MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: chúa cha và chúa giêsu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thiên Chúa Của Người Vô Thần – Một Phản Kháng Tuyệt Diệu
Thứ Ba, Ngày 10 tháng 11-2009

 

la trinité 2

THIÊN CHÚA

 

MỘT CHÚT LỊCH SỬ CỦA ĐẤNG VĨ ĐẠI NHẤT

 

 

GOTT. EINE KLEINE GESCHICHTE DES GRÖSSTEN

Tác gi       :  Mansfred Lütz

Người dch :  Phm-Hng-Lam

 

 

(NĂM  - Phần 2)

THIÊN CHÚA CỦA NGƯỜI VÔ THẦN –

MỘT PHẢN KHÁNG TUYỆT DIỆU

 

Câu trả lời của Vô thần dĩ nhiên có vấn đề. Trên căn bản, người vô thần phủ nhận Thiên Chúa, vì thế, một cách nào đó họ phải đưa ra một hình ảnh về cái mà họ phủ nhận, nghĩa là hình ảnh về Thiên Chúa theo họ nghĩ. Thành ra ở đây, không phải là không có lí, nếu ta bàn về „Thiên Chúa của người vô thần“.

 

--------------------------------------------

 

  1. CUỘC TRẢ THÙ THÚ VỊ CỦA ÔNG LINH MỤC QUẢN XỨ

 

Chúng ta đã bước vào thế kỉ 17, đây là giai đoạn Vô thần được thúc đẩy tỏ lộ ra bên ngoài. Đặc biệt cuộc chiến thắng của lí trí và khoa học đã hỗ trợ Vô thần hết mình, và niềm tin vào Thiên Chúa xem ra bị Vô thần làm chao đảo. Mà oái ăm thay, chiến thắng lí trí và khoa học kia có được chính là nhờ Ki-tô giáo và Giáo hội.

 

Thiên Chúa ki-tô giáo không còn đồng nhất với thiên nhiên nữa, và niềm tin vào Người cũng không còn phù hợp với các thần linh thiên nhiên đầy đố kị. Điều này một mặt có nghĩa là thiên nhiên đã hết thiêng, trở thành đối tượng mà ta có thể mặc sức nghiên cứu. Mặt khác, niềm tin vào việc nhập thể của Thiên Chúa lại nâng con người và các khả năng của nó, nghĩa là cả lí trí của nó, lên ngang hàng thiên tính. Chúng ta đã thấy Ki-tô giáo thời Trung cổ mê say lí trí thế nào rồi. Nhưng giờ đây các nhà khoa học Descartes (1596-1650), Pascal (1623-1662) và Newton (1642-1727) trong thế kỉ 17 và 18 mới rút ra nhiều hệ quả từ đó.

 

Thêm nữa, như Minois nhấn mạnh, công đồng Trento (1545) lại tiếp tục đẩy mạnh tiến trình phân biệt giữa hai phạm trù trần tục và linh thiêng, một sự phân biệt điển hình nơi Ki-tô giáo. Công đồng kêu gọi ki-tô hữu nên dồn tâm vào việc đạo, và đừng để bị cuốn hút bởi chuyện thế gian bề ngoài. Hẳn đây không phải là chủ trương „nhị nguyên“, như Minois nói, nhưng có lẽ nó đã tạo nên một tình trạng như thế.

 

Dù sao, khoa học „đời“ cứ càng ngày càng độc lập với Ki-tô giáo và dần trở nên xa lạ với nó. Đa số người làm khoa học có tiếng lúc này vẫn là ki-tô hữu, nhưng điều này chẳng ngăn được việc người ta gạt ra rìa tất cả những gì mà quan toà lí trí và sự hoài nghi Descartes không giải quyết được. Ngay trong thế kỉ 16 thỉnh thoảng cũng đã có loại Vô thần chống lại những gì mà người ta tin là thiếu hữu lí. Ở đây, đích bắn không phải là Ki-tô giáo đích thực, nhưng người ta chống lại thứ Ki-tô giáo theo như người ta hiểu. Ngay Leibniz (1646-1716), nhà bác học toàn diện cuối cùng, còn dùng tiến bộ khoa học thời đó để bảo vệ Ki-tô giáo.

