MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Collapse <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đức mẹ việt nam :: đức mẹ la vang
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
“niềm Xin Vâng Nói Một Lời, Tín Trung Theo Suốt Đời…”
Thứ Hai, Ngày 31 tháng 8-2009

“NIỀM XIN VÂNG NÓI MỘT LỜI, TÍN TRUNG THEO SUỐT ĐỜI…”

dcctvn.net

Đã thành một tâm nguyện thật dễ thương của người dân Việt, ấy là hằng năm được kính viếng Mẹ La Vang vào tháng 8. Khí hậu miền Trung những ngày này hết sức nóng bức, nắng như đổ lửa, chói chang và gay gắt, nhưng ai cũng nao nức ngong ngóng đến ngày cùng nhau hành hương lũ lượt tuôn về. Nhiều bà con Giáo Dân nghèo các tỉnh xa nơi địa đầu phía Bắc hoặc mút cùng Nam bộ phải dành dụm chắt bóp, chuẩn bị cả một năm để lo được tiến xe cộ ăn uống. Anh chị em ở ngoại quốc điều kiện vật chất có khá hơn, cũng phải sắp xếp những ngày nghỉ việc, lên mạng lùng mua cho được vé máy bay tiết kiệm nhất về Việt Nam đúng hẹn.

Các bạn trẻ Nhóm Fiat của chúng tôi cũng có trọn một năm để chuẩn bị như vậy. Chuyến xe 45 chỗ được bệnh viện Thánh Mẫu Sàigòn nhận tài trợ hoàn toàn, vì Ban Quản Trị biết chúng tôi ngoài việc hành hương còn gặp gỡ và chia sẻ với bà con nghèo. Vậy là chúng tôi chỉ còn lo tiền ăn uống dọc đường và nhất là nỗ lực xoay xở quyên góp các nơi cho công việc bác ái. Mỗi bạn nhận mang về nhà nuôi một chú heo con, cố gắng nhịn tiêu pha để vỗ béo cho chú mỗi ngày khoảng năm, mười ngàn. Đến ngày Hội Đập Heo, không ngờ được đến hơn 20 triệu.

Lại thêm bà con Giáo Dân đi Lễ Xa Quê ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn, mỗi người lên rước lễ mỗi tuần đặt lên Cung Thánh 10 cuốn vở, mấy cây bút, cứ thế tích tiểu thành đại, được đến hơn tám ngàn cuốn, đem chia cho trẻ em nghèo đi học trên Tây Nguyên và nhiều vùng sâu vùng xa khác. Rồi các ân nhân gần xa nghe biết, góp gió thành bão, bão tình thương chứ chẳng phải thiên tai, cũng đủ để mua cả chục chiếc xe lăn, mấy tấn gạo, hàng tạ cá khô, đường cát và mấy trăm chai dầu ăn tặng cho bệnh nhân phong ở trại Êana…

Ngày lên đường, các bạn trẻ chia thành 4 toán mang tên các Thánh Mátthêu – Máccô – Luca – Gioan, háo hức chất hàng chục bao tải quần áo cũ và mới dưới các khoang xe, không đủ thì chất thêm kín cả lối đi giữa xe cùng với hành trang cá nhân mỗi bạn một balô.

Lúc cầu nguyện chung dưới chân tượng Chúa Chăn Chiên Lành trước Tu Viện DCCT Sàigòn, chúng tôi đã thấy có mấy anh trinh sát Công An dáo dác chụp ảnh rồi gọi điện thoại đi đâu đấy cho ai đấy, nhưng thôi, phó thác tất cả. Mọi người hát vang bài nguyện ca truyền thống của Nhóm Fiat – Xin Vâng: “Này con xin vâng theo ý Chúa trên đời con, để từ nơi con, Sự Sống Chúa luôn chan hòa…”

Từng ngày rong ruổi trên đường xa, từng đêm nghỉ lại các cộng đoàn dọc đường, ở đâu chúng tôi cũng được báo cho biết Công An địa phương có đến “hỏi thăm” đích danh tên họ chúng tôi, cố làm sao để mọi người “tẩy chay” chúng tôi nếu như sợ liên lụy, sợ “tai bay vạ gió”. Tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ, mọi sự vẫn trôi chảy bình an. Mỗi nơi chúng tôi dừng lại để gặp gỡ và chia sẻ với bà con nghèo, chúng tôi đều thấm thía một niềm vui dìu dịu và sâu xa trong lòng, điều mà người nhà Phật thường gọi là Hạnh Ngộ. Và như thế, chúng tôi đã được tiếp thêm nghị lực và can đảm để chịu hết, đón nhận hết mọi mệt nhọc thể xác và nhất là những căng thẳng về tinh thần lúc nào cũng đeo đẳng suốt chuyến đi.

