10 ĐỨC GIÁO HOÀNG TÁN TỤNG KINH MÂN CÔI
xuanha.net
Việc lần hạt Mân Côi là hình thức cầu nguyện đã được tất cả các vị Giáo Hoàng phục vụ Giáo Hội trong những thế kỷ gần đây cổ võ nhiều nhất. Khởi đầu, 1/Đức Gregory XIII, trong bửu sắc “Monete apostolos,” đã gọi kinh Mân Côi là “Thánh Thi của Đức Trinh Nữ Rất Thánh mà chúng ta cầu nguyện để làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa và khẩn xin sự cầu bầu của Đức Mẹ” (Ngày 1 tháng 4 năm 1573).
2/Đức Sixtus V, trong bửu sắc “Dum ineffabilis” ngày 30 tháng 1 năm 1586, đã gọi kinh Mân Côi là “Thánh Thi của Đức Trinh Nữ Maria Vinh Hiển Trọn Đời Đồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa, đã được làm ra dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.”
3/Thánh Giáo hoàng Pius V, đấng cai trị Giáo Hội trước cả hai vị Giáo Hoàng trên, đã tin rằng người Công Giáo chiến thắng quân Thổ nhĩ kỳ tại vịnh Lepanto vào ngày 7 tháng 10 năm 1571 là nhờ phép lần hạt Mân Côi. Để tạ ơn, thánh nhân đã thiết lập lễ Đức Mẹ Chiến Thắng được mừng hằng năm vào chính ngày ấy. Lễ này về sau đã được vị Giáo Hoàng kế nghiệp của ngài đổi tên thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Sau cuộc đại thủy chiến ấy khoảng ba trăm năm là thời gian 4/ĐTC Pio 9 Giáo Hoàng phục vụ Giáo Hội. Trên gường bệnh, lúc sắp lâm chung, Đức Thánh Cha đã nói với những người chung quanh: “Kinh Mân Côi là bản Phúc Âm tóm lược, đem lại cho những người đọc kinh này những dòng sông bình an đã được Thánh Kinh nói đến; đó là việc sùng kính tuyệt vời nhất, dồi dào ơn thánh nhất và làm đẹp lòng Trái Tim Mẹ Maria nhất. Hỡi các con, hãy cứ lời chứng ấy mà nhớ đến cha trên trần gian này” (Tháng 2 năm 1878). Thật tuyệt vời khi thấy vị chân phúc Giáo Hoàng vĩ đại đã liên kết kinh Mân Côi với Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Chính ngài là vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ Vô Nhiễm, người đã tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội qua bửu sắc “Ineffabilis Deus” vào năm 1854.
5/Đức Lêô 13, trong tông thư “Fidentem piumque” ban hành ngày 20 tháng 9 năm 1896, đã nói rằng: “Trong kinh Mân Côi, Chúa Kitô giữ vị trí thứ nhất; (… …) nhờ những lời cầu nguyện tạo nên chuỗi kinh, chúng ta có thể biểu lộ và tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Người Cha quan phòng của chúng ta, vào sự sống đời đời, vào ơn tha thứ tội lỗi, cũng như vào các mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ Thiên Chúa, và những mầu nhiệm khác. Chắc hẳn không ai lại không biết giá trị và huân nghiệp cao trọng của đức tin. Đức tin thực sự là hạt giống đặc tuyển hiện đang trổ sinh những bông hoa từ mọi nhân đức làm cho chúng ta trở nên đẹp lòng Thiên Chúa và nẩy nở những hoa trái bền vững muôn đời: bởi vì ‘hiểu biết Thiên Chúa quả thực là nhân đức trọn hảo, và nhận biết uy quyền Người là căn nguyên cho bất tử’” (x. Kn 15:3).
Lời xác quyết của Đức Lêô 13 thật đáng khâm phục. Ngài cho chúng ta biết Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh và công trình cứu độ của Chúa Kitô là tâm điểm của kinh Mân Côi, lời kinh nguyện tuyệt hảo, coi đó như một lời tuyên xưng đức tin vào các mầu nhiệm của giáo lý Công Giáo. Đức tin chúng ta tuyên xưng và thực hành trong kinh nguyện này mang một giá trị thiêng liêng rất lớn lao. Từ đó, Đức Lêô 13 đã mượn lời thánh Phaolô Tông Đồ để nói rằng: “Tin trong lòng thì được công chính hóa, tuyên xưng ngoài miệng thì được cứu độ” (Rm 10:10). “Vì vậy, kinh Mân Côi đem lại cho chúng ta một cơ hội để tuyên xưng đức tin ra bên ngoài.”
