Kim Hà dịch thuật (2005-2006)
CHƯƠNG 14: GIẢI TỘI
Hỏi: Các linh hồn có nói gì với bà về Bí Tích Hòa giải không?
-Ồ, có chứ, họ thường nói về Bí tich Giải tội. Họ rất buồn vì Bí tích này bị quên lãng và coi thường. Ðây là món quà lớn của Chúa, và chỉ có Satan là muốn huỷ hoạï Bí tích này thôi. Và tôi sợ rằng hắn đã phá hoại nhiều rồi.
Việc xưng tội là một điều đem lại niềm vui chứ không phải là điều mà ai cũng sợ hãi như Satan muốn. Xin đừng lo âu, không có tội gì của bạn mà vị linh mục tốt lành chưa nghe qua. Một vị linh mục tốt lành hiểu rõ vì ngài đã học hỏi và cảm nghiệm về những người tội lỗi hơn bạn. Khi bạn xưng thú tội lỗi thì Chúa Giêsu rất vui lòng và tất cả các Thánh trên Thiên Ðàng vui mừng khi chúng ta đem các thương tích và sự yếu hèn của mình đến với Chúa Giêsu.
Các linh hồn nói cho tôi biết rằng 60% các sự tuyệt vọng trên thế giới sẽ không hiện hữu nếu mọi người biết lợi dụng món quà quý báu này. Các bác sỹ, nhà thuốc, hay các cơ quan chữa trị sẽ mất khách nếu ai cũng đến xưng tội thường xuyên. Thiên Chúa chúng ta có thể cứu rỗi và chữa lành mọi người và mọi sự theo ý Ngài, nếu ai cũng biết kêu cầu Ngài. Ðức Mẹ Maria đã phán ở Medjugorje, Nam Tư rằng nếu mỗi tháng ai cũng đi xưng tội thì người Phương Tây sẽ được chữa lành.
Tuy nhiên, Bí tích Hòa giải thường bị hiểu lầm. Ða số có thể phân biệt sự xấu và sự tốt. Nhưng vấn đề trở nên thách đố hơn khi phân biệt giữa sự tốt và sự tốt hơn. Bí tích Hòa giải không phải để chúng ta xưng những tội là mình đã cướp nhà băng, nhưng Bí tích này là để chúng ta tìm con đường tốt hơn và tốt hơn nữa trong đôi mắt của Chúa. Trong tháng vừa qua, lẽ ra tôi phải làm những gì để sống thánh thiện hơn? Ðó là điều mà chúng ta phải tự vấn lương tâm mình. Tôi thách thức mọi người nếu họ dám nói rằng trong tháng vừa qua, tôi đã làm mọi sự tốt lành như Chúa Giêsu lẽ ra đã làm.
Sự khiêm nhường đem lại cho chúng ta ơn lành lớn lao. Chúa Giêsu ban ơn lành vĩ đại cho các tâm hồn nhỏ bé. Bí tích Hòa giải thường xuyên nhắc nhở chúng ta hãy sống cách nhỏ bé để Ngài có thể ban cho chúng ta tràn đầy ơn Thánh.
Hỏi: Bà trả lời như thế nào với những ai nói một cách chân thành rằng họ không cần nói mọi sự cho một người khác, nhưng họ có thể gặp thẳng Chúa và nói cho Ngài nghe?
-Nếu điều này là sự thật thì các nhà tâm thần học và tâm lý học đã không khoái chí khi có một công việc thích thú. Cả hai người thông minh nhất và đơn sơ nhất cùng tìm đến một vị linh mục, và cả hai đều ngạc nhiên giống nhau trước hoa quả, trước ơn sủng tuôn trào từ cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và tự do với Chúa Giêsu.
Mỗi một con người đều có cùng nhu cầu để xưng thú tội lỗi và mặc cảm phạm tội. Các cuộc chữa trị hay họp nhóm kéo dài lê thê, tình tiết khúc mắc với các chi phí tốn kém sẽ trở nên không cần thiết nếu như người ta chỉ cần đến với Chúa Giêsu. Hơn nữa, các ân sủng lớn lao không đến từ các bác sỹ hay các giáo dân trần gian, nhưng ân sủng đến từ Chúa Giêsu và CHỈ đến từ Chúa Giêsu mà thôi! Vậy mà người ta tự để cho kẻ khác lừa bịp mình cách dễ dàng.
