PHAN THIẾT - Tháng 7 mưa ngâu, trời cứ sụt sùi, mưa tầm tã. Mấy ngày liền mưa to, ai cũng lo. Liệu có nhiều khách hành hương không? Có tổ chức thánh lễ được không? Giáo lý viên đi TàPao có đông đủ không? Đức Mẹ Tàpao đón nhận nổi lắng lo ấy và đã chúc lành.
Xem hình ảnhSáng nay 13.7, trời thật đẹp. Mây che nắng, khí trời dịu mát trong lành. Hàng ngàn người hành hương về bên Mẹ Tàpao.
1.300 Giáo lý viên hân hoan tiến bước về lễ đài từ sáng sớm. Băng qua đồng lúa đang ngã màu chín vàng, ai cũng xắn quần xách dép, nghiêng ngã trên con đường ruộng nhỏ hẹp trươn trượt.
Mọi người cùng tham dự giờ cầu nguyện với tràng chuỗi Mân Côi dâng kính Mẹ. Chủ đề “ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” xuyên suốt giờ cầu nguyện, thánh lễ và nội dung học tập về Đức Maria.
Tháng thứ bảy trong Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao, cũng là tháng Giáo lý viên đang nao nức hướng về ngày lễ Kính Chân Phước Anrê Phú Yên, vị anh hùng tử đạo tiên khởi, người Giáo lý viên tiên phong của Giáo hội Việt Nam và là Quan Thầy của giảng viên giáo lý. Niềm vui rộn rã thêm lên trong ngày hành hương đặc biệt, cùng lên núi TàPao cầu nguyện bên Mẹ.
Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ tế. Ngài đã nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô trao đổi với các Giám mục Việt Nam trong chuyến Ad Limina vừa qua: “Sứ mạng Giáo lý viên là một Ơn Gọi”. Sứ mệnh dạy Giáo lý là do chính Chúa gọi, huấn luyện và sai đi thi hành qua Giáo hội.
Cha Matthêu Nguyễn Khắc Hy, giáo sư thần học từ Hoa kỳ về thăm quê hương, giảng lễ. Ngài suy niệm Tin Mừng (Ga 2,5-11) câu chuyện tiệc cưới Cana.
“ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Với cả tâm tình, Đức Maria rút ruột chia sẻ kinh nghiệm cá nhân mình cho mọi người, để mời gọi tất cả trang bị thái độ khiêm tốn đón nhận và thi hành.
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Không nghi thức rườm rà, không nhiều lời giải thích, mà chỉ bằng một câu ngắn, Mẹ kín đáo tế nhị giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người một cách hiệu quả. Sự kín đáo được thể hiện qua việc không nêu danh Giêsu trong câu nói, để Chúa Giêsu tự do biểu lộ mình theo cách của Người và đúng lúc "hữu xạ tự nhiên hương", qua việc người làm, dân chúng sẽ nhận biết Người. Sự kín đáo ấy còn thể hiện qua việc Mẹ nhẹ nhàng rút lui khỏi hiện trường dành sáng kiến cho Chúa Giêsu dùng lời Người mà đến với mọi tâm hồn. Vài trò trung gian của Mẹ là dẫn người ta đến gặp Chúa Giêsu, mà một khi người ta đã đến được rồi, Mẹ trở lại phong thái muôn thuở là “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”.
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Các môn đệ trong trình thuật tiệc cưới Cana chỉ là nhân vật phụ từ đầu đến cuối, không có một vai trò gì, nhưng trong mắt Đức Maria, họ lại có một vị trí đặc biệt. Nếu phép lạ nước hóa rượu ngon bên ngoài giúp đỡ gia đình, niềm vui của thực khách và hạnh phúc của lứa đôi, thì như cuối bài Phúc Âm ghi lại, bên trong phép lạ này nhằm củng cố lòng tin nơi các môn đệ. Ở ngưỡng cửa cuộc đời công khai sứ vụ, Đức Maria luôn hiện diện chăm chút đến niềm vui của các môn đệ hôm qua cũng như hôm nay.