Trong tông thư “Ingravescentibus malis” ban hành ngày 29 tháng 9 năm 1937, 6/Đức Pio 11 viết rằng: “Kinh Mân Côi không những là vũ khí đánh đuổi các quân thù của Thiên Chúa và đạo thánh, mà trên hết, còn nuôi dưỡng và vun trồng các nhân đức Phúc Âm. Trước tiên, nó làm thấm nhuần đức tin Công Giáo qua việc chiêm ngắm các mầu nhiệm thánh và nâng cao tri thức của chúng ta về các chân lý được Thiên Chúa mặc khải.” Ngài còn ban ơn toàn xá cho việc đọc kinh Mân Côi trước Thánh Thể.
Ngày 16 tháng 10 năm 1940, 7/Đức Pio 12 tuyên bố: “Chuỗi Mân Côi, như danh xưng cho biết, là một tràng hoa hồng; không phải thứ hoa hồng của những kẻ không biết Chúa tự trang điểm một cách vô duyên, như Thánh Kinh đã nói - “hồng nảy nụ, hãy kết trên đầu trước khi chúng héo!” (Kn 2:8) - nhưng là những hoa hồng mang vẻ tươi xinh không ngừng được thăng hoa trong bàn tay của những tâm hồn sùng mộ Đức Maria.”
Chân phúc 8/Gioan 23 Giáo Hoàng, trong bức tông thư về kinh Mân Côi đề ngày 29 tháng 9 năm 1961, đã viết: “Hơn nữa, đây là một đặc điểm của lời kinh mang tính cách Thánh Lễ và kinh Thần Vụ: mỗi phần đều được mở đầu bằng lời ‘chúng ta hãy cầu nguyện,’ một lời hàm chỉ số nhiều và một đám đông những người đang cầu nguyện, những người đang hy vọng được nhậm lời, và những người đang được cầu nguyện cho. Đó là cộng đoàn cầu nguyện, hiệp nhất trong lời khấn xin cho toàn thể gia đình nhân loại, tôn giáo và dân sự. Kinh Mân Côi Đức Maria được nâng lên tầm cao của một lời cầu nguyện cao trọng, công cộng và phổ quát, cho những nhu cầu thông thường và ngoại thường của Giáo Hội, của các quốc gia và toàn thể thế giới.”
Ở đây, vị chân phúc Giáo Hoàng công nhận kinh Mân Côi mang chiều kích cầu nguyện cộng đoàn và phổ quát của phụng vụ Thánh Lễ và Phụng Vụ Các Giờ Kinh. “Đây là một đặc điểm của lời kinh mang tính cách Thánh Lễ và kinh Thần Vụ.” Ngài xác nhận kinh Mân Côi là lời cầu nguyện của cộng đoàn khấn xin cho những nhu cầu thông thường và ngoại thường của Giáo Hội, của các quốc gia và toàn thể thế giới. “Đó là cộng đoàn cầu nguyện, hiệp nhất trong lời khấn xin, cho toàn thể gia đình nhân loại, tôn giáo và dân sự.”
9/Đức Phaolô 6, sau phiên họp đầu phiếu cuối cùng của các giáo phụ công đồng Vatican II vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, đã công bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội. Trong đó, chúng ta gặp thấy những lời sau đây: “Thánh công đồng cố ý dạy giáo lý Công Giáo (lòng sùng kính được Giáo Hội dâng lên Đức Trinh Nữ), đồng thời Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ và các thánh” (Lumen Gentium, 67).
Khi đọc văn kiện trên đây của công đồng Vatican II, tôi tin rằng không một người thiện tâm nào lại không công nhận kinh Mân Côi là một trong “những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn” Mẹ Maria, đúng như đường hướng và tư tưởng của các giáo phụ công đồng, và không nhìn nhận kinh Mân Côi là một trong “những việc thực hành và việc đạo đức” đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội chuâån nhận và cổ võ qua các thế kỷ.
Sau đó, ngày 2 tháng 2 năm 1974, Đức Phaolô 6 đã ban hành tông huấn “Marialis Cultus,” trong đó, ngài bàn riêng về kinh Mân Côi trong các số từ 42 đến 45. Đức Thánh Cha nói rằng: “Về phần tôi, ngay từ buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của tôi vào ngày 13 tháng 7 năm 1963 về sau, tôi đã bày tỏ lòng mến chuộng của tôi đối với chuỗi Mân Côi” (số 42).
