Gần Bùn Nhưng Chẳng Hôi Tanh Mùi Bùn
§ Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Thánh Stanislas Kostka - tập sinh dòng Tên người Ba Lan - chào đời ngày 28-10-1550 trong một gia đình quyền quí giàu sang, nơi lâu đài Rostkow chỉ cách thủ đô Varsava vài cây số. Thân phụ là hoàng thân Gioan Kostka rất có uy thế trong xã hội Ba Lan thời đó.
Gia đình của Stanislas Kostka sống trong nhung lụa và xa hoa, tuy vẫn nhớ mình là tín hữu Công Giáo. Do đó tuổi thơ tuyệt vời trong sạch của Stanislas phải đương đầu với những trận chiến cam go. Có lần trong một bữa tiệc, Stanislas đã ngất xỉu khi chứng kiến và nghe rõ những lời đùa cợt bất nhã vô luân.
Năm lên 14 tuổi, Stanislas được thân phụ gởi đi trọ học tại trường các Cha Dòng Tên ở Vienne thủ đô nước Áo cùng với người anh tên Phaolô. Tại đây, bầu khí đạo đức thích hợp với tâm tình của Stanislas đã giúp cậu phát triển trong tươi vui và hạnh phúc.
Thế nhưng, kiểu sống giản dị và đạo đức của Stanislas đã làm phật ý hiền huynh. Trong khi Phaolô quan niệm phải sống trưởng-giả hào-nhoáng cho đúng điệu con nhà quyền quí, Stanislas lại sống đơn sơ khiêm tốn. Dưới mắt Phaolô thì Stanislas quả là cái nhục cho gia đình. Tất cả những gì Stanislas yêu thích đều bị anh bác bỏ và khinh bỉ. Trận chiến ác liệt giữa hai anh em ruột không cùng quan niệm sống kéo dài 2 năm rưỡi. Sau cùng Stanislas ngã bệnh nặng gần chết. Hoảng sợ, Phaolô tận tình yêu thương chăm sóc em.
Khỏi bệnh, Stanislas đến gặp Cha Bề Trên Giám Tỉnh và xin gia nhập dòng Tên. Năm đó Stanislas 17 tuổi. Cha Giám Tỉnh không dám nhận vì đoán biết thân sinh của Stanislas sẽ phản đối. Stanislas cũng biết rằng thân phụ sẽ không bao giờ cho phép mình vào dòng. Làm thế nào bây giờ??? Có người khuyên Stanislas nên đi Thụy Sỹ gặp Cha thánh Phêrô Canisius (1521-1597), người Hòa-Lan, lúc ấy đang làm giám đốc một Học Viện dòng Tên nổi tiếng.
Vào một buổi sáng tinh sương tháng 8 năm 1567, Stanislas hóa trang và lên đường sang Thụy Sỹ. Anh đi bộ vượt đường dài 500 cây số ... Khi nghe tin Stanislas trốn nhà đi tu, ông thân sinh đùng đùng nổi giận. Ông hăm dọa từ nay không một tu sĩ dòng Tên nào được đặt chân lên đất Ba-Lan, nếu không bắt buộc Stanislas phải trở về nhà.
Cha Phêrô Canisius biết rõ câu chuyện trên khi thánh nhân nhận Stanislas Kostka vào dòng. Thật ra ngay từ giây phút đầu tiên, khi đối diện với Stanislas, Cha đã nhận ra nét thánh thiện trổi vượt của Stanislas. Cha viết thư về Roma thông báo việc Stanislas xin vào dòng, cùng lúc, Cha thử thách Stanislas, bằng cách nhận anh vào Học Viện như một người giúp việc.
Thời gian thử thách trôi qua, Stanislas lên đường đi Roma. Anh đi bộ vượt quãng đường dài 1.300 cây số trước khi đạt đích mong ước. Nhưng cuộc chiến quá cam go đã đánh ngã người thanh niên quyền quý đạo đức. Chỉ vỏn vẹn vài tháng sau khi gia nhập Tập Viện, Stanislas lâm trọng bệnh.
Ngày 5-8-1568, Stanislas tâm sự với một tập sinh bạn rằng anh ước ao mừng lễ Đức Mẹ Mông Triệu trên Thiên Quốc. Anh mong đợi Đức Mẹ MARIA ban cho anh món quà này, bởi lẽ anh hết lòng yêu mến Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA như chính mẹ ruột.
Chúa Nhật 14 tháng 8, Stanislas báo cho tu sĩ y tá biết anh sẽ chết vào hôm ấy. Dĩ nhiên không ai tin lời anh nói, kể cả Cha Giáo Tập. Cha vừa cười vừa nói giọng nửa đùa nửa thật:
- Bé cưng đáng thương ơi, bé buông khí giới nhanh thế sao???
Stanislas bình tĩnh đáp lại: - Đúng thế, con là bé cưng đáng thương, nhưng con sẽ chết hôm nay!
Vài giờ sau khi bình minh ngày 15 tháng 8 ló dạng, Stanislas Kostka êm ái trút hơi thở cuối cùng, hưởng dương 18 tuổi.
Năm 1726 Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XIII (1724-1730) nâng Stanislas Kostka lên hàng hiển thánh cùng với Luigi di Gonzaga (1568-1591). Cả hai đều thuộc dòng dõi quí tộc và là tu sĩ trẻ tuổi dòng Tên. 3 năm sau, 1729, cũng chính Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XIII tôn phong thánh Stanislas Kostka làm quan thầy giới trẻ.
Ông C. Martindale, một sử gia Anh, đã viết về vị thánh trẻ Stanislas Kostka:
- Stanislas có khuôn mặt tròn đầy với chiếc mũi ngắn và đôi mắt đen nhánh. Nhưng Stanislas thuộc về một quốc gia độc nhất vô nhị của Âu Châu. Stanislas thừa hưởng từ giòng giống Ba-Lan trọn nét sinh động, linh hoạt, nhiệt thành và hào phóng tuy không mảy may pha trộn nét buồn vu vơ. Stanislas là cánh hoa kết tụ bởi các nét đẹp đơn-sơ, ngay-thẳng, hồn-nhiên và chân-thật. Stanislas Kostka đúng thật là đóa hoa sen, gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn!
-
... “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại vòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới. Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?” (Sách Giảng Viên 1,2-9).
(“MISSI”, Avril-Mai 1984, n.464 trang 32-33)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|