3. Phải chăng Thiên Chúa muốn dùng Đau Khổ để dạy bảo con người?
Một quan niệm khác: Đau khổ sẽ dạy cho chúng ta được nhiều bài học, sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn, Thiên Chúa cũng giống như cha mẹ, rất thương con nhưng thỉnh thaỏng vẫn phải sửa trị con mình bằng hình phạt vì lợi ích của riêng nó. Một người mẹ nhất định không cho con ăn kẹo trước khi đi ngủ vì sợ con hư răng là một bà mẹ tốt, có trách nhiệm. Một người cha quan tâm giáo dục con cái sẽ bắt nó ở nhà làm bài xong mới được đi chơi. Đứa trẻ lúc đó sẽ tức tối phàn nàn tại sao cha mẹ lại khắt khe với nó như vậy, bởi vì nó còn bé. Khi lớn lên, nó sẽ hiểu và biết ơn những kỹ luật áp đăth ngày xưa của cha mẹ.
Thiên Chúa cũng giống như cha mẹ, phải chăng Ngài bảo vệ chúng ta khi nguy hiểm gần kề, Ngài hạn chế ban tặng những ước muốn lòng tham không đáy của con người, Ngài sửa phạt chúng ta khi cần thiết và Ngài kiên nhẫn chịu đựng những sự tức giận của nhân loại oán trách Ngài bất công? Nếu một người không có bất cứ kiến thức về y khoa, bước vào phòng giải phẩu của một nhà thương, có lẽ anh sẽ nghĩ rằng các bác sĩ và y tá đều là những kẻ sát nhân đang tra tấn, cắt xẻo, khâu vá, đâm thọc người bệnh. Chỉ có ai hiểu được phương pháp giải phẩu sẽ thấy rằng ‘lương y như từ mẫu’ đang tìm cách cứu sống bệnh nhân chứ không phải tran tấn họ. Phải chăng Thiên Chúa cũng dùng những dao kéo đau đớn của phòng giải phẫu cứu chúng ta?
Chị họ tôi, con bà bác, đứa con cưng đẹp gái nhất nhà, cũng vừa xấp xỉ hai mươi. Qua Mỹ được vài năm, ban ngày đi học ban đêm giúp nhà hàng cho ông anh. Vào một đêm tình cờ, hai thằng Mỹ đen xông vào nhà hàng cướp của. Chị chưa kịp phản ứng đã bị bắn ngay đầu, ngã xuống chết liền tại chỗ. Chẳng có lời an ủi nào xoa dịu được niềm đau của gia đình bác tôi. Hỏi rằng đau khổ trong trường hợp này, có dạy dỗ cho ai được điều gì không?
Bạn học trên lớp tôi xưa ở Trạm hành Đà Lạt, vượt biên sang Mỹ, anh rất hiền lành, tài năng đức độ. Một ngày nọ, trên đường về nhà, anh cho một thằng Mỹ đen quá giang, nó giết anh cướp xe bỏ chạy. Làm ơn mắc oán. Anh bạn tôi
có muốn học cái gì từ đau khổ cũng đều quá trễ, vì anh đã chết thảm thương.
Tất cả những lời chia buồn, khuyên nhủ, an ủi, vỗ về thường chẳng giúp gì được cho gia đình nạn nhân. Bởi vì những lời lẽ đó hình như chỉ để bào chữa cho Thiên Chúa, biến tai hoạ thành may mắn, biến đau khổ thành một ‘vinh dự’. Dĩ nhiên những vết dao điêu luyện của một bác sĩ có thể cứu sống nạn nhân, nhưng không phải bất cứ vết dao nào chém xuống thân thể người khác đều chữa lành họ. Dĩ nhiên đôi khi chúng ta phải cương quyết cấm đoán hay ngăn con cái làm làm việc này hay việc khác vì ích lợi của chúng nó, nhưng khônmg pahỉ bất cứ cấm đoán, ngăn cản hay đau khổ nào cũng đều mang lại ích lợi cho con cái.
Tôi sẽ sẵn sàng tin theo lập luận ‘đau khổ dạy dỗ và giúp chúng ta trưởng thành’ nếu tôi hiểu được sự liên quan mật thiết giữa hình phạt và tội lỗi của tôi. Một người cha khi răn dạy con cái, bởi vì những lầm lỗi chúng đã làm, mà không bao giờ cắt nghĩa cho chúng biết tại sao chúng bị phạt, thì người cha đó đã đi ngượic lại phương pháp giáo dục. Vậy nếu giải thích rằng đau khổ là những bài học quí giá mà Thiên Chúa đã dùng để dạy bảo những đứa con hư, tại sao Ngài không cho biết những lý do chính đáng trước khi xử dụng hình phạt? Tại sao Ngài cứ im lặng?