 

Ngoại trừ trường hợp Ga-li-lê [1], một trường hợp mang nhiều yếu tố tâm lí và tuyên truyền và nhất là có dẫn tới nhiều hậu quả, chứ xét chung, quan hệ giữa Giáo hội và khoa học tương đối vẫn hài hoà. Chính giáo chủ Biển-đức XIV (1740-1758) là một trí thức sáng suốt, ngài công khai hâm mộ Newton và thư từ qua lại với ông. Nếu quả thật có chuyện hô hào phải chống lại Ki-tô giáo để theo khoa học, thì vấn đề thường là ở chỗ, có không ít người trong những đám trí thức có học đã không còn hiểu gì về Ki-tô giáo nữa.

 

Ngay chiều tối hôm trước của cuộc cách mạng Pháp, các đại hội chung của giáo hội Pháp, qua những quyết định rất chi tiết, đã nói lên nhu cầu phải cấp bách đổi mới sự hiểu biết về đạo cho tín hữu. Khi nằm trên giường bệnh chờ chết vào năm 1706, lão bá tước vô thần Gramont nghe bà vợ đọc kinh Lạy Cha, ông thì thào hỏi: „Này bà bá tước, cái kinh đó nghe hay lắm, ai đã viết ra nó vậy?“ Như vậy, Thiên Chúa của người vô thần thời đó chỉ là một hí hoạ, một Vị mà chẳng mấy ai trong đám trí thức còn hiểu rõ, xem ra đó là nhân vật do tầng lớp quyền thế tạo ra để giữ sự tùng phục của dân. Đó là một Thiên Chúa được biểu kiến bởi một số quý tộc giàu sang thiếu đầu óc và tư cách, họ khoác áo giám mục nhưng sống như kẻ vô thần thực tiễn, hoặc ngay như giám mục của giáo phận Lodeve, người đã công khai tuyên xưng mình vô thần.

 

Ta có thể thấy rõ điều này qua bản Tuyên ngôn của linh mục Meslier, một tài liệu vô thần thế kỉ 18. Đó là bản văn vô thần do một linh mục chánh sở họ đạo nhà quê can đảm để lại cho các đồng nghiệp sau khi chết. Nó sau đó được sao chụp và được lén lút chuyền tay, như thể người ta chuyền phim ảnh khiêu dâm vào đầu thế kỉ 20. Nội dung tài liệu này chỉ toàn những đề tài và chứng lí vô thần mà ta đã biết. Đặc biệt nó xác tín về tính cách đời đời và tự hữu của vật chất và thế giới, cũng như về chuyện tinh thần không bất tử, mà nó rồi cũng sẽ „tan biến vào không khí.“

Bản văn từ đâu mà có? Ông linh mục chánh xứ không cho ta biết điều này. Nhưng nghiên cứu các tài liệu thời đó, ta thấy tổng giám mục de Mailly thuộc Reims là giáo phận của Meslier, là một người tiêu biểu cho thứ quý tộc lố bịch. Tất cả mọi tài liệu liên quan thời đó đều cho thấy, vị tổng giám mục này là một «bạo chúa nóng nẩy“. Năm 1716, bạo chúa cho gọi Meslier, vốn là người siêng năng, tới cảnh cáo về tội không chịu cầu nguyện cho một ông quý tộc đã làm hại nhiều nông dân. Giám mục buộc Meslier phải cầu nguyện. Meslier đành tuân lịnh, và ông cầu cho vị quý tộc kia từ nay đừng hãm hại nông dân và cướp bóc trẻ mồ côi nữa. Nghe thế, ngài tổng giám mục nổi cơn tam bành, làm nhục vị chánh xứ, bắt ông ngồi chơi xơi nước bốn tuần trong chủng viện và ra biện pháp kiểm soát gắt gao. Meslier cảm thấy nhục nhã, tìm cách trả thù. Và từ biến cố đó, ông âm thầm say sưa viết cho tới ngày chết bản tuyên ngôn vô thần trên. Như đã nói, bản văn chẳng có gì mới. Nhưng nguyên do đưa tới bản văn mới thật đáng nói. Tuyên ngôn của linh mục Meslier không phải là một tuyên ngôn về Vô thần, nhưng trái lại là một tuyên ngôn về tuyên bố của ông.

