MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: gương chứng nhân
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Phanxicô Sống Nghèo, Một Chọn Lựa Đạo Đời
Thứ Bảy, Ngày 3 tháng 10-2009


Phanxicô sống nghèo, một chọn lựa đạo đời 

ofmvn.org

Có người cho Phanxicô Assisi là một kẻ đấu tranh "bảo vệ môi sinh" đầy mơ mộng, một số khác lại coi ngài như một người làm cách mạng nhiều tình cảm. Tuy nhiên, đem các tình huống hiện đại áp đặt vào hoàn cảnh quá khứ là một việc luôn luôn nguy hiểm. Muốn rút một bài học từ những kinh nghiệm đi trước cũng đòi hỏi nhiều thận trọng. Có lẽ ý kiến cuả những người từng quen biết Phanxicô, sẽ trung thực với chính xác hơn. Họ gọi ngài là Altar Christus : giống như Chúa Kitô, Phanxicô gắn chặt với thần giới và đồng thời nhập thể sâu xa vào xã hội của thời đại ngài, bởi một chọn lựa tự thân có suy tính; chọn lựa vừa có tính Kitô giáo, vừa có tính xã hội.

Đức Nghèo Phan sinh không có nguồn gốc nào khác và không cần tìm đâu khác lời giải thích về bản chất và các đặc tính của nó. Không cần thuật lại cả tiểu sử của Phanxicô, chỉ cần suy nghĩ sơ qua về một số giai đoạn cũng đủ thấy sự hoà hợp không thể tách rời của 2 khía cạnh : bám chặt nguồn cội Kitô giáo và thấm nhập xã hội của đức Nghèo như Phanxicô đã sống. Sự liên kết chặt chẽ và cần thiết ấy tuy thế vẫn hàm chứa ưu tiên hiển nhiên về phía chọn lựa Kitô giáo. Ưu tiên vì trổi vượt về giá trị cũng như vì có trước. Xác định điều này không phải là cưỡng ép hay bóp méo lịch sử Phanxicô. Việc gắn bó với Chúa Kitô là bước khởi đầu dẫn ngài đến chỗ noi gương Chúa và bao hàm việc từ bỏ bản thân và từ bỏ thế giới, trước khi được quay trở về thế giới với một tư thế tự do. Phanxicô trước tiên đi đến cùng Chúa Kitô và qua Chúa, đến cùng các người nghèo.Rồi những người nghèo lại lôi cuốn ngài đi với họ về với Chúa trong một tác động qua lại trong đó yếu tố nhân loại được cuốn hút bởi yếu tố thần linh, cứu cánh chủ yếu của Phanxicô.

Về sự chọn lựa sống nghèo của Phanxicô, khó tìm được điểm qui chiếu đạo đức nào các trước Tân Ước. Cậu con trai của ông Phêrô Bênađônê đã được giáo dục theo hướng thực tiễn, như đối với phần đông con cái các thương gia Ý vào những ngăm 1200. Nền học vấn chắc không đến nỗi quá sơ sài, và phải châm chước phần nào tĩnh từ "dốt nát" mà Phanxicô tự gắn cho mình cách hài hước. Chúng ta không biết rõ sự hiểu biết của ngài về Thánh Kinh ra sao; chắc lúc khởi đầu nó cũng giống như của đa số quần chúng kitô hữu, nghĩa là cơ bản đại khái. Có thể Phanxicô đã bổ túc số vốn hiểu biết ấy, nhưng bằng cách nào ?

Qua những con đường nào ngài tiếp thu được tấm gương từ bỏ và chấp nhận đau khổ trong tinh thần đền tội của Job hay của người đàn bà nghèo tiếp đón Elia ? Ngài có biết đến đức Nghèo trong tinh thần của những "anawin"(người nghèo) trong Cựu Ước không ? Ít ra kinh nghiệm từ bỏ thế gian của các vị đan sĩ và ẩn tu, phát xuất từ những truyền thống lâu đời, vẫn hiện rõ ở thời ngài, qua đó có thể thấy được các nguyên tắc khơi nguồn. Đời sống nghèo của các vị ẩn sĩ tại Grandsont (Grăngsông) , Việc họ từ khước mọi sở hữu, tự ý chấp nhận cảnh sống bấp bênh và hạ mình đi khất thực chỉ mới xảy ra trước đó một thế kỷ.