Đức Thánh Cha tuyên bố ngài rất quan tâm đến các đại hội và các công trình nghiên cứu liên quan đến chủ đề lòng sùng kính Mẹ Maria: “Nhờ các cuộc nghiên cứu hiện nay, ta có thể xác định rõ ràng hơn về các tương quan giữa phụng vụ và kinh Mân Côi. (…) Trong những năm gần đây, có một số người mong ước kinh Mân Côi được nhìn nhận là có tính cách phụng vụ; một số người khác lại muốn tránh những sai lầm mục vụ của đời trước nên lơ là quá đáng đối với kinh Mân Côi. Vấn đề đã được giải quyết dưới ánh sáng các nguyên tắc của hiến chế Phụng Vụ Thánh của công đồng Vatican II: cử hành phụng vụ và lần chuỗi Mân Côi là hai việc không thể đối nghịch cũng không thể đồng hóa với nhau.
Mọi hình thức cầu nguyện càng giữ được bản chất và sắc thái riêng của nó thì càng phong phú. Khi đã xác nhận lại giá trị trổi vượt qua các cuộc cử hành phụng vụ, thì sẽ lập tức thấy điều này: kinh Mân Côi có thể được dung hòa dễ dàng với phụng vụ. Bởi vì, cũng giống như phụng vụ, kinh Mân Côi có tính cách cộng đồng, được nuôi dưỡng bằng Thánh Kinh, và diễn tiến chung quanh mầu nhiệm Đức Kitô. Mặc dù thuộc hai lãnh vực khác nhau tự bản chất, việc tưởng niệm trong phụng vụ và việc suy ngắm trong kinh Mân Côi đều cùng chung một đối tượng: các biến cố do Đức Kitô thực hiện trong lịch sử cứu rỗi. Phụng vụ làm cho các mầu nhiệm cao cả nhất trong công trình cứu chuộc tái diễn để hoạt động cách mầu nhiệm dưới bức màn dấu chỉ; Kinh Mân Côi gợi lại kỷ niệm các mầu nhiệm ấy và thúc giục ý chí rút tỉa những qui luật cho đời sống.
Một khi đã định rõ sự khác biệt căn bản trên đây, có thể hiệu được dễ dàng: kinh Mân Côi là việc đạo đức bắt nguồn từ phụng vụ, và nếu được thực hành đúng theo trực giác ban đầu, thì tự nhiên phải đưa đến phụng vụ, cho dù không được kể là phụng vụ. Đúng thế, nhờ suy gẫm các mầu nhiệm trong chuỗi Mân Côi, lòng trí người tín hữu dần dần quen thuộc với các mầu nhiệm của Đức Kitô: đây là một phương thế rất hay để chuẩn bị cử hành các mầu nhiệm đó trong lễ nghi phụng vụ và sau đó tạo nên dư âm lâu dài cho các cuộc cử hành phụng vụ. Tuy nhiên, lần hạt Mân Côi trong khi cử hành phụng vụ là một sự sai lầm mà tiếc thay vẫn còn tồn tại ở một vài nơi” (số 48).
10/Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã biểu lộ những tình cảm sâu sắc và cách thức sống kinh Mân Côi của ngài qua những lời phát biểu ngày 29 tháng 10 năm 1978: “Một lời kinh tuyệt hảo đơn sơ mà thâm thúy! Trong lời kinh này, chúng ta lặp đi lặp lại những lời Đức Trinh Nữ Maria đã được nghe từ nơi đức tổng thần và từ nơi bà Elizabeth. Toàn thể Giáo Hội liên kết trong những lời ấy. (…) Đồng thời, tâm hồn chúng ta cũng có thể ướp đượm trong những chục kinh Mân Côi này tất cả những biến cố làm nên cuộc sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Những biến cố ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta hay người đồng loại, đặc biệt là những người gần gũi nhất với chúng ta, những người được chúng ta ấp ủ trong tâm hồn. Như vậy, lời kinh Mân Côi đơn sơ làm nên nhịp đập của cuộc sống nhân loại. (…) Một lời kinh thật giản dị mà thật phong phú! Tôi thành tâm kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện bằng lời kinh ấy.”
Ngài đã ban bố Tông thư tuyệt vời về Kinh Mân côi (ROSARIUM VIRGINIS MARIAE) ngày 16 tháng 10 năm 2002.
Xin không đề cập chi tiết ở đây.
