dcctvn.net
Cách đây mấy tháng, tôi đã viết “Ngày ghi ơn ba”. Bây giờ nhân Lễ Vu Lan, tôi xin viết
Mẹ tôi tính ra năm nay đã tròn 93 tuổi, lớn hơn ba tôi mấy tháng. Tôi không nói, không viết là các cụ đã chết, các cụ vẫn đang sống đấy chứ. Nếu cần, có thể viết là các cụ đã “qua đời”. Chỉ qua thôi, không kết thúc, không chấm dứt. Vâng, ngoại trừ người vô thần hoang mang ngơ ngác không biết sau cuộc đời này, người ta đi đâu, về đâu, chứ tất cả những ai có một tín ngưỡng tâm linh, đều quả quyết chết không phải là hết, ngược lại là đằng khác, nhắm mắt xuôi tay ở cõi này lại là trỗi dậy bắt đầu ở một cõi khác, cõi thật sự của Thượng Đế chí tôn cội nguồn.
Tôi viết “Ngày nhớ ơn Mẹ” với ước mong những kỷ niệm về mẹ tôi được trải ra, không chỉ cho riêng tôi được nhớ, được thương, được ràn rụa nước mắt biết ơn mẹ, mà còn có thể thắp lên một ngọn nến sáng màu hồng của lòng nhân ái nơi mọi người, nhất là nơi các bạn trẻ đang còn có mẹ sống cạnh bên. Các bạn trẻ có tin điều này không nhỉ ? Tất cả những gì thuộc về con tim, như lòng nhân hậu, lòng thương xót, lòng bao dung, cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng, trìu mến và thương nhớ... trong tiếng Pháp đều được viết bằng giống cái, nghĩa là đều mang đậm nữ tính, nghĩa là đều xuất phát từ mẹ đấy nhé.
Tôi xin chứng minh luận điểm này bằng những dấu ấn mẹ tôi đã để lại trên đời tôi. Các bạn cũng thế, cứ thử tìm lại trong ký ức mà xem, hồi tưởng và nghiệm sinh, các bạn cũng sẽ tế nhận được như tôi, có khi còn tràn ứa chan hòa hơn tôi nữa cơ.
Mẹ tôi trong nhà được các con gọi bằng “Me”. Chữ “me” đặc thù của dân Bắc Kỳ chúng tôi, dường như khi con gọi mẹ hoặc mẹ xưng với con, nghe nó nhẹ hơn, mềm hơn, dịu hơn nên cũng có vẻ gần gụi hơn là gọi bằng tiếng “mẹ” thì phải. Trong nhà, anh chị em chúng tôi từ bé đến lớn, đã quen thành nếp rồi, cứ luôn miệng: “Thưa me, con đi học về” – “Me ơi me, ba bảo hôm nay nhà mình...” – “Me dặn anh thế này... me bảo chị thế kia” – “Me đi chợ về chưa nhỉ ?”
Vì thế, từ dòng này trở đi đến cuối bài, xin cho tôi được viết là “me tôi”.
Me tôi hồi bé chỉ học được đến lớp 5 sơ học yếu lược rồi phải nghỉ vì ông ngoại tôi mất đột ngột, 9 tuổi đã biết trông coi cửa hàng cho bà ngoại chúng tôi cho đến khi lấy ba tôi cùng tuổi 20. Me tôi viết chậm nhưng nét chữ đẹp lắm, tròn trĩnh, phúc hậu, cứ như là chữ cô giáo ấy. Lũ con trong nhà, nhờ được ba rèn nghiêm khắc, lại biết bắt chước mẹ, ai cũng được nhà trường khen chữ mẫu mực.
Khác với ba tôi rất dữ đòn, me tôi chỉ mắng, phải cái mắng rất dai, mắng chuyện này ra chuyện kia, dây mơ rễ má, các con chỉ giả vờ sợ thôi, đến khi lớn, bị me mắng, bực quá, có lúc nặng lời cãi lại me rồi lại ân hận xin lỗi me, cho dù ngay sau đó lại phải nghe me tôi lèo nhèo đay nghiến tiếp. Anh chị em mấy đứa nháy nhó với nhau, thôi kệ, me có thương mới nói dai thế !
Đến thời tôi là bé út trong nhà, mỗi khi ba tôi quát lên, bắt tôi phải đích thân đi lấy cái phất trần chuẩn bị một trận đòn nên thân, thì thế nào đang khi ông ra nhà ngoài hút điếu thuốc lào, me tôi sẽ nhanh tay lấy một cái khăn bông cũ lót vào mông tôi ngay dưới lớp quần đùi. Đến khi ba trở vào, thẳng tay phết roi nào ra roi nấy, bộp bộp bộp, cả chục roi, tôi cứ khóc tu cả lên mà chẳng thấy đau gì. Ba tôi bỏ đi, sau này tôi mới hiểu là ông biết tỏng tòng tong nhưng cứ giả vờ như không. Nhờ vậy, trong nhà ai cũng sợ ba mà sán mẹ, bên nghiêm bên hiền, bên đánh bên xoa.