Trào lưu này tiếp tục gợi hứng cho nhiều việc làm mới. Môi trường Phanxicô lớn lên tất nhiên phải chịu ảnh hưởng của cuộc canh tân đời sống kinh sĩ dựa vào một truyền thống Kinh Thánh mạnh mẽ, cũng như không thể dửng dưng trước các chủ trương và khát vọng của một Joachim de Flore (Gioa-kim Phơ-lo), hoặc mạnh mẽ hơn nưa, các trào lưu sống nghèo nảy sinh tại Buesca, Milanô và tại Lyon. Chắc chắn các cuộc hành trình buôn bán của thân phụ Phanxicô cùng đồng nghiệp qua nước Pháp tất mang về âm hưởng khác thường của những lời giảng của Pierre Valdès (Pie-rơ Van-đơ) một giáo dân, không có uỷ quyền của Giáo Hội,  nhưng say mê sống nghèo. Valdès lại tự nhận học được toàn thể Kinh Thánh.

Tuy nhiên có những cớ vững chắc cho biết linh đạo giáo dân đang phát triển thời đó cảm hứng chính từ Phúc âm và sách Công Vụ. Đó là trường học đích thực để  đào tạo Phanxicô. Kể quá thường nếu kể lại việc Phanxicô luôn nhắc nhở đến Lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy từ bỏ tất  cả, hãy thoát ly gia đình, không nhận gì làm sở hữu dù là hai áo hay một nơi ở chắc chắn, không một đảm bảo nào về của ăn hàng ngày.

Từ lý tưởng "sống  theo cách các tông đồ" được đề cao trở lại từ  hơn một thế kỷ, Phanxicô đã tiếp thu việc phó thác tuyệt đối cho Chúa Quan phòng. Các môn đệ của Phanxicô đã bàn cãi vô tận về bản chất đức Nghèo của Chúa Kitô mà chúng ta cần bắt chước.  Hình như với Phanxicô việc bắt chước ấy nằm ở chỗ noi theo thái độ của Con Người hoàn toàn đặt mình dưới quyền điều động của Cha Người.

Phanxicô không đưa vào đây một nhận định tri thức nào, vì  ngài  còn khuyên các bạn đồng hành hãy tránh những thoả mãn của học vấn và ngài cảnh cáo họ trước những "hiểu biết  hư từ". Như vậy người viết sử có quyền chăng để nghĩ rằng nguồn mạch Kinh Thánh của Phanxicô là chính Phúc âm và ngài đã nhờ vào tác động liên tục của ân sủng nên có thể lãnh hội những gì huyết thống và xác thể không dạy được và chỉ được tỏ ra cho những  kẻ khiêm hạ ?

Quả thực, nếu có thể kể Phanxicô vào số những người qua bao thế hệ ao ước được "trần trụi bước theo Chúa Kitô trần trụi" (mudus nudum Christum sequi), thì cũng không thể coi ngài là kết quả tất yếu của một môi trườngđạo đức. Linh đạo của ngài xem như phát xuất từ một trực giác nhận được  ngay nơi Đấng ngài cố tâm bước theo. Các cuộc đối thoại của Phanxicô với Chúa Kitô trên Thánh giá mà tiểu sử ghi lại nên hiểu theo nghĩa này. Chính sự chiêm ngắm Chúa Kitô trên thánh giá tại nhà nguyện San Đamianô đã khơi nguồn cho việc ngài trở lại. Theo tiểu sử có một lần Chúa Giêsu nói với Phanxicô : "Phanxicô ơi, con điên rồi !" Phanxicô đã trả lời : "Lạy Chúa, con chưa điên bằng Chúa ?" Bởi vậy động lực đích thực của sự chọn lựa sống nghèo của Phanxicô đó là được tự do bước theo Thầy mình.

