TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐÁP TRẢ
Một linh mục trẻ được bổ nhiệm tới một giáo xứ để giúp cha xứ già yếu. Đến ngày Chúa nhật, nhiều giáo dân tới nhà thờ dự lễ và cũng để xem cha mới giảng hay thế nào?
Quả thật, hôm đó cha phó giảng rất hay và lời giảng của ngài gây ấn tượng tốt đẹp trong tâm hồn các tín hữu. Tin đó được truyền đi khắp nơi, và Chúa nhật sau đó, nhà thờ xứ chật ních người tới dự lễ. Nhưng họ không khỏi ngạc nhiên khi nghe cha phó lập lại cũng một bài giảng như Chúa nhật trước. Những người đã nghe lần trước thầm nghĩ: “Có lẽ cha phó muốn lập lại cho những người mới chưa được nghe”
Nhưng rồi Chúa nhật thứ ba, thứ tư, và thứ năm, cha phó cứ một bài giảng cũ hâm nóng lại. Giáo dân trong giáo xứ bắt đầu lẩm bẩm chê trách cha phó. Cuối cùng, họ đề nghị phái một nhóm đại diện trong hội các bà mẹ đến trình với cha. Họ bắt đầu với những lời nói lịch sự:
- Thưa cha, bài giảng của cha hôm Chúa nhật vừa rồi rất hay, chúng con ai cũng thích lắm.
Cha phó vui vẻ đáp:
- Thành thật cám ơn các bà vì những lời khích lệ ấy.
Các bà ngập ngừng nói tiếp:
- Nhưng thưa cha, xin cha cho phép chúng con được hỏi cha còn bài giảng nào khác hơn nữa không? Bởi vì suốt năm Chúa nhật vừa qua, cha đều lập đi lập lại cũng một bài giảng y hệt bài giảng đầu tiên khi cha vừa tới giáo xứ này.
Cha phó thản nhiên trả lời:
- Dĩ nhiên tôi biết điều đó và chắc chắn là tôi cũng có nhiều bài giảng khác nữa.
Các bà mạnh dạn nói thêm:
- Vậy thưa cha, vì ích lợi của cả giáo xứ, khi nào chúng con có thể được nghe cha bắt đầu bài giảng khác.
Cha phó nhanh nhẹn đáp lời:
- Dĩ nhiên tôi cũng rất mong ước được bắt đầu bài giảng cho tất cả giáo xứ càng sớm càng tốt. Tôi cũng hứa với quí ông quí bà là tôi sẽ bắt đầu sang bài giảng thứ hai ngay sau khi tôi thấy có ai trong quí ông bà đã đem thực hành bài giảng thứ nhất.
***
Câu trả lời của cha phó trên đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đáp trả. Lời Chúa được truyền đạt đến tai của chúng ta rất nhiều lần và bằng nhiều cách, nhưng biết bao lần chúng ta chỉ nghe rồi bỏ ngoài tai, không để cho Lời Chúa được dịp thấm nhập vào tâm hồn, nên cuộc sống của chúng ta không có gì thay đổi cả. Vì thế, thật là vô ích nếu chúng ta chỉ thích nghe để thỏa mãn tính tò mò, để tìm kiếm điều mới lạ hết bài giảng này tới bài giảng khác, để cuối cùng chẳng thu lượm được hoa trái tinh thần nào hữu ích cả.
Tin mừng của Chúa Giêsu được tiếp tục rao giảng qua mọi thời đại, qua trung gian các tông đồ Ngài đã tuyển chọn và qua những người kế vị các tông đồ. Ngài ban quyền cho họ khi tuyên bố rằng: “Ai nghe các con là nghe Thầy và ai khước từ các con là khước từ Thầy. Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16).
Vấn đề cần thiết là lắng nghe Lời Chúa, chấp nhận điều Chúa dạy bảo và quyết tâm đáp trả qua đời sống thực tế. Mỗi người đáp trả và sinh hoa trái tùy theo kha năng và lòng quảng đại của mình. Lời Chúa rơi vào trong tâm hồn chúng ta có thể là như hạt giống rơi trên vệ đường, giữa đá sỏi và vào bụi gai bị chết ngạt, không sinh hoa trái được. Đó là những người nghe nhưng rồi bỏ ngoài tai, không có tác động nào trong cuộc sống của họ, hoặc là như hạt giống rơi vào đất tốt, sinh hoa kết quả được gấp trăm, được sáu chục, hoặc được ba chục; đó là những người lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Lời Chúa và sống Lời Chúa.