Cuối cùng, để kết thúc phần liệt kê những lời cổ động và trân trọng dành cho kinh Mân Côi, tôi muốn trao gửi đến anh chị em lời của một vị chức sắc lừng danh trong Giáo Hội. Trong bài giảng tại Fatima ngày 12 tháng 8 năm 1967, đức hồng y Cooray, tổng giám mục giáo phận thủ đô Colombo của nước Sri Lanka, đã nói về đời sống tôn sùng Đức Mẹ Fatima tại đền thánh Sri Lanka vào thời kỳ ấy: “Lý tưởng của chúng tôi là biến lòng sùng kính tại đền thánh của chúng tôi trở thành một sự liên lỉ nhắc lại Sứ Điệp Fatima, tức là sám hối và cầu nguyện. Với mục đích ấy, hai trụ sở đã được thiết lập. Một bên là đan viện các nữ tu dòng Kín thánh nữ Clara với cuộc sống đan kết bằng việc sám hối và lời cầu nguyện. Bên kia là tu viện của một hội dòng giáo phận dành cho các nữ tu bản xứ với tên gọi là dòng Các Nữ Tu Mân Côi: việc ăn chay và kiêng khem hằng ngày kết hợp với lao động chân tay làm thành nếp sống khổ hạnh của họ. Lời cầu nguyện đặc biệt của các nữ tu là kinh Mân Côi, được đọc suốt ngày đêm, ngoại trừ giờ thánh lễ và Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Các nữ tu luân phiên, cứ hai người một, giang tay đọc kinh và suy niệm chuỗi Mân Côi trước Thánh Thể. Lý tưởng của họ là hiện thực hóa Sứ Điệp Fatima, tức là sám hối và cầu nguyện, đặc biệt là kinh Mân Côi.”
Có những người cho rằng kinh Mân Côi là một kinh nguyện cổ hủ và đơn điệu, bởi vì cứ nhai đi nhai lại những lời kinh giống như nhau. Nhưng cho tôi xin hỏi một câu: Có vật gì sống được mà không lặp đi lặp lại cùng những hành vi như nhau hay không?
Thiên Chúa đã tạo dựng và cho muôn vật tồn tại bằng cách để chúng liên tục lặp đi lặp lại những hành vi như nhau. Vì thế, để duy trì sự sống, lúc nào chúng ta cũng hít vào thở ra; trái tim chúng ta luôn luôn phải đập theo cùng một nhịp. Các ngôi sao, mặt trời, mặt trăng, các hành tinh và trái đất lúc nào cũng chuyển động theo một quĩ đạo Thiên Chúa đã đặt định cho chúng. Hết ngày lại đêm, hết năm này sang năm khác, lúc nào cũng như nhau. Tương tự như vậy, mặt trời cho chúng ta ánh sáng và sức nóng. Ở rất nhiều loài cây cối, lá đâm chồi nẩy lộc vào mùa xuân, rồi trổ bông kết trái, đến mùa thu hoặc mùa đông, thì lại trút lá trơ cành.
Quả thật muôn vật đều tuân theo qui luật Thiên Chúa đã an bài cho chúng, thế mà có ai bảo rằng như thế là đơn điệu bao giờ đâu; không ai nói như vậy cả; quả thật, chúng ta cần tất cả điều ấy để mà sống! Đúng vậy! Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng kinh nghiệm một nhu cầu phải lặp đi lặp lại những lời kinh như nhau, những hành vi tin, cậy, mến như nhau để sống, bởi vì đời sống chúng ta là một sự liên lỉ thông phần đời sống của Thiên Chúa.
Như chúng ta thấy, khi các môn đệ đến xin Chúa Giêsu Kitô dạy cầu nguyện, Chúa đã dạy các ngài một bản kinh tuyệt vời, đó là kinh Lạy Cha: “Khi cầu nguyện, các con hãy cầu nguyện thế này: Lạy Cha chúng con…” (Lc 11:4). Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta hãy cầu nguyện như thế; Chúa không dặn sau một vài năm, chúng ta phải đi tìm một bản kinh mới lạ khác, bởi vì bản kinh này đã trở nên lỗi thời và đơn điệu.
Khi đôi tình nhân ở bên nhau, họ cứ lặp đi nhắc lại những lời “anh yêu em,” “em yêu anh” hết giờ này sang giờ kia.
Sự thiếu sót của những người cho rằng kinh Mân Côi là đơn điệu chính là thiếu lòng mến; và mọi việc nếu không làm vì lòng mến thì chẳng có giá trị gì. Vì thế, Giáo Lý dạy rằng mười giới răn của Thiên Chúa có thể tóm lại vào một điều: đó là kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như mình vậy.
Những người đọc kinh Mân Côi hằng ngày giống như những con trẻ thơ ngây, ngày ngày cố tìm cho bằng được những giờ phút để được ở gần bên cha, thân mật với cha, biểu lộ cho cha thấy lòng tri ân của mình, giúp đỡ cha việc này việc nọ, đón nhận lời khuyên nhủ và phép lành của cha. Đó là sự trao đổi tình yêu, tình yêu của người cha dành cho con nhỏ, và của con nhỏ dành cho người cha; đó là một sự trao hiến cho nhau.
Ave Maria!
|