Sau này việc bắt chước Chúa Giêsu được đề ra thành lý tưởng cho cả giáo dân. Đối với Phanxicô, việc bắt chước này thể hiện bằng các dấu đinh. Ở đây, không phải chỗ để bàn đến các công cuộc nghiên cứu, có cả nghiên cứu y học, liên quan đến sự kiện này, tuy nhiên vẫn cần xác định động lực thúc đẩy Phanxicô bắt chước Chúa Kitô. Không bao giờ Phanxicô có cao vọng thành một "Chúa Kitô khác" như các hạnh tích hay gán cho ngài.

Theo nguồn Kinh Thánh, có lẽ phải nói Phanxicô muốn bước theo chân Chúa Kitô  hơn là bắt chước Chúa. Đấng, Phanxicô muốn bắt chước, có lẽ đúng hơn là Gioan Tẩy Giả trong công việc khiêm tốn đi dọn đường. Phanxicô cũng muốn giữ vai trò của người sứ giả tiền hô. Ngài muốn ở chỗ rốt cùng và ai muốn đồng hành với ngài phải chấp nhận trở thành một người "anh em hèn mọn". Ý muốn phục vụ trong khiêm tốn thể hiện ở 2 điểm : thứ nhất ngài không muốn tiến đến chức linh mục vì như vậy sẽ ở hàng đầu trong số những người cộng sự của Chúa Kitô ; thứ hai ngài luôn tuân phục đấng mà vào thời đức Innôxensiô III, người ta đã quen gọi là vicarius Christi, đấng đại diện Chúa Kitô, nghĩa là Đức Giáo hoàng.

Cuộc hôn phối của Phanxicô với THANH BẦN TIỂU THƯ có mục đích nguyên thuỷ là chuẩn bị người nghèo đón nhận Tin Mừng mà họ là người thừa kế ưu tiên. Qua đó, chọn lựa sống nghèo về mặt xã hội được ghép vào chọn lựa thiêng liêng.

Việc làm này không phải riêng gì của Phanxicô. Nhiều thế hệ đan sĩ và ẩn sĩ đã từ bỏ sở hữu, từ bỏ bản thân để được sẵn sàng đáp ứng ơn thánh và để tiến đến sự hiệp nhất biến thể với Thiên Chúa. Trước Phanxicô, Pierre de Elois (Pie-rơ Ê-loa) khuyên trở nên "một người nghèo giưã những người nghèo", nhưng lời mời gọi không phải là một ý tưởng mới lạ, nó dựa vào vô số những thử nghiệm khởi xướng trong thế kỷ XII. Tuy nhiên, chưa có ai thử cổ động trong Giáo Hội một phong trào giáo dân sống tập thể và tự ý nghèo giưã những người nghèo.

Câu quả quyết này dựa trên cơ sở vững chắc. Phanxicô đúng là cổ động, khơi dậy một phong trào, một trào lưu chuyển động, chưa phải là một cơ chế có qui định hẳn hoi. Phanxicô kỵ các thứ cơ chế, không phải vì tính  thực tế - điều này người ta thường cho rằng ngài không có - và nhất là vì một cảm thức rất nhạy bén đối với bản chất của sứ điệp phúc âm. Việc tổ chức trước sau gì cũng phải làm. Trước Phanxicô, chỉ mới  có những cố gắng nhất thời để sống nghèo tập thể, tan rã ngay khi mất đi người khởi xướng hoặc để cho các khung có sẵn của tổ chức giáo hội thu hồi. Số phận của nhóm Fontervrault (Phong-tơ-vrô) bị sát nhập vào các cơ cấu đan viện truyền thống khi Robert dAbrissel  mất là một trường hợp điển hình của việc "thu hồi" này.

Mặc dầu kính trọng các dòng đan tu hiện có, Phanxicô không bao giờ chấp nhận sát nhập phong trào của ngài vào các dòng ấy hay nhận theo một luật nào của họ. Hình như Phanxicô đã linh cảm trước việc các môn đệ sẽ phải đương đầu với nguy cơ bị môi trường đồng hoá, như ngày trước, thánh Bernard (Bê-na-đô) đối diện với tài sản đất đai của các tu sĩ ở Gluny. Phanxicô cũng đã có thể thấy sự lạc hậu của các công thức cũ, không còn thích hợp để giải quyết các vấn đề mới, giống như thánh Dominique (Đa-Minh) khi chứng kiến sự thất bại của các phái đoàn tu sĩ Xi-tô truyền giáo tại xứ theo bè rối Cathare (Ca-ta - Thanh giáo).

