CHƯƠNG MỘT
Những lập luận thường dùng để giải thích và cắt nghĩa đau khổ
Một gia đình ngoan đạo thánh thiện, đột nhiên phải liên tiếp chịu đựng những tin buồn ập tới: Tháng này người cha mất việc, tuần sau người mẹ ốm liệt giường, hôm qua anh bị đụng xe, mới đây chị ra đường trời mưa trượt té gãy chân…
Giở xem một trang báo, tin tức nóng hổi: Những kẻ sát nhân lãnh án tử hình; bà cụ già bị cướp tấn công hảm hiếp; chú rể trên đường tới đón cô dâu bị tai nạn xe hơi chết tại chỗ; trận bão tháng 6 quét về Ấn Độ, hàng chục ngàn người chết trôi lềnh bềnh. Tại Phi Châu, súng đạn dư thừa để chém giết nhau, nhưng cơm gạo thiếu thốn, chết đói như rạ…
Trong thiên chức linh mục, tôi đã dâng lễ cầu hồn cho nhiều người, đã cố gắng an ủi khuyên nhủ những tan vỡ giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái. Tôi đã ngồi hàng giờ để lắng nghe những lời tỉ tê than thở, những tiếng khóc uất nghẹn không ngưng khi họ dài dòng kể lể về những đau khổ phải gánh chịu.
Làm sao tôi có thể tiếp tục hướng dẫn hay xoa dịu họ bằng những lý thuyết của lòng Chúa nhân từ, yêu thương? Làm sao tôi có thể mở miệng ca tụng công lý hoà bình của một thế giới tốt đẹp? Tôi đã thấy những gia đình, ngay cả toàn thể cộng đoàn dân Chúa, cùng nhau quì gối khiêm nhường cầu nguyện cho sự bình phục của một thành viên đạo đức bệnh ung thư máu, và đã thấy sự thật hiển nhiên, hy vọng tiêu tan, cầu nguyện tưởng như vô ích, bệnh nhân tới ngày vẫn nhắm mắt xuôi tay. Khi phải đối diện với một khuôn mặt ngập ngụa nước mắt của một bà mẹ gào khóc trên xác con lạnh giá, hỏi bạn, tôi phải giải thích làm sao?
1. Phải chăng Chúa dùng Đau Khổ để trừng phạt tội lỗi con người?
Năm ngoái tại trường tôi dạy, Salesian College, Brooklyn Park, một cậu học sinh lớp 12 đang chơi đùa vui vẻ với bạn bè trong giờ nghỉ, bỗng ngã xuống bất tỉnh, chết thản nhiên, chết như một chiếc lá mùa thu thảnh thơi rơi cành, không một đau đớn, chưa kịp những luyến lưu từ giã trong nước mắt tiếc thương.
Tôi tới thăm gia đình, chẳng biết phải làm sao để xoa dịu vỗ về một mất mát quá lớn lao. Tôi tưởng rằng mình sẽ thấy mọi người bu lại nức nở khóc than, tiếng kêu gào chắc sẽ sầu thảm cay đắng. Tôi đã lầm, và cũng không thể ngờ khi chính tay nghe được câu nói run run đầu tiên của cha mẹ cậu học sinh:
“Cha biết không? Chúng con đã bỏ đi lễ đọc kinh cả năm nay…”
Tại sao họ lại nói vậy? Tại sao họ lại tự nhận trách nhiệm của cái chết của người con? Ai đã giảng dạy để họ tin vào một Thiên Chúa, Người đã vung tay giết chết một thanh niên học giỏi tài đức khôn ngoan để trừng phạt sự lười biếng của chính họ?
