Cho đi
Người ta trắc nghiệm một
quà tặng không phải bằng số lượng của
nó, nhưng bằng sự mất mát mà người cho
phải chịu.
Chúng ta phải cho điều gì thật
sự có một giá trị đối với chúng ta. Đó
không phải là cho cái nếu không có chúng ta vẫn sống
được mà là cho cái nếu không có, chúng ta không thể
sống được hoặc chúng ta không muốn
thiếu nó trong cuộc sống: Loại cho này làm chúng ta
bị tổn thương. Nhưng đó chính là tình yêu
đang hành động. Khi người cho cũng rất cần
của cho như người nhận. Đó mới là
sự cho thật. Và lúc đó, sự cho thành một sự
hy sinh.
Mẹ Têrêxa kể lại một câu
chuyện. Một ngày nọ, mẹ đi xuống phố
và một người ăn mày đến gặp mẹ và
nói: “Thưa mẹ Têrêxa, mọi người đều cho
mẹ tiền. Tôi cũng muốn cho mẹ tiền. Hôm nay,
suốt cả ngày, tôi chỉ có được ba
mươi xu. Tôi muốn cho mẹ số tiền ấy”.
Mẹ Têrêxa suy nghĩ một lúc:
“Nếu tôi lấy ba mươi xu thì tối nay anh ta sẽ
phải nhịn ăn; còn nếu tôi không lấy, tôi sẽ
làm tình cảm anh ta tổn thương. Vì thế tôi
đưa tay ra để lấy số tiền ấy. Tôi
chưa bao giờ thấy được niềm vui như
thế trên khuôn mặt ai như trên khuôn mặt của
người ăn mày đó khi anh ta nghĩ rằng mình
cũng đã cho tiền mẹ Têrêxa”.
Mẹ Têrêxa nói tiếp: “Đối
với người đàn ông nghèo này, phải ngồi
suốt cả ngày để chỉ xin được ba
mươi xu. Đẹp biết bao: ba mươi xu như
thế là một món tiền nhỏ, và có thể tôi chẳng
mua được gì nhưng vì anh ta đã cho nó và tôi đã
lấy nó, nó trở nên gấp ngàn lần bởi vì nó đã
được cho với bao yêu thương. Thiên Chúa nhìn
thấy không phải là sự to tát của công việc, mà
vào tình yêu thương qua đó công việc được
hoàn thành”.
Các bài đọc hôm nay kể lại
những câu chuyện tương tự về lòng quảng
đại. Hai bài nói về hai con người rất nghèo:
hai bà góa. Chúng ta tự hỏi làm thế nào mà một
người nghèo như bà góa trong Tin Mừng lại có
thể làm được một hành động tốt
lành tự phát đến như thế. Người ta
cần phải trung tín thực hành lòng quảng đại
trong nhiều năm để có được tấm lòng
nhân hậu như bà. Nó được hình thành không phải
bằng một ít công việc lớn lao mà bằng nhiều
công việc nhỏ bé.
Nếu bạn chiếm được
một địa vị cao trong đời sống,
bạn có một cái danh phải giữ. Bạn ý thức
sự hiện hữu của mình trong con mắt của
quần chúng. Vì thế khi bạn làm một điều
tốt bạn phải làm thế nào để nó gây ấn
tượng cho những người khác hơn là
để cho điều tốt ấy xuất phát từ
lòng nhân hậu của tâm hồn bạn. Điều này
đưa vào một yếu tố cho việc hoàn thành –
bạn hoàn thành cho một số khán giả.
Có một địa vị thấp
(như bà góa) có thể có lợi ích. Nó có nghĩa bạn
không bị để ý nhiều. Bằng cách đó,
những gì bạn làm hoặc cho có cơ may là những
sự việc vô danh. Công việc bạn làm càng dễ dàng
xuất phát từ tâm hồn của bạn.
Mặc dù không ai khác nhận ra việc bà
góa đã làm, Đức Giêsu nhận ra nó và ca ngợi bà.
Biết rằng một việc làm yêu thương dù
nhỏ không thoát khỏi ánh mắt dõi theo của
Người là một điều thích thú. Chúng ta tốt
biết bao khi nhận ra công việc những người
khác làm và khẳng định chúng! Đáng buồn là thật
ra chúng ta quá chú tâm về mình đến nỗi chúng ta không
còn nhận ra cũng không quan tâm đến những công
việc ấy.
Bà góa trong câu chuyện Tin Mừng đã
cho tất cả những gì thuộc về bà. Bà cho đi
mọi sự an toàn nhỏ nhặt nhất và phó thác hoàn
toàn chính mình cho Thiên Chúa. Vì thế, câu chuyện ấy
vừa là câu chuyện về sự tín thác vào Thiên Chúa, vừa
là câu chuyện về lòng quảng đại.