“Người bảo gì, các anh cứ làm theo” là lời vắn tắt của một vị trung gian đầy uy thế, vừa nhiệt tình truyền thụ kinh nghiệm bản thân trong việc gặp gỡ Lời Chúa, vừa kín đáo chuẩn bị đường lối cho Lời Chúa làm người bước vào đời rao giảng và cũng tế nhị đỡ nâng niềm tin cho các môn sinh trong những bước đầu tiên chập chững học sống theo Lời Chúa. Đức Maria một trung gian đầy tâm huyết giữa Chúa Giêsu và nhân loại. Mẹ dẫn dắt người ta đến gặp gỡ Lời Chúa, Mẹ khích lệ người ta chăm lo thực hành Lời Chúa, và Mẹ rút lui cho Lời Chúa trở thành máu thịt trong lòng kẻ tin.
“Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”. Đó cũng là lời Đức Mẹ nói với Giáo lý viên. Chúa bảo Giáo lý viên những gì? Tin mừng kể, trước khi về trời Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ và cũng là nói với giảng viên giáo lý hai mệnh lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) và “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy…” (Cv1,8). Sứ mệnh Giáo lý viên là một ơn gọi đem Tin mừng đến cho mọi người và sống chứng nhân giữa đời.
Giới trẻ hôm nay bị ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa tục hoá. Đó là là hai hình thái của chủ nghĩa vô thần. Vì thế Giáo lý có trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp giáo dục đức tin cho các thế hệ trẻ. Một đức tin vững mạnh, một sự hiểu biết sâu xa về giáo lý sẽ giúp người trẻ vượt thắng mọi thách thức của chủ nghĩa vô thần.
Tại tiệc cưới Cana, đang khi cuộc vui dâng cao thì hết rượu. Một rủi ro bất ngờ làm hỏng cuộc vui. Đức Mẹ thấy hết, hiểu hết nỗi lo của chủ nhà; và chưa cần một lời cầu cạnh nhờ vả nào, Mẹ đã ra tay cầu giúp. Mẹ luôn hiểu nhân loại và Mẹ cũng luôn hiểu Thiên Chúa nơi Con Mẹ. Chính nhờ đó mà ơn huệ Thiên Chúa được tràn lan.
Sứ mệnh Giáo lý viên thật cao cả; hăng say trong sứ mệnh, đôi khi gặp khó khăn gian nan, thử thách từ nội tâm đến hoàn cảnh sống và cả môi trường phục vụ. Nhiều giáo lý viên lo lắng, thối chí, có lúc buông xuôi. “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Lời Mẹ giúp giáo lý viên phấn khởi và an tâm. Hãy nhiệt thành chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng và làm chứng nhân cho Chúa.
Cuối thánh lễ, Đức Giám Mục làm phép ảnh tượng và nước cho khách hành hương. Ngài ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá.
Nắng lên, bầu trời ngập nắng nhẹ lung linh. Từng đoàn người tiếp tục lên núi kính viếng Mẹ.
Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, Trưởng ban Giáo lý Giáo phận phát động phong trào học tập về Đức Maria. Ban giáo lý đã in 36.000 cuốn sách “100 câu hỏi về Đức Maria”, gởi đến từng gia đình trong giáo phận. Tháng 9, tổ chức thi, đố vui giáo lý về Đức Maria tại Giáo xứ, tháng 10, tổ chức cấp giáo hạt và tháng 11 cấp giáo phận để tháng 12, trao giải thưởng dịp bế mạc Năm Thánh Đức Mẹ Tà Pao.
Một vài suy tư
Ở thành phố cũng như ở nông thôn Việt Nam, hoạt động nổi bật nhất của các giáo xứ, sau việc cử hành Các Bí Tích, là việc giảng dạy và học hỏi Giáo Lý. Sau Thánh Đường thì Phòng Giáo Lý cũng là mối quan tâm thứ hai trong kế hoạch xây cất cơ sở ở đại đa số các giáo xứ. Đó là hai sự việc nói lên sự quan tâm đến vấn đề huấn giáo của Giáo Hội Việt Nam.
