Dịp tội
Qua đoạn Tin
Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ về dịp
tội.
Câu hỏi thứ
nhất: Dịp tội là gì?Tôi xin thưa, đó là những hoàn cảnh thúc
đẩy làm cho chúng ta dễ dàng vấp ngã.
Câu hỏi thứ
hai: Chúng ta phải có thái độ nào đối với
dịp tội? Trước
hết bản thân chúng ta không được trở thành
dịp tội cho người khác sai lỗi. Hay nói một
cách cụ thể hơn, chúng ta không được phép làm
gương mù gương xấu cho người khác.
Rất nhiều
lần chúng ta đã nói:
- Không ai có thể
sống cô độc lẻ loi một mình, trái lại, chúng
ta sống là sống với người khác.
Thế nhưng,
trong cuộc sống chung này, chúng ta lại ảnh hưởng
đến nhau rất nhiều. Một lời nói tốt,
hay một việc làm tốt sẽ để lại
một ảnh hưởng tốt. Trái lại, một
lời nói xấu hay một việc làm xấu, sẽ
tạo nên một hậu quả xấu nơi người
chung quanh. Chính vì thế mà tục ngữ đã bảo:
- Gần mực thì
đen, gần đèn thì rạng.
Hay như danh ngôn
Tây phương cũng nói:
- Anh hãy chỉ cho tôi
biết bạn anh là ai, tôi sẽ cho anh hay anh là
người như thế nào.
Chính vì thế,
chúng ta không được làm gương mù gương
xấu, trở thành dịp tội, trở thành cái cớ
cho người khác vấp phạm.
Chúa Giêsu đã có
một thái độ nghiêm khắc đối với
kẻ làm gương mù gương xấu. Ngài nói:
- Nếu ai làm cho
một trong những kẻ bé mọn này phạm tội, thì
thà buộc cối đá vào cổ nó mà quẳng xuống
biển còn hơn.
Đang khi mọi
người cố gắng rao giảng Tin Mừng, góp
phần làm cho Giáo hội được phát triển, thì
gương mù gương xấu sẽ hủy hoại Giáo
hội và làm cho Giáo hội bị giảm sút.
Ngoài ra, bản
thân chúng ta còn phải xa tránh những dịp tội. Như
trên chúng ta đã nói dịp tội là những hoàn cảnh
thúc đẩy khiến chúng ta dễ dàng sai lỗi. Bởi
đó, tục ngữ đã dạy:
- Lửa gần rơm
lâu ngày cũng bén, chơi dao có ngày đứt tay.
Hay như một
nhà đạo đức đã xác quyết:
- Sống trong dịp
tội mà không sai lỗi vấp phạm, thì đó là một
phép lạ cả thể mà chắc chắn Chúa sẽ
chẳng bao giờ thực hiện cho chúng ta.
Tuy nhiên, có
điều chúng ta cần phải lưu ý: dịp tội
thay đổi tùy theo mức độ hiểu biết và
trưởng thành của mỗi người. Cùng một
cuốn sách, người này đọc thì thấy hay và
bổ ích, còn người khác thì bị cám dỗ nặng
nề về đức tin hay đức trong sạch. Vì
thế, không phải hễ thấy người khác làm
việc nọ việc kia là chúng ta bắt chước mà
làm theo. Trái lại, cần phải suy nghĩ, cân nhắc,
bàn hỏi và lắng nghe tiếng nói của lương tâm
để dễ dàng nhận ra dịp tội, bởi vì
trước mỗi hoàn cảnh, trước mỗi công
việc, lương tâm thường lên tiếng báo động
và chỉ cho chúng ta hay đâu là cái phải làm và đâu là cái
phải tránh.
Tóm lại
để bảo vệ vẻ trong trắng của tâm
hồn, chúng ta hãy can đảm xa tránh dịp tội,
như lời Chúa đã phán dạy:
- Nếu mắt con làm
con phạm tội, thì hãy móc nó đi, vì thà rằng chột
một mắt mà được vào nước trời, còn
hơn là có đủ cả hai mắt mà bị quăng vào
hỏa ngục đời đời.