Tin tưởng
Một người mù hết lòng tin
tưởng kêu xin Chúa cứu chữa và Chúa đã cho anh
được toại nguyện. Đó là một bài
học, một gương sáng cho chúng ta trong việc
cầu xin Chúa.
Tên anh mù là Batimê, ngày nào cũng vậy,
anh ngồi bên lề đường ở cổng thành
Giêricô để ăn xin mọi người qua lại. Nhưng
hôm nay, không hiểu có chuyện gì mà ồn ào nhộn
nhịp thế? Anh hỏi và người cho anh ta biết
có Đức Giêsu đi qua đây. Nghe nói đến
Đức Giêsu mà từ lâu anh đã nghe đồn về
lòng từ bi và những phép lạ Ngài làm. Đây là dịp
may cho anh nên anh kêu xin với bất cứ giá nào: “Lạy
ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”.
Lời kêu xin này, chúng ta thấy có
một điều đặc biệt, khác thường.
Anh không chỉ thưa: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ
lòng thương tôi”. Anh kêu đúng tên và tước hiệu
của Chúa, anh tuyên xưng danh Chúa trước mặt
mọi người, kể cả trước những
người Pharisêu và kinh sư có mặt trong đám đông
đó.
Trong Cựu ước, tước
hiệu “con vua Đavít” là tước hiệu nói lên
niềm hy vọng của dân Do Thái vào một vị cứu
tinh sẽ giải thoát họ khỏi ách nô lệ và đem
lại vinh thắng cho đất nước. Trong Tân
ước, tước hiệu này đã được
sứ thần Gabrien nhắc tới khi truyền tin cho
Đức Maria, đó cũng là lời dân chúng tung hô Chúa
Giêsu khi Ngài khải hoàn vào Giêrusalem ngày lễ lá.
Ở đây, anh mù kêu xin Chúa bằng
tước hiệu “con vua Đavít” nghĩa là anh nhận ra
Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai, Đấng
Cứu Thế. Vì vậy lời cầu xin mang một tính chất
khác, anh không xin Đức Giêsu như xin những
người khác, những người chỉ có thể giúp
cho anh một chút tiền, một chút của ăn
để sống qua ngày. Lời cầu xin ấy chắc
chắn là hoa trái của một niềm tin sâu xa trong lòng
anh. Anh tin vì đã nghe người ta đồn thổi
về một ông Giêsu đã làm những điều kỳ
diệu, và niềm tin ấy còn đi xa hơn nữa: ông Giêsu
lạ lùng ấy chính là Đấng Mêsia, là Đấng có
khả năng cứu anh khỏi cảnh mù lòa, khỏi tình
trạng bi đát, khốn khổ.
Chúa Giêsu đã nghe thấy tiếng kêu xin
của anh và Chúa biết được lòng tin của anh,
nên Chúa không cấm anh nói ra tước hiệu của Ngài
như những lần khác, vì lúc này cũng gần đến
ngày Chúa chịu nạn, nên Chúa muốn chân nhận công khai
tước hiệu đó, và Chúa đã thương anh
thực sự bằng câu nói: “Lòng tin của anh đã
cứu anh”. Thế là anh được sáng mắt, xem
thấy rõ mọi người và thấy rõ chính Chúa.
Bài học hữu ích cho chúng ta là lòng tin và
lời cầu xin của người mù này. Chúng ta thấy
anh tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai và anh đặt hết
lòng tin vào quyền năng của Chúa, chỉ có Chúa mới
có thể cứu giúp anh, nên anh kêu xin Chúa, anh gào to xin Chúa, khi
mọi người bảo anh im đi, anh càng gào to hơn
để Chúa nghe thấy. Chúa đã thương cứu chữa,
cho anh được sáng mắt do lòng tin tưởng sâu xa
của anh. Đây là một bài học quý giá cho chúng ta.