Vài năm trước đây tại Úc, vì sự lơ là của cha mẹ, đã có mấy em nhỏ chạy đuổi nhau bên cạnh hồ bơi lỡ trượt chân ngã xuống hồ chết đuối. Tại sao Chúa lại để cho những em bé vô tội chết oan? Chẳng dạy cho các em được bài học nào cả, vì chưa dạy thì các em đã chết. Hay là Chúa muốn dạy cho cha mẹ và những người coi sóc lần sau phải cẩn thận hơn? Bài học quá đắt giá! Phải chăng Chúa muốn cha mẹ trở nên những người ngoan đạo, tốt lành, biết thương người, biết quí trọng đời sống, biết xả thân tranh đấu cho luật lệ làm hàng rào quanh hồ bơi để đề phòng cho hàng trăm em bé trong tương lai?
Nói sao đi nữa, giá phải trả đều quá đắt cho cái chết của các em. Và không lẽ Thiên Chúa lại cố ý tạo dựng các em bé tật nguyền, để chúng ta khi nhìn vào sẽ biết yêu thương, biết tội nghiệp các em, đồng thời cũng cảm thấy mình may mắn mà tạ ơn Thiên Chúa? Tôi không tin Thiên Chúa nhân từ có thể dùng những bất hạnh của một vài người như những con cờ thí để dạy bảo kẻ khác.
4. Đau Khổ để thử thách?
Nếu nhiều cha mẹ có những đứa con tật nguyền thường được khuyến khích đọc Kinh Thánh, chương 22 sách Khởi Nguyên, để hiểu và chấp nhận gánh nặng ‘Chúa ban’. Câu truyện như sau: Chúa ra lệnh cho tổ phụ Abraham đem con đầu lòng yêu dấu là Isaac lên núi hiến tế làm lễ vật hy sinh cho ngài để tỏ lòng trung tín. Khi Abraham vượt qua được thử thách này, Chúa đã hứa ban cho ông con cái đông đúc như sao trên trời như cát dưới biển.
Giáo dân Việt Nam ngoan đạo thường tin tưởng rằng: Đau khổ là thử thách của Chúa, bởi vậy bảo đảm Chúa sẽ không trao cho ai một gánh nặng quá sức chịu đựng của họ. Tôi nhớ đến câu truyện đau lòng này: Người mẹ có đứa con vừa chết trong một cuộc giải phẫu không thành công, cô y tá liền kéo bà sang một bên khuyên nhủ: “Tôi biết chị rất đau khổ, nhưng tôi cũng biết rằng chị sẽ vượt qua được mất mát lớn lao này, vì Thiên Chúa gởi tới những thánh giá nặng nề như vậy cho những người đủ sức mạnh chịu đựng mà thôi!” Bà mẹ tội nghiệp, tay gạt nước mắt trả lời:
“Thưa chị, nếu chị nói vậy thì giá tôi là một người đàn bà yếu đuối hơn, chắc con tôi vẫn còn sống?”
Không ai phủ nhận lòng tốt của cô y tá muốn an ủi người mẹ đau khổ, rất tiếc, lời xoa dịu của cô trong trường hợp này, đã phản tác dụng.
Dĩ nhiên có một số người, nhờ trải qua những kinh nghiệm khổ đau, đã trở nên vững mạnh hơn, nhưng tôi cúng thấy nhiều gia đình tan vỡ sau cái chết của một người co, vì cha mẹ đổ lỗi cho nhau trong vấn đề chăm sóc lơ là, những người khác bị tai nạn tàn tật chân tay, đã ganh ghét với mọi người chung quanh và tính tình biến đổi khó chịu bất thường. Tôi đã thấy những vụ quên sinh tự tử vì không chịu nổi sự đau đớ triền miên trên giường bện ung thư. Nếu Chúa dùng đau khổ để thử thách nhân loại, nếu Ngài chỉ trao gánh nặng cho những người giỏi chịu đựng, có lẽ Ngài cũng nên biết là rất nhiều người đã không vượt qua được những thử thách đó. Họ thất bại đầu hàng, và tuyệt vọng.
(Còn tiếp)
LM Giuse Đinh Thanh Bình
|