Tháng Mân Côi và
NHỮNG BÔNG HỒNG NGOẠI
Hằng năm,
tháng 10 là thời gian Hội Thánh dành riêng để tôn kính Đức
Mẹ. Cách tôn kính truyền thống trong tháng này là cầu
nguyện theo kinh Mân Côi.
Năm
nay, thời cuộc gợi ý cho tôi tôn kính Đức Mẹ
trong tháng Mân Côi này một cách hơi độc đáo.
Đó là dâng lên Mẹ những bông hồng thiêng
hái từ vùng đất ngoài công giáo.
Xưa,
nhiều người ngoại đạo đã được
Chúa Giêsu khen ngợi vì họ ngoại đạo mà sống
đạo rất tốt. Thực
là phải lẽ, nếu coi những người ấy là
những bông hồng ngoại trong Nhà Chúa.
Nay, nhiều người
ngoại đạo cũng rất đáng được
khen ngợi, vì họ sống Phúc Âm còn tốt hơn người
công giáo. Chúng ta nên coi họ là những bông
hồng ngoại trong Nước Trời.
Ở
đây, tôi chỉ nêu lên vài trường hợp người
ngoại, mà Chúa Giêsu đã khen, và tôi gọi là bông hồng
ngoại. Từ đó
mỗi người chúng ta sẽ nhận ra những người
ngoại giống như họ đang sống xung quanh ta.
Tìm ra rồi, ta sẽ cùng Đức Mẹ
dâng những bông hồng thiêng đó lên Chúa với lòng
cảm tạ ngợi khen.
1/
Bông hồng ngoại toả hương thơm
đức tin
Phúc Âm thánh Matthêu
kể: "Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một
viên đại đội trưởng đến gặp
Ngài và nài xin: 'Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi
bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn
lắm'. Chúa Giêsu nói: 'Chính tôi sẽ đến chữa nó'.
Viên đại đội trưởng đáp: 'Thưa Ngài,
tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói
một lời là đầy tớ tôi sẽ được
khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới
quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới
quyền tôi. Tôi bảo người này: Đi, là nó đi,
bảo người kia: Đến, là nó đến,
bảo người nô lệ của tôi: Làm cái này, là nó làm'.
Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với
những kẻ theo Ngài rằng: 'Tôi
bảo thật các ông, tôi không thấy một người
Ítraen nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương
đông phương tây, nhiều người sẽ đến
dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong
Nước Trời. Còn con cái Nước
Trời thì sẽ bị quăng vào chỗ tối tăm
bên ngoài. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc
nghiến răng'. Rồi Đức Giêsu nói với viên đại
đội trưởng rằng: 'Ông cứ về đi. Ông tin thế nào thì được như vậy'.
Và ngay giờ đó, người đầy tớ ông được
khỏi bệnh" (Mt 8,5-13).
Trong
câu chuyện trên đây, chính Chúa Giêsu đã tôn vinh đức
tin viên sĩ quan ngoại giáo. Một đức
tin khiêm tốn, một đức tin đơn sơ,
một đức tin mạnh mẽ vững bền.
Đức tin như
thế vẫn nhận thấy hiện nay nơi nhiều
người ngoài công giáo. Họ có thể là
những người quyền quý. Nhưng
phần đông họ sống cảnh nghèo, bệnh
tật. Có người như chìm sâu dưới
đáy vực thẳm thất vọng hoặc trong đường
hầm tăm tối. Nhưng một số người
trong họ vẫn can đảm phấn đấu. Sau cùng họ đã tìm được lối thoát.
Nhờ niềm tin vào Đức Mẹ.
Họ biết
rất sơ sài về Đức Mẹ. Nhưng họ tin
tuyệt đối vào Đức Mẹ. Tôi nghĩ là chính Đức
Mẹ đã ban cho họ niềm tin. Niềm tin ấy ví
tựa cây hoa hồng, mà Đức Mẹ gieo trồng và chăm
sóc. Chúng ta hãy đứng bên họ, để
cùng họ ca ngợi tình Mẹ xót thương.
2/
Bông hồng ngoại toả hương thơm
đức ái
Trong Phúc Âm thánh
Luca, khi nêu gương sáng về bác ái, Chúa Giêsu đã
chọn một người ngoại giáo. Người
đưa ra dụ ngôn với những chi tiết cụ
thể.