Thực vậy, Chúa đã ban cho chúng ta
một bí quyết để được cứu giúp là
tin tưởng cầu nguyện. Trước hết, chúng
ta phải hết lòng tin tưởng vào Chúa. Chúng ta phải
tin rằng: trên vạn nẻo đường của chúng
ta, không phải chúng ta đi tìm kiếm Chúa cho bằng chính
Chúa theo đuổi và tìm kiếm chúng ta. Và trong mọi
biến cố cuộc sống, chúng ta phải tin rằng:
lúc nào Chúa cũng có mặt: trong an vui hạnh phúc hay trong
thất bại khổ đau, Ngài luôn ở bên cạnh chúng
ta để mời gọi chúng ta tin tưởng vào tình yêu
thương của Ngài. Ngay cả khi chúng ta muốn
khước từ và gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc
sống. Ngài vẫn tiếp tục theo đuổi chúng ta.
Kinh Thánh đã ví Thiên Chúa như một người tình chung
thủy, lúc nào cũng chờ đợi, lúc nào cũng nài
nỉ, lúc nào cũng vỗ về, lúc nào cũng tha thứ,
lúc nào cũng yêu thương. Như thế, lúc nào chúng ta
cũng phải tin tưởng vào Chúa: trong an vui thịnh
đạt, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa, trong
thất bại khổ đau, chúng ta tin tưởng phó
thác, và ngay cả những lúc vấp ngã vì yếu
đuối, chúng ta cũng hãy tin tưởng vào lòng tha
thứ vô bờ của Ngài. Tóm lại, đức tin
của chúng ta phải đơn sơ nhưng phải phó
thác hoàn toàn như đứa trẻ đặt vào cha
mẹ chúng. Bất cứ đứa trẻ nào cũng tin
tưởng cha mẹ chúng có thể làm tất cả
những gì mà chúng yêu thích, ước mong, chúng ta cũng
phải có đức tin như thế. Rồi chúng ta
thể hiện đức tin đó bằng cầu
nguyện. Cầu nguyện có một sức mạnh có
thể lay chuyển cánh tay vạn năng của Chúa,
cầu nguyện là cơ hội để Chúa can thiệp
vào hoàn cảnh của chúng ta, cầu nguyện thật và
cầu nguyện đúng như Chúa dạy sẽ giúp chúng ta
chạm vào bản tính toàn năng của Chúa. Nói tóm lại,
tất cả mọi vấn đề trong cuộc
sống của chúng ta sẽ được Chúa giải
quyết qua lời cầu nguyện đầy tin
tưởng và thực tâm của chúng ta.
Vậy tại sao có biết bao lần
chúng ta cầu xin mà không được hay chưa
được? Chúng ta cần phân biệt: “Chúa nghe lời chúng
ta” và “Chúa ban điều chúng ta xin”. Thiên Chúa có thể không
cho điều chúng ta xin mà vẫn nghe lời chúng ta, bởi
vì khi chúng ta cầu xin, Thiên Chúa có thể đáp ứng
nhiều cách: hoặc ban chính điều chúng ta xin, hoặc
chúng ta xin một ơn, Ngài ban một ơn khác, cũng có
khi chúng ta không xin, nhưng Thiên Chúa nhìn xa, Ngài ban cho chúng ta điều
chúng ta cần thiết mà chính chúng ta không nghĩ tới, cũng
có thể chúng ta cầu xin hoài mà Chúa không cho hay chưa cho,
là vì Chúa muốn tăng thêm đức tin của chúng ta khi cầu
xin. Vì vậy, trước hết và trên hết chúng ta hãy
xác tín: Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn yêu thương chúng ta.
Ngài có làm cho chúng ta được toại nguyện hay
không, hoặc Ngài nhận lời cầu xin của chúng ta
theo cách nào thì cũng đều là vì ích lợi cho linh
hồn chúng ta mà thôi.
Tóm lại, Thiên Chúa là một
người Cha đầy tình yêu thương. Ngài muốn
chúng ta đến với Ngài, Ngài luôn sẵn sàng cứu giúp
chúng ta, với điều kiện chúng ta tin Ngài và xin Ngài.
Vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc
sống chúng ta hãy hết lòng tin tưởng và tha thiết
cầu xin như người mù hôm nay, chúng ta sẽ
thấy được quyền năng Thiên Chúa thể
hiện trong cuộc đời chúng ta.
|