vị Giám mục “ chui” đó lại đạp xe sang Bùi Chu tấn phong “ chui” cho Giám mục J. Phạm Năng Tĩnh trong một chiếc thuyền chài…
Đất nước thống nhất, tháng 5-1976, Ngài được vinh thăng lên bậc Hồng y. Khi Đức Phaolô VI qua đời, Ngài qua Rôma dự tang lễ và bầu Giáo hoàng mới. Chưa kịp về nước, Đức Gioan Phaolô I lại tạ thế, Ngài tiếp tục ở lại đến khi Đức Gioan Phaolô 2 lên ngôi và trở về Hà Nội ngày 25-11-1978. Tối 26-11, Ngài vẫn dâng lễ và chủ sự chầu Thánh thể rất sốt sắng ở Nhà thờ lớn Hà Nội. Tối ngày 27-11, Ngài đột ngột qua đời. Câu nói cuối cùng của Ngài trước khi tắt thở là: “ Chịu lễ”. Cái chết bất ngờ của Ngài làm rộ lên những nghi vấn. Nhưng pháp y khẳng định Ngài bị nhồi máu cơ tim. Lễ tang của Ngài được tổ chức vào ngày 30-11 do Đức Tổng Giám mục Trịnh Văn Căn chủ sự. Hai vạn giáo dân đãđến quảng trường Đức Mẹ Hà Nội tiễn đưa Ngài.
Nhân sắp đến ngày giỗ thứ 29 của Ngài, đọc lại những bút tích của Ngài, tôi thấy trong Thư chung số 2 ngày 8-9-1950 viết: “Là nô lệ của Đức Mẹ, tôi phải làm mọi việc dưới sự điều khiển của Đức Mẹ”. Còn Thư chung số 3 ban hành ngày1-11-1950 lại có câu: “Yêu nước, thời nay người ta nói đến rất nhiều, có khi Anh em không nói nhiều bằng người khác. Chúng ta hãy làm nhiều hơn nói”. Xin Ngài cầu cho chúng con được làm “ nô lệ” của Đức Mẹ như Ngài và biết làm nhiều hơn nói trong Năm thánh này.
Hà Nội, tháng các linh hồn năm 2009
Chú thích:1- Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên: Lịch sử địa phận Hà Nội 1626-1954, Paris 1994.
2- Le pere Six, Blond Paris 1935
TS. Phạm Huy Thông