Việc thu nhận và đào tạo các giáo lý viên cũng là vấn đề lớn còn bỏ ngỏ. Có một ít giáo phận đã cố gắng tổ chức chương trình đào tạo giảng viên giáo lý với các khóa. Nhưng nhiều nơi vẫn phải chấp nhận tình trạng "có sao làm vậy". Nhiều giáo lý viên chỉ có lòng nhiệt thành mà không được đào tạo chính quy, không có đủ vốn giáo lý, sư phạm và tâm lý cần thiết,. Vì thế mà việc giảng dạy và học hỏi giáo lý còn mang tính "từ chương" học sinh học thuộc lòng và thụ động. Tại nhiều giáo xứ, nhiều Giáo lý viên được đào tạo hẳn hoi, nhưng sau vài năm phục vụ phải đi tìm kế sinh nhai, rồi một số đi học Đại học, Cao đẳng. Giáo xứ lại phải đào tạo lớp Giáo lý viên mới.
Ở cấp toàn quốc cũng như ở cấp giáo phận chưa có một trường hay trung tâm đào tạo Giảng Viên Giáo Lý và đảm trách về huấn giáo của Giáo Hội Việt Nam hay của giáo phận. Từ ít năm nay một số giáo phận đã có Trung Tâm Mục Vụ hay Tòa Giám Mục mới được xây dựng có thể dùng làm nơi tổ chức các khóa, các đợt huấn luyện giáo dân nói chung, Giảng Viên Giáo Lý nói riêng. Thế nhưng cũng mới chỉ là bước khởi đầu, còn thiếu nhân sự và tài chánh, thiếu kế hoạch và chương trình.
Nếu Giáo Lý là vấn đề quan trọng bậc nhất thì vốn đầu tư vào lãnh vực mục vụ này cũng phải đứng hàng đầu trong các đầu tư của Giáo Hội hay giáo phận. Đầu tư từ con người, cho đến cơ sở vật chất và phương tiện làm việc. Bên lề Hội Nghị Thần Học Thường Niên của các nhà thần học Ấn Độ, với chủ đề “Giáo dân trong Giáo hội: Căn tính và sứ mạng tại Ấn Độ ngày nay” bà Valerie D'Souza, một nhà thần học giáo dân, đã nói với Thông Tấn Xã Công Giáo Á Châu rằng: "Giáo hội cần phải ưu tiên đầu tư vào việc đào tạo giáo dân. Trong khi Giáo hội chi những khoản khổng lồ cho việc đào tạo các linh mục và tu sĩ, thì Giáo hội không chịu tốn kém gì cho giáo dân cả.”
Một thành phần giáo dân xứng đáng được Giáo Hội ưu tiên đầu tư là các Giảng Viên Giáo Lý với các Trung Tâm Đào Tạo Giảng Viên Giáo Lý và hoạt động của các Ban Giáo Lý giáo phận hay toàn quốc.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, số 44 đã dạy rằng:"Một cách truyền giáo (loan báo Tin Mừng) không thể bị xem nhẹ là việc giảng dậy và học hỏi giáo lý. Trí khôn, nhất là của trẻ em và người trẻ, cần được học hỏi - thông qua việc giảng dạy và học hỏi một cách có hệ thống - những giáo huấn căn bản là nội dung sống động của chân lý mà Thiên Chúa đã muốn đem đến cho chúng ta, và Giáo Hội đã diễn tả một cách phong phú trong dòng lịch sử lâu dài. Không ai chối cãi được rằng việc giảng dậy và học hỏi này cần được tổ chức bằng những hình thái cụ thể của đời sống Kitô hữu và không chỉ ở trong ý niệm mà thôi. Thật ra nỗ lực truyền giáo sẽ được hưởng lợi rất nhiều - trong các lớp giáo lý ở nhà thờ, hay ở trường học (những nơi có thể thực hiện được) và trong mọi trường hợp là ở trong gia đình người Kitô hữu - nếu những người dạy giáo lý có được những bản văn thích hợp và được cập nhật với sự khôn ngoan và chuyên môn, dưới quyền giảng dạy của các Giám Mục. Các phương pháp phải được thích nghi với lứa tuổi, nền văn hóa và thái độ của những người liên hệ. Các phương pháp luôn phải tìm cách ghi sâu vào trí nhớ, trí hiểu và tâm hồn những chân lý cơ bản là những chân lý phải thâm nhập vào toàn bộ cuộc sống.