Ngược lại, ngài cũng nhìn ra lý do thất bại của sáng kiến đầy thiện chí lúc ban đầu, nhưng quá nôn nóng, và có lẽ bị hiểu lầm của Pierre Valdès. Phong trào này thiếu một ít chất khiêm tốn và tự biến nhẹ nhàng mà Phanxicô đã biết gia giảm vào công cuộc ngài khởi xướng. Qua đây ta thấy tất  cả tầm quan trọng của sự hội ngộ bất ngờ - có thể nói không thể hiểu, ngoài sự can thiệp của Thần Khí - giưã sáng kiến đầy lý tưởng của vị Thánh Nghèo với óc tổ chức năng động của đức Innôxensiô III. Để vị giáo hoàng này thuận theo thỉnh nguyện của Phanxicô và Đa-minh cho phép thi hành tu luật mới, trái với qui định do Công đồng Latêranô IV mới đưa ra, và để Phanxicô chấp nhận một bản luật cho phong trào của mình, cả hai phía đều phải cùng có một ý chí muốn thích nghi việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo theo hoàn cảnh mới.

Nhưng người nghèo và hoàn cảnh mới nói ở đây như thế nào ?  Để hiểu rõ sự đa dạng, chúng ta hãy xem kỹ giai đoạn cuối đời của thánh Phanxicô : gần kề sự chết ngài có thể có một cái nhìn toàn diện về kinh nghiệm sống của mình. Trong bản luật 1221 ngài bày tỏ một tấm lòng yêu thương đối với "tất  cả mọi trẻ sơ sinh và nhi đồng, người giàu và người nghèo, vua chúa và quan quyền, thợ thủ công và nông dân, tớ và chủ, tất  cả mọi trinh nữ, người goá bụa và người có gia đình, tất  cả mọi thiếu niên và trẻ đang lớn, thanh niên và phụ lão, người khoẻ và người bệnh, tất  cả mọi dân tộc, sắc dân, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia và mọi người trên khắp cùng trái đất". Người ta dễ đoán đàng sau một bức hoạ như thế các điều kiện và các vấn đề xã hội của đầu thế kỷ XIII mà Phanxicô đã quan tâm đến như những  thời điểm.

Phanxicô không loại trừ ai khỏi nhiệm cuộc cứu rỗi. Đối với ngài hết thảy một cách nào đó đều là người nghèo xét về mặt tinh thần. Giàu sang vật chất, quyền hành là những nhược điểm; học thức là một nguồn sinh kiêu ngạo; sức khoẻ là một tình trạng bấp bênh. Nhưng tình thương đối với những người thuộc hạng khốn cùng nhất dựa trên một nền thần học đích thực về đức Nghèo được canh tân ở thời trước. Hoàn toàn đặt  căn bản trên sự quan tâm của Chúa Kitô đối với người nghèo và trên việc Ngài đã biến đổi mọi đau khổ nên giá trị cứu rỗi, tình trạng nghèo khó được quan niệm, ít ra trên mặt lý thuyết như một cơ hội lập công đức cho người nghèo và cho người làm ơn.

Một trong những hệ luận của nguyên lý này là sự đồng hoá người nghèo với chính Chúa Giêsu, người nghèo là  hình ảnh của Chúa. một hệ luận khác là việc nhìn nhận một vị trí, một chức năng trong lãnh vực thiêng liêng và xã hội cho người nghèo. Họ có một sứ vụ cứu chuộc giống như những người cầu nguyện.

Không phải giảm giá trị của Phanxicô khi liên hệ quan niệm nghèo khó của ngài ở cả 2 mặt xã hội và đạo đức với các suy từ của 2 hay 3 thế hệ trước đó lẫn đương thời. Các biến đổi xã hội, kinh tế, chính trị, tri thức lúc ấy đã kiện toàn ỏ một số điểm chủ yếu các nguyên lý chúng ta vừa gặp. Chúng ta xét đặc biệt 2 khía cạnh để hiểu thái độ của Phanxicô đối với người nghèo: Khía cạnh thứ nhất liên quan đến công bình, khía cạnh thứ hai liên quan đến bác ái. Các thánh phụ như Chrysostome, Basile, Grégoire de Nysse và Grégoire de Nazianne, không quên Grêgôriô Cả, trình bày bố thí như một bổn phận công bình, nhưng qua những suy tư của Pierre Lombard, Suguscio và Guillaume dAuxerre, người ta đã xác định thành công-thức các quyền lợi của người nghèo, bao gồm cả quyền ăn trộm khi túng quẫn.