Một
người bị bọn cướp trấn lột,
bị trọng thương, nằm bất động bên
vệ đường. Mấy
vị chức sắc tôn giáo đi qua, nhìn thấy cảnh đó,
nhưng bỏ đi. Sau cùng, một người
ngoại đạo cỡi ngựa đi qua, thấy
vậy, đã xuống ngựa, và chăm sóc cho nạn nhân
một cách rất chu đáo (x. Lc 10,30-35).
Hồi đó,
dụ ngôn trên đây có lẽ đã làm buồn lòng những
người theo đạo Chúa, vì Chúa
Giêsu không tìm gương bác ái nơi họ, mà lại đưa
một người ngoại để làm gương.
Thời
nay, tình hình có khác. Người có đạo
vốn coi việc thực thi bác ái là bổn phận căn
bản của đạo. Nhưng không vì thế, mà
khẳng định được rằng: Trên thực
tế, mọi người công giáo, mọi miền công giáo,
đều nêu gương sáng về bác ái.
Phải thành
thực mà nhận rằng: Hương thơm
bác ái đã và đang toả ra một cách rõ ràng và hấp
dẫn từ nhiều cá nhân, nhiều nhóm, nhiều tổ
chức ngoài công giáo.
Không thiếu người
kể cả người công giáo, tại Việt Nam
hôm nay, dám làm chứng rằng: Trong nhiều trường
hợp khó khăn, họ đã nhận được tình
yêu thương giúp đỡ từ những người
ngoài công giáo. Họ tưởng mình đã bị loại
trừ, nhưng họ đã gặp được
những cái nhìn, những bàn tay, những
tình nghĩa chân thành cứu họ từ một thế
giới không phải là công giáo.
Riêng tôi, tôi nhìn
những chứng nhân bác ái đó là những bông hồng thơm đẹp. Thời nay
việc bác ái là cách sống đạo có sức thuyết
phục. Chúng ta hãy cùng Đức Mẹ
mà dâng họ lên Chúa là nguồn tình yêu.
3/
Bông hồng ngoại toả hương thơm
biết ơn
Phúc Âm thánh Luca
thuật lại rằng: "Lúc Chúa Giêsu vào một làng kia, thì có mười người phong hủi
đón gặp Người. Họ dừng lại đằng
xa và kêu lớn tiếng: 'Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng
thương chúng tôi!' Thấy vậy, Đức Giêsu
bảo họ: 'Hãy đi trình diện với các tư
tế'. Đang khi đi thì họ được
sạch. Một người trong
bọn, thấy mình được khỏi, liền quay
trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ
ơn. Anh ta lại là người Samari.
Đức Giêsu mới nói: 'Không phải cả mười
người đều được sạch sao? Thế
thì chín người kia đâu? Sao không
thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người
ngoại bang này?" (Lc 17,12-18).
Biết
ơn là một đức tính nhân bản rất được
tôn trọng khắp nơi. Riêng
tại Việt Nam, lòng biết ơn được coi như
một yếu tố tôn giáo truyền thống.
Biết
ơn phải được thực hiện bằng
những việc cụ thể, với những nhân tố
cụ thể.
Mọi
người công giáo Việt Nam hôm nay đều ý thức điều đó
và cố gắng thực thi điều đó.
Nhưng, biết đâu lời Chúa Giêsu
phiền trách xưa vẫn còn đúng một cách nào đó nơi
này người nọ tại Hội Thánh ta.
Trái lại, lòng
biết ơn lại là một thứ bông hồng thơm đẹp dễ gặp được
ở nhiều người ngoại đạo. Chính vì
thế, mà chúng ta sát lại bên họ, để hiệp
thông, và để cùng Đức Mẹ cảm tạ Thiên
Chúa là Cha chung mọi người.
***
Tới
đây, chắc mọi người đã hiểu được
ý hướng của tôi về tháng Mân Côi năm nay.
Hình thức vẫn như cũ. Nhưng tinh thần thì mở rộng ra. Mục đích để chúng ta gần lại các
người ngoài công giáo với tinh thần trân trọng
khiêm tốn. Thời sự hiện nay
mời gọi chúng ta thực thi điều đó.
|