Làm thế nào để người công giáo Việt-Nam ngày nay tích cực tự xây dựng đời sống nội tâm và nuôi dưỡng Đức Tin trong một thế giới hiện đại đầy tính thế tục như hiện nay ?
Bài viết của Trịnh Nhất Định
* Vài cảm nghĩ về vấn đề giáo dục Đức Tin theo phương pháp truyền thống Việt – Nam :
1/ Phần lớn người công giáo VN chúng ta, từ xưa tới nay, đều lãnh nhận bí tích Rửa tội khi còn ẵm ngửa và được dạy về Đức Tin theo tuổi lớn khôn…
2/ Những điều chúng ta học hỏi về Đức Tin từ nhỏ đến lớn đã từ từ thấm vào tâm hồn chúng ta và nhờ đó chúng ta sống đạo tốt hơn…
3/ Những hình thức mà chúng ta học hỏi về Đức Tin thường bắt đầu từ sự chỉ dạy và gương sáng của ông bà, cha mẹ là những trụ cột đức tin trong gia đình. Sau đó là sự tiếp nối trong những lớp giáo lý của giáo-xứ hay tại các trung tâm mục vụ của giáo-phận, những bài giảng của cha xứ vào những ngày chủ nhật và lễ trọng, những lá thư mục vụ của Hội Đồng Giám MụcVN, và nhiều hình thức khác như những bài giảng trên những phương tiện truyền thông đại chúng. Những hình thức kể trên là những yếu tố quan trọng cho việc hình thành đức tin công giáo của chúng ta.
4/ Trường hợp của phần lớn những người tân tòng thì tiến trình học hỏi về Đức Tin được tập trung và ngắn gọn hơn.
** Đề nghị một phương pháp mới cho vấn đề giáo dục và nuôi dưỡng Đức Tin trong thời đại đầy biến động gay gắt như hiện nay.
Phương pháp truyền thống trong giáo dục đức tin của người công giáo Việt Nam chúng ta trên đây thật đáng trân trọng vì nó đã đem lại cho chúng ta sự phát triển rất lớn trong việc nuôi dưỡng đức tin và sống đạo của chúng ta từ nhiều thế kỷ qua. Đó là một sự thật. Bằng chứng : giáo hội công giáo Việt Nam từ đầu đến nay đã nhờ phương pháp đó mà phát triển mạnh mẽ, nhất là đã có nhiều vị thánh tử đạo, nhiều tín hữu sống đời sống đạo rất thánh thiện … chờ ngày được cứu xét phong chân phước, phong thánh …
Tuy nhiên, vì thế giới ngày nay đã thay đổi quá nhanh, quá gay gắt, vì xã hội Việt Nam ngày nay không còn là một xã hội nông nghiệp như trong thế kỷ 20 : êm đềm, nề nếp, ngoan hiền… nên đã làm cho một số linh mục Dòng cũng như Triều, một số Tu sĩ và một bộ phận không nhỏ giáo dân đã rơi vào tình trạng khủng hoảng về Đức Tin, sa sút về trí thức triết học và thần học Kitô giáo…Như thế, nếu phương pháp truyền thống trong giáo dục đức tin ngày xưa tỏ ra rất hữu hiệu, thì nay lại xem ra khó phát huy được tối đa sự phong phú và đa dạng của đời sống đức tin ... Vì thế, phương pháp giáo dục đức tin ngày nay phải có những nét mới, hiệu quả hơn, tiến bộ hơn, đặc thù hơn, hầu chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị hụt hẫng, hoang mang, lo sợ… trái lại sẽ cảm thấy tự tin hơn, vui hơn, tiến bộ hơn, hạnh phúc hơn trong đời sống đạo – đời của mình.
Chính vì muốn phát huy sức mạnh của đức tin hơn nữa mà tôi đề nghị bổ túc thêm một phương pháp cơ bản hơn, nhân bản hơn, sâu sắc hơn , tích cực hơn, hạn chế được nhiều thiếu sót, nhiều biểu hiện phi đạo đức, phi đức tin mà chúng ta thấy xuất hiện ở một số gia đình, một số cộng đoàn…gây nhức nhối và chia rẽ.
Đó là phương pháp “tích cực tự xây dựng đời sống nội tâm và nuôi dưỡng đức tin” dành cho các thành viên thiện chí trong gia đình và các cộng đoàn … ngày nay.
Phương pháp truyền thống đôi khi làm cho chúng ta mang tính thụ động, tính đối phó trong việc tiếp thu những kiến thức về đức tin và sống đức tin, còn phương pháp “tích cực tự xây dựng đời sống nội tâm và nuôi dưỡng đức tin”, thì làm cho phong cách sống đức tin của chúng ta mang tính tự chủ động hơn, tự sáng tạo hơn, tự nhận trách nhiệm hơn.