Tục ngữ Việt nam có câu: ‘Đời cha ăn mặn đời con khát nước’, bởi thế, làm gì cũng nên cẩn thận để đức lại cho con. Ai cũng phải lãnh nhận những hình phạt do tội lỗi của mình gây ra. Thiên Chúa công bình lắm, thượng phạt rất phân minh. Vì tin tưởng như vậy, nên mọi người cần phải làm lành lánh dữ. Thiên Chúa nhân từ, quyền năng và thông biết mọi sự, cha mẹ cậu học sinh không phải là người ngoan đạo, nên Chúa phạt họ? Nên bây giờ họ ngồi đó ăn năn, giá chúng ta chịu đi lễ đọc kinh hằng ngày, chắc con chúng ta không đến nỗi chết? Họ trách Chúa tại sao tàn nhẫn quá, nhưng lại chấp nhận ‘hình phạt’ của Ngài. Còn giở giọng la lối biết đâu Ngài lại phạt thêm? Cuộc đời đã nhẫn tâm với họ, tôn giáo chẳng những không an ủi được họ, lại còn áp đặt lên họ những lý thuyết thưởng phạt nghiêm khắc như toà án thời Trung Cổ: chặt đầu, thiêu sống, treo cổ tử hình. Lý thuyết nhân quả - gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành - rất hợp lý để chúng ta giải thích cho những tai ương thảm kịch xảy đến trong cuộc đời. Tuy vậy, gieo hạt tốt chưa chắc gặt được lúa thơm. Khi ruộng nương đã trổ đòng đòng, hứa hẹn một vụ mùa trúng lớn, bỗng nhiên trận cuồng phong từ đâu thổi tới, phá tan tành, phá bầm dập sức sống nhú mầm, phá nát ước mơ chén cơm đầy lót dạ, xé rách manh chiếu vá ngả lưng, tất cả chỉ còn lại đôi dòng nước mắt nhạt nhoà bờ môi mặn đắng. Và như thế, ở hiền chưa chắc gặp lành. Khi tai hoạ xảy đến cho người hiền, nếu dùng lý thuyết nhân quả, chắc chắn họ sẽ mang nặng mặc cảm tội lỗi: “Lạy Chúa! Con đã làm gì nên tội để phải lãnh nhận hậu quả khủng khiếp này?"
Nếu họ không tìm ra được trọng tội nào, họ sẽ oán trách chính họ và oán trách sao Chúa thẳng tay. Từ oán trách đến ghét bỏ không xa, đạo nghĩa chẳng được gì, giữ làm chi mất công, tốn giờ nhà thờ nhà thánh, đi chơi sướng hơn! Câu chuyện có thật: Một cậu học sinh mười tuổi đi khám mắt định kỳ như thường lệ, lần này cậu phải đeo kính cận. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì cha mẹ và chị đều đeo kính. Nhưng không hiểu tại sao, cậu rất tức giận, khóc lóc và la hét um sùm. Sau một hồi khuyên nhủ và an ủi, mẹ cậu hiểu được lý do khi nghe cậu kể lại: Một tuần trước ngày đi khám mắt, cậu và hai anh bạn khác lục lọi đống sách trong nhà người hàng xóm để tìm truyện đọc, không ngờ họ kiếm ra được một cuốn ‘Playboy’. Biết rằng không nên, nhưng họ vẫn chăm chú lật xem những tấm hình phụ nữ khó nghèo chẳng có được một mảnh vải che thân. Bây giờ đo độ phải đeo kính cận, cậu kết luận rằng đây là hình phạt của Thiên Chúa dành cho cậu vì cậu dám coi hình con gái không chịu mặc quần áo.
Khi thấy một tên chuyên môn lừa đạo, gian dối ám hại kẻ khác, người Miền Nam thuờng nói: “Cứ để coi, có ngày nó gặp quả báo”. Chờ hoài chẳng thấy ngày ấy, vì nó cứ càng ngày càng giàu có sung sướng hơn. Để an ủi một kẻ ăn mày, người ta dùng câu ‘không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời’, nhưng tôi biết có những dòng họ quí phái thượng lưu từ đời tằng tổ cố ông cha con cháu chắt chút chít, và cũng có những gia đình nghèo hèn ‘con sãi ở chùa thì quét lá đa’ làm nghề ăn xin thì bốn năm đời nối tiếp.
