CON ĐƯỜNG ĐẠT HẠNH PHÚC CHẲNG MẤY AI ĐI (THE ROAD LESS TRAVELED)
Cuốn sách giá trị và nổi tiếng, bestseller cả mấy chục năm nay tại Âu Mỹ, về tình yêu, về con đường tăng trưởng tâm linh, tức phương cách đạt hạnh phúc đã được Lm. Lê Công Đức dịch sang tiếng Việt từ nguyên tác The Road Less Traveled của bác sĩ M. Scott Peck. (Mời đọc Con Đuờng Chẳng Mấy Ai Đi trong Tủ Sách Dũng Lạc)
Ai cũng muốn tìm hạnh phúc, vậy mà con đường đạt đích đó theo khoa học tâm lý thời mới chứng minh được lại chẳng mấy ai đi. Thế mới nghịch lý!
Cuốn sách mở đầu không bằng trăng mật, mà bằng một câu nghe rợn tóc gáy về tình yêu: " Cuộc đời đầy gai góc" (Life is difficult).
HIỆN TƯỢNG CÔNG NƯƠNG DIANA

Biến cố công nương Diana bị tử nạn vì xe hơi tại Paris đêm 31 tháng 8 năm 1997 đã gây chấn động cả thế giới. Hình ảnh và những bài bình luận tiếp diễn dài dài trên TiVi và báo chí. Quan tài mang xác người đẹp "hồng nhan bạc mệnh" đã được đưa về thủ đô nước Anh, nơi cách đó 16 năm Diana đã huy hoàng tiến lên ngôi hoàng hậu tương lai vào ngày 29 tháng 7 năm 1981 lúc mới 20 tuổi phơi phới xuân tình, và cũng là nơi cách đó một năm nàng đã chính thức li dị với hoàng tử Charles sau những giằng co cay đắng trong hoàng cung đến nỗi có lần đã toan tự tử. Vì ông hoàng này nhiều chuyện quá đi. Vợ đẹp con khôn chẳng muốn, lại đi tù tì với bà Camilla Parker Bowles đã có chồng. Báo chí nghe lén được cả những lời tán tỉnh trộm vụng thật tồi tệ của ông hoàng mà đăng lên đàm tiếu chả còn ra thể thống gì cả.
Ai đâu ngờ câu truyện kết thúc lại thê thảm như thế. Cả triệu người tuốn ra đường. Dân chúng lũ lượt chen nhau đưa hoa xếp đầy chung quanh cung điện Kensington của Diana tỏ dấu mến thương. Có người bực mình bảo là truyện xấu hổ cho cả nước Anh do hoàng gia mà ra, dẹp quách trò vua đi cho rồi. Có người còn suy đoán hay đây là vụ bịt miệng. Người thì tố cáo mấy tay nhà báo săn tin săn hình xâm phạm quấy rầy đời tư người khác một cách thái quá đã khiến thành chuyện vấy máu tay giết người. Vì cũng chính mấy tay này đã kèm sát chiếc xe Mercedes chở công nương Diana với anh chàng nhà giầu bạc tỉ Dodi Fayed để kiếm cho được những bức hình hái ra tiền về mối tình mới quá ư hấp dẫn này, nên đã làm cho tài xế đánh mất thăng bằng. Thế là cả hai được anh tài xế Henri Paul đang cơn say rượu phóng tốc độ 125 dặm một giờ chở tuốt về thế giới bên kia luôn cho khỏi vấn vương tục lụy. Thôi thì cũng là kết thúc một câu chuyện đời, nhưng rồi câu chuyện thần thoại xem ra bắt đầu. Diana không còn có thể trở thành hoàng hậu của nước Anh, nhưng lại đã trở thành nữ hoàng của muôn con tim cảm mến. Nhất là những năm gần đây, cô nàng như thoát được cảnh tù túng của cung vua những năm trước mà hòa lẫn vào đám dân nghèo, đi săn sóc những nạn nhân chiến tranh và bệnh nan y. Những bộ quần áo sang trọng hồi còn trong hoàng cung đã cho đưa bán đấu giá mỗi bộ được cả mấy chục ngàn để làm việc từ thiện. Tội cho hai hoàng tử William và Harry chưa chi đã mồ côi mẹ. Vua tương lai của nước Anh là William mới 15 tuổi có khuôn mặt và nụ cười giống mẹ quá sức. Mấy chục năm nữa làm vua, chắc William lại phong mẹ mình làm hoàng thái hậu chứ còn gì.