 

Ngoài ra, Meslier còn trách Chúa những điều, mà ta vẫn thường nghe phát ra từ miệng của những nhà khai sáng. Tại sao Chúa không tạo dựng tất thảy mọi người đều tốt? Tại sao Người lại để cho sự dữ đi vào thế gian? Và qua cuộc động đất ở Lissabon năm 1755 - một biến cố không những gây đổ nát chết chóc cho Âu châu, mà còn tạo nên một chấn thương tinh thần lớn lên người dân lục địa này – nhiều người tự hỏi, tại sao cả người lành kẻ dữ, cả người lớn lẫn con nít, cả đàn ông lẫn đàn bà lại phải chết bởi một thiên tai như thế? Người ta trách, chỉ có một Thiên Chúa dửng dưng vô tích sự, một Thiên Chúa về hưu của Epikur mà đám khai sáng càng ngày càng ưa thích, mới hành động như thế. Và người ta tự hỏi, một Thiên Chúa như thế có thật là Thiên Chúa không.

 

Leibniz cho rằng, Thiên Chúa là vị kiến trúc đã dựng nên một thế giới tốt đẹp nhất. Nhưng hình ảnh của Người giờ đây hoàn toàn mâu thuẫn với quan niệm của những người khai sáng về Thiên Chúa. Những người này muốn đi tìm một Thiên Chúa chỉ biết làm lành và lánh dữ, nhưng họ đã không gặp được. Giờ đây, đứng trước sự dữ trong thế giới và trước những hậu quả tàn khốc của thiên tai, người ta lại đặt ra câu hỏi: Phải chăng Thiên Chúa không muốn, hay không có khả năng cản ngăn sự dữ? Phải chăng vị kiến trúc sư tạo hoá này bất lực, hay Người thực chất chỉ là một con quái vật trơ trẽn? Là vì khi người ta có khả năng ngăn chận một sự xấu mà không làm, thì hành vi này cũng đáng lên án như chính kẻ tội phạm. Nhưng chỗ này Khai sáng đã trở thành nạn nhân của chính sự mù tối của họ. Họ đã dùng phương tiện lí trí con người để nặn ra một Thiên Chúa hợp lí, Người hoạt động như là một kiến trúc sư thế giới và là kẻ bảo vệ trật tự xã hội và quốc gia, và người ta có thể dùng Người làm ông kẹ hù doạ trẻ con, khi chúng bắt nạt các em nhỏ hơn của chúng. Khai sáng đã dựng nên một Thiên Chúa, mà Voltaire đã vì lợi ích của chính ông cho hay, nếu không có vị đó, thì ta phải nặn ra. Nhưng một Thiên Chúa do con người tạo ra như thế quả thật không thể sống sót được. Thiên Chúa đất sét đó sẽ vỡ ngay, khi cuộc động đất đầu tiên xảy ra. Điều này rõ ràng: Thiên Chúa nhân tạo đó hoàn toàn xa lạ với hình ảnh Thiên Chúa của Ki-tô giáo. Nhưng Người cũng được gọi trùng tên, và chính sự lẫn lộn này sẽ đưa tới những hậu quả không lường.

 

Ngoài ra, Thiên Chúa của người vô thần vào đầu thời Mới là Thiên Chúa đặc biệt của giới cầm quyền, mà với lối sống bất xứng của tầng lớp này, họ đã làm cho Người trở nên thất tín. Cuộc cách mạng Pháp cho thấy rõ ràng, việc chống lại kẻ cầm quyền cũng có nghĩa là chống lại Thiên Chúa. Chính vì để được tự do suy nghĩ các vấn đề tôn giáo, người ta đã muốn thoát ra khỏi áp lực của Giáo hội, của nhà nước và của xã hội. Nhu cầu này kể ra hợp lí, ngay cả đứng về mặt tôn giáo. Vì vậy, gọi những người vô thần thời này là những người đòi thả lỏng suy tư (Freidenker) có lẽ đúng hơn, là vì họ chọn Vô thần hoàn toàn không phải vì xác tín chống Thiên Chúa, mà đó là một phản kháng nhằm đòi hỏi: „Xin quý vị hãy để cho chúng tôi tự do tư tưởng“ (Schiller, Don Carlos).

