LỜI DẪN NHẬP
Buổi sáng ngày 25 tháng 4 năm 1986, em trai tôi, Giuse Đinh Công Khanh, hớn hở sắp xếp đồ đạc lên xe để đi chơi với bạn bè. Em giơ tay vẫy chào từ giã mọi người trong gia đình lần cuối – vì em không bao giờ trở về nữa. Tối hôm đó, cảnh sát điện thoại báo tin, em đã bị tử nạn xe hơi, gần một khúc quanh trơn trượt, lạc tay lái. Em qua đời, khi vừa tròn 20 tuổi.
12 giờ trưa ngày 26, tôi đáp phi cơ từ Adelaide về Melbourne đi nhận xác em. Em nằm ngủ bình yên vĩnh viễn. Nước mắt, tưởng chừng như đã cạn sạch đêm qua, bây giờ, lại trào ra đầm đìa trên má.
1 giờ sáng ngày 27, tôi phóng xe tới nhà thờ thánh Phanxicô, cửa đã đóng, tôi đứng hét giữa trời: “Tại sao? Tại sao em tôi lại chết?” Như một thằng điên, tôi khản giọng hỏi Chúa.
Chúa im lặng.
Buổi tối ngày 18 tháng 12 cùng năm, gần tám tháng sau, chị tôi gọi điện thoại nức nở báo tin, bố tôi, Giuse Đinh Hưng Thịnh, vừa thất lộc tại Việt Nam, trên giường bệnh. Tất cả các con ở ngoại quốc, chẳng có đứa nào bên cạnh để Người nhắn nhủ đôi câu di ngôn trước khio an tâm nhắm mắt.
Lần này, tôi quì gối lặng lẽ, toàn thân cứng đờ bất động, tuyệt vọng nhìn lên thánh giá thều thào: “Lạy Chúa! Tại sao?”
Ngài vẫn im lặng.
Gia đình tôi mấy đời đạo gốc, chúng tôi tin rằng Thiên Chúa là đấng toàn năng, quyền phép vô biên, nhân từ và luôn thương yêu loài người như Cha Mẹ đối với con cái. Ngài sẽ ân thưởng nếu chúng tôi biết vâng lời tuân theo luật Chúa, Ngài sẽ răn dạy nếu chúng tôi hư đốn phạm tội, Ngài sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi những ám hại xấu xa của kẻ thù. Ngài là đấng công bình, nếu chúng tôi chịu khó giữ đạo chân chính ngay thẳng, chúng tôi chắc chắn sẽ được lãnh nhận hồng phúc của Ngài.
Hồng phúc của Thiên Chúa đã ban cho con người nhiều hay ít tôi khó thấy được, nhưng đau khổ thì cứ hiển diện trước mắt. Tôi biết làm người thì ai cũng phải chịu đau khổ, nhưng tại sao gia đình tôi lại phải đón nhận liên tiếp những cái tang dồn dập như vậy?
Quê hương tôi cũng thế, ngay từ nhỏ, khi chiến tranh bùng nổ, tôi đã tận mắt nhìn thấy những xác người vô tội nằm chết ngu ngơ bên vệ đường Mậu Thân 1968, những kẻ tật nguyền lê lết ăn xin, những người điên loạn khóc cười la hét, những em bé gầy gò ốm yếu ruồi nhặng bu quanh vết thương ghẻ lở hôi hám. Tội nghiệp dân tộc tôi lầm than vất vả, tội nghiệp cho những tiếng gào bi thương than trời trách đất. Tại sao Chúa dựng con người, nhưng lại để con người chịu quá nhiều đau khổ? Tại sao Chúa ‘mang tiếng’ là công bình, nhưng những tai hoạ cứ tiếp tục giáng xuống trên đầu những người hiền lành thánh thiện?
Năm 1968, hai cái đại tang trong gia đình tôi, trước đó anh tôi vượt biển mất tích. Những người tôi yêu thương đều lần lượt lìa trần, bố tôi đã già tôi còn hiểu được, nhưng em tôi, đứa con đẹp trai vui vẻ dễ thương nhất nhà, em tôi có tội tình gì mà cũng tức tưởi ra đi khi tuổi đời còn son trẻ với một tương lai hứa hẹn rự rỡ?
Năm 1968, tôi đã là một ông thầy dòng vừa xong phân khoa triết đi dạy học. Tôi còn trẻ, nhiệt huyết còn sôi sục, lạc quan và tự tin. Lý tưởng phục vụ tha nhân sáng ngời, hăng say và cương quyết. Tôi, người đáng lẽ ra phải truyền bá và rao giảng niềm tin Kitô giáo, chính tôi, đã bị khủng hoảng đức tin vì sự ra đi vĩnh biệt của bố và em. Bây giờ, 1995, mẹ tôi vẫn còn khóc khi ra thăm mộ. Gần mười năm rồi, vết thương vẫn chưa lành. Gia đình tôi hằng năm vẫn nhớ tới sinh nhật của em Khanh, để tính tuổi và dự đoán tương lai cho em. Mười năm sau, tôi không còn hỏi Ngài tại sao, bởi vì, Ngài vẫn im lặng gục đầu trên thánh giá.
Câu trả lời của Ngài, không phải ở trong nhà thờ, nhưng ở giữa cuộc sống của tôi và của mọi người. Gần mười năm tìm kiếm, suy niện về những bất công của cuộc đời mà con người phải gánh chịu. Tôi quyết định đặt bút viết, không hẳn là dưới nhãn quan của một linh mục giảng đạo với những lý luận triết - thần - học có vẻ hơi khô khan khó hiểu, nhưng trong tâm trạng của mọi người.
Thân phận Việt nam, như một lời nguyền của mụ phù thuỷ ác độc trong truyện cổ tích, luôn gắn liền với những bất hạnh hoạ vô đơn chí. Nếu bạn đã từng trải qua những thê thảm khốn cùng trong đời sống, nếu bạn đã từng hỏi Chúa nhiều lần mà Ngài vẫn im lặng, hy vọng tập sách này sẽ là câu trả lời, sẽ giúp bạn – như đã giúp tôi - tự chữa lành vết thương ngặt nghèo của những mất mát vĩnh viễn, những thương tật trên mình, những cay đắng tuyệt vọng trong cuộc đời vốn dĩ rất phi lý, rất bất công và tàn nhẫn.
Tập sách, dầu sao, không thể tránh khỏi những ý niệm chủ quan, người viết ước mong bạn đọc cảm thông và lượng thứ cho những suy tưởng cá nhân, và nếu có thể được, xin
góp thêm ý kiến trong tình thân chia sẻ và phục vụ tha nhân vì vinh quang nước trời.
Hằn sâu trên định mệnh làm người là hai chữ đau khổ, kể từ khi cất tiếng khóc chào đời. Hằn sâu trên bộ mặt thế giới là chiến tranh, hận thù, nghèo đói, bệnh tật, tai ương tiếp nối. Hằn sâu trong trái tim mỗi người Công giáo, là những khắc khoải day dứt tìm kiếm lời giải thích cho những hệ luỵ khổ đau tràn ngập trong đời sống.
Phải chăng Chúa vẫn thờ ơ im lặng?
LM Giuse Đinh Thanh Bình
|