Đó là điều rất quan trọng. Và có thể nói đó là một nét “cách mạng” của việc sống đức tin ngày nay.
Quả thật, có tự chủ động mới có nhiều sáng tạo, nhiều tự do; có nhiều sáng tạo, tự do thì mới có tinh thần trách nhiệm cao; có tinh thần trách nhiệm cao mới có đời sống nội tâm của con cái Chúa phong phú, vững mạnh và sâu sắc.
Ước mong phương pháp này thích hợp với mọi gia đình, mọi cộng đoàn dân Chúa,với giới tu sĩ nam nữ, và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho đời sống đức tin…
Vậy, phương pháp tích cực tự xây dựng đời sống nội tâm và nuôi dưỡng đức tin là gì? Nó được tập luyện như thế nào? Nó đem lại những thành quả gì?
* Phương pháp tích cực tự xây dựng đời sống nội tâm và nuôi dưỡng đức tin :
Phương pháp tích cực tự xây dựng đời sống nội tâm sâu sắc và nuôi dưỡng đức tin ngày thêm vững mạnh của chúng ta hệ tại ở những điểm chính yếu sau đây :
1. Sống đạo một cách có ý thức cao, có óc tiến bộ cao :
Muốn tích cực tự xây dựng đời sống nội tâm sâu sắc và nuôi dưỡng đức tin ngày thêm vững mạnh thì trước hết phải luyện tập sống đời sống đạo có ý thức cao và óc tiến bộ cao.
Thật vậy, như chúng ta đều biết : con người sống khác với con vật ở chỗ con người sống có ý thức, một ý thức luôn được nâng cao, hoàn thiện, tiến bộ, còn con vật chỉ sống theo bản năng.
Trên phương diện tôn giáo cũng thế, ngày nay, sống đức tin chủ yếu là sống, một cách có ý thức cao và óc tiến bộ cao những tín điều, những chân lý được mặc khải mà Giáo hội dạy trong Kinh Tin Kính …
Xin nói rõ thêm: sống đạo có ý thức cao và tinh thần tiến bộ cao trước tiên là hiểu rõ, cặn kẽ, sâu sắc những điều mình tin, sự hiểu biết đó phải được cập nhật hóa, được tiến bộ theo thời đại. Nói cách khác, phải liên tục học hỏi về những điều mình tin một cách tích cực, sáng suốt, năng động, theo một nền thần học dấn thân (théologie engagée), mang tính thời đại, chứ không phải một nền thần học khép kín, mang nhiều bụi bặm của quá khứ còn nhiều hạn chế, vô cảm, rập khuôn, vu vơ, lơ lửng giữa trời, quá hình thức…
Chúng ta dư biết rằng : trừ những mặc khải ra, không phải toàn bộ những nét thần học của Thánh Phao-lô đều thích hợp cho việc sống đạo của chúng ta ngày nay, vì bất cứ một nền thần học nào – như thần học của Thánh Phao-lô tông đồ, hay của Thánh Thomas d’Aquin (1225-1274) tiến sĩ hội thánh chẳng hạn,--- cũng đều có tính dấn thân vào thời đại của họ để dạy dỗ, truyền đạo cho thời đại đó.
Vì thế, thời đại của chúng ta ngày nay tuy cũng học hỏi các nền thần học trước nhưng phải chủ động đưa ra một thần học mục vụ dấn thân mới, đặc thù của chúng ta cho thế kỷ 21 này, không rập khuôn một cách máy móc với những thần học trước đây và được giảng dạy trong các lớp giáo lý, các chủng viện, nhà tu…. Có như thế mới gọi là sống đạo có ý thức, có sáng tạo, có tiến bộ, có tự do của con cái Chúa. Nếu sống đức tin mà không có ý thức cao và có óc tiến bộ cao về những điều mình tin thì đời sống đức tin đó chỉ là máy móc, rập khuôn, nghèo nàn, buồn tẻ, lỗi thời và nhiều nguy hiểm...
Vậy, sống đức tin một cách có ý thức cao, có óc tiến bộ cao chủ yếu bao gồm những xác tín gì ?
Thưa, nó bao gồm những xác tín cơ bản sau đây:
Xác tín 1 :
Toàn thể các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn đều cảm thấy cần xác tín rằng Thiên Chúa thật sự hiện hữu. Thiên Chúa dựng nên trời đất, vạn vật. Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi sai con một của Người là Chúa Giêsu xuống trần gian mặc lấy xác phàm, chết trên thập giá để cứu chuộc loài người khỏi ách nô lệ của tội lỗi, để loài người được gọi Chúa là Cha, vv…
Xác tín 2 :
Toàn thể các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn… đều cảm thấy cần xác tín rằng: Chúa luôn hiện diện cách âm thầm, cách tiềm ẩn trong nội tâm sâu xa của chính mình. Chỉ cần ta nhớ đến Chúa, kêu cầu Chúa thì ngay lập tức Chúa có mặt, ở sát bên ta, nghe ta nói, ra tay cứu giúp ta ngay.