Me tôi được ơn Chúa thế nào không biết, hay có dịp gặp các linh hồn, hay nằm chiêm bao và thị kiến, hay có những tương quan lạ lùng với người đã chết, thường là chết oan ức hoặc bất đắc kỳ tử. Âu cũng vì me tôi thương người lắm, cả người sống lẫn người chết.
Với người sống, thấy chị xe rác áo bị rách vai, thế nào cũng chuẩn bị sẵn, hôm sau ra đổ rác có cái áo cũ nhưng còn tốt để tặng người ta. Thấy mấy đứa con nhà cán bộ hàng xóm đi học về mà không vào được nhà, lêu bêu đợi bố chúng nó còn mải đi nhậu, thế nào me tôi cũng lại bảo vào nhà cho ăn bát cơm nóng hoặc cái bánh giò. Đi chợ biết có cô gái điếm hết thời lại bị bệnh lậu khốn khổ nhà ở chân Cầu Sắt Đakao, ân cần bảo ghé đến nhà hái cho mớ lá hoa sói đem về giã mà uống, lại bảo cầu nguyện để được “Đức Bà chữa” cho. Thương người nên tin người, đâm ra hay bị lừa, có lần trước 75 phải trắng tay một sớm một chiều, lại có lần sau 75 bị Công An Phường nhốt cầu tiêu mà ép cung, toàn là làm ơn mắc oán ! Đến lúc tuổi già ngồi nghĩ lại, me tôi chỉ chép miệng thở dài, không một lời nặng nề cay độc.
Với người chết, me tôi thường trở thành nhịp cầu để chuyển một thông điệp cần thiết giữa hai cõi. Có lần đi thăm nuôi ông anh tôi ngoài Z30C, dọc đường thấy có tai nạn, hai cái xác quấn chiếu đặt trên bờ cỏ. Tối về nhà, mệt nên đi ngủ sớm. Mới nhoáng một tý, me tôi trên gác lọ mọ trèo xuống gọi mấy chị em tôi lại kể: “Me chưa chợp mắt đã thấy có hai bóng người trắng toát đứng phía cuối chân, bên ngoài màn. Me bảo: Nhân danh Chúa Giêsu, tôi hỏi có phải vợ chồng bị chết ở Hàm Tân không, họ thưa vâng rồi ngỏ lời nhờ me xin Lễ, me lại bảo yên tâm nhé, đích thân mai tôi sẽ sang Nhà Thờ xin các cha Phanxicô dâng Lễ cho. Thôi bây giờ mấy me con mình đọc cho họ một chục kinh rồi hẵng đi ngủ nhé...”
Những giấc chiêm bao của me tôi, thoạt đầu ba tôi và lũ con chúng tôi trong nhà nghe kể cứ tủm tỉm cười không tin, nhưng mà rồi cứ ứng nghiệm từng chuyện một. Chỉ xin đơn cử chuyện liên quan đến bản thân tôi. Một đêm khuya giữa năm 1958, me tôi lay ba tôi thức dậy để báo một tin vui: “Ông ơi, hôm nay mình được Chúa cho đậu thai, mình sẽ sinh con trai, lớn lên nó sẽ đi tu, mà là tu DCCT !” Ba tôi còn đang ngái ngủ, vừa bực vừa buồn cười, bảo: “Ơ cái bà này hay nhỉ ! Mới chiều nhà mình mời cha Hồng Phúc đến nhà dùng cơm nên bây giờ bà nhớ nét mặt cha, giọng nói cha, lại đang mong sinh thêm một đứa út là con trai, cứ thế nên nó đi vào giấc mơ. Thôi để yên tôi ngủ mai còn phải đi làm sớm bà ơi !”
Me tôi bắt ba tôi phải ra bàn lấy giấy ghi lại tất cả chi tiết: “Tôi trông thấy rõ ràng thằng bé mặc áo DCCT xách một cái vali tý hon. Cha Hồng Phúc ẩy vào lưng bảo con đến chào mẹ con rồi theo cha vào Nhà Dòng. Thằng bé chạy a đến ôm tôi, tôi còn kịp nhìn được 3 chi tiết: Mắt bên trái to còn bên phải nhỏ. Hai dái tai thì dài giống tai Phật. Và xoáy trên đỉnh đầu thì ngược từ bên phải sang. Ông ghi vào đi, rồi ông xem !”