Đỉnh cao Hạnh Ngộ chính là La Vang. Vâng, chúng tôi đã khóc khi dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa ngay tại Linh Đài Mẹ vào đúng 20g tối thứ tư 26.8.2009. Trên trời chỉ có ánh sáng mỏng manh của một mảnh trăng lưỡi liềm nhưng quanh chúng tôi thì rực sáng hàng trăm ngọn nến, nến sáp cháy lung linh trên bàn thờ và cả nến tim thổn thức trong lồng ngực. Làm sao mà không khóc được khi cùng hát vang: “Qua bao tháng năm mong chờ, say sưa thánh ân vô bờ, được cùng nhau bên Chúa, thỏa lòng con ước mơ…”

Không hiểu Chúa và Mẹ run rủi thế nào mà có thêm một đoàn xe mười mấy bà của Giáo Xứ Ngọc Đồng, Hồ Nai, từ miền Nam đổ ra, lại có một chuyến xe con của một gia đình từ tỉnh Nam Định đổ vào. Ngay tại Quảng Trị thì có khoảng một chục người Đông Hà, trong đó có mấy chị “bầu khấn”. Riêng Nhóm Fiat thì bản thân các bạn trẻ thành viên có nguyên quán ở mọi tỉnh thành, từ Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sàigòn, đến Đồng Nai, Bình Phước, Khánh Hòa, Đăklăk, Gia Lai, Bình Định, Huế, cả Quảng Bình, Nam Định, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Giang nữa chứ. Tất cả chúng tôi xúm xít vây quanh bàn Tiệc Thánh làm thành một Hội Ngộ ba miền, kết nên một bó hoa quê hương và con người Việt Nam dâng cho Mẹ.

Chúng tôi dành hẳn ra đến gần nửa tiếng đầu Lễ để từng bạn trẻ, từng cụ già, từng bệnh nhân, từng khách hành hương phương xa đang mang trong lòng những nỗi đau, những vết thương khốn khổ, họ tự mình nói to lên ước nguyện thành tâm của mình trong nước mắt nghẹn ngào. Ngay trong Nhóm Fiat chúng tôi, một số bạn đã phải rút tên vào phút chót hoặc phải bỏ dở cuộc hành trình, đón xe ngược trở về vì được tin cấp báo người thân trong gia đình mình vừa mất.

Không nói thì Chúa và Mẹ cũng dư biết, nhưng hình như khi được nói to lên như thế giữa cộng đoàn lòng tin, giữa trời đất mênh mông tuyệt mỹ thì sự hiệp thông ấy gây ra được một xúc cảm thiêng liêng kỳ diệu. Trong khoảnh khắc rưng rưng ấy, chúng tôi cảm được, thấy được, nghe được, chạm được chính Hội Thánh.

Chúng tôi cũng không quên lúc này đây, nơi Thánh Địa La Vang gần như ở chính giữa của đất nước, chúng tôi đang rất gần với Đức Cha Thuyên và anh chị em Tam Tòa của Giáo Phận Vinh, cũng không xa Đức Cha Kiệt, các cha các thầy DCCT và anh chị em Thái Hà của Giáo Phận Hà Nội, chúng tôi dâng lên lời khấn nguyện da diết cho những người khốn khổ đang bị “bên ngoài” tấn công và bách hại dữ dội, và đau đớn hơn, còn bị cả “bên trong” câm lặng và bỏ rơi một cách dửng dưng đến khó hiểu.

Và được thúc đẩy bởi lệnh truyền bao dung của Chúa Giêsu, chúng tôi cũng đã cầu nguyện cả cho các cán bộ Nhà Nước, cho các anh em Công An đang tìm mọi cách gây khó dễ chúng tôi ở mọi nơi và nhất là trong chuyến hành hương này, xin cho họ mở lòng ra cho Chân Thiện Mỹ ùa vào, lay động và xoay chuyển họ, hướng dẫn họ hành xử công minh chính đại cho đất nước và dân tộc được hưởng nhờ.