Nếu ta không xác tín vào sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong nội tâm ta, bên cạnh ta, nghe ta nói, nói với ta, thì ta sẽ sống một đời sống duy lý trí đầy khô khan tẻ nhạt, dửng dưng, máy móc, dễ dẫn đến chủ nghĩa phi lý (absurde) hay chủ nghĩa vô thần (athéisme), dễ bị ma quỉ kích động đưa ta đến tội ác, diệt vong, bỏ đạo khi bị thử thách, cám dỗ…
Xác tín 3 :
Tất cả các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn… đều cảm thấy cần xác tín rằng: mình và gia đình, cộng đoàn mình phải nhận trách nhiệm về những gì mình đã làm và không dám làm. Nói cách khác, phải thường xuyên tự vấn để xem mình đã sai sót gì, phạm tội gì mất lòng Chúa và xúc phạm đến anh em…để kịp thời ăn năn sửa đổi đời sống. Như thế, chắc chắn sẽ luôn luôn có Chúa ngự trong tâm hồn mình, trong nội tâm mình, yêu thương mình…
Xác tín 4 :
Tất cả các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn … phải cảm thấy cần xác tín rằng mình phải luôn luôn tích cực tự luyện tập sự trở về với chính mình, xây dựng một đời sống nội tâm sâu sắc để nội tâm mình trở thành “đền thờ” của Chúa.
- Sống nội tâm một cách năng động, sâu sắc :
a/ Sống nội tâm là gì ? Phương pháp này có cần thiết, cấp bách không ? Có dễ tập luyện không ?
Đặc điểm thứ hai cũng quan trọng không kém đặc điểm thứ nhất, đó là: Sống nội tâm. Sống nội tâm là tự quay về với chính mình, trực diện với chính mình, suy tư về chính mình một cách năng động và sâu sắc để tạo tiền đề cho sự cảm nghiệm về sự hiện diện và tác động đầy yêu thương của Chúa trong nội tâm mình.
Như thế, theo chúng tôi kinh nghiệm, thì xác tín 4 là cần thiết, quan trọng và cấp bách hơn cả đối với chúng ta ngày nay và trong tương lai. Vì sao? Vì nhiều người chưa nghe nói tới sự tuyệt vời của phương pháp “tích cực tự xây dựng đời sống nội tâm và nuôi dưỡng đức tin …”này, nên chưa cảm thấy nó là quan trọng, chưa hiểu được rằng: sự quay về với chính mình, sự tịnh tâm, sẽ dẫn đến hạnh phúc lớn lao, sẽ làm cho đức tin của chúng ta thêm mạnh mẽ, không sợ bất cứ khó khăn, thách đố nào ...
Ngoài ra, cũng có nhiều người còn lầm tưởng rằng sự tập luyện “trở về với chính mình” là bất khả thi vì họ cho rằng: sống trong xã hội và thế giới ngày nay mà tạo được một đời sống nội tâm là chuyện gần như không tưởng, vì xã hội, thế giới ngày nay đầy biến động…nhiều giá trị bị đảo lộn, nhiều bất công, xảo trá, đầy sự tôn sùng vật chất … Do đó mỗi khi người ta mở mắt ra là đã bị cuốn hút vào vòng xoáy mưu sinh, ganh đua, đối phó thì làm sao có giờ rảnh để mà tịnh tâm, suy niệm lời Chúa. Ngoài ra, việc nuôi dạy con cái quá vất vả, tốn kém và qúa nhiêu khê, bất cập; môi trường sống tự nhiên đầy ô nhiễm, bụi bặm, đinh tai nhức óc bởi vô vàn âm thanh hỗn độn của xe cộ, tiếng hát karaoke sặc mùi men rượu, ca nhạc từ quán xá nhộn nhịp thình thình muốn làm bật con tim ra khỏi lồng ngực…mà cứ phải lo âu vật lộn với cơm áo gạo tiền, với bao nhu cầu vật chất, phải đối phó với vô số mưu mô xảo quyệt của những “Lý Thông thời hiện đại”… khiến nhiều khi người ta bị chìm lỉm mất hút như búp nấm nhỏ nhoi trong nồi lẩu tả pí lù đang sôi sùng sục…thì còn đầu óc nào, thời giờ đâu để “quay về với nội tâm”, để lòng mình chìm lắng vào cõi “một mảnh tình riêng ta với ta” (Bà huyện Thanh Quan, bài Qua đèo Ngang) cho được !
Hơn nữa, nhiều người cho rằng : sự quay về với đời sống nội tâm không hề đem lại tức thời những giá trị vật chất cần thiết. Họ viện câu nói trong dân gian:
“Có thực mới vực được đạo” để lý giải cho sự hờ hững, ù lì, thói chàng màng, hời hợt, vô trách nhiệm của họ, và họ còn cho rằng không trở về với nội tâm cũng có chết đâu mà sợ.
