Phục vụ(3)
Trong ba năm giảng
dạy công khai của Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng thuật
lại ba lần Chúa Giêsu báo trước cuộc thương
khó Ngài phải chịu ở Giêrusalem. Mỗi lần
đều đặt trong một khung cảnh khác nhau và
lời loan báo cũng hơi khác nhau. Nhưng cũng như
đại đa số người Do Thái không hiểu,
không hề có ý tưởng về một vị cứu
thế bị đau khổ, bị đóng đinh, các tông
đồ cũng vậy, không hiểu và nhất là không
muốn tin. Các ông chỉ mường tượng
đến một nước trần gian vật chất,
danh vọng, uy quyền, giầu có, nhiều lần các ông
đã bộc lộ niềm mơ ước đó. Mỗi
lần nghe biết như vậy Chúa buồn lắm,
nhưng Ngài kiên nhẫn cải chính quan niệm sai lầm
của các ông, đồng thời Ngài nhắc lại cho các
ông bài học cốt tử mà Ngài đã dạy dưới
nhiều hình thức khác nhau, đó là bài học khiêm
nhường và phục vụ. Cụ thể như bài Tin
Mừng hôm nay: ngay sau khi Chúa báo trước về cuộc
khổ nạn của Ngài, các tông đồ không hiểu, lại
tranh cãi nhau về ngôi thứ, cấp bậc. Nhân dịp này
Chúa dạy các ông:”Ai muốn làm người đứng
đầu, thì phải làm người rốt hết và phục
vụ mọi người. Rõ ràng Chúa muốn dạy về
sự khiêm nhường và phục vụ. Chúng ta hãy tìm hiểu
thêm.
Một hôm, Hồ Khưu
Trượng hỏi Tôn Thúc Ngao: “Có ba điều chuốc
oán, ông đã biết chưa?”. Họ Tôn trả lời: “Tôi
chưa được biết”. Trượng Nhân nói:
“Tước vị cao người ta ganh, quyền thế
lớn người ta ghét, lợi lộc nhiều
người ta oán”. Tôn Thúc Ngao lắc đầu nói: “Không
phải luôn luôn như thế, tước vị tôi càng cao
tôi càng xử nhún nhường, quyền thế tôi càng
lớn tôi càng ở khiêm cung, lợi lộc tôi càng nhiều
tôi càng chia bớt cho những người chung quanh, như thế
thì làm gì bị oán thù của thiên hạ”. Rất đúng.
Đức Khổng Tử
cũng đã dạy các đồ đệ của ông
như vậy. Một hôm, Khổng Tử tới thăm
miếu vua Hoàn Công, thấy một chiếc lọ
đứng nghiêng nghiêng, ngài hỏi, thì người giữ
miếu cho biết: “Cái lọ này là một bảo vật,
thuở trước nhà vua thường để bên ngai
vàng hầu làm gương”. Khổng Tử liền hỏi:
“Ta vốn nghe đồn nhà vua có một bảo vật,
bỏ không thì nghiêng, đổ nước vào vừa
phải thì đứng thẳng, mà đổ nước
đầy thì lại ngã, có phải là vật này chăng?”.
Rồi ngài bảo các đồ đệ múc nước
thí nghiệm, thì quả nhiên đúng như thế. Bấy
giờ ngài mới trịnh trọng giảng dạy: “Thông minh
hiểu biết hơn người thì nên giữ bằng
cách khiêm cung, sức khỏe hơn người thì nên
giữ bằng cách nhút nhát, giàu có nhiều thì nên giữ
bằng cách bố thí và tỏ ra nhún nhường. Đó là
lối san sẻ bớt đi để khỏi
đầy tràn mà sụp đổ vậy”.
Cũng thế, Chúa Giêsu không
những không chấp nhận khuynh hướng xấu
của loài người là muốn thống trị, muốn
ăn trên ngồi trước mà Ngài còn đưa ra một
đề nghị thật khác thường: “Ai muốn làm
người đứng đầu, thì phải làm
người rốt hết và phục vụ mọi
người”. Sau lời dạy bảo ngắn gọn này,
Ngài gọi một em nhỏ đến, đặt em
đứng giữa các môn đệ, và sau khi ôm em vào lòng,
Ngài nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì
danh Thầy là tiếp đón chính Thầy”.
Chúa Giêsu đưa em nhỏ
ra đây để tượng trưng cho cái gì? Và tiếp
đón ở đây nghĩa là gì? Chúng ta biết: trong xã
hội Do Thái, đàn bà và trẻ em bị coi là không đáng
kể, trẻ nhỏ là thành phần không có chỗ
đứng trong xã hội. Chúa Giêsu ôm em nhỏ vào lòng,
đó là một cử chỉ chứng tỏ sự quí mến,
tiếp nhận. Tiếp nhận một em nhỏ như
thế chắc chắn không phải để em nhỏ
đó phục vụ mình, nhưng là phục vụ em
nhỏ đó. Em nhỏ đây là hình ảnh tượng
trưng cho những người tầm thường, nghèo
hèn, thấp cổ bé họng, không đáng kể
trước mặt người đời. Nhưng
một người như thế được Chúa Giêsu
coi là chính Ngài, đón tiếp người ấy là đón
tiếp Ngài. Hơn nữa, giúp đỡ và yêu thương
những người như thế là giúp đỡ và yêu
thương chính Ngài. Điều này chúng ta thấy rõ ràng
hơn trong đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu nói về ngày
chung thẩm. Chúa đánh giá rất cao những người
thể hiện tình yêu thương giúp đỡ
người khác, và Chúa căn cứ vào đó để
thưởng hay phạt. Vậy đừng sợ làm người
rốt hết và làm người phục vụ mọi
người, nhất là những người bé nhỏ,
tầm thường, nghèo hèn, bởi vì phục vụ
một người như thế là phục vụ Chúa Giêsu
và phục vụ chính Thiên Chúa.
Thực vậy, đối
với Chúa, người làm lớn sẽ là người
phục vụ người khác, và đối tượng
được phục vụ là những người
nhỏ nhất, tức là những người hèn kém,
những người nghèo khổ, và phục vụ họ
là phục vụ Chúa. Như vậy, chúng ta có phục vụ
ai chính là vì chúng ta muốn phục vụ Chúa Giêsu trong họ,
và chúng ta có được ai phục vụ thì cũng
chỉ vì họ đang phục vụ Chúa Giêsu nơi chúng
ta. Cho nên, điều quan trọng không phải là làm lớn
hay làm nhỏ mà là chúng ta có phục vụ không và phục
vụ với tinh thần như thế nào?
Tóm lại, Chúa Giêsu dạy
chúng ta hãy sống khiêm nhường và sẵn sàng phục
vụ lẫn nhau, nhất là những người hèn kém,
nghèo khổ, bất hạnh. Chúng ta hãy nhớ: tất
cả chúng ta đang sống là để phục vụ
nhau, cuộc sống chỉ đáng sống khi sống
để phục vụ người khác, và như thế
cũng là đang phục vụ Thiên Chúa. Một cuộc
sống như thế cao đẹp và có ý nghĩa biết
bao. Xin Chúa cho chúng ta luôn có tinh thần khiêm nhường và
phục vụ như thế.
|