Quan niệm của Phanxicô vê việc sử dụng của cải đời này thừa kế chủ trương công nhận các quyền lợi của người nghèo trong luật pháp. Quả vậy, Richard dAnglais viện đến Lex Rhodia, đã quả quyết rằng trong hoàn cảnh cùng khốn mọi sự đều thành của chung, ai cũng có quyền hưởng dùng. Lúc ấy Phanxicô chưa đầy 15 tuổi.

Vào cùng thời kỳ này, việc thăng tiến người nghèo theo quan điểm Kitô giáo lại thực hiện thêm một bước đúng đường lối Phúc âm. Người túng thiếu không phải chỉ là người chủ nợ ưu tiên của xã hôị, xét theo luận chứng pháp lý. Những suy tư của một Rupert de Deutz, của một Pierre de Elois và của một Alain de Lille đạt tới một chiều sâu và một mức tế nhị phi thường. Công Đồng Latêranô IV sẽ dựa vào những khuyến dụ của họ mà đưa ra những chỉ thị cho các vị giải tội để giáo dục lương tâm. Không còn nặng phân tích từng trường hợp bố thí, xét theo bản chất và  xuất xứ, số lượng, tỉ lệ trên lợi tức của người cho và tư cách của người nhận. Pierre le Chantre tuyên bố : "Không nên xét cá nhân người nghèo". Pierre de Elois  khẳng định : "Bố thí không được kể giới hạn". Raoul Ardent còn đi xa hơn và quả quyết : "Việc bố thí phải gây một mức độ thiếu thốn nơi người cho" - ông đề nghị một thứ bố thí cam kết gọi là eleomosyra negotialis, và kể ra thí dụ người thợ đóng giày dành cho người nghèo lợi tức một ngày lao động.

Mọi hạng người trong xã hội đều được mời gọi noi gương việc trao tặng có liên hệ bản thân như vậy, mỗi người tuỳ theo lương tâm mình. Lấy của bản thân, nếu không phải chính  bản thân mà trao tặng, không phân biệt người nhận, không kể giới hạn, để đạt tới mức toàn hảo ấy, phải là vị thánh Nghèo. Là tất  cả cho mọi người, ngài đáp ứng được các vấn đề của thời đại ngài.

Sự chọn lựa sống nghèo về mặt xã hội của  Phanxicô cốt yếu ở chỗ ấy, nó phản ứng chống lại tất  cả mọi hình thức áp bức, nhất là những áp bức làm tổn thương hạng người hèn kém nhất, vì qua họ là phạm đến chính Chúa Kitô.

Vào những năm 1200 khoảng cách từ những nguyên tắc quảng đại và những suy tư cao siêu đến thực tế đời sống không phải nhỏ. Cố nhiên ngay từ giưã thế kỷ XII sự phát triển đời sống thiêng liêng nơi chính hàng ngũ giáo dân khởi đầu 100 năm trước đã đem lại một thứ "cách mạng về bác ái". Những của di chúc theo lòng đạo và những quỹ từ thiện của tư nhân  cũng như của các xứ đạo đã tạo được một hệ thống phân phát của   bố thí và những trạm xá tiếp nối công việc những tổ chức từ thiện của các đan viện. Cùng lúc  việc áp dụng danh xưng pauperes Christi, trước đây dành cho các đan sĩ, cho người cùng khổ tiêu biểu cho một mức độ chuyển biến tư tưởng.

