Chúa chữa
anh mù Bactimê - ĐGM. Nguyễn Khảm
Trong bài hát Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô
Assisi, chúng ta hát lên: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí
cụ bình an của Chúa, để con đem yêu
thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi
lăng nhục...” Chúng ta lại hát tiếp: “Để con dọi
ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui
đến chốn u sầu”.
Lời kinh này không chỉ
là một lời cầu nguyện mà còn là một lời
kinh diễn tả lối sống đích thực của
mỗi người Kitô hữu. Như vậy bổn
phận của mình không phải chỉ là đem yêu thương
vào nơi oán thù mà còn phải dọi ánh sáng vào nơi tối
tăm.
Có một câu chuyện kể như
thế này:
Một anh mù đi thăm
một người bạn. Đã lâu
không gặp nên đôi bạn hàn huyên mãi quên cả thời
gian. Khi trời tối mịt thì anh mù
mới cáo từ ra về. Anh bạn bảo: “Thôi
để tôi thắp cho anh cái đèn, trời tối quá
rồi”. Anh mù nghĩ là bạn muốn đùa nên trả
lời: “Anh muốn đùa hả? Tôi mù thì ngày
và đêm có khác gì nhau đâu”. Anh bạn vội vàng xin
lỗi nói: “Tôi đâu có dám đùa với anh, ý tôi là anh nên
cầm cái đèn để người ta sẽ thấy
sáng và không đụng phải anh”. Anh mù nghe
nói có lý liền vui vẻ hiên ngang xách đèn ra về. Đi được một đoạn thì có
một người đi ngược chiều đụng
phải, làm anh mù ngã xuống vệ đường.
Quá tức giận, anh lồm cồm ngồi dậy
chửi đổng: “Đồ đui, người ta
cầm cái đèn sáng như thế này mà không thấy
hả?”. Người kia
liền mắng lại: “Mày mới là đồ đui,
đèn tắt mẹ từ lúc nào mà còn chửi người
ta”.
Coi chừng chúng ta lại
rơi vào tình trạng như thế. Nếu
mình rơi vào tình trạng đấy thì rất nguy
hiểm. Làm sao có thể dọi ánh sáng vào nơi
tối tăm khi mà chúng ta không có ánh sáng, hoặc ánh sáng chúng
ta đã bị tắt ngấm từ lâu.
Đặt câu hỏi như thế thì
chúng ta thấy anh mù Bactimê sẽ trở thành gần gũi với mình hơn. Anh ta
không còn là khuôn mặt xa lạ của 20 thế kỷ
trước, mà giờ đọc lại mình có cảm
tưởng như là đọc truyện cổ tích. Anh ta giờ trở thành một khuôn mặt
mời gọi mình suy nghĩ về vấn đề
của chính cuộc đời mình.
Ngày nay người ta nói đến mù
chữ, vài năm nay lại thêm mù vi tính.
Một thứ mù về mặt trí tuệ.
Phúc Âm kể cũng có lần Chúa Giêsu mắng các môn
đệ: “Các ngươi có mắt mà cũng như mù”. Và đây là một thứ mù về mặt tâm linh.
Khi kể câu chuyện này
tôi không nhắm đến mù thân xác, vì thời đó có
rất nhiều người mù, nhưng Chúa Giêsu không
chữa cho tất cả. Ngài chỉ
chữa cho một số người mang tính biểu tượng.
Cũng không phải thánh Maccô nói đến mù
chữ, vì chúng ta không nghe kể Chúa Giêsu mở lớp tình
thương để dạy học. Như
vậy chắc chắn là thánh Macco nhấn mạnh mù về
mặt tâm linh, mù về mặt tinh thần. Ta có
thể hiểu như thế nào về tình trạng mù này?
Có một câu chuyện
kể về các người mù rủ nhau đi xem voi.
Xem xong thì cùng nhau ngồi lại bàn tán, mô
tả xem con voi nó giống như cái gì?
Anh sờ được cái chân thì dõng
dạc tuyên bố: con voi nó giống như cái cột nhà.
Anh khác thì oang oang: con voi nó giống
như cái quạt. Vì anh này rờ được ngay cái tai của nó.
Còn các anh sờ cái bụng,
cái vòi. Ta không biết họ sẽ mô tả con voi
giống như cái gì.
Suy nghĩ kỹ chuyện
này thì thấy cũng thấm thía lắm. Tôi muốn
chia sẻ với anh chị em là: chúng ta có thể rơi vào
tình trạng mù về mặt tinh thần, có nghĩa là ta
không nhìn thấy được chân lý toàn diện về
cuộc sống. Ta chỉ nhìn thấy chân lý phiến
diện như anh mù mô tả con voi “nó giống như cái
cột nhà”, như thế là rất phiến diện.
Từ 30 năm về trước,
một nhà xã hội học Mỹ... đã
lên tiếng về con người thời đại. Ông
gọi: “Con người một chiều kích”. Tôi thấy nhận xét ấy vẫn đúng cho
đến ngày nay và chắc có lẽ càng ngày sẽ càng
đúng hơn.
Cuộc sống con người chúng ta
được đan kết bằng nhiều chiều
kích. Có một chiều kích hướng
thượng, mình gọi là chiều dọc trong mối quan
hệ với Thiên Chúa. Có một
chiều kích ngang nữa, trong quan hệ bình đẳng yêu
thương đối với mọi người, và có
một chiều quan hệ đối với thế giới
vật chất.
Càng ngày con người ta càng quên mất
cái chiều hướng thượng, quên mất mối
quan hệ hàng ngang với anh em trong tình yêu thương, mà
chỉ quan tâm đến quan hệ tình bạn với
thế giới vật chất.
“Con người một chiều kích”. Chúng mình không khám phá, không sống được
cái chân lý toàn diện về cuộc sống của con
người. Nguyên nhân nào có thể
dẫn đến tình trạng đó.
Trở lại với hoàn
cảnh của những anh em khiếm thị. Hầu hết đều bị mù từ lúc
mới sinh. Có một số do tai
nạn sau này. Nếu hiểu mù là mình không thấy sự
vật thì cũng có lúc mình cũng không nhìn thấy mặc
dù mắt mình vẫn sáng. Chẳng hạn như có sự
cố cúp điện hay lúc mình bị đau mắt
phải lấy khăn che mắt cho đỡ chói,
đỡ nhức. Những hình ảnh ấy
khiến tôi nghĩ đến tình trạng mù về mặt
tinh thần. Nếu bảo về tinh
thần mù lòa từ lúc mới sinh thì không thể tin được.
Tất cả mọi người
đều là hình ảnh của Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa
đều ban tặng cho mọi người khả
năng nhận biết chân lý.
Ta có thể rơi vào tình trạng mù tâm
linh là do nguyên nhân thứ 2, thứ 3. Nghĩa là mình thiếu
ánh sáng. Do những hoàn cảnh và những môi trường
sống.
Hiểu như vậy, ta
thấy rằng hầu hết chúng ta đều là
những người mù đáng thương về mặt
tâm linh. Vì vậy, chúng ta hãy khiêm tốn
chạy đền với Chúa để người
chữa trị. Người sẽ giúp
chúng ta nhìn thấy chân lý toàn vẹn. Người
sẽ giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Cha của chúng ta và
mọi người là anh em của ta. Người
sẽ giúp ta nhận ra con đường tiến về
nhà Cha trên Trời. Con đường đó là con
đường Chúa Giêsu đã đi và đã tới
đích. Và đó cũng là con đường hẹp, con
đường ngược dốc, con đường
thập giá nhưng là con đường dẫn đến
sự sống vinh quang và vĩnh cửu. Amen.
|