Trước hết cần phải chuẩn bị cho có những nhà giáo dục tốt, giáo lý viên của giáo xứ, thầy cô giáo, các người làm cha làm mẹ là những người ao ước chính họ trở nên hoàn thiện trong nghệ thuật cao trọng này, là điều hết sức cần thiết và đòi hỏi phải có học hỏi về tôn giáo. Hơn nữa không được xem thường bất kỳ phương pháp huấn luyện trẻ thơ nào, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay là lúc việc giảng dậy giáo lý đã trở nên cấp bách, dưới hình thái các lớp giáo lý, cho rất nhiều người trẻ và người trưởng thành, là những người một khi được tác động bởi ơn thánh, sẽ dần dần khám phá ra dung mạo của Chúa Kitô và cảm thấy nhu cầu phải hiến thân cho Người”.
Công Đồng Vatican II nói về việc huấn luyện giảng viên giáo lý như sau: “Cũng thế, có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi muôn dân, đó là đạo binh các giảng viên giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.
Trong thời đại chúng ta, chức vụ của các giảng viên giáo lý rất quan trọng vì số giáo sĩ ít oi không đủ để rao giảng Phúc Âm cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành mục vụ. Vì thế, việc huấn luyện những giảng viên này phải được kiện toàn và thích nghi với tiến bộ văn hóa, để như những cộng tác viên đắc lực của chức linh mục, họ có thể hoàn thành đến mức tối đa nhiệm vụ của họ, nhiệm vụ đang đặt nặng trên vai họ những trọng trách mới mẻ và rộng lớn hơn.
Bởi vậy phải tăng thêm nhiều trường học thuộc giáo phận và miền, để các giảng viên giáo lý tương lai vừa được học hỏi về giáo lý công giáo, nhất là về môn Thánh Kinh và Phụng Vụ, vừa được học hỏi về phương pháp dạy Giáo lý và thực hành mục vụ, lại được tự luyện theo luân lý Kitô giáo” (x. Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trang 855).
Trong khi không ngừng cố gắng trau dồi đời sống đạo đức và thánh thiện, còn phải có những buổi hội thảo hay những khóa học tập định kỳ, để các giảng viên giáo lý được cải tiến trong những môn học hay nghệ thuật hữu ích cho thừa tác vụ cũng như để nuôi dưỡng và củng cố đời sống thiêng liêng của mình nữa. Thêm vào đó, đối với những ai hoàn toàn tận hiến cho công cuộc này, phải cung cấp cho họ một khoản thù lao cân xứng để họ có một mức sống xứng đáng và được bảo đảm về mặt xã hội.
Ước mong rằng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đặc biệt trợ cấp cách thích đáng cho công cuộc đào tạo và nâng đỡ các giảng viên giáo lý. Nếu thấy cần và thích hợp, phải thành lập một Tổ Chức giúp các giảng viên này.
Ngoài ra các Giáo Hội cũng nên biết ơn nhìn nhận công việc quảng đại của các giảng viên giáo lý trợ tá mà Giáo Hội đang cần họ giúp đỡ. Chính các giảng viên giáo lý chủ sự các buổi đọc kinh chung trong cộng đoàn và giảng dạy giáo lý. Cũng phải đặc biệt lo cho họ được huấn luyện về giáo lý và đường thiêng liêng. Hơn nữa, ước mong rằng nơi nào thấy thuận lợi, nên công khai cử hành một nghi lễ phụng vụ để ủy thác sứ mệnh pháp lý cho các giảng viên giáo lý đã được huấn luyện đầy đủ, ngõ hầu họ được thêm uy tín với dân chúng mà phục vụ đức tin” (x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Truyền Giáo, số 17).
Có bốn điều kiện thiết yếu để trở nên một Giáo Lý Viên giảng dạy giáo lý có hiệu quả. Đó là: sư phạm giáo lý, đời sống tâm linh, nhiệt thành tông đồ và vốn giáo lý.
Giáo lý viên cần được bồi dưỡng liên tục tại các giáo xứ và các khoá huấn luyện cấp giáo hạt giáo phận và toàn quốc để xứng đáng với ơn gọi sứ mạng giáo dục đức tin cho các thế hệ trẻ.
Kim Ngọc 13.7.2009