 

Tiến bộ khoa học càng ngày càng cảm thấy dị ứng với „Thiên Chúa“. Quả thật khó, khi một đàng nghĩ thiên nhiên là một cái đồng hồ đã lên dây, nó vận hành theo định luật tất định, mỗi một biến cố phải xẩy ra một cách tất yếu, trong lúc đó lại phải chấp nhận một Thiên Chúa bất định, Người chẳng hành động theo luật lệ gì cả, thỉnh thoảng lại làm cho đồng hồ rối loạn lên. Hai lối nhìn này khó có thể dung hợp. Vì thế ở đây, quan niệm Thiên Chúa về hưu của Epikur hữu lí và dễ được chấp nhận hơn; và vì vậy mà các nhà khai sáng trong thế kỉ 18 hầu hết theo thuyết Hữu thần. Nghĩa là họ giới thiệu với thiên hạ Thiên Chúa của họ như một chú khuyển già, to tướng nhưng không còn khả năng cắn vì đã rụng hết răng, rồi ôn tồn: „Đừng sợ, nó không răng mô!

 

Họ giao cho Thiên Chúa vô thưởng vô phạt này một công tác đời sau, đó là lo chuẩn bị chỗ ở bất tử cho họ, nghĩa là cho các ông bà khai sáng hãnh tiến với lí trí của họ. Vì lo sợ phải rơi vào hư vô tuyệt đối, nên họ nghĩ tới bất tử để hòng tự trấn an mình. Nhưng Thiên Chúa bé nhỏ của các ông bà „tiểu vô thần“ đã không thể sống sót được qua thế kỉ 18 đầy máu và nước mắt. Tất cả những gì còn lại của Vô thần thời Khai sáng, của chiến thắng lí trí và chiến thắng con người chống lại Thiên Chúa, cuối cùng chỉ là sự bi quan vô bờ. Cuộc sống vô nghĩa, chỉ có chết, và còn lại là Hư vô.

 

Như đoạn nhạc kết thúc trước khi xẩy ra cuộc tắm máu lí trí, hầu tước de Sade, cha đẻ của một môn học cá biệt về tình dục cùng tên, đã tuyên bố trên công trường Concorde ở Paris: Trong một thiên nhiên tất định không những không thể có tự do thiên chúa, mà cũng không thể có tự do con người, cũng không thể có đạo đức và tội lỗi, mà chỉ và chỉ có thiên nhiên mà thôi, và thiên nhiên sẽ man rợ. Theo nghĩa của de Sade này, thì lời hô hào „Trở về với thiên nhiên“ cũng hoàn toàn đồng nghĩa với „Trở về với man rợ“. Đó là sự lên tiếng của Siêu nhân của Nietzsche, nhưng với một kiểu nói đồi bại hơn: Một siêu nhân tự thoả thuê thần thánh mình bằng đau đớn của nạn nhân nó.

 

Vô thần của thế kỉ 19 chỉ là cơm thừa canh cặn của thế kỉ trước nó, chẳng có gì đáng nói. Sau khi Chế độ cũ (Ancien Regime = chế độ quân chủ) cáo chung, Ki-tô giáo phần nào đã phải tổ chức lại cơ cấu và nó đã vượt qua được khủng hoảng đó, và giờ đây lại lớn mạnh trở lại. Vô thần cũng vượt qua được những rào cản trước đây để vùng lên đối đầu với Ki-tô giáo. Nhưng toàn bộ cuộc đấu tranh chỉ còn lại ở tầm mức Don Camillo và Peppone. Những lí luận trí thức của Ludwig Feuerbach, như đã thấy, cũng chẳng còn hiệu lực. Mà rồi đây người ta đâu cần gì lí luận nữa, là vì Vô thần đã trở thành đại chúng hoá. Nó được nhận vào thiên đường cộng sản và xã hội chủ nghĩa như là một phần của í thức hệ chính trị hoặc ồn ào kéo bè kéo cánh vào trú ngụ trong phong trào đang hình thành của những người đòi tự do tư tưởng. Anatole France, một người vô thần công khai, đã thở dài về những người này: „Họ suy nghĩ như chúng ta... Họ có những tư tưởng tiến bộ của chúng ta. Nhưng tốt hơn, đừng nên gặp họ.“