Có thể chúng ta sống không đủ lâu để chứng kiến sự thật ‘quả báo nhãn tiền’ dành cho kẻ gian ác, và hình như cũng có rất nhiều ‘người hiền’ không đủ thời gian để ‘gặp lành’.
Anh Thanh qua Úc một mình, gia đình đều ở lại Việt nam, chấp nhận hy sinh, bỏ học dù học rất giỏi, anh lao đầu vào hãng xưởng làm hai ca cả ngày và đêm, cố gắng kiếm tiền thật nhiều để trở giúp gia đình thiếu thốn. Nghe lời bạn bè, anh chơi hụi lớn, chủ hụi giựt. Mất trọn mấy chục ngàn. Anh dở khóc dở cười, tiền không có, gia đình thúc hối, trách móc anh vô tâm, anh nổi cơn điên xách dao đi kiếm chủ hụi. Chưa làm được gì nó anh đã vào tù, tội cố ý đả thương nhân mạng, 5 năm cấm cố. Thằng chủ hụi nhởn nhơ bên ngoài, vừa xây thêm căn nhà thứ ba, lấy thêm con vợ thứ hai.
Nếu Chúa dùng đau khổ để trừng phạt tội lỗi nhân loại, thì chúng ta phải giải thích làm sao khi có nhiều người sống hiền hoà lành thánh cả một đời, mà trên vai vẫn hằn sâu những gánh nặng gian truân khổ ải, tai ương dập vùi? Chúng ta phải cắt nghĩa thế nào nếu cậu bé cận thị cứ lớn tiếng trách móc Chúa gian ác và tàn nhẫn: Lỡ coi hình con gái khó nghèo được vài phút mà bắt cậu cận thị cả đời?
Chỉ có con người mới thường dùng lý thuyết ‘nợ máu phải trả bằng máu’. Chỉ có con người mới trừng phạt con người. Con người đã ‘suy bụng ta ra bụng Chúa’, đã vô tình gán ghép cho Thiên Chúa sự công bình lạnh lùng bất chấp lòng khoan dung độ lượng.
Tại Úc, tháng 5 năm 1995, một người mẹ đáng thương có đứa con trai bị giết, kẻ sát nhân –có những triệu chứng mang bệnh tâm thần – lãnh án hai mươi năm tù, vậy mà bà vẫn tuyên bố: “Hình phạt còn quá nhẹ, nó còn phải đối diện trước toà phán xét của Thiên Chúa, hoả ngục mới xứng với tội giết con tôi. Cảm ơn Chúa!” Tôi nhất định không tin Chúa hài lòng với lời cảm ơn để nhờ quyền năng Ngài cho mục đích thoả mãn lòng căm thù tàn nhẫn của con người.
2. Phải chăng Thiên Chúa có lý do khi gửi đau khổ đến cho con người?
Rất nhiều khi, những nạn nhân của tai hoạ thường cố gắng tự an ủi chính mình, rằng Thiên Chúa có lý do riêng của Ngài khi gởi tới thánh giá cho loài người, chúng ta không thể hiểu và không thể xét đoán hành động của Thiên Chúa.
Tôi nghĩ đến trường hợp của một người, chị Linh. Triệu chứng căn bệnh bắt đầu từ lúc chị cảm thấy rất mệt mỏi khi đi bộ mới được vài phút. Chị lầm tưởng rằng tại mình ít vẫn động thân thể. Nhưng vào một buổi tối nọ, đang đứng bình thường tự nhiên chị thấy bải hoải chân tay và ngã nhào xuống. Sáng hôm sau đi nhà thương, bác sĩ khám phá ra hệ thống điều khiển dây thần kinh của chị đang bị liệt dần, chủ không thể đi bộ được nữa, phải ngồi xe lăn cho đến cuối đời.
