Hiện nay, có hai cách làm dấu Thánh Giá: đơn và kép.
Dường như mãi đến thế kỷ IX, Hội Thánh Công Giáo mới bắt đầu làm dấu Thánh Giá trên người (dấu Thánh Giá kép và dấu Thánh Giá đơn). Dấu Thánh Giá vạch trên trán, trên môi và trên ngực (được gọi là “dấu Thánh Giá kép”) là cách làm dấu Thánh Giá cổ xưa nhất. Vào thời Đế quốc Rôma, người ta thường xăm trên một người huy hiệu binh đoàn của họ, hay trên một nô lệ dấu hiệu của ông chủ của người ấy. Các sử gia ghi nhận là có những Kitô hữu Cốp (Coptic) đã xăm các hình thánh giá trên trán và trên cổ tay của họ, để chứng tỏ họ thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta vạch dấu Thánh Giá trên mình như một cách “xăm” hình Thánh Giá lên mình, để chứng tỏ chúng ta quy phục Chúa Kitô, chúng ta thuộc về Người.
Thật ra, khi làm dấu Thánh Giá đơn (chỉ vạch 1 lần thay vì 3 lần) và đọc: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, chúng ta còn nói lên nhiều hơn thế nữa. Chúng ta vừa diễn tả lòng tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa tuyên xưng Chúa Kitô là Đấng Cứu thế, đã cứu độ chúng ta bằng cái chết thập giá. Và trong niềm tin tròn đầy đó, chúng ta bắt đầu sinh hoạt. Cách làm dấu Thánh Giá (đơn) quen thuộc là đưa mấy bàn tay phải lên chạm vào trán và đọc: “Nhân danh Cha”, rồi chạm vào vùng ngực thì đọc: “và Con”, sau đó chạm vào vai trái thì đọc: “và Thánh”, rồi chạm sang vai phải thì đọc: “Thần”; cuối cùng, chắp hai bàn tay lại và đọc: “Amen”.
Còn khi chúng ta làm dấu Thánh Giá kép, chúng ta được dạy đọc Kinh “Vì dấu” theo truyền thống cha ông người Việt là: khi vạch một dấu Thánh Giá nhỏ trên trán thì đọc: “Lạy Chúa, chúng con vì dấu Thánh Giá”, khi vạch trên môi thì đọc: “xin chữa chúng con”, và khi vạch trên ngực thì đọc: “cho khỏi kẻ thù”, rồi lại làm thêm dấu Thánh Giá đơn, “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”. Vì thế, giáo dân chúng ta thường có thói quen hễ làm dấu Thánh Giá kép xong là nối tiếp luôn một dấu Thánh Giá đơn.
Có nhiều cách giải thích, theo các Giáo Phụ, chẳng hạn: “trán” tượng trưng “trời”; “vùng tim hay bao tử” tượng trưng “trái đất”; “hai vai” tượng trưng “nơi và dấu chỉ sức mạnh”. Ngoài ra: “bàn tay đưa lên trán” được coi như cầu nguyện với Chúa Cha để xin ơn khôn ngoan; “bàn tay đưa về phía bao tử” là để cầu nguyện với Chúa Con đã nhập thể; và “bàn tay đưa lên hai vai” là để cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.
Có một vài cách khác nữa: chẳng hạn, người ta có thể nhúng mấy ngón tay (hay cả bàn tay phải) vào nước thánh, sau đó làm dấu Thánh Giá như thường lệ, đến khi đã chạm hai vai xong thì lại đưa bàn tay về chạm vào vùng ngực (bao tử) để kết thúc.
Cũng có thể vừa làm dấu Thánh Giá vừa đọc một lời nguyện tắt. Có những nơi người ta quen hôn ngón tay cái đặt với ngón trỏ nằm ngang thành hình Thánh Giá, để kết thúc dấu Thánh Giá, thay vì chắp tay và đọc “Amen”.
Hiện nay, khi khởi đầu Giờ Kinh Phụng vụ (Kinh Nhật Tụng), nếu là Giờ kinh đầu tiên trong ngày, vị chủ sự vừa vạch trên môi một dấu Thánh Giá nhỏ vừa đọc “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con”, cộng đoàn cũng im lặng vạch dấu Thánh Giá trên môi như thế, và thưa: “Cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”; còn nếu bắt đầu những Giờ Kinh khác, vị chủ sự vừa làm dấu Thánh Giá thông thường vừa đọc “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con”, cộng đoàn im lặng làm dấu Thánh Giá như vậy rồi nối tiếp: “Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ. Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa, Tự muôn đời và chính hiện nay, Luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen. Halêluia”.
Cũng vẫn trong Giờ Kinh Phụng vụ , truyền thống Hội Thánh quy định là, khi bắt đầu đọc Thánh ca Tin Mừng trong Giờ Kinh Sáng (Thánh ca Benedictus), trong Giờ Kinh Chiều (Thánh ca Magnificat) và trong Giờ Kinh Tối (Thánh ca Nunc Dimittis) thì làm dấu Thánh Giá. Cách này đã được Thánh Bộ các Nghi Thức Thánh phê chuẩn vào ngày 20-12-1861, và nay vẫn được quy định trong Huấn thị tổng quát các Giờ Kinh Phụng Vụ (số 266b).
Lm PX Phan Long, ofm
|