Thật ra, họ chưa hiểu hết ý nghĩa của sự quay về với nội tâm là vì chưa có ai cắt nghĩa đầy đủ để họ có thể hiểu đến nơi đến chốn phương pháp này.Vì thế họ sống đức tin theo kiểu đối phó, miễn sao mọi sự đều “ổn” là tốt rồi. “ổn” với tha nhân và nhất là với chính mình, lương tâm mình “ổn” là được.
Từ xưa đến nay họ chỉ được dạy cho biết rằng : có Chúa, vì ta có thể chứng minh được là có Chúa qua lập luận sau đây : để có cái nhà này thì phải có người làm ra nó. Cũng vậy, có thế giới này là vì có đấng dựng nên nó. Đấng đó là Thiên Chúa. Nói cách khác, chắc chắn có Thượng Đế vì có công trình của Ngài. Họ lập luận kiểu triết học cổ điển như thế là rất đúng, không ai phủ nhận được: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ, con người …
Nhưng, chỉ lập luận và tin như thế thì khó có thể cảm thấy cần có tình thương của Chúa hiện diện ngay trong trái tim, trong nội tâm mình, và vì thế khó có thể dễ dàng nhớ đến Chúa, kết hợp với Chúa cách sâu xa, khó có thể sống tâm tình với Chúa, trái lại, dần dần lơ là Chúa, lẩn tránh Chúa, hoài nghi Chúa, phản bội Chúa.
Vì thế, muốn sống đức tin, muốn nuôi dưỡng đức tin một cách vững mạnh, nhân bản và có tình cảm sâu sắc thì chúng ta phải can đảm vượt lên trên mọi khó khăn và nhất là biết cách xây dựng đời sống nội tâm và nuôi dưỡng đức tin.
b/ Hành trình xây dựng đời sống nội tâm và nuôi dưỡng đức tin:
Đời sống nội tâm đối với các thành viên của gia đình và cộng đoàn ngày nay là quan trọng nhất, vì chính trong nội tâm mà đức tin được gieo mầm, được nuôi dưỡng và trưởng thành.
Muốn đạt được đời sống nội tâm trưởng thành, phong phú tuyệt vời thì mỗi thành viên gia đình và cộng đoàn phải có quyết tâm mạnh mẽ và một ý chí kiên cường vì việc xây dựng đời sống nội tâm có rất nhiều đòi hỏi rất khó vượt qua. Nếu một thành viên không đủ ý chí và quyết tâm thì chắc chắn thành viên đó sẽ bị thất bại và ảnh hưởng xấu đến cả gia đình và cộng đoàn.
Như vậy, đời sống đức tin vững chắc đòi hỏi trước tiên việc xây dựng một đời sống nội tâm thật sâu sắc, vì trên nền tảng đó, đức tin mới có thể vững mạnh.
Muốn được như vậy thì, mỗi ngày, mỗi thành viên trong gia đình, cộng đoàn phải cố gắng dành ra một thời gian ngắn thật yên tĩnh, lúc đầu chỉ cần 5 phút, để xây dựng đời sống nội tâm.
Việc xây dựng có nhiều bước:
Bước 1 : Nhận thức về cái tôi.
Nhìn trên bình diện triết học Kitô giáo, bước đầu tiên trong hành trình đi đến việc xây dựng đời sống nội tâm Kitô giáo hoàn hảo là phải biết cách nhận thức đúng về nguồn gốc căn bản sâu xa của nó.
Muốn được như thế, ta phải nhận thức đúng về cái tôi. Bởi vì trong mỗi nhận thức về đời sống nội tâm của mình, ta đều thấy có hai cái tôi. Ví dụ khi ta nói: Tôi tự vấn tôi, thì có một cái tôi-tự-vấn và một cái tôi-được-tự-vấn . Cái tôi-tự-vấn là cái tôi chủ thể (sujet), còn cái tôi-được-tự-vấn là cái tôi đối tượng (objet).
Vậy cái tôi chủ thể và cái tôi đối tượng khác nhau như thế nào trong đời sống nội tâm của ta ?
Muốn phân biệt đúng, ta phải có cái nhìn đúng. Trong vấn đề này có hai cách nhìn : một cách nhìn từ bên trong hữu thể tôi và một cách nhìn từ bên ngoài hữu thể tôi.
