HÃY MỞ RA
Nữ văn sĩ Hellen Keller (1880-1968) nổi tiếng của Hoa Kỳ ở thế kỷ XX là một người khuyết tật: vừa mù vừa câm điếc. Thưở nhỏ vì không thể nhận biết các âm thanh nên cô không phát âm được cho dù thanh quản và miệng lưỡi của cô vẫn hoạt động bình thường. Cô hay nổi loạn và phá phách, nhất là trong những bữa ăn. Gia đình mướn gia sư để kềm cặp dậy dỗ, nhưng chẳng ai chịu được tính tình của cô bé này.
Đến năm 7 tuổi, nhờ sự kiên nhẫn của cô giáo Anne Sullivan mà Hellen học nói bằng ngôn ngữ cho người câm điếc, đánh vần trên lòng bàn tay. Lần đầu tiên Hellen phát âm được chữ “wa” - “ter” (water: tiếng Anh nghĩa là nước), cô thật sự sung sướng vì có thể giao tiếp được thế giới bên ngoài. Dần dần cô học đọc học viết bằng chữ Braille dành cho người khiếm thị. Sau đó cô tiếp tục học lên đại học, và trở thành nhà văn.
Hellen Keller tâm sự rằng bị câm điếc thì khổ hơn bị mù rất nhiều, vì bị câm điếc không nghe được, không nói được, nên mình không hiểu người mà người cũng không hiểu mình. Người ta dễ cảm thông với người mù hay người què cụt hơn là với người câm điếc, vì người câm điếc bề ngoài trông không giống người tàn tật. Chỉ khi nào tiếp xúc với họ, ta mới biết họ cô đơn lẻ loi đến chừng nào.
Những người lần đầu tiên ra nước ngoài sinh sống hay học tập đều có một kinh nghiệm tương tự như bà Hellen Keller. Vì không quen với ngôn ngữ mới, thì có tai cũng như điếc, có miệng như câm: nghe không hiểu, nói không được. Không nghe được, không nói được cũng giống như đóng kín cánh cửa cảm thông. Hàng rào ngôn ngữ đã tạo khoảng cách làm ta cảm thấy cô đơn và lẻ loi.
Trong câu chuyện tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đi về vùng của dân ngoại, miền Thập Tỉnh, là vùng của mười thị trấn (dekapolis) ở phía đông sông Giođan. Ở đó Ngài đã chữa lành cho một người điếc và ngọng. Có lẽ câu chuyện này cũng tương tự như bao câu chuyện khác chúng ta đã từng nghe. Nhưng điểm làm tôi chú ý nhất là cách chữa bệnh của Đức Giêsu. Có một chút gì đó là lạ trong cách Ngài chữa bệnh lần này. Thay vì chỉ đơn giản truyền lệnh, như Ngài đã nói với người phung: “Ta muốn, con hãy được sạch!” (Mc 1,41), hoặc với người bại liệt: “Đứng dậy, vác chõng mà đi!” (Mc 2,11), hoặc với người bại tay: “Giơ tay ra!” (Mc 3,5), hoặc với cô bé con ông chủ hội đường: “Ta-li-tha-kum, dậy đi con! (Mc 5,41), thì Ngài lại “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh” rồi mới kêu lớn tiếng bằng tiếng Aram: “Ep-pha-ta! hãy mở ra” (Mc 7,33-34). Chưa hết, sau khi sự kiện xảy ra là người vừa điếc vừa ngọng ấy nghe được, nói được thì Ngài lại “truyền bảo họ không được nói với ai” (Mc 7,36). Úp úp mở mở, bí bí mật mật, không giống như thái độ của vị tôn sư danh tiếng vang lừng.
Thế thì tôi phải hiểu câu chuyện Maccô ghi lại như thế nào đây? Đức Giêsu không phải là một pháp sư làm ma thuật, nhưng là một thầy thuốc đến chữa lành. Có lẽ Đức Giêsu phải kéo người khuyết tật ra riêng để tránh óc hiếu kỳ của đám đông. Ngài chạm lấy đôi tai, cái lưỡi của người điếc và ngọng ấy để gợi ý cho người anh ta biết rằng anh rất có thể được chữa lành. Đó là cách duy nhất Ngài tiếp cận được với anh ta, vì nếu Ngài có nói, anh cũng không nghe được, có ra hiệu anh cũng không hiểu. Nhưng với một cử chỉ thân tình, Ngài chạm đến anh để anh được chữa lành. Xỏ ngón tay vào lỗ tai để anh hiểu rằng anh sẽ được nghe, chạm tay vào lưỡi để anh biết rằng lưỡi anh sẽ được tháo cởi. Xỏ tay vào tai và chạm tay vào lưỡi để anh thấy rằng: tình yêu chẳng phải lời nói suông, nhưng được thể hiện qua hành động. Và tình yêu đó cho đi nhưng không, không cần ghi công, không cần tán tụng.
Việc chữa lành của Đức Giêsu cho người điếc và ngọng ở vùng Thập Tỉnh diễn tả lời ca của ngôn sứ Isaia trong về triều đại của Thiên Chúa (Is 35, 4-6). Khi mắt người mù được mở, tai kẻ điếc được nghe, khi kẻ què nhảy cẫng lên và người câm cất tiếng hát, là hình ảnh của một thời đại của lòng thương xót, của chữa lành và hoà giải. Khi Đức Giêsu nói Ep-pha-ta, Hãy mở ra, Ngài đang khai mở một thời đại mới, xoá đi sự phân biệt đối xử, hàng rào ngăn cách giữa Israel và dân ngoại. Khi đến với kẻ tật nguyền, Ngài lấp đi hố sâu mặc cảm, nối kết lại truyền thông giữa người và người.