Bạn có nghĩ rằng Ðấng ban sự sống cho ta, thì Ngài cũng có đủ năng quyền ban cho ta mọi sự hơn là những câu chuyện như: “Làm thế nào để ứng phó với sự khó khăn” của đa số các tâm lý gia không? Chúa chúc lành cho họ! Ða số các tâm lý gia không dám nói đến bộ mặt thật của tội lỗi, vậy làm sao họ có thể nói đến bộ mặt thật của sự tha thứ? Họ phải sống với công việc lập đi lập lại, còn nếu chúng ta không chịu đi xưng tội thì chúng ta sẽ bảo đảm cho họ rằng họ sẽ mua thêm xe mới. Họ thành công trên tội lỗi của chúng ta, trong khi Chúa Giêsu chết cho chúng ta để chiến thắng và xóa bỏ tội lỗi mãi mãi.
Hỏi: Vậy có kẻ cãi rằng Chúa Giêsu không bao giờ giảng dậy là chúng ta phải đi vào tòa giải tội để xưng thú tội lỗi, bà nghĩ sao?
-Nếu đó là sự thật thì tôi đề nghị họ hãy xưng thú tội lỗi thật to với vị linh mục và ở giữa mọi người. Ðiểm chính là phải xưng tội thật to tiếng. Chúa Giêsu phán là hãy sám hối ăn năn và khi ta làm điều ấy thì Chúa lấy tội lỗi của ta đi ngay, và chỉ có lúc đó thì Satan không còn biết tội của ta nữa. Hắn không còn bám sát với tội lỗi của ta hoặc tấn công người ấy qua việc người ấy làm giảm thiểu mối dây liên hệ giữa Chúa và người ấy.
Hỏi: Nhưng trong Toà giải tội có vị linh mục chứ đâu phải có Chúa Giêsu?
-Bạn có chắc như thế không? Một bà ngoại người Ý muốn đem cháu ngoại trai 8 tuổi của mình đến xưng tội lần đầu tiên với cha Padre Pio. Bà rất vui mừng khi đến thăm nhà thờ của cha Padre Pio. Cháu trai của bà vào Tòa giải tội và đi ra cách vui vẻ. Bà ngoại đã biết cha Padre Piô như thế nào rồi. Ngài thấp, gù, sói đầu, có đôi mắt màu đen, và tuổi khoảng chừng 65. Tuy nhiên, bà cũng cứ hỏi cháu trai:
“Nè, cháu ơi, cha giải tội hình dáng như thế nào?”
Ðứa cháu yên lặng rồi điềm tĩnh trả lời bà:
“Thưa bà, cha cao lớn, có đôi mắt màu hạt dẻ, có tóc dài và trẻ chừng ba mươi tuổi.”
Hỏi: Bà nói đùa đấy à?
-Không, mọi sự như vậy thường xẩy ra khi người ta cầu nguyện nhiều và sống thánh thiện.
Hỏi: Tôi xin đưa ra một giả thuyết và hỏi bà về điều này. Chúng ta có hai gia đình. Cả hai đều sống thoải mái và mạnh khoẻ. Một gia đình đi xưng tội thường xuyên, trong khi gia đình kia không đi xưng tội. Vậy các con cháu của hai gia đình có gì khác biệt không? Và nếu có thì như thế nào?
-Gia đình thứ nhất có căn bản tốt đẹp và sẽ đến gần Chúa Giêsu hơn qua các thế hệ trong gia đình, trong khi gia đình thứ hai sẽ mang nhiều gánh nặng mà lẽ ra họ không phải mang nặng, nếu như cha mẹ họ chịu đi xưng tội thường xuyên. Những gánh nặng này bao gồm có bịnh tật và sự yếu kém mà lẽ ra có thể tránh được. Thái độ quân bình và thường xuyên sám hối của gia đình thứ nhất sẽ tỏ ra qua sức mạnh và niềm vui của các con cháu họ, trong khi các con cháu của gia đình kia dễ dàng bi Satan tấn công mọi mặt.
Hỏi: Vậy bà nói rằng những ai luôn nhớ đến tình trạng tội lỗi của mình thì cuối cùng sẽ mạnh khỏe hơn những ai không nhớ tội lỗi của mình?