Cách thứ nhất : Nhìn từ bên trong : Cái tôi chủ thề
Nếu nhìn đời sống nội tâm từ bên trong, ta thấy cái tôi chủ thể là một cái tôi luôn cảm thấy sự cô đơn lạc loài, sự bất lực, sự yếu đuối, sự mỏng manh, vì thế nó luôn khát khao tìm kiếm, mong đợi, cầu xin Đấng toàn năng đến cứu giúp nó, an ủi chở che nó, yêu thương nó, như khát khao gặp được người “bạn tình” (Diễm Ca 1:9), như tân nương khát khao mong đợi tân lang (Isaie 61:10; Mt 9:15; Mt 25:1; Khải Hoàn 21:2).
Chính nhờ khát vọng, mong đợi, cầu xin thiết tha đó mà Chúa đã có mặt ngay, vì Chúa luôn hiện diện cách tiềm ẩn trong nội tâm nó. Và từ lúc đó, đời sống nội tâm của nó trở nên sống động, phong phú tuyệt vời. Nhưng nếu thiếu vắng Đấng toàn năng ấy thì đời nó sẽ rơi vào cõi hư vô.
Làm sao ta biết được cái tôi chủ thể có vai trò quyết định trong việc xây dựng đời sống nội tâm Kitô giáo sống động như thế? Thưa, ta chỉ có thể cảm nghiệm, tin được thôi. Ta không thể lấy những phương pháp khoa học như phân tâm học, tâm lý học để phân tích những cảm nghiệm của cái tôi chủ thể được, vì chúng thuộc đời sống tâm linh. Chỉ có cái nhìn từ bên trong mới hiểu được. Nói cách khác, ta chỉ có thể dùng đức tin mà cảm nghiệm được. Ta tin là Chúa đã thương ta, thương gia đình ta, thương cộng đoàn ta…nhận lời cầu nguyện của ta, nên ta,con cái ta, gia đình ta, cộng đoàn ta mới có thể sống thánh thiện, đồng thời thành đạt cao và thoát được đời sống tội lỗi, xì ke, ma túy, vv….Chính Chúa đã ban cho chúng ta khả năng tin như thế. Nói cách khác, chúng ta có được đức tin trước khi chúng ta tin. Như thế, Đức tin là ân huệ nhưng không (don gratuit) của Thiên Chúa ban cho chúng ta và nhờ đó chúng ta mới có thể tin vào Chúa được (Xem 1Cor.11:3).
Tóm lại, nhìn từ bên trong cái tôi chủ thể là tin vào sự hiện diện và ơn huệ của Chúa ban cho ta vậy.
Cách thứ hai: Nhìn từ bên ngoài : Cái tôi đối tượng.
Nếu nhìn đời sống nội tâm từ bên ngoài, ta thấy cái tôi đối tượng luôn hướng ngoại, hướng về đời sống thường ngày, về nghề nghiệp, về vấn đề giáo dục con cái, về những gì liên quan đến vấn đề cơm áo gạo tiền, về những đam mê tự nhiên vv…
Nếu không được thánh hóa bởi sự hiện diện và tác động của Chúa thì những cách sống của cái tôi đối tượng sẽ chỉ có giá trị tự nhiên. Những thành bại của nó không mang dấu ấn của ơn cứu chuộc. Các hành động của nó cũng nhiều khi thiếu văn hóa Kitô giáo.
Để dễ hiểu sự quan trọng của cái tôi chủ thể trên cái tôi đối tượng, tôi xin lấy một ví dụ cụ thể. Trong một gia đình công giáo mà cha mẹ không biết cầu nguyện tha thiết hàng ngày cho con cái, không biết dạy con cầu nguyện, tịnh tâm, sống mật thiết với Chúa, thì gia đình đó còn sống theo đời sống của cái tôi đối tượng, chỉ biết hướng ngoại. Con cái của họ sẽ dễ dàng chạy theo nhu cầu của đam mê thế tục.
Còn trong gia đình công giáo mà cha mẹ biết cầu nguyện cho con cái ngay từ khi con cái còn ở trong bụng mẹ, biết dạy con cái sống theo Lời Chúa, thì gia đình đó đã sống đức tin trọn vẹn. Họ đã hiểu biết và xây dựng đời sống nội tâm cho cả gia đình. Như thế, họ sống đức tin theo cách nhìn từ cái tôi chủ thể.