Tuy nhiên lòng xót thương chiếu cố với ít nhiều thái độ  kẻ cả, đôi khi còn che giấu sự gớm ghiếc hay khinh bỉ, vẫn thông thường chú trọng đến những người nghèo theo nghĩa truyền thống: người thiếu thốn, tàn tật, bệnh hoạn, trẻ con, người goá bụa, già cả, suy nhược thể chất hay tinh thần. Nhưng có nhiều bất hạnh khác phát sinh từ các thay đổi trong xã hội. Phanxicô không phải là người độc nhất ở thời ấy nhận ra các nỗi thống khổ này và qua đấy có một quan niệm rộng rãi hơn về sự nghèo khó. Jacques de Vitry, một người ái mộ Phanxicô, một nhà giảng thuyết thời danh, làm đến giám mục thành Arc và Hồng y, coi là nghèo : "những người kiếm ăn hằng ngày bằng sức lao động của hai bàn tay và chẳng còn gì sau khi ăn". Còn Dominique (Đa-minh) người gần cùng chí hướng với Phanxicô, coi là nghèo : "bất cứ ai vì thiếu phương tiện phải lệ thuộc người khác trong xã hội". Vậy những người đương thời quan tâm nhiều nhất đến sự thống khổ nhân loại đã biết bao gồm cả những công nhân có đồng lương không đủ sống, những người thất nghiệp, những người sống bên lề hoặc vì bị hắt hủi hoặc vì tự ý tách rời.

Do đó tính chất độc đáo của Phanxicô không nằm ỏ một quan niệm trí thức về nghèo khó nhưng ở cách ngài đáp ứng các thách đố của thời đại đối với người nghèo. Nói rằng ngài không chờ cho người nghèo đến nhờ cậy, hoặc ngài đã đến với họ, đều quá đơn giản. Cái mới mẻ thực sự là Phanxicô đã ở luôn với họ và đã tìm cách giúp họ nhận ra giá trị của chính họ bằng một sứ điệp chống nghèo đói nhân danh một chiến thắng trên nghèo đói. Việc ngài làm là công bố phẩm giá của người nghèo cho chính họ, không những vì họ là hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, nhưng bởi vì Chúa Giêsu đã yêu thương con người họ. Đây là ý nghĩa thâm sâu của việc ngài hôn người phung hủi.

Cử chỉ yêu thương này đáp lại thách đố là quan niệm khinh bỉ của người đời và nên cho họ một gương mẫu. Sự chọn lựa sống nghèo trên mặt xã hội của Phanxicô được làm bằng những cử chỉ như thế. Nhận đương đầu với một thách đố không chỉ là một hành vi tự hào vì tự hào hay phản kháng, nhưng còn là một khích động và một đề nghị, một lời mời gọi, một hành vi chủ yếu tích cực. Con một thương gia cỡ quốc tế, Phanxicô biết rõ hơn ai hết các cơ hội làm giàu do việc gia tăng lưu thông tiền tệ mang lại; mặc dầu các hình thức tín dụng thương mại còn ở bước đầu, một nhà tư sản trẻ tuổi của nước Ý có thể thấy được các hậu quả, đặc biệt việc cho vay nặng lãi, bị Giáo Hội lên án nhưng vẫn thông dụng dưới những hình thức giả dạng.

Các quyến rũ của tiền bạc, Phanxicô đã từng hưởng thụ như người ta hưởng sung sướng trong xã hội tiêu thụ ở thế kỷ XX. Ngài đã đương đầu với thách đố ấy sau khi đọc được lời Phúc âm lên án tội tham lam, bằng cách lột bỏ cả quần áo trước đám đông quần chúng giưã quảng trường, một việc gây tai tiếng lớn đối với một con cái nhà khá giả.

Phanxicô đã từng nếm qua bạo lực. Được cha cho một bộ võ phục đẹp giống như một hiệp sĩ mà con nhà trưởng giả nào cũng mơ trở thành,- Phanxicô rắp tâm lên đường chinh chiến tại miền Nam nước Ý. Ngài đã bỏ ý định, đem áo giáp biếu một hiệp sĩ nghèo đến độ không sắm được cho xứng địa vị. Sau này vị thánh Nghèo cấm các bạn đồng hành không được mang khí giới. Điều ngài bác bỏ hơn cả là việc dùng sự vật cách bất công, do đó ngài quan tâm lấy hoà giải thay cho vũ lực, nhất là trong các cuộc tranh chấp  giưã các đô thị nước Ý, chẳng hạn cuộc tranh chấp giưã thành Atxidi với Pêrusia thành phố lân cận.