-Ồ, đúng như vậy. Khi họ khiêm nhường đến với Bí tích Hòa giải, lời cầu nguyện và tình yêu vĩnh viễn của Chúa thì họ sẽ có sức mạnh và sự quân bình tăng trưởng mà kết quả là sự mạnh khoẻ. Họ sẽ mạnh khỏe về nhiều mặt: tình cảm, tinh thần và thể chất. Và rồi sự mạnh khỏe ấy di truyền đến các thế hệ sau.
Hỏi: Vậy nếu chúng ta thương yêu, cầu nguyện và đi xưng tội thường xuyên thì bảo đảm rằng đại gia đình chúng ta sẽ có sức khỏe tốt hơn, kể cả các con, các cháu và các chắt?
-Vâng, đúng như thế. Sức khỏe ấy tốt hơn nhiều so với thuốc men, vì thuốc men nhằm chữa trị các bịnh tật. Nếu như các bác sỹ tốt thời nay tập trung thì giờ và năng lực để phòng ngừa, như những gì mà Mười Ðiều Răn của Chúa đòi hỏi, thì có lẽ thế giới chỉ có một số ít bịnh tật thôi. Thuốc phòng ngừa không làm chúng ta tốn tiền, và chúng ta nhận thức được rõ rệt hơn tình yêu Thiên Chúa dành cho ta thật là bao la. Ðây không phải là trò chơi của Chúa. Ngài có tràn đầy niềm vui khi chúng ta có đầy tràn sự bình an và niềm vui của bình an. Ngài chỉ muốn chúng ta hạnh phúc, tự do và khỏe mạnh!
Hỏi: Xin bà giải thích vai trò của sự ăn năn tội và lòng hối cải vào giờ chết?
-Nếu chúng ta xưng tội thật tình, với lòng ăn năn tội và với sự thành thật, thì mọi tội lỗi và mặc cảm phạm tội sẽ được Chúa lấy đi, nhưng còn sự đền trả tội lỗi thì ta phải thi hành. Lúc ấy người đó chưa được tha tội, phải cần sự tha tội hoàn toàn, thì linh hồn mới được giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc.
Nếu một bà mẹ có nhiều con nhỏ mà phải chết, bà ta cần phải từ bỏ mọi sự đến mức độ mà bà ta có thể thật lòng nói:
“Lạy Chúa, con xin dâng mọi sự lên Chúa, xin chỉ để Ý Chúa được thực hiện.”
Ðiều này rất là khó khăn. Tự do qua việc phải trả đến đồng xu cuối cùng, như Chúa Giêsu nói. Ðó là giữa Chúa và ta, giữa ta và những người khác, với sự đền tội hơn nữa, và một sự tự do hoàn toàn khỏi mọi ràng buộc, nếu những thứ ấy không phải là Chúa.
Hỏi: Nếu muốn tự do khỏi mọi tội lỗi, cần có diễn tiến ba chân. Như vậy đúng không?
-Ðúng. Trước hết là việc đền tội giữa ta và Chúa, sau đó là đền bù giữa chúng ta và người mà chúng ta làm cho họ đau đớn, hay tự ta làm ta đau đớn, và cuối cùng là sự đền trả trong hình thức cầu nguyện và làm việc thiện. Tội lỗi không chỉ là tẩy xóa đi mất mà còn là phải bồi thường.
Hỏi: Người không phải là Công giáo hay không phải là Ki Tô giáo có nên đi xưng tội không?
-Ồ, có. Các linh mục tốt lành làm những gì mà Chúa Giêsu muốn họ làm, tức là không bao giờ xua đuổi ai cả. Nếu có ai bị một vị linh mục đuổi đi thì tôi khuyên người ấy hãy nhìn xa hơn và cầu nguyện cho vị linh mục đó. Cho dù người đang sám hối là ai, người ấy được nuôi dậy như thế nào, hay người ấy từ nơi đâu mà đến, chỉ cần người ấy cảm thấy hối hận vì những điều xấu xa mà mình đã làm. Chắc chắn sớm muộn gì thì người đó cũng tìm được một vị linh mục theo Ý của Chúa Giêsu. Tôi có thể hứa như thế. Cho dù người không là Công giáo thì không thể nhận lãnh Bí tích Hòa giải được, nhưng khi đi xưng tội như thế thì linh hồn người ấy sẽ được nhiều sự tốt lành. Tôi có thể hứa rằng nếu một người không phải là Công giáo mà đi xưng tội thì Chúa ban rất nhiều ân sủng lớn lao cho linh hồn ấy.
(Hết chương 14, còn tiếp)
|