Trong một cộng đòan giáo xứ, dòng tu cũng thế, nếu biết sống nội tâm sâu sắc thì sẽ có nhiều vị thánh, trái lai, nếu chỉ sống lời Chúa một cách hời hợt, chạy theo cái bên ngoài thì giáo xứ đó, dòng tu đó sớm muộn cũng sẽ thất bại…
Do đó, vấn đề chủ yếu ở đây là: Khi ta trở về với nội tâm ta, ta phải cầu nguyện nhiều thì ta mới nhận ra được đúng cái tôi chủ thể, ta mới cảm thấy ngay được sự cần có Chúa . Còn nếu ta chỉ thấy cái tôi đối tượng thì nhiều khi không cảm thấy cần ngay sự hiện diện của Chúa trong nội tâm ta, trái lại, ta chỉ thấy cần ngay những sự thuộc về trần gian như cơm áo gạo tiền . Như thế ta không thể thấy Chúa hiện diện ngay trong nội tâm ta, và ta sẽ sống dửng dưng như những người không có đạo, không có đức tin…Chỉ khi nào ta bị thất bại ê chề, bị dồn vào bước đường cùng thì ta mới chịu phép trở lại tìm Chúa, ta mới khát khao sự trợ giúp của Chúa, nhưng đôi khi ta cũng bị thất vọng thê thảm, tuyệt vọng nên dễ tự tử, bỏ đạo…
Như thế, nhờ nhận ra rằng có đức tin nằm trong đáy lòng, trong nội tâm ta mà ta được hạnh phúc hơn bao người khác …
Nếu đức tin của người công giáo phát sinh từ sự cảm nghiệm sự cô đơn lạc loài của tâm hồn, cảm nghiệm sự cần thiết phải có sự hiện diện tuyệt đối của Chúa trong tâm hồn mình, trong nội tâm mình thì thử hỏi đức tin ấy có phải là đức tin ấu trĩ, đức tin vụ lợi hay không? Đức tin ấy có phải là mê tín dị đoan mà một số người lên án hay không ?
Thưa, đức tin được phát sinh như thế hoàn toàn không ấu trĩ, không vụ lợi, không mê tín dị đoan vì bản chất của nó hoàn toàn xây dựng trên sự khát khao sống lời Chúa theo Tám mối phúc thật trong bài giảng trên núi: “Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo, vì nước Trời là của họ. Phúc cho những kẻ ưu phiền vì họ sẽ được an ủi…Phúc cho những kẻ đói khát công chính vì họ sẽ được no đầy… (Mt 5: 1-12), vv…
Trở về với nội tâm sâu xa của mình là trực diện với chính bản chất khiêm nhượng, nhỏ bé, cô đơn, cô thân cô thế của mình để cầu xin Chúa đến ngay với mình và mình được vững tin vào Chúa, được Chúa an ủi, được Chúa chở che yêu thương, được Chúa cứu chuộc, được có Chúa làm gia nghiệp. Như thế, đức tin đó hoàn toàn là đức tin trưởng thành.
Sự cô đơn lạc loài không thể, tự nó, đẩy những người có đức tin trưởng thành vào bước đường cùng, coi cuộc đời, cuộc sống nội tâm là phi lý (absurde) như một số nhân vật trong tiểu thuyết của Albert Camus. Nó cũng không thể cưỡng bức, dụ dỗ họ bước vào con đường ăn chơi sa đọa như một số nhân vật trong tiểu thuyết của Jean – Paul Sartre, hay của Francoise Sagan, vì ngay trong sự cô đơn lạc loài đó đã tiềm ẩn sự chờ đợi cứu giúp của Chúa. Chỉ cần ta kêu cầu Chúa là Chúa sẽ ra tay chở che, an ủi, nâng đỡ ngay…để ta sống bền vững trong tình yêu thương của Chúa…
Chúng ta thấy, từ sự cô đơn lạc loài đó, mỗi người chỉ cần kêu cầu Chúa thì Chúa sẽ có mặt ngay. Vậy, không ai tin vào Lời Chúa mà lại không làm được việc ấy, vì lời cầu xin này rất dễ thực hiện. Không phải chỉ có những nhà thần học danh tiếng như Karl Rahner (1904-1984) hay Hans Kung (1928…) hoặc các linh mục học cao trông rộng hay các bậc tu sĩ có bề dầy tu trì thâm niên mới làm được.
Trái lại, ai muốn làm là làm được, vì có Chúa luôn hiện diện ngay bên cạnh ta và cứu giúp ta. Sự tập luyện hàng ngày sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp.
Nhưng nếu các thành viên trong gia đình và cộng đoàn không quyết tâm xây dựng và nuôi dưỡng đức tin thì cuộc sống của họ chẳng khác nào cuộc đời của các con robot-người. Nó được chế tạo theo hình dáng của con người. Nó biết chào hỏi, biết cám ơn, biết làm hướng dẫn viên du lịch và làm được một số việc như người. Nhưng con robot vẫn chỉ là sản phẩm của khoa học kỹ thuật, vẫn chỉ là một cái máy. Nó không bao giờ là con người vì nó không có đời sống nội tâm sâu xa.
Nó không thể tự mình nhìn mình được, không thể có “một mảnh tình riêng ta với ta” được, vì nó không có “cái bên trong”, nó chỉ có “cái bên ngoài” mà thôi. Nó không thể trực diện với nó được. Nó không thể nhìn lại chính nó được. Nó không thể tự yêu nó được. Nó chỉ có kiến thức. Nó không có ý thức về đời sống nội tâm của nó được. Mà, như chúng ta đều biết, kiến thức thì không thể thay thế ý thức được. Ý thức mới bao la, phong phú, sâu sắc, còn kiến thức thì có hạn.