Nghe tin, chị cắn răng đè nén rồi bất ngờ bật khóc: “Tại sao tôi lại bị bệnh này? Tôi đã cố gắng sống đạo đức ăn chay hãm mình, chồng con còn cần tôi, tại sao Chúa lại bắt tôi đau khổ cả đời như vậy?”
Người chồng liền nắm tay vợ an ủi:
“Em đừng nói như thế, chắc chắn Chúa có lý do của Ngài mà ta không thể hiểu được. Em phải tin rằng nếu Chúa muốn em khỏi bệnh, Ngài sẽ có đủ quyền uy để thực hiện điều đó, bằng không thì bệnh tình của em đều nằm trong chương trình và mục đích của Chúa.
Chị Linh tin lời chồng để cảm thấy bình an trong tâm hồn và đủ sức mạnh để đương đầu với sự thật. Phải tin để thấy những tai hoạ xảy ra đều có mục đích vì tất cả đều nằm trong sự điều khiển của Thiên Chúa (một sợi tóc trên đầu rơi xuống Chúa còn biết, huống chi chị Linh uống thuốc bị biến chứng rụng tóc trọc lóc cả đầu?). Chị Linh không dám giận Chúa, nhưng chị vẫn cảm thấy có điều gì đó không công bằng. Nhân vô thập toàn, nhưng chị sống rất dàng hoàng, chăm chỉ, thành thật, tại sao là chị mà không phải là ‘con mẹ’ Sáu lắm mồm chuyên môn đặt điều nói xấu người khác? Chị cảm thấy cô đơn và sợ hãi, lại không giám cầu nguyện xin ơn được chữa lành vì nếu chị bị bệnh là do ý Chúa thì cầu nguyện hoá ra hoá ra lại làm trái ý Ngài?
Năm 1924, linh mục Thornton viết một cuốn sách với tựa đề là ‘Chiếc cầu trên dòng sông San Luis Rey’, tác giả kể lại câu chuyện tại ngôi làng nhỏ bên Peru, có năm người cùng một lúc đi trên chiếc cầu, chẳng may cầu bị sụp, cả năm người đều chết. Tác giả liền đi điều tra cuộc sống của năm người bị nạn, và Cha Thornton đã khám phá ra rằng trong số đó có hai người mới trở lại đạo, hai người là dân trộm cướp hoàn lương, một người là ông trùm trong xứ. Sau cùng Cha Thornton vội vàng kết luận: Có lễ đã tới lúc cả năm người ‘nên’ chết trong ơn lành Thiên Chúa?!
Hãy tưởng tượng rằng thay vì năm người, lại có hơn 1500 hành khách chết chìm trên chiếc tàu nổi tiếng Titanic năm xưa mới ra khơi lần đầu đã bị đắm. Chẳng lẽ tất cả đều đáng phải chết? Chẳng lẽ họ đang sống trong ơn nghĩa của Chúa?
Hơn bốn mươi năm sau, cha Thornton viết một cuốn sách khác: ‘Ngày thứ Tám’, trong truyện kể lại cuộc đời của một gia đình lương thiện bị nhiều rủi ro và bị tụi du đãng hiếp đáp mặc dù họ vô tội. Cuối truyện, thay vì như những kết cấu bình thường trong phim tàu, tụi du đãng phải bị đền tội, gia đình lương thiện sẽ được hưởng phúc, cha Thornton không viết như vậy, Ngài lại đưa ra hình ảnh của một bức tranh thêu. Khi nhìn phía trước, chúng ta thấy được một tác phẩm nghệ thuật vô cùng công phu và quí giá: Cảnh hoàng hôn trên quê hương, có sông nước, có son đò đẩy đưa, có ánh mặt trời tím đỏ, có cầu tre mấy nhịp, có khói bóng chiều lơ lửng, có cánh chim là đà. Từng đường kim mũi chỉ rất công phu và khéo léo. Nhưng khi quay lại mặt sau, chúng ta sẽ thấy một đống chỉ lộn xộn, tứ tung, màu sắc hỗn loạn, có sợi dài sợi ngắn, có chỗ thắt gút, có chỗ cắt bỏ, có sợi kéo thẳng đường này, có sợi đi cong đường khác.