ĐIỀM GÌ TỪ VỤ KẾT THÚC THẢM THƯƠNG?
Thì ra câu nói của người mình thật đúng quá: thấy vậy mà chẳng phải vậy. Thấy cảnh sang trọng quyền quí của đôi uyên ương hoàng gia tươi mát trong đám cưới lộng lẫy như trong phim Cinderella vậy thì chắc phải hạnh phúc rất mực chứ đâu lại đi than buồn chán tù túng cô đơn đến đòi tự tử! Rồi chồng ăn chả vợ ăn nem chẳng còn mặt mũi hoàng tộc gì nữa! Ai cũng viện lý do để bào chữa cho việc lem nhem của mình. Thì thiếu gì lý do. Nào là không hợp nhau. Chồng già 32 tuổi, vợ trẻ 20 tuổi chênh nhau như đôi đũa lệch so sao cho vừa. Nào là tính chàng khép kín xa cách và khô khan như không có tim. Diana đã tâm sự như vậy trong cuốn truyện do Andrew Morton xuất bản (Diana: Her True Story). Đang khi đó thì ông hoàng Charles lại bật mí trong cuốn The Prince of Wales của Jonathan Dimbleby rằng ông sẽ rất vui mừng được đổi chỗ cho ông bạn nào, các luôn cả công nương xinh đẹp Diana cho chắc ăn. Rằng đổi xong có thể chưa hết một ngày thì đã ân hận cả đời chưa biết chừng. Rồi ông còn giõng giạc phát ngôn rằng không hề yêu Diana bao giờ, tại sao mình lại có thể sai lầm đến như thế (how could I have got it all so wrong)! Chẳng khác gì một số cặp vợ chồng yêu nhau đã tới năm sáu đứa con mà cũng bày đặt rên lên rằng không còn yêu nữa, chứ không phải vì đàng sau đã đèo thêm một bến đậu sẵn sàng bốc rước hay sao?!
Người Mỹ có câu "bờ cỏ bên kia xanh hơn bên này", và người mình thì trích kinh nghiệm tổ tiên "đứng núi nọ trông núi kia cao" vào hoàn cảnh này thì trúng quá đi chứ.
Dẫu vẫn biết rằng ai cũng phải chết, nhưng cái chết của Diana có cái gì ray rứt tức tưởi làm sao ấy. Nó xoáy sâu vào tim con người thời đại, và trở thành như dấu chỉ của nhiều cảnh "hỏa ngục trần gian" mà cái vòng tình ái thì cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào. Rồi trượt vỏ dưa chưa xong lại tưởng bến bờ hạnh phúc nằm ở vỏ dừa Dodi Fayed hay Camilla Parker Bowles. Không cho lấy nhau thì la hét giẫy giụa lên án cha mẹ là cổ lỗ lỗi thời, mà cho lấy nhau rồi thì cắn cấu đầy đọa nhau.
Sao mà cái tình đời nó thảm quá vậy?! Bước vào thế kỷ 21, con người vẫn tiếp tục khắc khoải trước một viễn tượng về gia đình: Hạnh phúc nó là cái gì mà sao chân lấm tay bùn lam lũ đầu tắt mặt tối quá đi?! Sang giầu và quyền quí mà ai cũng mơ ước như trong truyện hoàng tử tìm thấy công chúa ngủ trong rừng 100 năm như vậy mà cũng không toại nguyện nữa thì cũng chịu thôi. Chắc chắn phải có cái gì sai trệch căn bản từ lối tìm và xây hạnh phúc của con người thời đại rồi chứ còn gì nữa.
TIN VUI NÀO GỬI NGƯỜI ÍT CHỊU THUỐC ĐẮNG (CN 24B)
Ngày xưa còn bé tôi có một thói xấu về việc uống thuốc. Mẹ bắt uống thì cũng phải nghe, nhưng khi uống thì thay vì hất vào miệng, tôi lại rất nhanh tay hất ra đàng sau. Mẹ thì khen thằng con chịu khó mà kỳ thực tôi đã chọn thà chịu bệnh một tuần chứ không muốn uống thuốc đắng bẩy ngày!
Cũng chính vì thấy được căn bệnh của thời đại này là ít chịu uống thuốc đắng nên Chúa Giêsu đã chỉ cho vị thuốc khác hiệu nghiệm nhưng còn đắng hơn nữa:
"Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình.
Và chính Ngài đã bước theo con đường ấy:
"Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại."