Tóm lại, để kết luận về bước 1 của việc xây dựng và nuôi dưỡng đời sống đức tin chúng ta có thể nói : khi các thành viên trong gia đình và cộng đoàn càng nỗ lực đi sâu vào nội tâm của mình thì càng thấy rõ được mình, nhất là thấy thân phận của mình là cô đơn lạc loài, là hữu hạn, là nhỏ bé, vì thế lại càng khát khao có sự hiện diện của Đấng Toàn Năng để giải thoát mình khỏi cái hữu hạn, để Đấng đó yêu thương, chở che và cứu rỗi mình.
Từ sự khát khao mãnh liệt ấy, họ sẽ cảm thấy được gần gũi với Chúa hơn bao giờ hết, thấy Chúa hiện diện ngay trong nội tâm mình, thương yêu mình .
Bước 2 : Cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa, kết hợp với Chúa và thực thi đức Bác Ái…
Nhìn trên bình diện thần học, mục đích của việc tập luyện đời sống đức tin trong nội tâm sâu xa là cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và những tác động của Ngài trong ta, sống kết hợp với Chúa và thực thi đức Bác Ái với những người anh chị em của mình.
Làm thế nào để đạt được mục đích đó?
Như đã nói ở trên: mỗi ngày, các thành viên phải bỏ ra một khoảng thời gian ngắn để tập luyện quay về với nội tâm an bình và biến nó thành một thói quen, một nề nếp thánh thiện.
Mỗi người sẽ hướng lòng mình về với Chúa và sẽ dễ dàng nhận thấy được những điều kỳ diệu đang xảy ra trong nội tâm sâu xa của mình. Đó là những cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa và những hoạt động kỳ diệu của Ngài. Những cảm nghiệm ấy không phát xuất từ đời sống thường ngày, hoàn toàn khác với những cảm xúc của bản năng, vì chúng là biểu hiện của một sức mạnh thiêng liêng, vô hình, mầu nhiệm. Chúng xuất hiện một cách rất mật thiết trong nội tâm sâu xa của chúng ta. Chúng vừa thân thiết với ta vừa mang một dấu ấn hoàn toàn vượt trên giới hạn của thân phận người của chúng ta. Lúc đó, đứng trước sức mạnh thiêng liêng siêu phàm và những hoạt động kỳ diệu ấy, chúng ta sẽ cảm thấy không thể không công nhận : Chúa đang hiện diện và hoạt động trong nội tâm sâu xa của mình. Sự xuất hiện của Chúa, sự hiện diện của Chúa, ta chỉ có thể cảm nghiệm được mà thôi. Chúng không phải là kiến thức. Chúng là cảm nghiệm, chúng thuộc về lãnh vực tâm linh, không thuộc lãnh vực khoa học thực nghiệm hay khoa học xã hội.
Hai sự thật đó (sự công nhận Chúa đang hiện diện và Chúa đang hoạt động trong nội tâm) có thể tạo nên cách sống đức tin rất độc đáo, rất đẹp, rất huyền diệu, rất đặc trưng của người công giáo chúng ta ngày nay.
Hơn nữa, nhờ sự cảm nghiệm này, nhờ sự hiện diện của Chúa trong ta đó, ta ý thức được một điều rất quan trọng này : cách sống đức tin ở các thời đại thì đều có cái giống nhau và có cái khác nhau. Nội dung của đức tin vốn là ân huệ của Chúa ban cho loài người chúng ta qua mọi thời đại thì vẫn luôn luôn là một, là giống nhau, vì “Đức Yêsu Kitô hôm qua, hôm nay vẫn là một, và cho đến muôn đời” (Do Thái 13:8) không thay đổi. Cách sống đức tin thì không thể không giống nhau trong những nét chính, còn trong những nét phụ thì lại phải khác nhau. Cách sống đức tin của chúng ta ngày nay cũng như thời các Thánh Tông Đồ, thời các cộng đoàn tiên khởi hay các thời đại khác thì đều giống nhau ở chỗ sống đức tin là phải sống thích nghi với thời đại của mình, với Nhà Nước của mình và với toàn thế giới. Sống thích nghi không có nghĩa là đánh mất bản chất đức tin của mình, hay chỉ sống nửa vời, cũng không có nghĩa là luồn lách, hèn nhát, mà phải là đem đức tin của mình “dấn thân”, một cách khôn ngoan, vào tất cả những vấn đề nổi cộm của xã hội, của thế giới để cải tạo chúng theo giáo huấn của Chúa. Ví dụ : hiện nay, trên quê hương Việt Nam của chúng ta, đang có một vấn đề làm đau lòng và phẫn nộ cả nhân loại, đó là vấn đề “chất độc màu da cam”, như nhiều báo chí trong nước đã đưa tin. Báo Tuổi Trẻ đăng tải trên nhiều số, đặc biệt những số thứ bảy ngày 16/5/2009, trên trang nhất, với tít lớn : “Phiên tòa công luận quốc tế vì nạn nhân chất độc màu da cam VN: Tiếng nói của lương tri” và số ngày thứ ba 19/5/2009 cũng trên trang nhất, cũng với tít lớn : “Kết luận của phiên tòa công luận quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam : “Diệt chủng môi trường”, và báo Thanh Niên, cách riêng số ra ngày thứ ba, 19/5/2009, cũng đăng bài “Phán quyết của Tòa án ủng hộ nạn nhân chất độc da cam / dioxin VN”. Đứng trước những nỗi đau của toàn nhân loại đó, chúng ta phải đem ánh sáng đức tin công giáo chiếu soi vào chúng để chúng ta có một thể hiện công bằng và bác ái đối với những người anh em khốn khổ, thiệt thòi của chúng ta. Nếu chúng ta không làm điều này thì chúng ta còn thiếu sót với Chúa và với tha nhân.