 

Bao lâu còn có Hội đoàn, còn có thư kí, thủ quỹ, chủ tịch, bấy lâu thế giới còn ổn định, và mối lo sợ Hư vô còn nhạt nhoà đi trong chai bia cốc rượu của những buổi họp hội. Nhưng rượu vào thì lời ra: „Kẻ thù là Thiên Chúa. Khởi đầu của minh triết là lòng thù hận Thiên Chúa“, đó là câu đọc được trong tờ lá cải vô thần La libre pensée vào năm 1870. Cũng trong tháng đó, xuất hiện trên tờ L´ atée: „Người ta phải quyết định giữa Thiên Chúa hay vật chất!“ Gọi là tư tưởng tự do (libre pensée), nhưng chẳng thấy tự do ấy ở đâu cả trong cơn lên đồng của họ. Người ta tổ chức những màn kịch con nít đầy phạm thượng, chẳng hạn như vào năm 1868 với vở Bữa tiệc li để ăn mừng cái chết của Thiên Chúa, và hôm đó Gustave Flaubert có tham dự. Năm 1895 ở Paris người ta đóng đinh một con lợn sữa để ăn mừng Vô thần. Thiên Chúa của những người vô thần này cũng giống như Thiên Chúa đá banh của đội đối phương trong giải túc cầu thế giới. Cái lối say sưa la hét bịp bợm đến mù quáng như thế chẳng còn lôi cuốn được ai. Bởi vì chẳng ai còn lạ gì: Tin là chuyện khó, nhưng không tin và sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả của nó hẳn còn khó hơn. Về sau, Jean Paul Sartre có nói : «Không phải ai cũng là người vô thần như họ muốn.

 

6.   CON TRAI ÔNG MỤC SƯ GIỀT THIEN CHÚA

 

Nhưng thế kỉ 19 cũng là thời điểm chứng kiến một sự ngờ vực niềm tin vào Thiên Chúa nghiêm trọng nhất từ xưa tới nay. Ngay từ đầu thế kỉ, thi sĩ người Đức Jean Paul dùng miệng những người chết đang chờ được cứu rỗi nơi nghĩa trang hỏi Chúa Ki-tô: „Này đức Ki-tô, Ngài không phải là Thiên Chúa?“. Chúa Ki-tô trả lời: „Không ai là Thiên Chúa cả. Tất cả chúng ta, tôi và các bạn, đều là mồ côi cả, chúng ta không có cha.“ Jean Paul mô tả sự sợ hãi hoảng hốt của những người vô thần đích thực trước cảnh Hư vô. Chính ông, nhờ cái sợ đó, đã tìm được tới Thiên Chúa.

 

Nhưng vào cuối thế kỉ, con trai một ông mục sư quản xứ đã vẽ lên một con đường triệt để dẫn tới Hư vô, và anh ta cũng đã bước theo con đường đó. Người con trai này mang tên Friedrich Nietzsche (1844-1900), thủa nhỏ rất mực đạo đức. Lên 18 tuổi, cậu bắt đầu ngờ vực đức tin, và ngờ vực này đã sớm trở thành cực đoan, nghi ngờ luôn cả chính Thiên Chúa. Nietzsche không như Feuerbach cắt nghĩa về nguồn gốc đức tin. Anh vào thẳng vấn đề. Anh bước vào Vô thần với một trí tuệ thực tiễn và một con tim nồng nàn nhựa sống. Anh không đi với ai, không chạy theo ai, chẳng lập ra phong trào hay hội đoàn nào. Nhưng những nhát búa của Nietzsche đập vỡ cái Vô thần hội đoàn mù quáng, đám này tự cho mình là đỉnh cao của trí tuệ loài người, nhưng thật ra bì bõm dưới sình với những cái nhìn và tiên kiến cũ rích và hâm đi hâm lại. Một đoạn nổi tiếng trong Fröhliche Wissenschaft (Khoa học tươi vui), qua đó Nietzsche mượn „kẻ ngông cuồng“ lên tiếng:

 

Hắn la lên, Thiên Chúa đi đâu? Ta muốn nói cho các ngươi hay! Chúng ta - các ngươi và ta - đã giết Người! Tất cả chúng ta là kẻ sát nhân của Người! Nhưng chúng ta đã hành động như thế nào? ... Chúng ta chẳng nghe gì cả tiếng ồn ào của đám nhà đòn đang chôn Thiên Chúa ư? Chúng ta chẳng ngửi thấy gì cả mùi xác rữa của Thiên Chúa ư? - Cả các thần linh cũng thối rữa! Thiên Chúa đã chết! Thiên Chúa sẽ chết mãi! Và chúng ta đã giết Người! Chúng ta, kẻ sát nhân của mọi kẻ sát nhân, làm sao an ủi nhau đây? Cái linh thiêng và uy lực nhất, mà trần gian có cho tới nay, đã bị đổ máu vì những lát dao của chúng ta, - ai sẽ lau máu này khỏi chúng ta? Chúng ta có thể lấy nước gì để tẩy sạch con người chúng ta? Chúng ta còn phải tạo ra những lễ hội tội lỗi, những trò chơi linh thiêng nào nữa? Phải chăng sự lớn lao của hành động đó quá lớn đối với chúng ta? Phải chăng chính chúng ta phải trở thành thần linh, để may ra xứng đáng với họ?

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

TRONG SỐ TỚI : tiếp Chương NĂM - Phần 3

 

 



[1] Ga-li-lê: 1564-1642, nhà toán học, vật lí và thiên văn người Í. Ông đã tạo ra một mâu thuẫn lớn với Giáo hội ki-tô giáo thời đó khi công khai cổ vũ cho thuyết Quả đất xoay quanh Mặt trời. Ông coi thuyết này là chân lí, trong khi Giáo hội yêu cầu ông cứ chấp nhận nó như một giả thuyết và đừng tiếp tục viết sách công khai cổ xuý cho thuyết đó. Vì đã không tuân giữ lời hứa về chuyện thôi viết sách, cuối cùng ông đã bị Giáo hội cấm viết và bị quản thúc tại gia.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương V - Phần 3 (12/5/2009)
Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương V - Phần 2 (12/1/2009)
Mặc Khải Về Thánh Thể Trong Gioan 6: Niềm Hy Vọng Hằng Sống, Bài #5 (11/29/2009)
Mặc Khải Về Thánh Thể Trong Gioan 6: Niềm Hy Vọng Hằng Sống, Bài #4 (11/27/2009)
Mặc Khải Về Thánh Thể Trong Gioan 6: Niềm Hy Vọng Hằng Sống, Bài #3 (11/23/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Bí Tích Hòa Giải (3)-- Sức Mạnh Sự Phục Sinh Của Người (11/10/2009)
Tin/Bài khác
Cái Gai Thứ 1 Đâm Trái Tim Chúa Giêsu : Phạm Tội Trọng (6/27/2009)
Trái Tim Chúa Giêsu Mong Muốn Cho Người Ta Được Phần Rỗi Các Linh Hồn (6/25/2009)
Trái Tim Chúa Giêsu Ước Ao Cho Nhân Loại Tôn Sùng Ðức Mẹ (6/22/2009)
Nhân Đức Thứ 4: Lòng Khiêm Nhường (6/20/2009)
Nhân Đức Thứ 3: Yêu Thánh Giá, Vui Chịu Đau Khổ (6/19/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768