Thập giá là chén đắng, là con rắn đáng sợ chẳng ai muốn tới gần. Vậy mà Chúa bảo Ngài cũng bị treo lên như vậy, để những ai dám nhìn lên với niềm tin tưởng và chấp nhận được thập giá, thì được chữa khỏi, được cứu thoát. Chẳng lạ gì ở cửa phòng bác sĩ thường có biểu hiệu con rắn đang cuộn lấy cây thập tự. Như vậy con rắn chính là những nhát dao giải phẫu, những mũi kim chích làm đau da thịt, những viên thuốc đắng mắc tiền. Bên Âu Mỹ mà lạng quạng phải lên bàn mổ là tiêu tùng mấy chục ngàn tiền Mỹ như chơi. Vậy mà Chúa gửi thập giá, dao mổ và thuốc đắng đến miễn phí mà Ông Phêrô dám cản ngăn và từ chối vì ngán sợ nên đã bị Chúa chửi thẳng vào mặt là đồ Sa-tan! Hai anh em Giacôbê và Gioan thích thành đạt ngon lành thì Chúa cũng đã chỉ cho cách uống chén đắng.
VƯƠN LÊN TỪ NHỮNG XUI XẺO
Lm. Mark Link có kể ba chuyện về ba nhân vật nổi tiếng vươn lên từ những gì tưởng là xui xẻo nhất.
Eugene Oneill vẫn còn là một người thất bại khi đã 25 tuổi, cuộc sống thì hầu như không mục đích, không qui củ, không định hướng. Thế rồi một hôm, ông lâm trọng bệnh và được đem vào bệnh viện. Nhờ thời gian nằm viện, ông đã có dịp may làm được điều trước đó ông chưa bao giờ làm được; ông mới có dịp may suy nghĩ và định hướng cho cuộc đời mình. Nhờ đó ông đã khám phá ra tài năng soạn kịch của ông.
Cuối cùng Eugene O'Neill bình phục, ông chọn nghề viết kịch và bắt đầu trở thành người canh tân nền kịch nghệ Hoa Kỳ. Tất cả điều này xảy ra chính là do ông đã biết biến đổi phiền muộn khổ đau thành phương cách xây dựng tích cực, đã biến chúng thành sức sống cho ông.
Golda Meir rất thất vọng về nhan sắc của mình khi còn là một thiếu nữ. Cô viết: "Mãi về sau, tôi mới nhận ra rằng không được đẹp lại là một may mắn tiềm tàng, bởi vì điều ấy buộc tôi phải khai triển những tài năng sâu kín hơn, cuối cùng tôi hiểu được rằng phụ nữ không thể ỷ lại vào sắc đẹp của mình, mà phải làm việc chăm chỉ để nhờ đó… mang lại lợi ích cho mình hơn." Nói cách khác, Golda Meir đã biết chấp nhận thánh giá của mình. Cô đã không kêu gào than khóc, không bẳn gắt, căm hờn, cô biết cam nhận vác nó lên với lòng can đảm, để rồi cuối cùng cô đã trở nên nữ thủ tướng đầu tiên của Israel.
Còn Oscar Wilde thì ở đỉnh cao nghề nghiệp viết lách, ông đã xác tín sứ mạng của mình. Sau khi ở tù ra, ông không còn chấp nhận viết những vở hài kịch phù phiếm nữa, không dành trí tưởng tượng cho ba chuyện lăng nhăng lít nhít nữa. Ông đã sáng tác những câu thơ tuyệt vời như:
"Đau khổ chính là mảnh đất thánh."
hay:
"Đức Kitô đâu có thể đi vào tâm hồn chúng ta bằng nẻo đường nào khác ngoài trái tim đã vỡ nát."
Oscar Wilde đã dùng Kinh nghiệm nhục nhã của mình như một dịp để tăng triển tốt đẹp hơn. Giống như tinh thần Tin Mừng hôm nay ông đã biết biến đổi Kinh nghiệm ấy thành nguồn ban sức sống chứ không để nó thành nguồn chết chóc huỷ diệt.
Những câu chuyện về Eugene O'Neill, Golda Meir và Oscar Wilde cho ta thấy rõ ràng điều quan trọng trong cuộc sống không phải là những khổ đau phiền muộn xảy đến cho ta, mà chính là thái độ lựa chọn trước những gì xem ra xui xẻo ấy. Nếu mình từ chối không chấp nhận khổ đau phiền muộn, không chịu cúi xuống nâng chúng lên, thì chúng sẽ vùi mình xuống. Ngược lại, nếu mình theo lời Đức Giêsu can đảm cúi xuống nâng chúng lên, thì chúng sẽ biến thành năng lực tích cực, thành nguồn ban sức sống giống như trường hợp Eugene O'Neill, Golda và Oscar Wilde.