Và Linh mục Thornton đã đưa ra một lập luận như sau để giải thích lý do tại sao những người hiền lành lại gặp tai hoạ: Thiên Chúa đã định sẵn cho mỗi người một hướng đi thích hợp theo kiểu mẫu của một bức thêu toàn mỹ. Vì những đòi hỏi của bức hoạ, sẽ có một số ‘đời chỉ’phải bị xoắn lại, bị thắt nút hay bị cắt ngắn. Một số ‘đời chỉ’ khác được kéo thẳng hơn, nhưng vì nó cần thiết để hình thành một bức hoạ tuyệt hảo. Nếu nhìn mặt trái của cuộc đời, những đau khổ mà Thiên Chúa gởi đến cho con người có vẻ khó hiểu, vô lý và lung tung rối răm, nhưng nếu chúng ta nhìn vào mặt phải của bức thêu, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi vết cắt, mỗi nút thắt đau khổ đều góp phần tạo dựng nên một bức tranh đẹp.
Cách giải thích này thật sự rất hợp lý và rất cảm động. Tôi tin rằng có nhiều người sẵn sàng chấp nhận đau khổ, vì sự đau khổ của họ tiềm ẩn những ý nghĩa cao trọng, họ hạnh diện được đóng góp công sức để tạo nên một bức tranh vô giá do chính bàn tay Thiên Chúa sáng tạo. Tuy nhiên, mấu chốt đề tài chưa chấm dứt ở đây.
Chúng ta đã từng nghe tranh luận gay gắt về câu: Cứu cánh, hay mục đích, biện minh cho phương tiện. Vì mục đích tối thượng, người ta sẵn sàng ném vào lò lửa chiến tranh biết bao thế hệ tuổi trẻ. Vì những tham vọng cuồng tín u mê, người ta sẵn sàng hy sinh tính mạng, không phải của chính họ, nhưng của rất nhiều thanh niên nhẹ dạ ngây thơ nối gót. Luân lý căn bản của Công giáo không thể chấp nhận lối lý luận ‘xử dụng những phương tiện xấu để đạt được một mục đích tốt’. Không thể vì sợ nạn nhân mãn mà người cương quyết đang tâm giết chết hàng triệu bào thai vô tội. Không thể vì muốn giữ giá trị thị trường mà người ta đem đổ xuống biển hàng triệu tấn thực phẩm mỗi năm trong khi tại các quốc gia nghèo đói, dân chúng thiếu ăn suy dinh dưỡng. Không thể vì muốn thanh toán những món nợ của tiểu bang mà thủ hiến Melbourne đã cho phép Casino tự do hoạt động để thu lại những khoản thuế khổng lồ, mặc cho bao nhiêu gia đình tán gia bại sản,mức độ tội ác liên quan đến cờ bạc gia tăng chóng mặt theo cấp số nhân. Không thể vì muốn làm hài lòng cung phi của mình mà một Hoàng Đế đã ra chiếu chỉ chém đầu quan đại thần, móc trái tim chín lỗ dâng lên Đắc Kỷ ho gà. Và như vậy, Thiên Chúa cũng không thể lợi dụng những đau khổ hoả ngục của kẻ khác để tạo lập thiên đàng.
Chị Linh tàn tật trên xe lăn đã chối bỏ đức tin của mình sau khi bệnh tình trở nặng. Chị thách thức gia đình, bạn bè và ngay cả các Thầy các Cha làm ơn giải thích tại sao chị lại bị đau khổ như vậy. Nếu có Thiên Chúa, thì chị ghét Ngài, hận Ngài và căm thù những kế hoạch tiền định của ngài dành cho chị. Hỏi bạn, chúng ta phải giải thích làm sao cho chị hiểu?
LM Giuse Đinh Thanh Bình
|