TIN VUI GỬI NGƯỜI SỢ THÀNH MA ÐÓI (CN 32B)
Dịp đầu tháng 11 ở Mỹ trẻ em có thói chơi trò Ma Ðói. Chúng
hóa trang thành những con ma với hình dáng ghê sợ khủng khiếp đi từng đàn lang
thang xin ăn với lời đe dọa: bị phá hoặc là cho ăn (trick or treat)!
Trò chơi này đã trở thành phổ thông đúng là một thời điểm
cho tâm trạng con người ngày nay. Trong thâm tâm nhiều người mang mặc cảm tội
lỗi khó được siêu thoát mà phải bị “giam hãm” thành những con ma đói. Bởi vì
người ta đã phí phạm đời sống, đã chẳng chuẩn bị mang theo gì về đời sau mà xây
nhà vĩnh cửu.
Nhìn kỹ và phân tích chất máu tức nét văn hóa con người thời
đại, người ta ngỡ ngàng nhận ra khuynh hướng vơ vào hơn là cho ra, lo vun quén
cho lợi tức gia tăng, cho những tiêu sài mua sắm. Đứa trẻ lớn lên được tạo khuôn
thành “rốn vũ trụ” (self-centered) với cái khuynh hướng giáo dục xem ra hợp tâm
lý là tạo tự tín (self confident). Những từ như hy sinh quên mình, cho đi... hầu
như thiếu vắng trong ngôn ngữ thông thường. Và như vậy, con người càng ngày càng
trở thành ích kỷ hơn ra chăng? Người ta lo thu tích vun quén vơ vào… và chờ mong
người khác đáp ứng nhu cầu của mình hơn là nghĩ tới chuyện cho đi hoặc là làm
một điều gì tốt đẹp cho đời.
Có thể vì "trí nhớ ngắn" dù vẫn thương xuyên chứng kiến bao
đám tang, ngay cả những người chết đột ngột và còn rất trẻ, cũng vẫn chẳng nghĩ
kịp tới chuyện một ngày gần đây mình cũng sẽ chết. "Con người là con vật kinh
tế" mà. Chết như vậy là hết theo nghĩa duy vật và duy con vật. Ra sức mà làm cho
mình và người khác ra như vậy mà lại lớn tiếng hô hoán là cổ võ văn hóa nhân bản
mới lạ! Thân xác mình có thể chỉ là một bị thịt bầy nhầy những đam mê dục vọng
hay những nhu cầu ăn uống của động vật tính. Cuộc sống không còn lấy một phút an
tĩnh để hướng về tâm linh, mà chỉ còn biết vật lộn với những nhu cầu vật chất.
Quả thật niềm tin mình chỉ là con vật bởi khỉ mà ra hay do
vật chất biến hóa mà thành thì cũng hành xử theo động vật tính đó, và tạo ra một
nền văn minh và văn hóa của những động vật mang mặt người, như lời một nhà thơ
nào đó:
Bốn ngàn năm ta lại là ta
Từ trong hốc đá chui ra
Vươn vai mấy cái rồi ta chui
vào.
Người đàn bà góa và nghèo trong Tin Vui hôm nay đã biết "đầu
tư" một trương mục đường dài, đã biết bỏ vào đó tất cả những gì mình có, để sẵn
của mà nuôi hồn chứ không muốn trở thành con ma đói!
Tháng 11 là tháng dừng chân nhìn xa hơn và cao hơn lên một
chút, nhìn về đời sau: tôi sẽ đi về đâu sau một quảng ngắn ngủi trên cuộc sống
trần gian này? Một bia mộ trong một nghĩa trang đã khắc mấy hàng chữ tóm lược
tất cả mọi sinh hoạt cuộc sống trong mấy chục năm trời xoay xở nhớn nhác thu góp
tích trữ như thế này:
Những gì tôi đã tích trữ nay không
còn nữa.
Những gì tôi đã mua sắm ngay người
khác sài.
Những gì tôi đã cho đi nay là của
tôi.
Hôm nay con ngồi nhìn lại cuộc sống của mình từ lúc vào đời.
Chắc chắn có một ngày mình cũng sẽ chết. Thân xác này sẽ bị hủy hoại thối rữa
trong ba ngày hay một thời gian ngắn. Mình sẽ tự hỏi: Những gì còn lại để mang
theo vào thế giới bên kia mà xây cho mình một ngôi nhà vĩnh cửu có Ðấng Hằng
Sống hằng ngự trị?
Cuộc sống mình càng lo bon chen vơ vét càng thêm đầy đặc đến ngột ngạt
căng thẳng mà mãi không thỏa! Lúc này mới thấy cần thiết phải dừng chân dành cho
mình một khoảng trống để nhìn lại chính mình mà cất lời trần tình theo lời thơ
Nguyễn Trùng Khánh:
Soi gương nhìn lại chính
mình
Men say đã thấm nhuộm tình đời
cay
Giật mình lạ lẫm thân gầy
Ô hay có phải ta đây không
kìa?
Kiếp ngắn dài, một mộ bia
Xoay vần cát bụi ngày lìa dương
gian.
Dừng chân đếm túi hành
trang
Những gì còn lại chuỗi vàng lời
kinh.
Trần Cao Tường, Lm.
|