Thế mà rồi me tôi tắt kinh và có thai thật. Ngày xưa làm gì có chuyện đi siêu âm thai để biết giới tính, chỉ đi ông Lang Tàu thân tín để được nghe mạch bốc thuốc. Ông Lang bấm đốt ngón tay bảo sẽ sinh con trai, năm tới, đúng ngày rằm tháng tư, Phật Đản ! Ba tôi vốn người theo lý trí Tây học, nghe vậy cũng mừng nhưng không tin đâu, cứ trêu me tôi: “Bà quả quyết nó là con trai, tôi cũng mong con trai, nhưng rồi sẽ lại ra con gái cho bà thua to nhé !”
Không ngờ, Lễ Phật Đản năm Kỷ Hợi, 1959, me tôi sinh ra tôi ở nhà bảo sanh gần nhà, ba tôi đi làm về, nghe chị lớn tôi báo tin, mừng quá, không dám chạy xe, chỉ dắt bộ đến xem mặt con. Vừa gặp me tôi đã bảo: “Ông thua tôi rồi nhé, đây ông xem...” Tất cả những chi tiết me tôi đã tả về tôi bây giờ nghiệm đúng 100% ! Và thế là từ đấy cho đến khi tôi được 27 tuổi, thời điểm tôi ngỏ lời xin ba me đi hỏi vợ, me tôi đã tuyên bố như đinh đóng cột: “Không vợ con gì cả ! Đi tu, mà là tu DCCT đấy nhé !”
Thương me tôi quá, bà chỉ dự được Lễ khấn lần đầu của tôi trong Nhà Dòng năm 1992. Bốn năm sau thì me tôi mất rất nhanh vì bệnh tiểu đường, không kịp dự Lễ tôi khấn trọn đời. Ngày tôi được nhận sứ vụ Linh Mục cách âm thầm năm 1998, không có ai thân thuộc trong gia đình, cũng không có “bà cố” được mời lên trao bộ lễ phục vàng để Bề Trên Giám Tỉnh sẽ mặc cho tôi. Nhưng kỳ lạ thay, tôi như được ơn Chúa “bù lỗ”, cứ nằm chiêm bao gặp lại ba me y như lúc còn sống, được dâng Lễ cho ba me và các anh chị trong nhà,. Tình trạng đặc biệt này kéo dài rất lâu, suốt mấy năm trời, cứ như một thời “Trăng Mật” đầu đời Linh Mục.
Lại nữa, sau này, khi dấn thân vào Mục Vụ Bảo Vệ Sự Sống, không ngờ tôi lại có dịp vận dụng những cái kinh nghiệm tâm linh huyền bí kỳ lạ của mẹ tôi. Rất nhiều trường hợp rõ ràng không phải là chuyện tâm thần hoang tưởng, hay hồn ma bóng quế, người ngoài cuộc nghe thuật lại dễ kết luận là mê tín dị đoan, hoặc sai lạc thần học. Ấy là chuyện những người đã trót phá thai vẫn cứ thấy như đứa bé tìm về lại với mình. Thì ra những con người bé bỏng tội nghiệp ấy tưởng đã mất hút vào lãng quên của quá khứ, lại vẫn đau đáu một nguyện vọng xin mẹ cha công nhận mình là con, có tên có họ, thậm chí khao khát có một tên Thánh như mọi đứa bé gia đình Công Giáo bình thường. Thế là ở Góc Xót Thương từ đấy cứ tăng lên dần hàng mấy trăm tấm bảng giống như bài vị cho các cháu bé đã bị phá thai lẫn rủi ro bị sẩy thai...
Vậy đó, me tôi, bà Maria Angela Phạm Thị Ích, đã rời bỏ cõi đời này hơn 13 năm rồi. Ngày me tôi mất, cha già Chân Tín đến viếng xác, đã bảo mấy anh chị em chúng tôi: “Cha chia buồn với gia đình vì hôm nay đã mất đi một người mẹ nơi cuộc đời này. Nhưng cha cũng chia vui với mọi người vì hôm nay gia đình mình đã có được một người mẹ ở trên Nước Trời”.
Lễ Vu Lan năm nay, tôi nghĩ dù là Đại Lễ của anh chị em Phật Giáo, cũng không có gì ngăn trở người Công Giáo nhớ về mẹ, tri ân mẹ, dâng Lễ cầu siêu cho mẹ mình. Riêng tôi, tôi xin cúi đầu khoanh tay như dạo còn bé: “Thưa me, cuối cùng con cũng đã đáp trả tiếng Chúa gọi để vào DCCT như thị kiến và ước mơ của me. Vậy thì xin me, cùng với ba và các chị đã về với Chúa, có cách nào đấy bằng tình thương yêu đặc biệt dành cho con là đứa út ít trong nhà, vừa gìn giữ con đừng có lạng quạng vấp ngã, lại vừa trợ giúp con phục vụ Hội Thánh thật tốt, thật trọn vẹn cho đến ngày con cũng được về đoàn tụ với cả nhà nhà mình trong cõi của Thiên Chúa, me nhé !”
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, Sàigòn, Lễ Vu Lan, Ngày nhớ ơn Mẹ 2.9.2009
|