CÒN CÓ CON ĐƯỜNG NÀO KHÁC NỮA KHÔNG?
Thời nay người Âu Mỹ chế tạo được loại cà phê cấp tốc (instant coffee) xem ra tiện và nhanh, nhưng uống thì lãng nhách như nước cống rãnh. Kiên nhẫn một tí ngồi chờ ly cà phê "cái nồi ngồi trên cái cốc" thì thú vị biết bao: Từng giọt đắng chen vào kẽ răng, ngấm nghía cả ngày vẫn còn chất cà phê làm hoan lạc đến cả tâm can.
Người ta cũng đang muốn chế loại hạnh phúc gia đình giống kiểu cà phê cấp tốc mì ăn liền! Trước khi lấy nhau đã phải "hỏa tốc" chẳng kịp đợi lễ cưới. Tình đã nhẵn mặt nhau, đôi khi phát nhàm chán rồi, nguội cả ra rồi, không còn "tình nóng hổi vừa thổi vừa cưới" nữa. Ấy cũng bởi người ta đang dạy cách sài cấp tốc, nên hạnh phúc dễ trở thành lãng xẹc. Ngôn ngữ kiên nhẫn chờ đợi và tập âm thầm chịu đựng hình như biến mất trong cái sổ sửa soạn đám cưới (checklist). Con đường tập hy sinh quên mình theo "con đường nghiền nát trầu cau, nên màu đỏ thắm nên màu sắt son" đã được thay thế bằng tục đút bánh ngọt cho nhau, xúi dại nhau chờ cuộc đời cũng phải đút cho ngọt ngào, nhưng khi đụng vào thực tế nhiều cay đắng quá thì đứt luôn chịu không nổi.
Tôi đang muốn đạt hạnh phúc theo con đuờng nào đây? Thi sĩ Robetr Frost đã chọn lựa, vã gợi hứng cho cuốn sách nổi tiếng của bác sĩ M. Scott Peck với “Con Đừờng Chẳng Mấy Ai Đi”
“Gặp hai con đường phân ngả trong rừng, thì tôi, tôi sẽ chọn con đường ít người đi; điều đó tạo ra tất cả sự khác biệt.” (Robert Frost)
Two roads diverged in a wood, and I - I took the one less traveled by, and that has made all the difference (Robert Frost).
Ngả Đường Ít Người Đi, ảnh của Cao Tường

Ngả Đuờng Ít Người Đi (Bản dịch của HP-TNT)
Trong cánh rừng con đường chia hai ngả Tôi tiếc mình không thể bước cả hai Đi một mình, đứng ngắm một ngả hoài Ngút tận xa nó khuất lùm cây rậm Rồi tôi đi ngả kia cho công bằng thận trọng Hy vọng sẽ khá hơn Đường nhiều cỏ và có vẻ mòn hơn Mặc dầu, Hai lối đi đều đã mòn tương tự Sáng hôm đó Hai ngả đường đều phủ đầy lá Chẳng vết chân nào đã dẫm lên. Ồ! Tôi đánh dấu ngả đầu ưu tiên cho ngày khác! Nhưng làm sao tôi biết chắc được lối đi nào dẫn lại ngả đường có thể chẳng bao giờ trở lại bước. Ngày kia khi tuổi đời chồng chất Tôi cất tiếng thở dài kể lại: Con đường chia hai ngả tại khu rừng khuất Tôi đã chọn ngả đường ít người đi nhất Nó tạo nên tất cả thật rất khác. THE ROAD NOT TAKEN (Robert Frost) Two roads diverged in a yellow wood, And sorry I could not travel both And be one traveler, long I stood And looked down one as far as I could To where it bent in the undergrowth; Then took the other, as just as fair, And having perhaps the better claim Because it was grassy and wanted wear; Though as for that, the passing there Had worn them really about the same, And both that morning equally lay In leaves no step had trodden black. Oh! I marked the first for another day! Yet knowing how way leads on to way I doubted if I should ever come back. I shall be telling this with a sigh Somewhere ages and ages hence: Two roads diverged in a wood, and I, I took the one less traveled by, And that has made all the difference.
Mời vào trang mục Văn Hóa & Niềm Tin trong Mạng Lưới Dũng Lạc www.dunglac.org
Tác giả Trần Cao Tường, Lm.
|