Thánh Lễ đã kết nhưng chưa ai muốn rời đi dù bụng đói cồn cào và thân xác thì rã rời sau một ngày dài lữ hành gần 500 cây số. Chúng tôi tản ra, mỗi người một góc, hoàn toàn thinh lặng, ngồi bệt trên nền đá ốp lát vẫn còn đang tỏa nhiệt hừng hực, hoặc quỳ gối ngước mắt lên cao, hoặc phủ phục khấu đầu quanh các bậc thềm Linh Đài Mẹ La Vang. Đây là những thời khắc quý báu của lòng với lòng, tim kề tim, con cái trò chuyện, tâm sự, thở than với Mẹ.

Có biết bao điều nghịch lý và nghịch cảnh cuộc sống, đành bó tay và im tiếng, có lẽ sẽ là tuyệt vọng đau xót nếu như không có ơn cậy trông Thiên Chúa ban cho làm vốn liếng đi trên đường đời. Lúc này kể lể hết với Mẹ như đứa con chạy về bắt đền Mẹ, đòi Mẹ phải cứu mình cho bằng được, giúp mình nguôi ngoai hồi sinh mà vượt lên mọi sóng gió, ngoi được đến bến bờ Bình An.

Gần 10g khuya, chúng tôi lẳng lặng chia tay với Mẹ La Vang, chào cha Quản Nhiệm, ra xe về lại Huế. Ngược với lúc đi ca hát nhộn nhịp, khi về mọi người thinh lặng trầm ngâm, một phần vì đã quá đói và quá mệt nhưng có lẽ cũng một phần vì tâm hồn và cả thân xác anh em chúng tôi, các quan năng, các tế bào và hơi thở sự sống vừa mới đạt được đến đỉnh điểm tinh thần, đến một diệu cảm thiêng liêng khôn tả. Bây giờ là lúc nhè nhẹ thấm sâu, nâng niu trân trọng tất cả diệu cảm ấy. Không gì tốt hơn là nối dài bằng lời kinh Mai Khôi thầm lặng, không xin gì nữa, chỉ còn ngợi ca…

Trong trang giấy in sẵn các bài Thánh Ca để hát dọc đường, có một bài chúng tôi đã không có dịp xướng lên ở La Vang, đó là một bài đã trở thành truyền thống của mọi đoàn hành hương trên thế giới, hình như được sáng tác đầu tiên tại Linh Địa Lourdes bên Pháp ( Đức Mẹ Lộ Đức ) và sau đó người ta đặt lời bằng hàng trăm thứ tiếng các dân tộc khác nhau trên thế giới. Chúng tôi xin chép lại ở đây bản tiếng Việt như một lời cám ơn Mẹ Xin Vâng đã đồng hành và sẽ còn dẫn bước Nhóm Fiat chúng tôi mãi mãi…

Mẹ ơi, xin kính chào Mẹ, đóa Mai Khôi diễm lệ.
Mẹ ơi, xin hát mừng Mẹ, khúc ca muôn thế hệ.
Ave, Ave, Ave Maria. Ave, Ave, Ave Maria.
Mẹ ơi, ân phúc tuyệt vời, đã sinh Con Chúa Trời.
Niềm xin vâng nói một lời tín trung theo suốt đời.
Ave, Ave, Ave Maria. Ave, Ave, Ave Maria.
Mẹ ơi, Mẹ đã về Trời, ánh quang vinh chói ngời.
Đoàn con đang bước đường đời, ngước trông theo bóng Người.
Ave, Ave, Ave Maria. Ave, Ave, Ave Maria...

Lm. QUANG UY, DCCT, thứ hai 31.8.2009

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cảm Nhận Về Đêm Diễn Nguyện Tại Đại Hội La Vang (1/5/2011)
Lời Cầu Nguyện Sau Rước Kiệu Đức Mẹ La Vang, Tối 04-01-2011 (1/4/2011)
Hiện Tượng Đức Mẹ Maria Hiển Linh Khắp Nơi Trên Đất Việt (12/1/2010)
Xin Đức Mẹ La Vang Phù Hộ Chúng Con (8/12/2010)
Một Ngày Tháng Năm, Tháng Tôn Vinh Mẹ Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang (5/16/2010)
Tin/Bài khác
Sứ Điệp Đức Mẹ Lavang (10) Chứng Nhân Hy Vọng (8/24/2009)
Sứ Điệp Đức Mẹ Lavang (9) Loan Báo Tin Mừng (8/24/2009)
Sứ Điệp Đức Mẹ Lavang (8) Ðoàn Kết Và Hiệp Nhất (8/22/2009)
Sứ Điệp Đức Mẹ Lavang (7) Thánh Hoá Gia Ðình (8/22/2009)
Sứ Điệp Đức Mẹ Lavang (6) Xây Dựng Giáo Hội (8/22/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768