Thiên Chúa nhìn thấy rõ tâm hồn mỗi người. Ngài quan tâm đến lòng quảng đại và nỗ lực cố gắng của mỗi người hơn là số lượng thành công từ bên ngoài. Lời Chúa lập đi lập lại, một lúc nào đó sẽ thấm nhuần, sẽ đánh động và trong chốc lát, người ấy có thể chấp nhận để được hoàn toàn đổi mới. Đó là những phép lạ của ơn thánh, của Lời Chúa mà chỉ những ai biết khiêm tốn đón nhận mới có thể cảm nghiệm được.
***
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến thế gian để đem lửa yêu mến và ước ao lửa đó cháy lên mãi. Xin Chúa cũng nhóm lên trong con ngọn lửa yêu mến Chúa. Xin ban cho con tinh thần quảng đại phục vụ để xây dựng Nước Chúa, không chỉ bằng lời nói xuông nhưng bằng gương sáng và việc làm thiết thực. Cho dù con bất lực bất tài nhưng con xin dâng cho Chúa sự sẵn sàng và tất cả nỗ lực cố gắng của con. Xin Chúa hãy bắt đầu từ sự hư vô của con và cùng tiến bước với con. Có Chúa dẫn đường, con không sợ bị lạc bước nữa. Amen.
R. Veritas
Ngọc Nga sưu tầm
VỊ KỶ - SÒNG PHẲNG – VỊ THA
Ba hành khách cùng đi trên một chuyến tàu tới ga Tình yêu: Sòng phẳng, Vị Kỷ và Vị tha. Cả ba đều mang theo mình hai gói đồ: Nhận và Cho, nhưng độ nặng nhẹ khác nhau:
Sòng phẳng: Cho = Nhận Vị kỷ: Cho < Nhận Vị tha: Cho > Nhận
Trong lúc rỗi rãi ba người tán gẫu về hành lý của mình. Sòng phẳng lên tiếng:
- Tôi thấy hành lý của các anh lệch lạc, thật khó mang theo. Còn tôi luôn cân đối Cho và Nhận nên mang đi dễ dàng.
- Anh làm thế nào cho cân được? Vị kỷ hỏi.
- Thì tôi phải tính chớ. Tôi chỉ cho đi khi tôi chắc có thể nhận về một lượng tương đương. Cho không hay nhận không của ai cái gì, tôi đều không thích. Tính tôi là vậy, không muốn mắc nợ hay mang ơn.
Vị kỷ:
- Anh nói nghe như thể đi mua hàng vậy: Tiền nhiều mua được nhiều, tiền ít mua được ít, không tiền không mua. Nhưng tình cảm đâu thể đong đếm theo cách đó.
Sòng phẳng cười phá lên, rung cả hai vai. Vị kỷ ngạc nhiên:
- Tôi nói vậy không đúng à?
- Quá đúng là khác. Tôi chỉ buồn cười là trông 2 gói hành lý của anh bên Cho thì nhẹ bên Nhận thì nặng, vậy mà anh cũng nói được câu đó.
Vị kỷ nhìn lại 2 gói đồ của mình, gật đầu. Sòng phẳng thoáng bâng khuâng:
- Không phải lúc nào tôi cũng sòng phẳng cả đâu. Có những người cho tôi nhiều mà tôi không cho lại được là mấy. Ví như tình yêu cha mẹ cho tôi gần như vô hạn, chẳng kể tôi có đáp lại hay không. Vậy là tôi Nhận nhiều hơn Cho. Với con cái thì tôi Cho chúng nhiều hơn Nhận về. Cũng nhờ có sự bù trừ như vậy mà 2 gánh hành lý của tôi thường cân nhau.
Vị kỷ tán thành:
- Tôi thấy kiểu hành lý của anh giờ đang thịnh hành. Nhiều người thích sòng phẳng cả trong tình yêu theo kiểu: “Ông rút chân giò, bà thò chai rượu”.
Sòng phẳng trầm ngâm:
- Đôi khi tôi cũng không thích sống thế này đâu. Luôn phải tính toán nhiều - ít, luôn phải dừng gánh để sẻ từ bên này sang bên kia. Tôi thấy mệt mỏi và nhiều lúc trống rỗng, vô cảm.