Có thể chúng ta và nhiều người khác ngày nay không bị điếc bị ngọng về mặt thể lý, nhưng bị điếc bị ngọng về mặt tinh thần. Khi tôi bỏ ngoài tai những giáo huấn của Tin Mừng, của giáo hội, khi tôi cố chấp trước những lời khuyên bảo của người khác mà làm những điều xằng bậy không biết hổ thẹn, là tôi đang bị điếc. Khi tôi không dùng miệng lưỡi để nói những lời yêu thương và chân thật, đem lại bình an và hoà thuận, mà lại dùng miệng lưỡi để bỏ vạ cáo gian, nói những lời dối trá xuyên tạc, gây chia rẽ hận thù, là tôi đang bị ngọng. Khi tôi giả điếc làm ngơ trước những bất công của xã hội, trước những tệ nạn nhan nhản chung quanh, khi tôi im lặng thoả hiệp với sự dữ, an phận với quyền lợi nhỏ nhoi của mình, thì tôi có tai mà chẳng nghe, có lưỡi mà chẳng nói.
Trong một xã hội mà con người vẫn chưa bình đẳng về nhiều mặt, mơ ước bình đẳng là điều chính đáng. Nghèo đói, kỳ thị, bất công, phân biệt đối xử, dễ làm cớ vấp phạm cho nhiều người. Trước những nghịch cảnh của cuộc đời, khi người nghèo bị bỏ rơi, phụ nữ bị buôn bán, người khuyết tật bị lợi dụng, người liêm chính bị bịt miệng, những bào thai vô tội bị phá huỷ, đất đai bị cưỡng đoạt, cơ sở thờ tự bị di dời, để cho một thiểu số tham lam trục lợi, thì người Kitô hữu không thể dửng dưng cho rằng đây là chuyện của xã hội, để người khác lo, còn mình, mình chỉ lo phần thiêng liêng của mình.
Chúa Giêsu luôn trân trọng những người bệnh hoạn, tật nguyền và luôn bênh vực những mẹ góa con côi. Là những người theo Chúa, chúng ta có trách nhiệm phải yêu thương họ và tỏ tình liên đới gắn bó với họ. Thói thường người ta hay trọng giầu khinh nghèo, tham danh vọng bỏ nhân nghĩa. Chính thánh Giacôbê đã nhắn nhủ tất cả những người tin vào Chúa Giêsu đừng đối xử thiên vị, đừng tham phú phụ bần, đừng phân biệt giầu nghèo, bởi vì những người xem ra kém may mắn, khó nghèo lại được Chúa hứa ban nước Trời. (Gc 2, 5).
Hôm nay Lời Chúa thách đố chúng ta hãy để Chúa Giêsu mở miệng lưỡi chúng ta về mặt thiêng liêng, để Ngài khai mở đôi tai điếc của chúng ta. Nói cụ thể hơn, có một cử chỉ rất quen thuộc mà mỗi lần tham dự thánh lễ chúng ta đều thực hiện. Đây là lúc nghe công bố Tin Mừng thí dụ như “Bài trích Phúc âm theo thánh Maccô,” và chúng ta đáp lại: “Lạy Chúa, vinh danh Chúa” và ta làm dấu thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực. Đấy chính là dấu chỉ bề ngoài để nói lên ý nghĩa bên trong: “Hãy mở ra.” Ý muốn nói: Lạy Chúa xin hãy mở trí khôn con, xin mở miệng con, xin mở trái tim con, để con được hiểu, để con cảm nhận, để con có thể nói Lời của Chúa. Một cử chỉ rất quen thuộc, nhưng vì quá quen nên dễ bị xem thường. Ước gì mỗi lần làm dấu thánh giá chúng ta ý thức được: Tôi phải mở trí, mở lòng, mở miệng ra để thoát khỏi cảnh câm điếc.
Ước gì hôm nay, bạn cũng như tôi, chúng ta được chính Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi cảnh điếc và ngọng, để có thể lắng nghe những thao thức của con người trong thời đại chúng ta, và cất tiếng nói thay cho những kẻ thấp cổ bé miệng. Im lặng trước bất công là đồng loã với tội ác. Cho dù những lời của chúng ta chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, chúng ta vẫn có thể thực hiện lời nói đó bằng những hành động cụ thể để tỏ lòng yêu thương và gắn bó với người nghèo, thất học, bị xâm phạm, bị bỏ rơi.
Để kết luận, mời bạn cùng tôi dùng lời nguyện của linh mục Nguyễn Công Đoan, dòng Tên để cùng cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin hãy dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho những ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lữơi cho những người không nói được,
làm tiếng kêu cho những người bị bất công.
Lạy Chúa xin cứ gởi con ra đồng lúa
để đem cơm cho người đói đang chờ,
đem nước cho những người bị khát,
đem thuốc thang cho những người đau ốm,
đem áo quần cho những người trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.
Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đường
thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh.
Truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,
nâng đỡ dậy cho những kẻ bị chà đạp,
đem tự do cho những kiếp đoạ đày. Amen.
Antôn Phaolô, S.J
|