Sự thách đố của quyền lực, Phanxicô không những chỉ biết dưới hình thức sức mạnh của khí giới chém giết, tuy xảy ra nhiều nhưng không trường kỳ; hình thức chủ yếu là sự áp bức hằng ngày của các tầng lớp thống trị, các thứ sưu cao thuế nặng, các nỗi hàm oan không được minh xử. Người phải hứng chịu các thứ đó là những nông dân hay những người thợ thủ công. Phanxicô đã cùng lao động với những người ấy, làm với họ, khi giúp gặt hái khi làm thợ hồ.

Sự thách đố của thái độ quần chúng khinh bỉ những người bên lề, Phanxicô gặp nơi cách đối xử khắc nghiệt đối với những cô gái giang hồ cũng như đối với một lớp trẻ kém may mắn, đôi khi bị hất hủi là tự ý nổi loạn. Những việc như chuyến đi thảm hại  năm 1212 của nhóm "Thập tự quân thiếu niên" bị bọn chủ tàu tham tiền bỏ rơi trên đảo Sardaigne thay vì chở tới Cận Đông  đủ khiến cho Phanxicô cảnh giác. Ngài qui tụ tuổi trẻ và hướng bầu nhiêt huyết của họ về Chúa.

Một thách đố khác : lạc thú, giác quan mà Phanxicô đã một thời ngả theo. Y phục thô sơ, ăn uống đạm bạc, nơi ở bấp bênh luôn thay đổi, những buổi thức đêm cầu nguyện và những cuộc hành trình giảng đạo là những đáp ứng dứt khoát.

Kiến thức cũng là một thách đố, vào thời mà ở Bôlônha, Pari, Oc-fo và Salamanco, các việc đại học đang bước đầu khởi xướng công cuộc hoà hợp các hiểu biết khá phong phú của các học viện có trước với những sở đắc của khoa học cổ Hy lạp. Trào lưu này Phanxicô cũng không theo, ngài không nhận cho mình một thứ giàu sang của tâm hồn và tinh thần nào khác thứ phú túc của Lời Chúa. Hơn thế nữa,  vị thánh Nghèo còn cưỡng lại sức hấp dẫn của sự thăng tiến xã hội qua việc tiến chức giáo sĩ, nhờ đó có thể có nhiều dễ dãi để làm việc tông đồ. Nhưng nếu ngài từ khước điều ấy, không phải để chống đối thể chế Giáo Hội, không bao giờ ngài bài bác hay kết án mặc dầu hàng giáo sĩ địa phận có nhiều thiếu sót và nhiều vị giám mục lơ là việc bổn phận đến độ Đức Giáo hoàng Inôxensiô III  phải trách là "những con chó câm không biết sủa". Đối với Phanxicô, ngay cả những linh mục có tư cách không xứng đáng vẫn còn đặc tính thánh hiến không thể mất của chức vụ.

Phanxicô tôn trọng cơ chế, tuy trách cứ người làm sai nhưng không kết án. Gắn bó với Giáo Hội bằng tất  cả tâm tình, vị thánh Nghèo ao ước  Giáo Hội được như thế nào ?  Ngài không ao ước một Giáo Hội gồm toàn những người thanh khiết, vì mặc dầu đầy lý tưởng ngài hiểu rõ tính người ta. Ngài thấy nơi cộng đồng Kitô hữu một đám đông bất toàan, nhưng tất  cả mọi thành phần đều nằm trong ý định thánh hoá của Thiên Chúa, trong số đó người nghèo là hàng ngũ tiên phong vì ít vướng bận do đó sẵn sàng hơn. Qua đây một thách đố khác được đáp ứng thành công, thách đố của chủ nghĩa thanh giáo nhị nguyên. Phanxicô là phản đề tiêu biểu chống lại chủ nghĩa ấy.