Vị kỷ:
- Tôi cũng giống anh, luôn phải so đo tính toán. Nhưng tôi phải tính sao cho Nhận về mình nhiều hơn. Tôi chỉ thích nghĩ cho mình thôi mà.
- Nhận nhiều như thế anh có hài lòng không? Sòng phẳng hỏi.
- Chả mấy khi tôi vừa lòng. Tôi luôn canh cánh trong lòng: Mình có bị mất mát gì không? Cho như thế có nhiều quá không?
- Anh có người yêu không?
- Có chứ. Tôi rất yêu người yêu tôi là đằng khác. Nhưng tôi luôn lo sợ. Tôi sợ mình cho nhiều quá lỡ tình yêu bỏ tôi đi thì tôi chẳng được gì. Tôi không muốn nhận về tay trắng. Đó là nỗi ám ảnh của tôi.
Tàu qua cầu vượt sông Âu Io. Tiếng xình xịch của đầu máy át lời tâm sự của Vị kỷ. Qua khỏi cầu, tiếng ồn dịu lại, Vị kỷ và Sòng phẳng lúc này mới nhớ tới người bạn đồng hành thứ ba. Vị tha nãy giờ vẫn yên lặng lắng nghe. Khi thấy hai bạn hướng mắt về mình mới khẽ khàng cất lời:
- Hai anh đều có lý lẽ của mình. Lập luận của anh Sòng phẳng thuần túy là của bộ óc, không có mấy liên hệ đến trái tim. Chính vì vậy anh luôn thấy căng thẳng, mỏi mệt và đôi khi trống rỗng. Còn anh Vị kỷ yêu ghét rõ ràng, nhưng tình yêu của anh là “vì mình, cho mình”. Bởi yêu mình quá mà anh thường trực lo sợ. ôi nói vậy có phải không hai anh?
Vị kỷ và Sòng phẳng đang mải nghĩ ngợi nên không trả lời. Vị tha nói thêm:
- Anh Sòng phẳng nói đúng: Hành lý của tôi không cân - Cho nhiều hơn Nhận. Ấy là vì tình cảm xuất phát tự đáy lòng thì rất chân thành và giản dị. Nó thấy rằng Cho là lẽ tự nhiên, không gì vui bằng làm cho người mình thương yêu được hạnh phúc. Niềm vui khi dâng tặng làm vơi gánh nặng của tôi, cho tôi sự thanh thản, đủ đầy.
- Đủ đầy? Sòng phẳng và Vị kỷ cũng thốt lên. Cho là mất chứ, cho nhiều thì phải còn ít đi mới phải.
Vị tha mỉm cười:
- Đấy là về mặt vật chất, là quy luật trong Toán học thôi. Quy luật của tình yêu thì khác. Lát nữa đến nơi, tôi sẽ chỉ cho các anh.
Vị kỷ và Sòng phẳng nhìn gánh hành lý của Vị tha, lại nhìn hành lý của mình, lòng chưa hết băn khoăn. Cũng vừa lúc tàu đến ga Tình yêu. Tàu chạy chậm dần, chậm dần rồi dừng hẳn.
Ngước nhìn vào sân ga, Sòng phẳng và Vị kỷ đều trông thấy dòng chữ có nội dung Vị tha vừa nhắc đến. Hai người rất đỗi ngạc nhiên vì họ đi trên chuyến tàu nhiều lần, đến ga Tình yêu đã nhiều mà chưa bao giờ thấy hàng chữ đó. Thực ra quy luật của Tình yêu luôn có ở đó, nhưng chỉ những ai có trái tim nhạy cảm mới thấy và thấu hiểu.
Tôi sẽ không nói hàng chữ trên sân ga Tình yêu nói gì vì tôi chắc bạn cũng đoán ra được.
Để kết thúc câu chuyện, tôi chỉ xin tiết lộ về những người sẽ đón 3 hành khách của chúng ta cùng hành lý Cho và Nhận của mỗi người: Đón Sòng phẳng là Khô khan, Vị kỷ sánh đôi cùng Bất an, và người đón đợi Vị tha chính là Hạnh phúc.
Trích: Hoathuytinh.com
Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình!
|