Một nét đặc thù nữa của phương pháp “tích cực tự xây dựng và nuôi dưỡng đức tin…” là: mỗi thành viên, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn…khi đem đức tin của mình sống “dấn thân” sâu vào trong xã hội, trong thế giới, thì chúng ta luôn luôn phải có ý thức vâng lời tuyệt đối đường lối mục vụ của Hội Đồng Giám Mục VN. Đương nhiên chúng ta không buộc phải theo đường lối riêng của cá nhân một Giám mục nào đó, nhưng đối với đường lối chung của HĐGM VN thì chúng ta bắt buộc phải theo, vì HĐGMVN là Đại diện khôn ngoan của Tòa thánh, của Chúa Kitô, và Giáo hội vâng lời Chúa Kitô, cũng như Chúa Kitô vâng lời Đức Chúa Cha. Vâng lời như thế là bản chất tốt lành thánh thiện của Đạo Công giáo chúng ta. Chúng ta là con cái Chúa, chúng ta phải vâng theo những vị đại diện chính thức của Chúa. Dĩ nhiên, vâng phục có ý thức và tự do, không bị miễn cưỡng, không ù lì.
Như thế, sống đạo, sống đức tin ngày nay là chúng ta không ngừng tích cực tự tìm kiếm cho mình con đường dẫn tới nội tâm của ta, ở đó ta có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa, là xác tín vào tình yêu thương vô bờ bến của Chúa và sự cứu rỗi của Chúa dành cho từng người, và nhất là ở đó chúng ta có thể, cùng với cả giáo hội, sống trọn vẹn luật bác ái của Chúa đối với anh em đồng bào sống ngay bên cạnh chúng ta …
Chính nhờ ơn Chúa mà người công giáo VN ngày nay dễ dàng nhận thức đúng đắn được về đức tin của mình, về trách nhiệm của mình đối với Chúa và đối với Giáo hội, đối với đất nước, nhất là đối với những người anh em khốn khổ của chúng ta ... Như thế, cùng với giáo hội VN. chúng ta được Chúa mời gọi “nên thánh”, “sống thánh” ngay trên quê hương yêu dấu, chia sẻ nỗi đau khổ với những người anh em đang vác thánh giá như Chúa ngày xưa và ngày nay. Chính lúc đó, chúng ta mới sống trọn vẹn Đức Bác Ái để có thể vui mừng nói như Thánh Phao Lô, rằng : ”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.(Xem Galat 2: 20)
Đôi lời kết luận:
Trên đây là phương pháp tích cực tự xây dựng đời sống nội tâm và nuôi dưỡng Đức Tin dành cho các thành viên trong gia đình và các cộng đoàn… có thiện chí đang phải sống trong một thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, gay gắt, thế tục hóa về mọi mặt, ít thuận lợi cho việc sống đức tin công giáo.
Hy vọng mọi người sớm thành công trong công việc luyện tập phương pháp này.
Sau đây là nhận xét và kinh nghiệm của tôi : Khi nào các bạn cảm thấy rằng trong nội tâm sâu xa của các bạn, các bạn không thể thiếu vắng bốn điều sau đây :
1/ Sự hiện hữu mật thiết của Chúa.
2/ Những tác động đầy tình thương của Chúa.
3/ Những lời dạy bảo của Chúa về điều răn trọng nhất : Mến Chúa – Yêu người.
4/ Sự chỉ đạo của HĐGMVN.
thì lúc đó các bạn đã thành công rồi. Đó là tiêu chí rất thực tế, rất cụ thể và rất hữu hiệu.
Nếu có những phút giây chán nản, xin các bạn hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều … chắc chắn Chúa sẽ nhận lời các bạn.
Chúc các bạn kiên trì tập luyện và sớm thành công…