Nghèo như Phanxicô Atxidi chọn và yêu mến không phát sinh từ một sự khinh bỉ hay chống báng thiên nhiên bị coi là ô uế. Ngược hản lại. Tiếc là các Truyện ký đã tô điểm quá đáng sự nhạy cảm của Phanxicô trước thiên nhiên. Lối đánh động tâm tình của "Những cánh hoa đơn" và của các hoạ phẩm đạo đức làm nhạt đi chất cương nghị hiếm có vào thời Trung cổ trong lòng ngưỡng mộ của Phanxicô đối với thiên nhiên. Khi ca ngợi vạn vật, ngài chúc tụng toàn bộ công trình cuả Thiên Chúa, đồng thời  cũng thấy tất  cả vạn vật là để cho mọi người cùng hưởng. Không có điều ác biệt lập tự tồn, chỉ có điều ác phát xuất từ tính ích kỷ của con người và nghèo đói phát xuất từ sự phân phối của cải không công bằng.

Như thế Phanxicô không có lý do nào để thoát ly cộng đồng nhân loại. Trái lại. Ngài muốn ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian. Thách đố tối hậu này bao gồm mọi thách đố khác. Cái mới nổi bật nhất trong xã hội Tây phương thời đó là sự phát triển các đô thị. Ở thế kỷ XII, những bậc trí giả như Rubert de Deutz và thánh Bênađô đã tố cáo các đô thị là hang ổ mọi giống tội : tham lam, kiêu ngạo, dâm dật, vô tín.  Sang thế kỷ XIII, các ngài sẽ nói sao? Ở Pari, cha xứ của Neuilly sur Marne, là Foulque ra sức hoạt động để phục hồi phẩm giá cho các cô gái giang hồ. Ở Rôma, đức Innôxensiô III lập nhà thương Đức Chúa Thánh Thần để tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi. Ở Toulouse, bè rối Ca-ta (Thanh Giáo) hoành hành và trong các đô thị nước Ý đầy dẫy tệ nạn cho vay  nặng lãi.

Phanxicô có chỉ thị rõ ràng. Ngài đặt các môn đệ vào môi trường thành thị, nhưng không ở trung tâm thành phố. Các cộng đoàn phan sinh đầu tiên ở những khu ngoại ô, nơi người nghèo sinh sống. thời mới, giải pháp mới. Các đan viện Biển Đức chọn môi trương nông thôn, nơi duy nhất có hoạt động trước thế kỷ XII. Đô thị nấy sinh từ sự sung túc của thương mại và thủ công. Phanxicô đặt các anh em khất thực của ngài gần các đô thị, ở giưã những người hèn kém và túng thiếu, tuy không bỏ những người khác. Sự chọn lựa thật rõ ràng. Nó duy trì được những lời dạy thường tồn của Phúc âm, đồng thời đáp ứng được những điểm của thời đại. Một cách nghịch lý, sự chọn lựa ấy vừa có tính cách trường cửu, vừa có tính chất Kitô giáo vừa có tính chất xã hội.

Tác giả : Michel Kollat
Dịch giả : Nguyễn Gia Thịnh
 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chân Dung Linh Mục Việt Nam: Đức Cha Jean Cassaigne (10/7/2009)
Tiếng Gọi Từ Bên Trong: Sau 9 Năm Theo Đạo, Một Bác Sĩ Vn Được Thụ Phong Linh Mục (10/6/2009)
Cha Đamien Tông Đồ Người Hủi (10/6/2009)
Ba Mươi Năm Cho Một Giấc Mơ (10/6/2009)
Gần Bùn Nhưng Chẳng Hôi Tanh Mùi Bùn (10/5/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Ngày 4-10, Thánh Phanxicô Assisi, (1182-1226) (10/3/2009)
Phanxicô Assisi Và Têrêxa Lisieux: Hai Hồn Thơ Thánh Hóa (10/3/2009)
Tin/Bài khác
Theo Đạo Công Giáo Nhờ Các Thánh Thiên Thần (10/2/2009)
Các Thiên Thần Là Những Thiên Sứ Của Chúa (10/2/2009)
Thiên Thần Và Gia Đình (10/2/2009)
Tổng Lãnh Thiên Thần Micae Và Câu Chuyện Của Michael (10/2/2009)
Các Thiên Thần Hộ Thủ, Lễ Kính Ngày 2 Tháng 10 (10/2/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768